Khi bạo lực gia đình tiếp tục hành hoành ở Việt Nam, các dịch vụ hỗ trợ mang lại hy vọng

Bài viết này có những mô tả về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

HÀ NỘI/NGHỆ AN – Là một nhân viên xã hội, chị Hoa đã có dịp tiếp xúc với hàng chục nạn nhân bạo lực gia đình, nhưng trong tất cả những câu chuyện mà chị đã từng nghe, có một câu chuyện khiến chị ấn tượng nhất.

“Có một người phụ nữ đã bị cưỡng hiếp nhiều lần. Cả gia đình chị ấy cảm thấy xấu hổ và tin rằng cách duy nhất để giải quyết vấn đề này là bắt chị phải cưới kẻ đã cưỡng hiếp mình” – chị Hoa kể với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua một người phiên dịch vào đầu tháng 8.

“Sau đám cưới, người đàn ông đó còn trở nên bạo lực hơn nữa. Có một lần khi mang thai bảy tháng, chị ấy đã bị ông ta cưỡng hiếp nhiều lần đến nỗi sẩy thai” – chị Hoa tiếp tục kể.

Tình trạng bạo hành này kéo dài gần 20 năm cho đến khi một trong những người con trai của chị hỏi khi nào mẹ sẽ có hành động để chấm dứt chuyện này. “Đó là lúc chị ấy tìm đến sự giúp đỡ của chúng tôi” – chị Hoa nói.

Chị Hoa làm việc tại một nhà tạm lánh dành cho phụ nữ ở miền Nam Việt Nam. Chị yêu cầu sử dụng biệt danh và giấu tên cơ quan vì tính nhạy cảm của vấn đề bạo lực gia đình ở đất nước của chị.

Những trường hợp giống như câu chuyện chị Hoa kể không hề hiếm ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu như trước đây các nạn nhân thường giữ im lặng thì giờ đây ngày càng nhiều phụ nữ bắt đầu lên tiếng.

Các nhân viên xã hội, những người đã trải qua bạo lực gia đình và các nhà nghiên cứu nói với RFA rằng: Sự gia tăng các dịch vụ hỗ trợ – từ đường dây nóng, nhà tạm lánh đến các hội nhóm trên mạng xã hội – đã tạo ra không gian chưa từng có để phụ nữ Việt Nam chia sẻ câu chuyện của mình và tìm kiếm trợ giúp.

“Phụ nữ đã chịu đựng đủ rồi và bây giờ những không gian này cho phép họ lên tiếng. Cuối cùng họ cũng bước ra khỏi bóng tối” – chị Hoa nói.

cba9544d-cb08-4874-a7e1-8450c8e9e6e1.jpeg
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ở Hà Nội hôm 18/8/2024. (Allegra Mendelson for RFA)

Tình hình đang có những tiến triển. Báo cáo Điều tra Quốc gia về Bạo lực Đối với Phụ nữ năm 2019 của Việt Nam cho thấy gần 63% phụ nữ đã từng kết hôn đã trải qua một vài hình thức bạo lực nào đó trong đời – tăng 5% so với kết quả của một điều tra tương tự trước đó vào năm 2010.

“Sự gia tăng này không nhất thiết có nghĩa là có nhiều trường hợp bị bạo hành hơn mà là có thêm nhiều phụ nữ dám nói ra vì họ biết rằng giờ đây các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình đã sẵn có hơn” – Khánh Linh Nguyễn, một nhân viên xã hội nói. Ngôi nhà Bình Yên mà chị đang điều hành là khu nhà tạm lánh đầu tiên dành cho nạn nhân bạo lực gia đình và buôn bán người ở Việt Nam.

“Theo tôi, nếu bây giờ thực hiện một cuộc điều tra quốc gia khác thì số trường hợp [bị bạo hành] ghi nhận thậm chí sẽ còn cao hơn nữa” – chị Khánh Linh cho biết.

Nhận thức về bạo lực gia đình tại Việt Nam là một chỉ dấu. Dữ liệu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế  (OECD) công bố năm ngoái cho thấy gần 57% phụ nữ ở Việt Nam tin rằng đàn ông có thể để đánh vợ trong một số trường hợp nhất định. Đây là tỷ lệ cao thứ hai ở Đông Nam Á sau Đông Timor.

Cách nhìn nhận này có thể thấy trong các chuẩn mực xã hội, các giới hạn của luật pháp và những rào cản về khả năng tiếp cận các nguồn trợ giúp đang gây trở ngại cho phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là các nạn nhân của bạo lực gia đình. Mặc dù sẽ mất nhiều thời gian để vượt qua những thách thức này nhưng cuối cùng, thay đổi cũng đang diễn ra. 

Chuyển biến dần

Đi đầu trong những chuyển biến này là sự ra đời của Ngôi nhà Bình Yên, nhà tạm lánh đầu tiên tại Việt Nam để hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình và buôn bán người ra đời vào năm 2007. Ngôi nhà tạm lánh “tất cả-trong-một” này cung cấp dịch vụ đường dây nóng, tư vấn, hỗ trợ pháp lý, chăm sóc y tế và đào tạo nghề tại một số địa điểm ở thủ đô Hà Nội và Cần Thơ – một thành phố thuộc khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).

Ngôi nhà tạm lánh này hoạt động dưới sự quản lý của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD) – một trong những tổ chức hỗ trợ các nạn nhân bạo lực gia đình hàng đầu ở Việt Nam đồng thời là cơ quan trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (VWU) do Chính phủ hậu thuẫn. Mặc dù có được sự trợ giúp của Chính phủ nhưng trong những ngày đầu, nhà tạm lánh vẫn phải đối mặt với những sự kháng cự.

Chị Linh giải thích rằng khi nhà tạm lánh mới hoạt động “việc hợp tác hoặc phối hợp với chính quyền các địa phương để hỗ trợ phụ nữ rất khó khăn” vì bạo lực gia đình luôn là cái gì đó được quan niệm là các gia đình “phải đóng cửa bảo nhau”.

f46e938b-64c5-4794-afe6-5d6b4c9703f9.jpeg
Một phụ nữ bán hoa tươi bên lề đường ở Hà Nội hôm 17/8/2024. (Allegra Mendelson for RFA)

Tám tháng sau khi Ngôi nhà Bình yên ra đời, Chính phủ đã thông qua Luật Phòng chống Bạo lực Gia đình đầu tiên của Việt Nam. Luật này, được sửa đổi vào năm 2022 để tăng cường các biện pháp ứng phó và phân bổ thêm nguồn lực cho các cơ sở hỗ trợ nạn nhân, đưa ra một khái niệm rộng về bạo lực gia đình, bao gồm cả bạo lực tâm lý và kinh tế, đồng thời đưa ra các cơ chế phòng ngừa và bảo vệ.

Nhưng ngay cả sau khi luật đã được thông qua, phải [mất nhiều năm] cho đến tận thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2019 thì các dịch vụ hỗ trợ đa dạng hơn mới sẵn có.

“Trong thời kỳ COVID-19, nhiều người đã gặp phải những khó khăn về tài chính và khi người dân không ổn định về kinh tế, bạo lực gia đình thường gia tang – chị Linh nói và cho biết thêm rằng số phụ nữ gọi điện đến Ngôi nhà Bình yên để tố cáo bạo lực gia đình đã tăng 300% trong khoảng thời gian này.

Dịch vụ hỗ trợ nở rộ 

Để ứng phó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội  (MOLISA) đã mở Trung tâm Dịch vụ Một Cửa đầu tiên của Việt Nam (OSSC) tại tỉnh Quảng Ninh (ở phía Đông Bắc đất nước) vào năm 2020 để hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái đang trải qua hoặc có nguy cơ bị bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới.

Hai năm sau, ba Trung tâm OSSC nữa đã được thành lập. Một tại thành phố Thanh Hóa (miền Bắc) dưới sự quản lý của bộ và hai trung tâm tại Đà Nẵng (miền Trung) và TP.HCM (miền Nam) dưới sự điều hành của Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) – một tổ chức phi chính phủ chuyên về các vấn đề phụ nữ và trẻ em. Thậm chí Hội Nông dân Việt Nam, một tổ chức chính trị – xã hội hỗ trợ nông dân, cũng đã đưa vào hoạt động đường dây nóng riêng của mình trong năm 2021 để giúp đỡ phụ nữ nông thôn.

Phóng viên RFA cố gắng đến thăm các Trung tâm OSSC và đường dây nóng của Hội Nông dân Việt Nam nhưng đã bị từ chối đón tiếp. Nhân viên ở những nơi này giải thích rằng vấn đề này rất nhạy cảm và cần có sự cho phép của chính quyền.

Cùng với các dịch vụ chính thức này, nhiều hội nhóm trên Facebook cũng đã được thành lập, mang đến cho các nạn nhân cơ hội chia sẻ câu chuyện của mình và tìm kiếm sự trợ giúp từ những người đã trải qua những hoàn cảnh tương tự.

“Trước đây, chúng tôi không có nhiều dịch vụ hỗ trợ…nhưng bây giờ nhận thức của người dân đang tăng lên. Họ biết bạo lực gia đình là tội ác và họ có thể tìm kiếm trợ giúp từ các kênh khác nhau” – Tiến sĩ Phan Thị Lan Hương, Phó Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế tại Đại học Luật Hà Nội cho biết.

a10c505f-c20e-44b7-bac3-316e6cfb00b0.jpeg
Chị Bích, người đã làm việc ở Ngôi nhà Bình yên từ năm 2007, đang ngồi ở bàn làm việc tại văn phòng CWD tại Hà Nội hôm 21/8/2024. (Allegra Mendelson for RFA)

Không ai nhận thấy xu hướng này rõ hơn những người đang làm việc ở tuyến đầu như chị Bích –  một phụ nữ lớn tuổi với giọng nói nhỏ nhẹ, đã làm việc tại đường dây nóng của Ngôi nhà Bình yên từ khi nó mới được thành lập.

“Tôi đã làm việc cho đường dây nóng của Ngôi nhà Bình yên được 17 năm, trước cả khi luật về [phòng chống] bạo lực gia đình đầu tiên được thông qua. Từ đó đến nay, tôi đã chứng kiến những chuyển biến tích cực trong sự sẵn sàng lên tiếng của phụ nữ” – chị chia sẻ.

Chị đã trò chuyện với phóng viên RFA ngay tại trung tâm tiếp nhận cuộc gọi vào thời điểm giữa tháng 8. Mặc dù có phạm vi hoạt động rộng, đường dây nóng này được vận hành từ một căn phòng giản dị với bốn chiếc bàn làm việc và một khu vực chờ nhỏ tại văn phòng chính của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD) ở Hà Nội. Khi chúng tôi đến thăm, chị Bích đang trực điện thoại cùng với duy nhất một đồng nghiệp khác. Cả hai đều không muốn rời bàn làm việc lâu phòng khi có cuộc gọi đến.

Sự sẵn sàng lên tiếng đặc biệt thể hiện rõ ở những phụ nữ trẻ. Chị Hoa cho biết khoảng 80% phụ nữ tìm đến nhà tạm lánh nơi chị làm việc nằm trong độ tuổi từ 22 đến 40.

“Thanh niên ngày nay có nhận thức tốt hơn về vấn đề này trong khi phụ nữ  thế hệ cha mẹ hoặc ông bà của tôi được dạy phải cam chịu bất bình đẳng và bạo lực” – chị Nguyễn Khánh Linh, một giám đốc dự án tại HopeBox nói. Tổ chức của chị là doanh nghiệp xã hội đầu tiên của Việt Nam hỗ trợ người những người đã trải qua bạo lực giới.

Cuộc chiến thầm lặng

Hai cô gái trẻ Uyên và Phương thuộc về làn sóng những nạn nhân mới, quyết định lựa chọn lên tiếng.

Là học sinh trung học ở Nghệ An, một tỉnh miền Trung Việt Nam, Uyên và người chị em họ tên Phương đã trò chuyện với phóng viên RFA thông qua một người phiên dịch vào giữa tháng 8. Cả hai cô gái đều 17 tuổi và yêu cầu chỉ sử dụng tên gọi cho bài viết vì lo sợ bị những ông bố bà mẹ bạo lực của họ trừng phạt.

Uyên kể với RFA rằng lần đầu tiên cô bị bố đánh khi mới sáu tuổi. Ban đầu, những trận đòn là để trừng phạt cô vì làm bài tập không tốt, nhưng khi cô tròn 10 tuổi, cô có thể bị đánh đập vì bất kỳ lý do gì.

“Bây giờ ông ấy đánh tôi bất cứ khi nào ông ấy muốn” – cô gái trẻ nói trong nước mắt. Cô cho biết thêm, mẹ cô đã lạm dụng cô cả về thể xác lẫn lời nói.

Về phần mình, Phương đã bị bố cô đánh đập thường xuyên trong nhiều năm “một cách vô cớ” nhưng sau đó tình trạng bạo lực đã giảm bớt.

Trong lần đầu tiên liên lạc với một trung tâm tạm lánh như Ngôi nhà Bình yên, nạn nhân sẽ trải qua một cuộc tham vấn và đánh giá để xác định hoàn cảnh của họ nghiêm trọng tới mức độ nào và loại dịch vụ hỗ trợ nào phù hợp nhất với họ – chị Hoa, người quen thuộc với mô hình này giải thích.

Nếu đang gặp nguy hiểm và nếu họ sẵn lòng, nạn nhân có thể được đưa đến nhà tạm lánh – nơi họ có thể gặp luật sư để được tư vấn pháp lý nếu muốn khởi kiện và gặp bác sĩ để được chăm sóc y tế cũng như thu thập các bằng chứng về thương tích của mình – chị Hoa nói thêm.

Cuộc điều tra năm 2019 cho thấy những phụ nữ lớn lên trong môi trường bạo hành gia đình, sau này có khả năng dễ rơi vào các mối quan hệ có tính bạo hành hơn. Điều đó đúng với Uyên – mẹ cô từng bị chính mẹ đẻ của bà bạo hành khi còn nhỏ và rồi cũng bị chồng của bà, tức là cha của Uyên, bạo hành sau khi kết hôn.

Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất đang phải vật lộn với nạn bạo lực gia đình nhưng văn hóa và lịch sử đã khiến những tiến bộ đến với nước này một cách chậm chạp.

Những quan niệm xã hội có xu hướng hạ thấp giá trị và vị trí của phụ nữ trong xã hội đã góp phần khiến bạo lực gia đình dường như được chấp nhận trong quá khứ – chị Nguyễn Khánh Linh từ tổ chức HopeBox nói.

Những điều này đã được củng cố bởi hệ thống giáo dục của Việt Nam vốn không hề nhắc gì đến quyền của phụ nữ, dù trong gia đình hay ở bất cứ đâu, cho đến tận gần đây.

“Việt Nam đi sau so với các nước phương Tây vốn đã nghiên cứu về quyền con người và quyền phụ nữ từ lâu. Chúng tôi đã bắt đầu giáo dục về điều này nhưng vẫn sẽ cần thêm thời gian để bắt kịp [với thế giới]” – chị Hoa nói.

“Đó là việc của riêng cô”

Trong khi Việt Nam đang có được những chuyển biến lớn nhờ việc ngày càng nhiều phụ nữ tìm kiếm sự giúp đỡ từ các dịch vụ hỗ trợ như Ngôi nhà Bình yên và các trung tâm dịch vụ một cửa OSSC thì việc tố cáo bạo lực ra chính quyền lại ít có tiến bộ.

Nghiên cứu quốc gia năm 2019 cho thấy 90% phụ nữ đã trải qua bạo lực gia đình chưa từng tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền. Theo các chuyên gia, mặc dù con số này có thể đã giảm từ thời điểm đó đến nay, nhưng nó vẫn còn ở mức cao.

Nhiều nạn nhân không nghĩ rằng mức độ bạo lực đủ nghiêm trọng để tố cáo. Một số khác tránh báo công an để không làm bản thân hoặc gia đình phải xấu hổ. Một số người như Uyên lại im lặng vì sợ bị trừng phạt.

“Tôi không có nơi nào khác để đi và tôi đã sợ rằng nếu tôi gọi công an, bố mẹ tôi sẽ tống tôi ra khỏi nhà” – cô gái trẻ nói.

Phương đã thử trình báo [chính quyền] một lần nhưng nhanh chóng bị cản trở để có thể thử lại lần nữa.

“Tôi đã gọi cảnh sát và nói với họ rằng bố tôi đánh tôi vô cớ nhưng họ từ chối tiếp nhận vụ việc” – Phương nói. “Họ bảo: “Bố mẹ cô đánh cô vì lỗi của cô. Đó là việc của riêng cô. Đừng bao giờ gọi chúng tôi nữa!’.”

Chị Linh từ Ngôi nhà Bình yên cho biết ở Việt Nam, người ta thường có xu hướng “biện minh cho người gây ra bạo lực, nói rằng đó là vì anh ta nóng giận hoặc vì anh ta đang trong thời gian khó khăn”. Điều này, vì thế, cũng khiến nạn nhân ít có xu hướng tố cáo bạo lực một cách chính thức.

Theo giải thích của chị Hương, một mặt khác của vấn đề, đó là việc phần lớn công an ở Việt Nam là nam giới và “đặc biệt trong các trường hợp bạo lực tình dục” nạn nhân ngại trình báo những “câu chuyện nhạy cảm như vậy” với các cán bộ là nam giới.

Gánh nặng phải tìm cho đủ bằng chứng, gánh nặng rời bỏ gia đình

Mặc dù Việt Nam thông qua luật để xác định vấn rõ đề này cũng như cung cấp các nguồn lực trợ giúp nhưng Bộ luật Hình sự của nước này chỉ có quy định liên quan đến bạo lực nói chung mà không giải quyết vấn đề bạo lực gia đình. Bộ luật này cũng quy định rằng, trừ một số trường hợp ngoại lệ, đánh người chỉ được coi là tội hình sự nếu nạn nhân có tỷ lệ “tổn thương cơ thể” (tỷ lệ thương tật) từ 11% trở lên.

Chị Hương cho rằng mặc dù việc có một cách nào đó để đo lường mức độ nghiêm trọng của tội ác theo luật pháp là cần thiết nhưng trong trường hợp bạo lực gia đình, thương tích không phải lúc nào cũng hoàn toàn là những vết thương về thể chất hoặc có thể nhìn thấy. Vì vậy Bộ luật Hình sự hiện hành thường để các nạn nhân trong tình trạng phải tự chăm lo, bảo vệ bản thân mình.

“Hệ thống [luật pháp hiện nay] đòi hỏi một gánh nặng về mặt chứng cớ và trong rất nhiều trường hợp, nạn nhân không có đủ bằng chứng” – chị Hương nói.

Ngoài sự sợ hãi chính quyền và những hạn chế trong Bộ luật Hình sự, trở ngại còn nằm ở khả năng tiếp cận. Đối với Uyên, tại tỉnh Nghệ An, cô chưa từng nghe về các nhà tạm lánh dành cho người lớn là nạn nhân bạo lực gia đình mãi cho đến tận thời gian gần đây.

“Phần lớn thời gian từ trước tới nay, tôi đã nghĩ rằng các đường dây hỗ trợ chỉ dành cho trẻ nhỏ” – cô giải thích.

Các dịch vụ của Ngôi nhà Bình yên và các trung tâm OSSC chủ yếu chỉ hạn chế ở các khu vực họ đang hoạt động, nghĩa là hiện chỉ ở sáu thành phố trong cả nước. Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD) có quan hệ đối tác với các trung tâm phúc lợi địa phương ở các vùng nông thôn và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cơ quan chủ quản của CWD, có một mạng lưới “địa chỉ tin cậy” – nơi phụ nữ có thể đến trong trường hợp khẩn cấp – nhưng những nơi này chỉ mang đến những giải pháp tạm thời.

Để có giải pháp lâu dài hơn, những người trải qua bạo lực giai đình phải di chuyến đến một trong hai Ngôi nhà Bình yên và điều này không phải lúc nào cũng khả thi.

Chị Linh từ tổ chức Hopebox giải thích rằng nhiều phụ nữ cảm thấy có trách nhiệm phải sống ở gần nhà, kể cả khi điều đó có nghĩa là phải chịu đựng bạo lực.

“Tôi đã gặp một số chị em, mặc dù họ đã trải qua [bạo hành gia đình] và thực sự muốn rời bỏ nơi họ đang sống nhưng không thể làm vậy vì con cái họ” – chị Linh nói và thêm rằng việc mang con cái theo cùng thường rất tốn kém, đặc biệt nếu đến Hà Nội vì học phí ở đây có thể cao hơn nhiều so với khu vực nông thôn.

“Có lẽ một ngày nào đó Chính phủ sẽ có nhiều trợ cấp/chế độ hoặc chính sách hơn cho những phụ nữ muốn thoát khỏi những môi trường sống như vậy, nhưng hiện tại chúng tôi vẫn chưa có gì cả”.

Nhưng những người làm việc trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình vẫn hy vọng. Họ nhìn nhận rằng sẽ phải mất thời gian để những chuẩn mực và chính sách này trở nên tốt hơn và rằng hiện tại Việt Nam đang đi đúng hướng.

“Hầu hết các nạn nhân bị mắc kẹt trong cái vòng luẩn quẩn của bạo lực. Nếu họ không chia sẻ nỗi đau hoặc không lên tiếng về những vấn đề của mình, không ai có thể biết họ đang trải qua những gì để có thể giúp đỡ. Khi nạn nhân lên tiếng, điều đó giống như họ đang mở cửa nhà để những người khác bước vào và giúp đỡ họ” – chị Hoa nói.

Đây là những gì đã xảy ra với nạn nhân bị cưỡng hiếp mà chị Hoa đã trợ giúp năm ngoái. Chị Hoa nói, khi mới đến, người phụ nữ này không rõ mình có thể trông đợi được điều gì nhưng sau khi nói ra những sự bạo hành mà mình đã trải qua, chị ấy đã dần dần có thể tìm kiếm sự trợ giúp, vượt lên và bắt đầu một cuộc sống mới.

* Chịu trách nhiệm hiệu đính: Abby Seiff và Boer Deng 

Nếu bạn hoặc ai đó bạn biết đang phải đối mặt với bạo lực gia đình, hãy gọi 1-800-799-7233 hoặc nhắn tin tới số 88788 để liên hệ với đường dây nóng Phòng chống Bạo lực Gia đình Quốc gia hoặc vào trang thehotline.org để tìm kiếm thêm các nguồn trợ giúp.

Tại Việt Nam, hãy gọi số 1900969680 để liên hệ với đường dây nóng miễn phí của nhà tạm lánh “Ngôi nhà Bình yên” tại Hà Nội hoặc gọi số 02433335599 để liên hệ với đường dây nóng miễn phí của Trung tâm Dịch vụ Một cửa tại TP.HCM và Đà Nẵng.

Related posts