Lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong về Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) giảm mạnh, tình trạng xâm nhập mặn tăng, ô nhiễm các kênh rạch…đã tác động tiêu cực tới khu vực ĐBSCL.
Đây là kết quả kiểm toán việc quản lý nguồn nước trên sông Mekong, khởi sự tháng ba đến tháng chín năm 2021, phối hợp giữa Khoa Tài nguyên nước của ba trong số sáu quốc gia thuộc lưu vực Mekong là Thái Lan, Myanmar và Việt Nam.
Công tác này được sự hỗ trợ chuyên môn và kỹ thuật của chuyên gia Indonesia, Malaysia, cùng các định chế quốc tế như Ngân Hàng Thế Giới (WB) Quỹ Kiểm toán &Trách nhiệm giải trình Canada (CAAF).
Khoa Tài nguyên nước của Việt Nam cho hay cuộc kiểm toán được triển khai tại bốn bộ, ngành thuộc Trung ương gồm Ủy ban sông Mekong Việt Nam, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn; chưa kể 12 tỉnh, thành thuộc lưu vực sông Mekong là An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Trà Vinh, Cà Mau, Hậu Giang, Bến Tre, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk.
Mục tiêu kiểm toán là đánh giá công tác quản lý tài nguyên nước, sự tuân thủ các cam kết quốc tế của Việt Nam trong quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Mekong hướng tới phát triển bền vững.
Mục tiêu khác quan trọng không kém là xem xét, xác định ảnh hưởng, tác động xấu từ việc suy giảm nguồn nước sông Mekong tại Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020.
Trong điện thư trao đổi với RFA gần đây, Tiến sĩ Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường, giải thích:
“Trong thời gian khoảng năm năm gần đây, toàn lưu vực sông Mekong, kể cả lưu vực sông Lan Thương của Trung Quốc, đã phải hứng chịu các đợt hạn hán khốc liệt và liên tiếp. Các mùa khô đến khô hạn 2015-2016 và 2019-2020, đã gây nhiều thiệt hại to lớn cho các quốc gia thành viên, đặc biệt các nước phía hạ nguồn”
“Trong bối cảnh đó tiếng nói và sức ép trên các diễn đàn hợp tác quốc tế và báo chí dư luận trong khu vực đòi hỏi phải nâng cao mức độ chia sẻ thông tin, số liệu đang ở mức yếu kém, để không chỉ hỗ trợ các quốc gia ven sông ứng phó với tình hình hạn hán cực đoan mà còn giúp xây dựng một cơ chế điều phối cho các hoạt động ứng phó chung trên toàn lưu vực”.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, Giáo sư Tiến sĩ Vũ Trọng Hồng, khẳng định:
“Việc những ngành Tài nguyên nước Việt Nam và các nước ở khu vực Châu Á, thống nhất với nhau về nguồn nước sông Mekong đổ về hạ lưu mà Việt Nam phải hứng chịu hậu quả, là điều không chỉ Nhà nước đã đề nghị mà các chuyên gia Việt Nam, các Hội Thủy lợi mà trước đây tôi làm chủ tịch, và cả Hội Đập lớn Việt Nam… cũng đã kiến nghị Nhà nước phải đặt vấn đề với các nước thượng nguồn trong việc phân phối nước về ĐBSCL”.
Kết quả kiểm toán chỉ ra những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý tài nguyên nước, kết hợp thêm các yếu tố như biến đổi khí hậu, sự gia tăng khai thác và sử dụng nước tại các quốc gia thượng nguồn lưu vực sông Mekong, dẫn đến tác động và ảnh hưởng tiêu cực tới Việt Nam mà rõ nét nhất là Đồng Bằng Sông Cửu Long. Đây là nơi sinh sống của hơn 17 triệu dân cư, cung cấp trên 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây của cả nước.
Số liệu cụ thể cho thấy lượng nước sông Mekong từ thượng nguồn về ĐBSCL năm 2020 giảm 157 tỷ m3 so với năm 2011. Cùng với đó thì lượng phù sa bùn cát năm 2020 cũng giảm tương ứng 14 triệu tấn so với năm 2017.
Đây là kết quả xác thực theo cái nhìn của Giáo sư Tiến sĩ Vũ Trọng Hồng:
“Trước đây là việc của Ủy ban Sông Mekong nhưng chỉ có tính chất nguyên tắc. Bây giờ phải kiến nghị cụ thể bởi vì Việt Nam ở cuối nguồn và nếu Việt Nam bị nguồn nước không có thì các nước khác cũng phải bị ảnh hưởng”
Thực tế thì các quốc gia đang tích cực thu gom nguồn nước từ sông Mekong, Giáo sư Vũ Trọng Hồng nhấn mạnh, không chỉ để làm thủy điện như Lào mà còn làm chuyển dịch dòng chảy ngang qua lãnh thổ của họ.
“Trong tài nguyên nước người ta rất hạn chế việc chuyển từ lưu vực này đến lưu vực khác bởi mỗi lưu vực có một lượng mưa nhất định để bảo đảm sinh thái. Chuyển nước làm lưu vực đó bị mất, cho nên ý kiến của các nhà khoa học, và về quốc gia, cũng đồng ý là chúng ta phải lên tiếng”.
Việt Nam đang thực hiện đề án về an ninh nước và cũng đã nhắc lại chuyện quan trọng này, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy Lợi Vũ Trọng Hồng giải thích tiếp:
“Sông Mekong đổ về Việt Nam trước đây khoảng gần 400 tỷ mét khối mà bây giờ nó mất đi khoảng 120 tỷ rồi. Chưa kể mất đi hoặc chuyển hẳn dòng chảy, chứ còn cái mất về thời vụ lại nhiều hơn. Bởi vì thủy điện (các nước) tới mùa khô thì tích nước lại để phát điện, mùa lũ họ xả thì ở dưới mới được. Cho nên cái 120 tỷ mất đi này chính là việc bị chuyển đi, bị lấy mất”
“Trong an ninh nước của Việt Nam cũng có đề cập đến vấn đề lớn bây giờ, là ĐBSCL phải tích cực lo trữ nước, đồng thời lo chuyển nước các vùng với nhau”
Việc các nước hợp tác với nhau để lên tiếng là tín hiệu tốt, GSTS Vũ Trọng Hồng nói , nhưng điều quan trong mà các nước phải chuẩn bị là:
“Bởi vì cái việc người ta đã chuyển sang lưu vực khác rồi, tức đã có công trình rồi, thí dụ Biển Hồ ở Campuchia người ta đã làm rồi, thì không thể nào lấy lại được. Và tôi biết nhiều nước bây giờ, thí dụ Trung Quốc, cũng chuyển nước ở những vùng khác lên phía Bắc của Trung Quốc. Ba nước lên tiếng phản đối việc chuyển nước lưu vực là đúng, có lẽ các nước khác dần dần phải cùng lên tiếng mới được”.
Sự việc ba nước phối hợp kiểm toán nguồn nước lưu vực Mekong sẽ không tới đâu nếu thiếu sự hợp tác thiết thực của Trung Quốc, là cảnh báo của GSTS Tô Văn Trường:
Đây là vấn đề khó về chiến lược, ông phân tích, khi Trung Quốc từ chối tham gia Ủy Hội Sông Mekong MRC mặc dù được mời. Trung Quốc không ký kết hiệp định MRC 1995 của 4 nước hạ lưu Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam là vì không muốn có sự ràng buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên:
“Ảnh hưởng vận hành thuỷ điện Trung Quốc sẽ giảm đi nếu các nước bên trên có biện pháp thích hợp bù đắp, thay vì gây ra thêm ảnh hưởng. Do đó Việt Nam phải thúc đẩy Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar, tạo áp lực với Trung Quốc, đồng thời yêu cầu TQ không làm xấu thêm tình hình mà nên hợp tác để giảm thiểu sức ép xuống Việt Nam”
“Việc luôn luôn than phiền là bị ảnh hưởng lớn nhất do tác động của Trung Quốc chỉ khiến TQ có cớ tăng thêm áp lực lên Việt Nam”
“Bốn quốc gia hạ lưu sông Mekong nên củng cố Ủy Hội Sông Mekong. Nếu các nước MRC bị chia rẽ hoặc một vài nước bị Trung Quốc mua chuộc, thì tiếng nói chung sẽ yếu thế. Chiến lược này tùy theo các nước hạ lưu thuộc MRC có đoàn kết được hay không”.
Được biết trên cơ sở kết quả kiểm toán, Khoa Tài nguyên nước đã kiến nghị Ủy Ban Sông Mekong Việt Nam xây dựng các văn bản hướng dẫn kỹ thuật về giám sát trong mục đích duy trì dòng chảy tối thiểu trên dòng chính và dòng nhánh sông Mekong.
Kiến nghị còn đề xuất việc hình thành các điều khoản chế tài cụ thể để giải quyết bất đồng giữa các quốc gia thành viên trong việc quản lý và sử dụng nguồn nước sông Mekong một cách công bình và hợp lý.