Khó giám sát việc thực hiện những cam kết trước Quốc hội của các lãnh đạo đầu ngành?

Bốn Bộ trưởng, Trưởng ngành Tài nguyên và Môi trường; Công thương; Kiểm toán Nhà nước và Văn hóa, Thể thao và Du lịch… trong các phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV được các Đại biểu Quốc hội cho rằng phần trả lời, cam kết của họ rất trúng và đúng, thoả mãn được mong đợi của cử tri và ĐBQH.

Nhiều ĐBQH sau đó đặt vấn đề rằng, điều còn lại là làm sao những lời hứa của lãnh đạo các Bộ, Ngành phải được sớm thực hiện. Vậy cơ chế giám sát việc thực hiện “những lời hứa”, “cam kết” đó như thế nào cũng là dấu chấm hỏi lớn!

Hứa cho xong chuyện?

Ông Trần Anh Quân, một người trẻ hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 14/6/2024 khi trao đổi với RFA về vấn đề nêu trên, cho rằng:

“Khi các đại biểu Quốc hội đã nói tới chuyện hy vọng các Bộ trưởng ‘nói được làm được’ tức là họ đã không tin lời hứa của những cán bộ lãnh đạo này rồi. Không phải tự nhiên mà có câu ‘đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn những gì cộng sản làm’.

Trước quốc hội thì họ nói cho có, trả lời cho xong chuyện, nhưng họp xong về thì đâu lại vào đó. Thậm chí có những câu chất vấn của các đại biểu chỉ là hỏi cho có chứ không có ràng buộc gì, chính những đại biểu quốc hội này có khi cũng chẳng nhớ những kỳ trước họ đã hỏi gì và các bộ trưởng đã trả lời những gì nữa. Tôi thấy quốc hội giống như một sân khấu hài vậy thôi, có khi họ đặt ra những câu hỏi kiểu bắt trend, như vụ miền Tây bị hạn mặn hay miền Trung lũ lụt, họ bàn cả chục năm trời mà có giải quyết được gì đâu và những bộ trưởng đưa ra lời hứa mà làm không được thì có bị xử lý gì đâu!”

Trước quốc hội thì họ nói cho có, trả lời cho xong chuyện, nhưng họp xong về thì đâu lại vào đó.
Ông Trần Anh Quân

Trước đó vào tháng 5 năm 2023, các ĐBQH từng đề nghị giám sát việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, trưởng ngành, các thành viên Chính phủ. Truyền thông nhà nước khi đó dẫn đề nghị của đại biểu Phạm Đình Thanh, đoàn ĐBQH tỉnh Kontum, tiếp tục giám sát việc thực hiện lời hứa của các vị Bộ trưởng, thành viên chính phủ. Về hoạt động giám sát cuối năm 2023 và năm 2024, đại biểu Thanh đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân để kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế đã được chỉ ra.

Liên quan việc thực hiện “lời hứa” của các lãnh đạo Việt Nam, một người dân ở tỉnh Bình Định, không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 14/6/2024 nói:

“Đã cam kết trước Quốc hội và cử tri thì phải thực hiện đúng như cam kết, còn như thấy không có khả năng thực hiện được thì đừng cam kết chứ không thể hứa suông, hứa cho qua chuyện. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc.”

Còn việc lâu nay những cam kết của các vị lãnh đạo đầu ngành, lãnh đạo Chính phủ, có thực hiện được hay không, thực hiện đến mức độ nào thì theo người dân này, lại tùy thuộc vào diễn biến của tình hình sau đó. Người này cho rằng, tình hình sau đó có thể thuận hoặc cũng có thể nghịch. Thuận thì nghĩa là họ đã làm đúng cam kết, nhưng nghịch thì họ cho rằng không thể thực hiện đúng như cam kết do nguyên nhân chủ quan và khách quan. Người dân này dẫn ví dụ:

“Về chủ quan: Do trình độ dự báo tình hình, xu thế sẽ diễn ra trong tương lai kém. Chẳng hạn, cam kết sẽ bàn giao mặt bằng để xây dựng khu công nghiệp hoặc làm một con đường nào đó để tạo động lực phát triển kinh tế vùng, miền vào ngày nào đó, nhưng không có đủ kinh phí để chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng nên không thực hiện đúng như cam kết.”

Về khách quan theo vị này, do thiên tai, không lường trước được, hoặc do biến động chính trị xảy ra của một nước mà Việt Nam có quan hệ thương mại nên dẫn đến kim ngạch xuất khẩu giảm, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất dẫn đến tỉ lệ phần trăm người lao động thất nghiệp tăng lên, không đúng như cam kết là sẽ tạo việc làm cho nhiều người lao động mà điều này lại liên quan đến tỉ lệ phần trăm giảm nghèo bền vững!.

Qua đó, người dân này cho rằng:

“Nhìn chung thì mức độ thực hiện cam kết tuy có thực hiện, nhưng chính phủ phải đôn đốc, nhắc nhở nhiều, thậm chí đã đưa ra nhiều biện pháp chế tài. Bên cạnh đó cũng không ít lời cam kết suông, không thực hiện hoặc chậm thực hiện về mặt thời gian, nhất là trong lĩnh vực ô nhiễm môi trường, thoát nước tại các đô thị, đường phố thành sông chỉ sau một trận mưa… đã gây bức xúc cho người dân!”

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân theo ông này là vấn đề con người, cụ thể ở đây là ĐBQH. Tiếng là dân bầu, nhưng nhiều ĐBQH lại do Đảng chọn theo cơ cấu, có vị không có trình độ chuyên môn vẫn ngồi đó. “Thực tiễn này đã diễn ra đúng như đã thấy”, người dân Bình Định khẳng định!

4ccc1e1d-3c7c-4d13-b985-683fadbfabd7.jpeg
Ảnh minh họa: Quốc hội Việt Nam họp ở Hà Nội hôm 20/5/2024. AFP PHOTO.

Khó giám sát được

Tại phiên họp 32 hôm 15/4/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân (HĐND).

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát tình hình tại Việt Nam ngay sau đó đặt vấn đề rằng, với thể chế chính trị như Việt Nam hiện nay, vấn đề đặt ra là làm sao để Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, không chỉ là hình thức?

Nhìn chung thì mức độ thực hiện cam kết tuy có thực hiện, nhưng chính phủ phải đôn đốc, nhắc nhở nhiều, thậm chí đã đưa ra nhiều biện pháp chế tài.
-Một người dân

Góp ý về vấn đề trên, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, đã bị giải thể, nói với RFA rằng, Quốc hội và HĐND chỉ có thể giám sát hiệu quả đối với các quan chức Nhà nước do họ bổ nhiệm nếu họ được quyền bổ nhiệm và thực hiện quyền bãi nhiệm.

Tức là, theo TS. A, ví dụ HĐND thành phố Hà Nội được quyền bãi miễn ông Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và tất cả các giám đốc sở; Quốc hội cũng tương tự như vậy tức có quyền cho thôi nhiệm vụ ĐBQH .v.v. TS Quang A nói tiếp, đó là cách hiệu quả nhất để họ giám sát những người và những cơ quan dưới quyền của họ có làm đúng hay không? Bởi vì theo TS. A, “động lực mạnh nhất là người ta sợ mất chức”.

Nhà Nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân Vận Trung Ương – Đảng Cộng Sản Việt Nam, hôm 14/6 đưa ra nhận định với RFA dưới một góc nhìn khác:

“Quốc Hội nhưng không phải là chỗ tập họp của quốc dân mà là chỗ tập họp của 90% đảng viên của đảng. Đa số là cán bộ bên chính quyền, lãnh đạo đảng, rồi bí thư các thứ nhảy vào ngồi. Bởi vậy cái tính chất gọi là Quốc hội không rõ. Thế thì giám sát được ai? Tay mặt giám sát tay trái hay là thế nào? Nếu mà giám sát được thì đã không để cho thủy điện tràn lan, phá rừng tràn lan. Tôi nhớ ông Nguyễn Xuân Phúc từng tuyên bố đóng cửa rừng. Sau khi tuyên bố thì đến giờ không thấy động thái gì, quy định gì, thủ tục gì để thực hiện việc đóng cửa rừng. Quốc hội cũng chả giám sát được.”

Related posts