Khủng hoảng Ukraina, Việt Nam đang ở vào thế khó

Căng thẳng Nga – Ukraina leo thang

Từ cuối năm 2021 đến nay, dư luận cả thế giới đang bị thu hút vào cuộc khủng hoảng ở Ukraina, khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tỏ ra lo ngại trước viễn cảnh Nga sẽ tấn công Ukraina. Mỹ và một số nước châu Âu đã bắt đầu rút nhân viên ngoại giao và người thân ở Ukraina.

Theo phía Mỹ, lực lượng Nga được triển khai tới khu vực biên giới đang tăng lên với tốc độ có thể giúp Putin có được sức mạnh mà ông cần – khoảng 150.000 quân – để triển khai một cuộc xâm lược toàn diện vào giữa tháng 2/2022. Họ đánh giá rằng Putin muốn có thể tùy ý sử dụng mọi lựa chọn, từ  một chiến dịch hạn chế ở khu vực Donbas thân Nga của Ukraina tới một cuộc xâm lược toàn diện. Tuy nhiên, Nga phủ nhận việc nước này đang lên kế hoạch xâm lược Ukraina. Matxcơva đã đưa ra một loạt yêu cầu, bao gồm việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không được kết nạp Ukraina và giảm hiện diện quân sự ở Đông Âu. Tuy nhiên, các nước phương Tây đã bác bỏ điều này.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina Oleksii Reznikov viết trên trang mạng của Hội đồng Đại Tây Dương hồi tháng 12/2021 rằng Tương lai của châu Âu sẽ được định đoạt ở Ukraina” (1), trong đó nêu ra 3 thảm họa đối với châu Âu. Theo ông, một cuộc chiến lớn ở Ukraina sẽ đẩy châu Âu vào khủng hoảng: Khoảng 3-5 triệu người tị nạn sẽ tháo chạy khỏi cuộc xâm lăng của Nga, trở thành một trong nhiều lo ngại lớn cho xã hội châu Âu. Tiếp theo, EU vốn phụ thuộc vào nguồn lúa mì từ Ukraina và Nga, nên chiến tranh sẽ gây ra tình trạng mất an ninh lương thực. Tuy nhiên, quan trọng hơn, cuộc chiến mà Nga gây ra sẽ chấm dứt trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà châu Âu vẫn tuân theo trong nhiều thập kỷ qua. 

Mỹ và châu Âu sẽ phản ứng ra sao?

Khủng hoảng Ukraina một lần nữa cho thấy sự vô dụng của các bảo đảm quốc tế. Bản ghi nhớ Budapest được Nga, Anh và Mỹ ký năm 1994, khẳng định các đảm bảo an ninh chống lại các mối đe dọa hoặc vũ lực ảnh hưởng tới sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, Belarus và Kazakhstan để đổi lấy việc từ bỏ vũ khí hạt nhân của họ (2). Đáng tiếc là bản ghi nhớ đã không còn được tôn trọng khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Ukraina là thử thách quốc tế quan trọng đầu tiên đối với Mỹ sau Afghanistan. Mỹ, không sẵn sàng can thiệp về mặt quân sự, chỉ cảnh báo về những hậu quả kinh tế nghiêm trọng đối với Nga, thực tế cho đến nay không có nhiều ảnh hưởng tới Tổng thống Vladimir Putin. Joe Biden đã lỡ lời khi nói rằng Mỹ có thể bỏ qua nếu đó chỉ là một cuộc xâm lược hạn chế (3), song tất nhiên, Putin muốn nhiều hơn và vẫn chưa rõ ai sẽ thắng trong trò chơi này.

Các biện pháp trừng phạt có thể sẽ được áp dụng, như trước đây. Nhưng kết luận chính mà Matxcơva rút ra từ các cuộc thảo luận này là phương Tây đang bị chia rẽ. Thay vì tạo ra sự răn đe mạnh mẽ, phương Tây đã không làm được gì hơn ngoài việc để lộ các vết nứt nội bộ ở khắp mọi nơi. Sự chia rẽ giữa các thành viên của EU diễn ra công khai, hầu hết đều là các đồng minh NATO. Đôi khi, sự chia rẽ thậm chí còn xuất hiện trong các chính phủ, chẳng hạn như ở Đức (4).

Các định chế quốc tế cũng đi đến thất bại tương tự. Ngày 31/1, Mỹ đã triệu tập một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA) để thảo luận về việc Nga triển khai tại biên giới với Ukraina, nhưng Nga là một trong năm thành viên thường trực của HĐBA, nắm quyền phủ quyết, nên HĐBA cũng gặp thất bại.

Những vấn đề Việt Nam cần phải suy nghĩ

Cả thế giới đang chờ xem Mỹ sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraina như thế nào. Điều này sẽ rất quan trọng vì các quốc gia đồng minh và đối tác của Mỹ vẫn còn nghi ngờ các cam kết của Mỹ trước các vấn đề tại đây, đặc biệt sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, đã gặp nhiều chỉ trích từ chính các đồng minh của Mỹ.

Phát biểu gần đây, khi nhắc tới việc Mỹ phải có các hành động phản ứng khi trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đang bị đe doạ, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đề cập: Nếu chúng tôi cho phép những nguyên tắc đó bị thách thức mà không bị trừng phạt, ngay cả khi châu Âu cách xa nửa vòng trái đất, thì điều đó cũng sẽ có tác động ở đây… Những người khác đang theo dõi; những người khác đang tìm kiếm tất cả chúng ta để xem chúng ta phản ứng như thế nào.” (5)

Trong bối cảnh đó, Việt Nam – quốc gia vốn vẫn còn nhiều nghi ngờ về mục đích và động cơ, cũng như các cam kết của Mỹ đối với khu vực ASEAN, đang theo dõi và tiếp tục đánh giá các vấn đề này. Vì thế Mỹ cần phải chứng minh cho Việt Nam thấy thực tâm và cam kết của Mỹ mạnh mẽ đến mức nào để khiến Việt Nam tin tưởng.

Các quan chức ngoại giao và các học giả Việt Nam vẫn đang im hơi lặng tiếng” trước vấn đề này. Điều này bởi lẽ Việt Nam có những trở ngại trước các mối quan hệ phức tạp. Một mặt, Việt Nam đang có mối quan hệ tốt đẹp với cả Nga và Ukraina. Tuy nhiên, mối quan hệ với Nga sẽ có vai trò quan trọng hơn Ukraina khi Nga là một đối tác quan trọng để Việt Nam có thể sử dụng nhằm kiềm chế và đối trọng phần nào trước một Trung Quốc đầy hung hăng trên Biển Đông. Nga luôn là một nguồn cung cấp vũ khí quan trọng cho Việt Nam, thêm nữa, các công ty dầu khí của Nga cũng tham gia khai thác trên các vùng biển mà Trung Quốc cho là “đang tranh chấp” với họ, mặc cho các đe doạ từ phía Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu Nga tấn công Ukraina thì Việt Nam có thể gặp những bất lợi về mặt chiến lược như sau:

Thứ nhất, nếu Nga tấn công Ukraina mà thế giới không có phản ứng thích đáng, điều này sẽ cho Trung Quốc thấy sự vô nghĩa của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ,” cũng như sự suy yếu của Mỹ và phương Tây, và do đó, sẽ thúc đẩy Bắc Kinh có những cuộc phiêu lưu quân sự trên biển Đông mà Đài Loan cũng như các thực thể mà Việt Nam đang kiểm soát trên Biển Đông, có thể sẽ là mục tiêu tấn công của Trung Quốc.

Thứ hai, như đã trình bày ở trên, đối với Việt Nam, Nga đóng một vai trò quan trọng như một cường quốc đối trọng lại sức mạnh của Trung Quốc. Nga là nguồn cung cấp vũ khí truyền thống cho Việt Nam. Nga cũng không lo ngại việc đối mặt với các sức ép và đe doạ từ Trung Quốc khi cùng Việt Nam khai thác dầu khí trên biển Đông. Tuy nhiên, để chống lại sức ép của Mỹ và phương Tây, Nga rất cần sự ủng hộ từ Trung Quốc. Đây chính là lý do mà gần đây, Nga đã xích lại gần Trung Quốc hơn bao giờ hết.

Tập Cận Bình và Putin đã có cuộc gặp chính thức tại Bắc Kinh ngày 4/2 vừa qua. Hai bên đã có một Tuyên bố chung cho cuộc gặp mặt này (6). Trong Tuyên bố chung này đã cho thấy Nga chấp nhận nhượng bộ Trung Quốc khá nhiều. Tuyên bố chung cho biết Nga “tái khẳng định việc tuân thủ nguyên tắc ‘Một Trung Quốc’, xác nhận Đài Loan là phần không thể tách rời của Trung Quốc” và ‘phản đối Đài Loan độc lập dưới mọi hình thức. Theo văn kiện này, hai nước sẽ tăng cường hợp tác liên kết các kế hoạch phát triển của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) nhằm tăng cường hợp tác thiết thực giữa EAEU và Trung Quốc trong các lĩnh vực khác nhau và tăng mức độ kết nối giữa các khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Á-Âu. Ngoài ra, Nga và Trung Quốc nhất trí nhất quán làm sâu sắc thêm hợp tác thiết thực trong lĩnh vực phát triển bền vững Bắc Cực.

Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 4/2/2022. AFP

Thêm nữa, ngay trong dịp này, tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã đồng ý cung cấp 10 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm từ vùng Viễn Đông của Nga cho Công ty năng lượng nhà nước CNPC của Trung Quốc. Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, thỏa thuận này có thời hạn 25 năm, giá trị của những lô hàng này khoảng 37,5 tỷ USD.

Ngoài ra, Tập đoàn dầu mỏ Rosneft của Nga đã ký thỏa thuận với CNPC để cung cấp 100 triệu tấn dầu mỏ qua Kazakhstan trong 10 năm tới. Theo Rosneft, hợp đồng trị giá 80 tỷ USD. Các thỏa thuận mới đã hỗ trợ đồng Ruble của Nga và thị trường chứng khoán Nga, bao gồm cả cổ phiếu của Rosneft và Gazprom (7). Cả Rosneft và Gazprom đều là các bên trực tiếp khai thác dầu khí cùng với Việt Nam ở Biển Đông.

Trong cuộc thoả hiệp chính trị này, chắc chắn Trung Quốc phải nhận được gì đó, mới dẫn tới việc Trung Quốc ủng hộ Nga như vậy. Liệu Nga có chấp nhận nhượng bộ Trung Quốc về vấn đề biển Đông không thì đó là một vấn đề mà Việt Nam cần tính tới. Bởi vì hơn lúc nào hết, Nga rất cần sự ủng hộ của Trung Quốc. Hơn nữa, lợi ích địa chính trị lúc này trong mối quan hệ với Trung Quốc sẽ lớn hơn rất nhiều những lợi ích Nga sẽ nhận được từ Việt Nam.

_____________

Tham khảo:

1. https://www.atlanticcouncil.org/blogs/ukrainealert/europes-future-will-be-decided-in-ukraine/

2. https://treaties.un.org/doc/Publication/UNTS/Volume%203007/Part/volume-3007-I-52241.pdf

3. https://thehill.com/homenews/administration/590519-biden-sparks-confusion-cleanup-on-russia-ukraine-remarks

4. https://www.wilsoncenter.org/blog-post/europes-dangerous-divide-ukraine

5. https://www.wsj.com/articles/u-s-warns-allies-that-ukraine-crisis-puts-post-world-war-ii-order-at-risk-11644576655?mod=e2tw

6. http://en.kremlin.ru/supplement/5770

7. https://bnews.vn/nga-ky-thoa-thuan-khi-dot-va-dau-mo-tri-gia-117-5-ty-usd-voi-trung-quoc/230971.html

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Related posts