Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao tỉnh Thừa Thiên- Huế, Phan Thanh Hải vào ngày 7/11 cho truyền thông biết Ủy Ban Nhân dân (UBND) tỉnh này vừa gửi văn bản đến Thủ tướng Chính phủ cho pháp ‘xã hội hóa’ để mang ấn ‘Hoàng đế chi bảo’ về nước.
Tin nêu rõ văn bản của UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đưa ra hai phương thức xã hội hóa cho việc hồi hương ấn Triều Nguyễn. Một là huy động nguồn lực xã hội hóa cho Quỹ Bảo tồn Di sản Huế để cơ quan này thương lượng với hãng đấu giá Millon ở Pháp để mua lại. Hai là vận động mạnh thường quân là các tổ chức, cá nhân quan tâm thương lượng, mua lại ấn.
Ông Phan Thanh Hải cho rằng việc xin ngân sách Nhà nước để mua lại ấn “Hoàng đế chi bảo” vào thời điểm hiện nay là khó khả thị.
Vào ngày 1/11, Cục Di sản Văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam lên tiếng rằng trong thời gian tới cơ quan chức năng Việt Nam sẽ huy động mọi nguồn lực để đưa ấn vàng ‘Hoàng đế chi bảo’ về nước.
Cơ quan này cũng cho rằng việc hãng Millon đưa ấn “Hoàng đế chi bảo’” ra khỏi danh mục đấu giá ngày 31/10 vừa qua là một thắng lợi bước đầu của phía Việt Nam.
Trên trang chủ, hiện hãng đấu giá Millon nêu rõ “Do sự quan tâm mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam đối với món cổ vật số 101- chiếc Kim ấn của Vua Minh Mạng, chúng tôi xin thông báo trước rằng chúng tôi sẽ hoãn việc bán món cổ vật này đến buổi trưa ngày thứ Năm, mồng 10 tháng 11 năm 2022”.
Hôm 18/10, món bảo vật triều Nguyễn được hãng Millon thông báo sẽ đưa lên sàn đấu giá vào ngày 31/10/2022, với giá khởi điểm từ hai đến ba triệu Euro (khoảng 48,1 tỷ đồng đến 72,2 tỷ đồng).
Theo thông tin được Millon đưa ra liên quan đến món cổ vật triều Nguyễn, thì đây là ấn vàng của vua Bảo Đại đã lưu lạc tại Pháp suốt nhiều năm qua.