Hướng dẫn cách ly COVID-19 tại nhà: Chính sách nhất chổi nhị xô

Bộ Y tế vừa đưa ra hướng dẫn cho TP HCM các điều kiện thí điểm cách ly F1 tại nhà. Số liệu tới 18h (giờ Việt Nam) ngày 30/6/2021 từ Bộ Y tế cho biết, Việt Nam có gần 15.000 người nhiễm,  hơn 2.000 người cách ly tập trung tại bệnh viện, gần 50.000 người cách ly tập trung tại cơ sở khác, và 155,5 ngàn người cách ly tại nhà, nơi lưu trú (F2). Có 81 người tử vong do COVID.

Ba đợt dịch COVID trước, Việt Nam chưa hề nói đến cách ly F1 tại nhà. Nhưng đợt dịch thứ tư này, con số nhiễm bệnh có thể sẽ tăng đến mức nhân viên y tế không đủ lực để làm một lúc việc: vừa điều trị COVID và các bệnh khác, vừa xét nghiệm lấy mẫu truy vết, vừa quản lý ở các Khu cách ly tập trung.

Thế cho nên dù muộn nhưng chính sách này vẫn được người dân đón nhận hồ hởi. Mừng quá đi chứ, ở nhà điều kiện chăm sóc tốt hơn hẳn phải vào trại, lại giảm rất nhiều nguy cơ lây nhiễm chéo.

Cách ly chồng cách ly

Đã có nhiều trường hợp cách ly chồng cách ly: kiên nhẫn chờ cách ly đến ngày cuối, đùng phát khu cách ly tập trung phát hiện vài ca nhiễm, thế là phải cách ly lại từ đầu! Có người không bệnh không tật gì nhưng đã nằm trại đến 54 ngày. Thôi thế thanh xuân trôi hết 1/3 trong khu cách ly rồi còn đâu!
Và người già, những người mắt mờ chân chậm, sinh hoạt thường ngày hầu như đều phụ thuộc vào người thân, lại có nhiều bệnh nền cần chăm sóc tỉ mỉ? Vào cách ly tập trung, ngoài khả năng lây nhiễm chéo cực cao, họ có nguy cơ chưa chết vì COVID thì đã chết vì bệnh nền phát tác trên thể trạng suy yếu do không được chăm sóc đầy đủ. Những người khuyết tật, khiếm thị, khiếm thính… có nhiều khó khăn trong sinh hoạt làm thế nào để sống trong môi trường không quen thuộc, không có thiết bị hỗ trợ, cũng không cho phép ai được hỗ trợ? Những người là trụ cột phải chăm sóc người phụ thuộc trong gia đình, nếu họ đi cách ly tập trung ai sẽ chăm sóc gia đình họ?
Nếu cho phép cách ly tại nhà nếu thỏa mãn các điều kiện dịch tễ, Nhà nước sẽ giảm được rất nhiều áp lực về chi phí và nhân sự cho cách ly tập trung để dồn sức cho các việc khác cấp thiết hơn, như tiêm vắc-xin và điều trị người bệnh nặng.

Tuy nhiên, có lẽ xuất phát từ những tấm lòng mẹ hiền của Bộ Y tế nên ngôn ngữ văn bản của bản hướng dẫn khiến người thực hiện khá hoang mang. Y như cách đứa con vừa lớn xin phép đi chơi thì bà mẹ xả một tràng la phán: “Ờ mày đi đâu đi đi, giỏi đi luôn đi đừng có về nữa, đi hết bảy ngày đi, cái nhà này là cái nhà trọ mà, đâu có ai muốn ở, từ cha tới con từ sáng tới tối không thấy cái mặt ai trong nhà mà…”… Ủa hiền mẫu, vậy là cho đi chơi hay không cho đi chơi? Hay đuổi ra khỏi nhà luôn vậy? Con nên làm cách nào?

Một khu cách ly tập trung ở Việt Nam. Hình: Thành Nguyễn

Đầu tiên là một cái chổi hai cái xô

Trên mạng xã hội Việt Nam nhiều người đùa nhau về chi tiết này. Một cái chổi, hai cái xô, giẻ lau… là một trong những điều kiện cho phòng ở của người bị cách ly.

Có người cắc cớ hỏi: “Nhà tui xài robot hút bụi nên không có chổi, cũng không có hai cái xô mà xài thùng lau nhà chuyên dùng. Vậy có đủ điều kiện tự cách ly không?”
(Dĩ nhiên cắc cớ thôi chớ làm thiệt mà gặp mấy câu hỏi này chắc người thực hiện nổi điên, chổi bay-xô bay tới số!)

Tiếp tới là một cái thùng rác màu vàng và một cái thùng rác màu gì cũng được nhưng có lót túi màu xanh

Thùng màu vàng phải có lót túi màu vàng đựng chất thải lây nhiễm (khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng), có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”. Còn thùng lót túi màu xanh đựng chất thải sinh hoạt, có nắp đậy, mở bằng đạp chân.
Trước nay thùng rác màu vàng chỉ khuyến cáo dùng ở các nơi công cộng để dễ phân biệt, còn ở nhà riêng thì em dùng thùng kim tuyến có sẵn được không các bác? Miễn cái ruột trong đó được đổ đúng nơi đúng chỗ thôi mà?
Và tại sao thùng rác thải sinh hoạt phải có lót túi màu xanh? Hiệu quả thị giác giúp người bị cách ly cảm thấy thư giãn ư? Vậy mình dùng túi nilon tái sử dụng đựng rác sinh hoạt có được không, vừa giảm chi phí vừa bảo vệ môi trường? Các màu túi rác khác bán trên thị trường như hồng, đỏ, vàng, đen… có lẽ cũng không được?
Rồi nếu mình chỉ sống một mình? Thành phố trẻ mà, có rất nhiều người sống một mình-ai sẽ giúp đi đổ các thùng rác kể trên?
Mà khoan, đổ vô đâu? TP HCM cho tới nay vẫn không làm nổi việc phân loại rác từ nguồn. Em có phân loại ở nhà thì khi các bác công nhân thu gom rác cũng chỉ có mỗi một cái thùng đổ tất vào đấy. Giờ thêm cái rác có nguy cơ này thì phường sẽ làm thế nào để thu gom?

Nhà ở độc lập là nhà ở nào?

Về nhà ở, hướng dẫn nêu: Chỉ áp dụng với nhà ở riêng lẻ. Mở ngoặc nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà độc lập.

Theo Luật Nhà ở 2014, nhà ở riêng lẻ là nhà ở được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân gồm ba loại như vừa nêu. Nhưng biệt thự và nhà liền kề thì rõ rồi, còn nhà ở độc lập là loại nhà nào? Không có định nghĩa trong luật.

Ngoài ra Luật còn quy định năm loại nhà ở khác gồm chung cư, nhà ở thương mại, nhà ở công vụ, nhà ở để phục vụ tái định cư và nhà ở xã hội.

Nếu xét về công năng để đảm bảo điều kiện cách ly dịch tễ, tức thông thoáng, đủ diện tích, có phòng ở và phòng tắm/vệ sinh riêng biệt cho người cách ly thì rõ ràng chung cư, nhà ở công vụ và rất nhiều nhà thuê, nhà tái định cư, nhà ở xã hội… đáp ứng ngon lành.

Nếu lấy ngữ nghĩa “nhà ở độc lập” để xét thì trừ các không gian công cộng, ký túc xá, phòng tập thể ra, phòng bệnh viện, phòng tập gym… ra, có nhà nào không phải nhà ở độc lập đâu? Căn hộ chung cư thì chắc chắn là nhà ở độc lập chứ?

Nếu lấy điều kiện tách biệt và không gian thì căn hộ chung cư (thuê hoặc sở hữu), nhà ở công vụ… cũng bằng khách sạn chứ? Vậy thì tại sao cho cách ly tại khách sạn (giá khoảng 60 triệu đồng/21 ngày) mà không cho cách ly tại nhà riêng (miễn phí, cũng tốt bằng)?
Một trong những lo ngại của cơ quan chức năng là khi tự cách ly, người ta sẽ xuê xoa phá luật, từ đó gây lây nhiễm. Nhưng điều này có thể giải quyết bằng tăng cường giám sát của hàng xóm. Với lối sống thân thiết (tối lửa tắt đèn có nhau) của người Việt Nam và nỗi sợ bệnh dịch đến khủng khiếp ở một nước nghèo (dịch bùng là hạn chế buôn bán dịch vụ, người nghèo chết từ từ) thì đây chính là hệ thống “camera chạy bằng cơm” tinh tường, hiệu quả và ít tốn kém nhất. Nghe có vẻ buồn cười nhưng thực tế chính xác như vậy!

Còn trong các văn bản chính thức, nó được gọi bằng “giám sát của các tổ COVID cộng đồng”.

Những góp ý cho bản hướng dẫn không nhằm mục đích nào khác ngoài việc tối đa hóa khả năng thực thi của nó, giúp sớm triển khai chủ trương này tốt nhất trên thực tế. Hy vọng Bộ Y tế có thể nhanh chóng điều chỉnh quy định theo hướng chỉ cần đặt ra các điều kiện phải đạt được, tránh sa vào kể lể chi tiết thừa tỉ mỉ nhưng lại thiếu bao quát và khả thi.
Từ đầu năm 2021, Bộ Y tế đã cho phép trẻ dưới 5 tuổi cách ly tại nhà riêng; trẻ dưới 15 tuổi cách ly tập trung bảy ngày, xét nghiệm ba lần âm tính thì được về nhà.

Trưa 30/6/2021, bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), cho hay, thời gian tới, trên cơ sở đánh giá thí điểm tại TP HCM, Bộ Y tế sẽ xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương để quyết định việc áp dụng hướng dẫn này trên phạm vi toàn quốc. Nhiều chuyên gia y tế cũng đã lên tiếng về sửa đổi các điều kiện chưa thực tế, thiếu khả thi.

Ngoài TP HCM được cho phép thí điểm, ngày 29/6/2021, tỉnh Bình Dương cũng cho biết đã thí điểm cho phép tự cách ly tại nhà, ở mỗi địa phương (không rõ là huyện thị hay phường xã-có thể là các vùng có dịch trong tỉnh) 1 người. Sau đó sẽ rút kinh nghiệm và áp dụng rộng rãi hơn.

________________________

Tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bat-dong-san/Luat-Nha-o-2014-259721.aspx https://ncov.moh.gov.vn/vi/web/guest/-/6847912-285

https://vnexpress.net/bo-y-te-se-xem-xet-cach-ly-f1-tai-nha-tren-toan-quoc-4302054.html

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Related posts