Không tổ chức rầm rộ
Kể từ năm 1975, cứ vào dịp 30 tháng 4 hàng năm, Nhà nước Việt Nam luôn tổ chức những buổi lễ ăn mừng được gọi là ‘chiến thắng’, ‘giải phóng miền Nam’ của quân Bắc Việt. Họ gọi những người lính và chế độ Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam là ‘ngụy quân – ngụy quyền’.
Theo nhận xét của nhiều người thì năm nay không diễn ra những sự kiện ‘ăn mừng’ rầm rộ như mọi năm vì nhiều lý do.
Từ Nha Trang, Nhà báo Võ Văn Tạo nhận xét:
“Mình không quan sát được hết nhưng có vẻ cái không khí năm nay im ắng hơn, không ồn ào. Không thấy mít-tinh gì cả. Không biết họ có làm âm thầm ở đâu hay không. Cũng không hiểu do dịch hay do chủ trương của các ông ấy. Nhưng cờ thì tổ trưởng dân phố vẫn đến từng nhà nhắc phải treo trước 30 tháng 4.
Nói một cách khách quan thì năm chẵn người ta mới làm lớn. Tức là tính từ 1975, thì cứ 5 năm, 10 năm hoặc 20 năm…thì họ mới làm rùm beng. Còn năm lẻ thì chỉ sơ sài. Khoảng chục năm trở lại đây thì người ta cũng ít đề cập trên truyền thông, ngay cả bộ máy nhà nước họ cũng làm nhẹ nhàng trong phạm vi hẹp chứ không rầm rộ.”
Nhạc sĩ Tuấn Khanh từ Sài Gòn nhận định, đặc biệt năm nay, ở rất nhiều nơi người ta thấy Nhà nước chủ động tự mình treo cờ dọc các con đường. Không còn cảnh công an khu vực hay tổ trưởng đến từng nhà người dân thúc treo cờ nữa. Có lẽ nhiều năm rồi người ta mệt mỏi chuyện yêu cầu mà không phải ai cũng đáp ứng. Ông Tuấn Khanh nói thêm:
“Trên tinh thần của Nhà nước Việt Nam thì năm nào họ cũng nói 30 tháng 4 là một ngày lễ lớn tổ chức lớn. Các cơ quan Nhà nước thì có treo cờ và cờ của Đảng Cộng sản nhiều hơn cờ đỏ sao vàng. Trên truyền hình hay đài phát thanh, những chương trình ca ngợi chiến thắng năm nay hoàn toàn không có mà chỉ có những bản tin ngắn, vừa phải. Chỉ còn duy nhất một nơi là Thông tấn xã Việt Nam gọi ‘cuộc chiến thắng Mỹ Ngụy’ mà thôi. Còn tất cả mọi nơi, kể cả Đài truyền hình quốc gia Hà Nội cũng gọi ‘Việt Nam Cộng Hòa’.”
Từ lâu rồi những người hiểu biết họ có đề nghị bỏ cái chữ ‘giải phóng’ đi, thậm chí bỏ luôn chữ ‘thống nhất’, thay bằng một cái tên nào đó hướng đến sự hòa hiếu. Cái xu hướng và suy nghĩ này ngày càng có nhiều người ủng hộ. – Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp từ Hà Nội nhận xét rằng, không thấy Chính quyền tổ chức kỷ niệm 30 tháng 4 gì cả. Theo ông, đây là chủ ý của họ vì dần dần họ phải nhận thức rằng, cái sự thống nhất đất nước nó không toàn vẹn, không tốt và thực tế cho tất cả mọi người.
Có sự thay đổi?
Nhiều người nhận xét rằng, cái nhìn của ‘bên thắng cuộc’ đã phần nào thay đổi khi trong bài phát biểu tại họp mặt kỷ niệm 46 năm ngày thống nhất đất nước 30 tháng 4, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên không còn gọi ngày 30 tháng 4 là ngày Giải phóng Miền Nam nữa mà gọi là ngày Thống nhất Đất nước. Ông Nguyễn Văn Nên cũng không còn gọi chế độ nguỵ quyền mà gọi đúng tên chính danh chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
Dĩ nhiên, những phát biểu của ông Nguyễn Văn Nên không phải là những phát biểu cá nhân, mà đó là tiếng nói của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận xét:
“Từ lâu rồi những người hiểu biết họ có đề nghị bỏ cái chữ ‘giải phóng’ đi, thậm chí bỏ luôn chữ ‘thống nhất’, thay bằng một cái tên nào đó hướng đến sự hòa hiếu. Cái xu hướng và suy nghĩ này ngày càng có nhiều người ủng hộ.
Người ta còn phải nhận thức một điều nữa là cuộc chiến tranh đó không phải là cuộc chiến tranh chống Mỹ mà là cuộc chiến tranh người Việt đánh nhau với người Việt. Nó mang tính chất của một cuộc nội chiến. Cần phải thay đổi cái suy nghĩ ấy đi và dần dần bỏ đi những từ ngữ không còn đúng nữa. Còn đến bao giờ người ta bỏ thì mình cũng phải hiểu rằng sẽ còn lâu nữa vì sự thù hận giữa người nọ với người kia.”
Nhiều người nhận xét rằng, ngay từ năm 2019, Nhà nước đã thay đổi cách tổ chức ngày kỷ niệm kết thúc cuộc chiến Việt Nam. Việc tổ chức kỷ niệm ngày 30 tháng 4 năm đó là một hiện tựợng đặc biệt và bất thường khi liều lượng và mật độ tuyên truyền giảm hẳn, chỉ bằng từ một phần
tư đến một phần ba so với những năm trước.
Đặc biệt là khẩu hiệu ‘Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước’ không còn nhiều trên mặt báo mà chủ yếu chỉ còn ‘Thống nhất đất nước’ và bỏ đi cụm từ ‘Giải phóng miền Nam’. Các lễ hội cấp trung ương, địa phương không thấy tổ chức rình rang ở Sài Gòn, không duyệt binh, không bắn pháo hoa…liên quan đến ngày 30 tháng 4.
Năm nay, Chính quyền cũng không tổ chức bắn pháo hoa, không tổ chức lễ hội rình rang. Nhưng những điều đó chưa đủ để người dân tin rằng, Chính quyền thật sự thay đổi từ trong nhận thức về cuộc chiến cũng như ngày kết thúc cuộc chiến. Nhạc sĩ Tuấn Khanh bày tỏ quan điểm của ông:
“Nó không phải là sự thay đổi mà đó là sự mệt mỏi của nhà cầm quyền, đặc biệt lại do dịch COVID nên họ thất bại trong chuyện bắn pháo hoa. Chính quyền này sẽ không bao giờ có sự thay đổi bằng một thiện chí hết là bởi vì với tinh thần tập trung dân chủ, với những tiêu chí của Nhà nước Việt Nam thì không bao giờ có chuyện đột ngột Nhà nước Việt Nam thay đổi mà không có những cuộc bàn thảo, nhận định, những cuộc xét lại cả một thời gian dài trước đó để đưa đến một kết luận hết.
Cho nên, nếu như có một sự thay đổi nào đó thì mình sẽ thấy người ta bắt đầu bàn về tính chính danh của Việt Nam Cộng Hòa, có nên hòa giải hòa hợp và xóa bỏ hận thù, đừng gọi là Mỹ Ngụy nữa hay không.
Nó sẽ kéo dài trước đó cho đến 30 tháng 4 sẽ có màn diễn kịch là ‘kể từ hôm nay sẽ không gọi là Mỹ Ngụy nữa…”
Chính quyền này sẽ không bao giờ có sự thay đổi bằng một thiện chí hết là bởi vì với tinh thần tập trung dân chủ, với những tiêu chí của Nhà nước Việt Nam thì không bao giờ có chuyện đột ngột Nhà nước Việt Nam thay đổi mà không có những cuộc bàn thảo, nhận định, những cuộc xét lại cả một thời gian dài trước đó để đưa đến một kết luận hết. – Nhạc sĩ Tuấn Khanh
Tuy bài phát biểu của ông Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên có thay đổi trong cách dùng từ ngữ, nhưng ở một lãnh vực khác, hai cơ quan truyền thông chính thống hàng đầu của Việt Nam là Thông tấn xã Việt Nam và Báo Nhân Dân vẫn không thay đổi.
Trang tin tức của Thông tấn xã Việt Nam hôm 30 tháng 4 có bài viết tựa đề: “Người chỉ huy 12 chiếc xe tăng bắt được của địch đánh vào Bộ Tổng Tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn” với lời nhắn gửi của Thượng úy Lê Viết Linh – người được cho là nhân chứng lịch sử của ngày 30 tháng 4 rằng:
“Chuẩn bị đến ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tôi muốn viết bài này để tìm lại đồng đội cũ ở Tiểu đội trinh sát, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B đã cùng tôi ngồi trên xe tăng chiếm được của địch đánh vào Bộ tổng tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn ngày 30/4/1975. Đồng đội xưa ai còn, ai mất, đồng chí nào còn nhớ, xin liên lạc với tôi!”
Trước đó một ngày, Báo Nhân Dân có bài viết nhan đề: “Họp mặt kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước”.
Tuy đã 46 năm chấm dứt chiến tranh Việt Nam nhưng vết thương cuộc chiến để lại vẫn còn rỉ máu. Dù chính phủ không tổ chức rầm rộ nhưng những thông tin về 30 tháng 4, những hình ảnh, câu chuyện vẫn tiếp tục lan truyền trên mạng xã hội từ phía những người dân. Họ không phải là những cây viết chính thống, họ cũng không phải là những nhà bình luận. Họ là nạn nhân của cuộc chiến, cho đến bây giờ!