Lãnh đạo Hà Nội mới đây cho rằng, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) là tất yếu khách quan, có ý nghĩa chiến lược và lâu dài.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết như vừa nêu trong bài viết của ông đăng trên báo chí nhà nước hôm 12/4/2022.
Theo ông Phúc, kinh tế tập thể tại Việt Nam mà nòng cốt là HTX với nhiều hình thức tổ hợp tác, liên hiệp HTX… dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể, liên kết và hợp tác rộng rãi những người lao động, hộ sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đề cao vai trò của HTX về những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước. Ông cũng yêu cầu phát triển kinh tế tập thể HTX trong giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2045 phải phù hợp với đường lối, chủ trương, mục tiêu của Đảng, khắc phục các nhược điểm của HTX…
Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả thuộc Bộ Tài Chính, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 12 tháng 4 năm 2022 liên quan vấn đề này, nhận định:
“Hợp tác xã là một trong ba thành phần kinh tế, nói chung cũng rất cần thiết. Cái này đã được khẳng định, ngoài nhà nước ra còn có tập thể, nó liên những liên đoàn, tập hợp những người lao động, cùng mục tiêu để hỗ trợ tác động lẫn nhau. Đang có những đề án để xây dựng phát triển nó (hợp tác xã), như trong nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và trong bất kỳ lĩnh vực nào… thì đều cần có kinh tế tập thể. Trong kinh tế thị trường vẫn có kinh tế nhà nước, nhưng tỷ trọng kinh tế hợp tác xã là bao nhiêu để mô hình cho hiệu quả, khác cơ chế cũ. Vì nếu không hiệu quả thì người ta không theo.”
Phải tránh tư duy cũ, gán tư duy cũ vào đây là không nên. Hợp tác xã phải trên cơ sở tự nguyện, muốn vô thì vô, không vô thì thôi, chứ trước kia là gần như bắt buộc.
-Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Ngô Trí Long
Theo Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Ngô Trí Long, hợp tác xã nông nghiệp kiểu cũ vào thời bao cấp là thành phần kinh tế chủ chốt, nhưng đã bộc lộ nhiều nhược điểm. Bây giờ muốn thu hút người dân tham gia hợp tác xã, theo ông Long là cần phải thay đổi:
“Hợp tác xã là gì? Đó không phải là sự áp đặt, sự bắt buộc, mà trên cơ sở tự nguyện, cùng mục tiêu, cùng chí hướng. Vì nếu không cùng mục tiêu thì cuối cùng cũng phải giải thể. Muốn thu hút người dân vào hợp tác xã thì phải bằng thực tính, hoạt động có hiệu quả thì người ta sẽ tự liên kết thôi. Ví dụ hợp tác xã trồng rau riêng biệt chứ không như trước kia gom hết tất cả là hợp tác xã nông nghiệp, mô hình đó đã lỗi thời. Phải tránh tư duy cũ, gán tư duy cũ vào đây là không nên. Hợp tác xã phải trên cơ sở tự nguyện, muốn vô thì vô, không vô thì thôi, chứ trước kia là gần như bắt buộc.”
Kể từ năm 2002, khi Việt Nam thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về kinh tế tập thể HTX… đến nay đã hơn 20 năm. Ông Phúc cho rằng hiệu quả HTX đã được nâng cao, có bước phát triển cả số lượng và chất lượng, khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài. (!?)
Bài viết cũng dẫn chứng tính đến cuối năm 2021, Việt Nam có tổng cộng 26.823 HTX, 120.319 tổ hợp tác và 106 liên hiệp HTX, thu hút 33% tổng số hộ gia đình ở địa bàn nông thôn tham gia. HTX đã giúp giảm chi phí sản xuất và ổn định hợp đồng tiêu thụ sản phẩm…
Thực tế ra sao? Chủ một cơ sở chăn nuôi ẩn danh ở Nghệ An, từng là thành viên Liên hiệp Hợp tác xã, cho biết về những hạn chế của hình thức hợp tác xã:
“Các chính sách cho kinh tế tập thể nói chung, đặc biệt là hợp tác xã thì rất tiếc là thiếu đồng bộ, chưa chuẩn, hay khả năng ít ỏi… Thành phần kinh tế tập thể hợp tác xã là thành phần đang yếu thế, yếu cả kiến thức năng lực, yếu cả về tài chính, công nghệ thiết bị… Từ đó dẫn đến rất yếu kém trong tiêu thụ sản phẩm, chưa có quy mô lớn, công nghệ cao hạn chế, đặc biệt trình độ quản trị kém.”
Anh T., một người trồng trái cây ở Tiền Giang, nói với RFA lý do vì sao anh không vô hợp tác xã:
“Hoạt động kinh doanh theo hợp tác xã nó còn mới mẻ, cho nên chưa có thị trường sẵn, cách thức mua bán thì chưa quen… Những người vào hợp tác xã theo tôi có thể họ có kinh nghiệm chỗ này chỗ kia, nhưng kinh nghiệm làm giám đốc kinh doanh mặt hàng nông sản thì hầu hết chưa có kinh nghiệm.”
Theo Luật Hợp tác xã năm 2012, Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất bảy thành viên tự nguyện thành lập. Trong khi đó, hợp tác xã theo mô hình bao cấp trước đó có tính chất bắt buộc, đã thất bại và gần như ngừng hoạt động vào năm 1986, khi Việt Nam bắt đầu cải cách kinh tế.
Phải ủng hộ việc đổi mới hợp tác xã, và tôi hy vọng có thể tìm ra một mô hình hợp tác xã thuận lợi để thu hút người nông dân. Xin lưu ý là ở Nhật Bản, các hợp tác xã trong nông nghiệp đều rất hấp dẫn và công khai minh bạch, có hiệu quả.
-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
Vào năm 2017, Chính phủ Việt Nam chính thức cho ra mắt Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, nhằm thúc đẩy thành lập các hợp tác xã kiểu mới theo luật hợp tác xã năm 2012, để xây dựng nông thôn… trên cơ sở tự nguyện của các thành viên, và quyền sở hữu tài sản của các thành viên được công nhận.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan khi trả lời báo chí vào tháng 4 năm 2021 cho biết, từ năm 2017 đến thời điểm đó, việc phát triển hợp tác xã nông nghiệp đã không được coi trọng.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trả lời RFA từ Hà Nội liên quan vấn đề này, cho biết:
“Tôi ủng hộ ý tưởng đổi mới hợp tác xã, và là một hình thức liên kết tự nguyện, hợp lý, có hiệu quả để tiến lên sản xuất lớn… Đối với các hộ nông dân nghèo thì tiến lên sản xuất lớn bằng cách gia tăng đầu tư và mua thêm đất đai là điều không tưởng. Vì vậy cho nên phải ủng hộ việc đổi mới hợp tác xã, và tôi hy vọng có thể tìm ra một mô hình hợp tác xã thuận lợi để thu hút người nông dân. Xin lưu ý là ở Nhật Bản, các hợp tác xã trong nông nghiệp đều rất hấp dẫn và công khai minh bạch, có hiệu quả.”
Người nông dân lo ngại việc trở lại hợp tác xã kiểu cũ cũng không phải là không có lý do, khi những giải pháp ở tầm vĩ mô thường được các chuyên gia cho là rất hay… nhưng khi áp dụng ở địa phương lại không được như vậy. Chính Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, vào năm 2017 khi giữ chức Phó Thủ tướng – Trưởng Ban chỉ đạo và phát triển kinh tế tập thể HTX, cũng từng nói rằng nhiều địa phương vẫn không phân biệt được hợp tác xã kiểu mới khác với kiểu cũ như thế nào.(!?)