Đảng kiểm soát Đảng
Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng trong cuốn sách của ông vừa xuất bản, có tiêu đề “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, đã đề cập đến việc kiểm soát quyền lực trong thể chế chính trị ở Việt Nam.
Đây không phải lần đầu tiên ông Trọng đề cập đến vấn đề kiểm soát quyền lực mà cách đây bốn năm, tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng đảng, ông Tổng bí thư ĐCSVN đã từng “thốt” lên “chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực” và lo sợ việc “kiểm soát quyền lực” rơi khỏi tầm ngắm của trung ương, mà ông là người đứng đầu.
Trả lời RFA từ Hà Nội hôm 4/3 liên quan vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Đình Cống nhận định:
“Độc đảng tại Việt Nam muốn trùm hết tất cả. Muốn kiểm soát quyền lực thì phải có tam quyền phân lập, nhưng Đảng CSVN chủ trương chống tam quyền phân lập. Vì vậy nói kiểm soát quyền lực là họ buộc phải nói vậy thôi, chứ thực chất cách tổ chức hoạt động của Đảng không có cách gì kiểm soát quyền lực cả. Vì quyền lực ấy tập trung vào lãnh đạo duy nhất của Đảng. Ông Trọng nói ‘làm cái lồng kiểm soát quyền lực’… nhưng quyền lực không phải cái để nhốt, cho nên cách nói của ông Trọng và của Đảng CSVN là không thực tế, nói như thế thôi chứ họ sẽ không làm được.”
Ông Trọng nói ‘làm cái lồng kiểm soát quyền lực’… nhưng quyền lực không phải cái để nhốt, cho nên cách nói của ông Trọng và của đảng CSVN là không thực tế, nói như thế thôi chứ họ sẽ không làm được.
-Giáo sư Nguyễn Đình Cống
PGS. TS. Nguyễn Minh Tuấn, thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trong bài viết về vấn đề này, đăng trên Tạp chí Tuyên giáo Trung ương hôm 2/3/22 nhận định rằng, Nhà nước với vị trí trung tâm của quyền lực chính trị, Nhà nước được tổ chức quyền lực theo nguyên tắc ‘quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp’.
Tuy nhiên, đối chiếu với phân tích của Giáo sư Nguyễn Đình Cống thì nhận định của ông Tuấn có phần mâu thuẫn?
Cũng vấn đề này, tuy nhiên hiểu theo góc độ liên quan đến pháp luật Việt Nam hiện nay có giúp kiểm soát quyền lực hay không, Luật gia Phạm Công Út khi trả lời RFA hôm 4/3, nói:
“Quyền lực tập trung vào sự lãnh đạo của Đảng, trên hết là tổ chức Đảng kiểm soát quyền lực của tổ chức Đảng. Ngoài ra quyền lực không nằm trong các tổ chức khác (như Nhà nước), do đó các tổ chức khác có thể bị kiểm soát bởi tổ chức Đảng. Nhưng họ không nắm chính quyền, nên chỉ có Đảng kiểm soát Đảng, chứ không có cơ quan dân chính kiểm soát Đảng ở Việt Nam. Hiệu quả hay không là xã hội có phát triển hay không? Đứng lại hay thụt lùi? Thứ hai là người dân chấp nhận hay không? Do đó chúng ta thấy Đảng kiểm soát Đảng chứ không một cơ quan nào được làm chuyện đó. Nên khi có kết quả thanh tra kiểm tra của Uỷ ban kiểm tra (UBKT) của đảng, lúc đó sẽ có bước tiếp theo hay chỉ xử lý cảnh cáo, khiển trách, xử lý nội bộ và chấm dứt ở đó… thì chuyện này cũng thường xảy ra.”
Mập mờ giữa chống và ngăn tham nhũng?
Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng trong cuốn sách của mình cho rằng, để kiểm soát tốt quyền lực chính trị thì trước hết phải xây dựng được thể chế đầy đủ, chặt chẽ, làm căn cứ để thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo ông Trọng, phải xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, khoa học, hiệu lực và hiệu quả… Người có chức, có quyền không thể tham nhũng được nếu có các quy định pháp lý chặt chẽ, đầy đủ, công khai, minh bạch và được kiểm tra, giám sát thường xuyên.
Nhận định cách phân tích của ông Trọng, Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng đó chỉ là cách làm cho qua chuyện:
“Cách làm đó là làm cho qua chuyện thôi, vì tham nhũng nhiều quá, không chống thì mang tiếng với nhân dân, nên buộc lòng phải chống, nhưng chống không hiệu quả. Cũng có bắt được một số, thu hồi được một số, nghĩa là cũng có kết quả, nhưng không đáng với công sức bỏ ra. Và chuyện chờ cho người ta tham nhũng rồi phát hiện ra mới bắt… thì chỉ là vuốt đuôi. Muốn chống thì phải phòng trước, làm thế nào để người ta không dám, không thể, không muốn tham nhũng… Chứ còn những Ban kiểm tra của đảng thì tôi cho rằng chỉ đi làm chuyện vuốt đuôi.”
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, chuyện quan trọng nhất là phải ngăn tham nhũng, dù tất nhiên không thể ngăn hoàn toàn. Trong khi đó tại Việt Nam theo ông Cống, ‘đầu vào’ tham nhũng thì để thoải mái rộng cửa. Ông nêu dẫn chứng:
“Chế độ độc đảng tạo ra rất nhiều kẽ hở cho bọn tham nhũng, chờ bọn nào tham nhũng lộ mặt ra thì chộp. Và người ta cũng thấy rằng có chuyện người ta lợi dụng chống tham nhũng để đấu đá nhau trong đảng. Chứ những người rất than cận, tay chân của ban chống tham nhũng hay lãnh đạo cao cấp… tham nhũng sờ sờ ra, dân thấy hết, nhưng chẳng thấy đụng chạm. Thành ra việc chống tham nhũng của đảng CSVN hiện nay có hiệu quả rất thấp.”
Cách làm đó là làm cho qua chuyện thôi, vì tham nhũng nhiều quá, không chống thì mang tiếng với nhân dân, nên buộc lòng phải chống, nhưng chống không hiệu quả.
–Giáo sư Nguyễn Đình Cống
Vai trò của nhân dân ở đâu?
Trong thực tế, rất nhiều người dân tố cáo tiêu cực hay đưa ra những ý kiến xây dựng đất nước trái với ý Đảng đều phải nhận những án tù nặng nề. Do đó, nhiều nhà quan sát tình hình chính trị VN từng nói rằng vì Việt Nam theo thể chế chính trị một đảng duy nhất cầm quyền, không có đầy đủ hệ thống các thiết chế và phương thức vận hành để kiểm soát quyền lực trong thể chế chính trị nên mới có những việc trái ngoe như thế xảy ra. Trong khi đó, ông Nguyễn Phú Trọng lại cho rằng, có thể sử dụng các cơ chế tự kiểm soát quyền lực, kiểm soát lẫn nhau và kiểm soát của nhân dân đối với Nhà nước…
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm thường trực văn phòng Quốc hội Việt Nam, khi trả lời RFA mới đây cho rằng, việc thành lập Ban Nội chính Trung ương theo tư duy của Tổng bí thư thực chất là “công cụ kiểm soát quyền lực”. Nhưng theo ông Thuận, việc kiểm soát quyền lực theo quan niệm của luật pháp và quốc tế thì lại thể hiện ở góc độ khác. Ông nói:
“Việc thành lập những ban trên làm cho người ta hiểu rằng các tổ chức quyền lực ở Việt Nam đều do Đảng thành lập và Đảng kiểm soát. Nhưng người ta muốn kiểm soát quyền lực là từ nhân dân. Nhà nước của dân, do dân, quyền lực thuộc về nhân dân thì phải có cơ chế để từ nhân dân mà họ kiểm soát được. Đó là vấn đề đang đặt ra.”
Theo Luật sư Trần Quốc Thuận, rào cản lớn nhất là chưa có những cơ quan thực sự độc lập, thực sự của dân, do dân và vì dân. Chính vì thế mà bệnh tham nhũng không chống được, càng chống càng lan và khi tham nhũng càng nhiều thì lãnh đạo đảng sẽ cảm thấy quyền lực bị lung lay nên cần phải tăng cường “kiểm soát” (!?)