Cư dân sắc tộc bản địa hay ‘đồng bào thiểu số’ ở Đắk Lắk, Tây Nguyên đã bị ‘truất hữu đất đai của tổ tiên’ nơi mà nhà nước Việt Nam áp dụng chính sách ‘thuộc địa’. Còn nếu đã coi ‘đồng bào thiểu số’ là ‘anh em ruột thịt’ thì chính quyền cần có chính sách bảo vệ đồng bào ‘dân tộc anh em’. Đây là ý kiến một nhà quan sát và phân tích thời sự chính trị Việt Nam chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do hôm 19/6/2023.
Trả lời câu hỏi của RFA Tiếng Việt hôm thứ Hai đề cập một số vấn đề thời sự và chính trị – xã hội của Việt Nam, mà câu hỏi đầu tiên là liệu biến cố xảy ra ở Đắk Lắk hôm 11/6/2023 có đơn thuần chỉ là hành động mang tính ‘khủng bố’, hay ‘tự phát’ của một nhóm người mà không có một căn nguyên gì đặc biệt cả, hay là có thể trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan một căn nguyên nào đó, từ Sài Gòn, kinh tế gia Bùi Kiến Thành, đáp trên quan điểm riêng của ông:
“Trong chính sách phát triển vùng đất Tây Nguyên, nhà nước đã triển khai những đợt di dân quy mô lớn từ các tỉnh, trong đó có miền Trung, miền Bắc lên lập nghiệp.
Trong khi đó đồng bào thiểu số bị truất hữu đất của Tổ tiên của họ từ nghìn năm để lại mà cháu con có nghĩa vụ gìn giữ.
Theo tôi, đã xem đồng bào thiểu số là anh em ruột thịt thì nhà nước cần phải có chính sách bảo vệ các “dân tộc anh em” thiểu số.
Đã chấp nhận họ là đồng bào, là công dân của cùng một quốc gia, thì nhà nước phải tôn trọng và bảo vệ quyền công dân của đồng bào.”
RFA: Là một nhà tư vấn về chiến lược, chính sách hội nhập, phát triển cho Việt Nam, từng có nhiều năm làm cố vấn chính sách cho ban lãnh đạo nhà nước và ĐCSVN, theo quan sát hôm nay của ông, có gì cần rút kinh nghiệm trong chính sách, mô hình, cách thức quản trị nhà nước ở Việt Nam đối với Tây Nguyên nói riêng, các vùng mà còn được gọi là ‘ba Tây’ (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ), nói chung?
Ông Bùi Kiến Thành: Tôi nghĩ, nhà nước phải có chính sách tôn trọng phong tục tập quán của các địa phương.
Không nên áp đặt một “nền văn minh” ngoại lai cho một xã hội có nguồn gốc văn hóa bản địa đáng được kính trọng.
Cần đảm bảo an ninh trật tự, nhưng không áp đặt phong cách “quan trên”, biết tôn trọng “già làng” và bao dung trong quan hệ với cộng đồng “anh em”.
Theo tôi, cần nghiên cứu những gì đã sai trong chính sách sỡ hữu đất đai, để bù đắp thiệt hại hợp tình, hợp lý cho đồng bào.
‘Cần giúp đỡ đồng bào thay vì tạo ra sự “cướp đất” của họ’
RFA: Để Việt Nam có được sự ổn định xã hội cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển bền vững, công bằng, thì có điều gì trong chính sách quản trị của nhà nước Việt Nam ở đây mà cần chú ý tới, hay xem xét lại, bãi bỏ, hoặc sửa đổi, bổ sung?
Ông Bùi Kiến Thành: Nhà nước, với trách nhiệm bảo vệ và phát huy quyền công dân của đồng bào các vùng này, về vấn đề này, tôi nghĩ là một, cần có chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục, canh tác, lập các nông trại hay đồn điền cùng với đồng bào “miền xuôi”, thay vì tạo ra sự “cướp đất”, tranh chấp, dẫn đến bạo động.
Hai là cố gắng đào tạo cán bộ quản lý người dân tộc, thực sự trao trách nhiệm quản lý nhà nước tại địa phương cho cán bộ gốc địa phương, thay vì gửi những cán bộ từ các nơi xa đến, không hiểu biết phong tục, tập quán của địa phương, thậm chí không biết nói tiếng của dân tộc địa phương.
Nhà nước cần nghiêm túc nghiên cứu, rà soát lại chính sách, hành vi, phương thức quản lý, đối xử với các dân tộc đồng bào thiểu số, xem xét xem cái gì làm sai, cái gì chưa đạt.
Như đã nêu trên, nhà nước đã áp dụng một chính sách “thuộc địa”, đưa dân từ các miền đồng bằng lên khai hoang, lập ấp, vi phạm chủ quyền của đồng bào dân tộc thiểu số. Việc này cần phải được sửa sai, chỉnh đốn, cho hợp tình, hợp lý.
RFA: Nhân đây, xin được hỏi ông thêm rằng ông từng phát biểu là Việt Nam nay cần tiến hành một cuộc cải tổ, đổi mới về chính trị, trong đó có đổi mới tư duy chính trị mở đường cho cải tổ, đổi mới thể chế, chế độ chính trị cho phù hợp với thời đại, theo ông việc này cần được khởi động ra sao? Có cần điều kiện ‘cần và đủ’ nào để dẫn tới thành công hay không, nếu có cuộc đổi mới đó?
Ông Bùi Kiến Thành: Sau gần bốn mươi năm khởi động chính sách “Đổi Mới”, tôi khẳng định Việt Nam cần khẩn trương thực hiện những mục tiêu đã được đề ra trong văn bản của Nghị quyết bắt nguồn từ Đại hội Đổi mới – Đại hội VI năm 1986 của BCHTƯ của ĐCSVN với tinh thần và nội dung xây dựng một nhà nước “Vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, một nhà nước Pháp quyền, do dân và vì dân”.
Theo tôi, Việt Nam không còn có thể là một nhà nước theo thể chế “chuyên chính vô sản” nữa, mà cần phải tiến tới một thể chế “dân chủ, công bằng, văn minh” hoà hợp với các xã hội dân chủ trên thế giới.
Đường lối chủ trương đã được vạch rõ, trách nhiệm của các cấp lãnh đạo đương thời là phải cố gắng thực hiện, không còn chần chừ trước tốc độ phát triển như siêu thanh của cộng đồng xã hội dân chủ, văn minh trên thế giới mà Việt Nam cần quyết tâm gia nhập.
Ở đây, tôi cho rằng không có vấn đề chờ đợi các điều kiện cần và đủ chủ chốt cho việc khởi động và tới đích thành công, mà phải tranh thủ vận động sự nhất trí, đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân vì đại cuộc.
Nên chủ động thay đổi, cải tổ hay thụ động ‘chờ thời’?
RFA: Có người nói, Việt Nam muốn thay đổi, muốn dân chủ hóa, phải đợi người hàng xóm ‘cùng hệ tư tưởng Cộng sản Chủ nghĩa” là Trung Quốc thay đổi trước đã, ý kiến của ông thế nào? Môi trường bên ngoài và nội lực bên trong có mối quan hệ ra sao, trong viễn cảnh đổi mới ấy nếu như có?
Ông Bùi Kiến Thành: Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, có đội ngũ lãnh đạo kiên quyết, có một dân tộc anh hùng, đội ngũ hào kiệt không thiếu, nội lực bên trong hùng mạnh, thời cơ bên ngoài thuận lợi, theo tôi cứ thuận thiên mà hành đạo, khởi sự tất thành.
Từ ngày xây dựng đất nước và tuyên bố độc lập, nước Việt Nam là một nước đặt theo tinh thần “Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc”. Đó là mục đích tối thượng mà mỗi công dân cần phải khắc cốt, ghi tâm. Dầu khó khăn gian khổ đến đâu cũng không sờn chí.
Riêng với cá nhân tôi, thì còn một hơi thở, nhìn bát cơm trên bàn là thấy công ơn của đồng bào, đất nước nuôi nấng ta từ trong trứng nước, là thấy nghĩa vụ trách nhiệm đối với Tổ tiên dân tộc. Một ngày, một giờ mà không đóng góp gì cho đất nước, với riêng tôi, là có tội đối với nhân dân.
Nhân đây, tôi xin có một lời nhắn nhủ và chia sẻ thêm với các bạn trẻ và đồng bào Việt Nam rằng đất nước là của chung, tranh đấu cho dân chủ, tự do, hạnh phúc là sứ mệnh của mỗi người, từng người trong chúng ta hãy hành động, cống hiến theo tinh thần “tận nhân lực” tức là càng gắng làm hết sức mình, thì đất nước, quốc gia, dân tộc sẽ “tri thiên mệnh”, tức là càng sớm sẽ thấy tương lai, cơ đồ tốt hơn.
RFA: Xin trân trọng cảm ơn ông Bùi Kiến Thành đã trả lời cuộc phỏng vấn này.
Trên đây là ý kiến trên quan điểm riêng của Kinh tế gia Bùi Kiến Thành, sinh năm 1931, một chuyên gia về kinh tế, tài chính, nguyên là Đại diện Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam (của Việt Nam Cộng Hòa) tại New York, nguyên Trợ lý cho Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm, nguyên Chủ tịch Tổng Giám đốc Công ty Bảo hiểm Quốc tế Mỹ (AIU), nguyên Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Chủ tịch sáng lập Công ty Bình Điện VABCO (nay là PINACO).
Ông Bùi Kiến Thành từng cố vấn cho ban lãnh đạo Đảng CSVN và chính phủ Việt Nam xây dựng chính sách Đổi Mới, cố vấn cho chính phủ Việt Nam về các vấn đề phát triển kinh tế, tài chính; giải tỏa cấm vận của Mỹ, thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ; cố vấn cơ sở pháp lý Chủ quyền Việt Nam trên thềm lục địa Biển Đông; Tư vấn xây dựng các tập đoàn kinh tế lớn, Hội nhập kinh tế thế giới; Chỉnh đốn xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, và phát huy Nhà nước Pháp Quyền v.v…
Mời quý vị bấm vào các đường dẫn sau để theo tham khảo thêm một số ý kiến được chia sẻ gần đây trên quan điểm riêng của ông Bùi Kiến Thành với Đài Á Châu Tự Do:
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/new_doi_moi_root_cause-05302023165154.html
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn_economy_chang_only_inadequate-05292023113529.html