Nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh, người từng tham gia các cuộc biểu tình chống Luật Đặc khu và An ninh mạng, phản đối Formosa xả thải gây thảm họa môi trường… vừa mãn hạn tù trở về nhà nhưng vẫn phải thi hành án quản chế.
Kỹ sư thuỷ sản Nguyễn Ngọc Ánh, 44 tuổi, bị bắt ngày 30/8/2018 theo cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” vì nhiều bài viết và 74 video clip có nội dung nói về nhiều vấn đề của đất nước, trong đó có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, và ô nhiễm môi trường biển ở miền Trung gây ra bởi Formosa vào tháng 4/2016.
Trong phiên toà ngày 6/6/2019, ông bị kết án sáu năm tù giam và năm năm quản chế cho dù ông không thừa nhận có tội mà khẳng định bản thân chỉ “cất lên tiếng nói của người dân yêu nước về các vấn đề môi trường, chủ quyền của quốc gia ở Hoàng Sa và Trường Sa, về học đường, và bảo vệ dân oan…”
Sáng 30/8/2024, cán bộ Trại giam Xuân Lộc đưa ông Ánh về trụ sở Uỷ ban Nhân dân thị trấn Bình Đại (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) để bàn giao cho chính quyền địa phương trước khi ông được trở về nhà.
Trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong chiều 30/8, ông Ánh chia sẻ cảm xúc ngày trở về đoàn tụ với vợ và con trai:
“Tôi rất hạnh phúc là có vợ và con rất ủng hộ tôi, luôn luôn sát bên tôi trong những lúc bị áp bức những lúc bị họ chà đạp, vợ tôi luôn ở bên tôi, thúc đẩy tôi. Đó là điều làm tôi hạnh phúc.
Điều thứ hai là tôi tự hào mình có đủ dũng khí để dám làm và làm được những điều mà mình cho là đúng.”
Ông cho biết sau khoảng thời gian ở tù, thị lực và thính lực của ông Ánh đều giảm sút, không nói lớn được.
Ông Ánh bắt đầu quá trình hoạt động từ năm 2013, sử dụng Facebook để đăng tải nhiều bài viết và phát trực tiếp các bài nói chuyện trên mạng xã hội có nội dung chỉ trích Chính phủ Việt Nam không dám nêu đích danh tàu Trung Quốc đâm các tàu cá Việt Nam trên vùng Biển Đông đang tranh chấp.
Ông cũng tham gia vào cuộc biểu tình ở thành phố Hồ Chí Minh ngày 10/6/2018 phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng. Ông còn kêu gọi biểu tình vào đầu tháng 9 năm đó và dịp 30/4 năm sau.
Nhóm Công tác về bắt giữ tuỳ tiện (WGAD), một trong nhiều cơ chế nhân quyền của Liên Hiệp quốc, có văn bản cho rằng việc chính quyền Việt Nam bắt giam và xét xử nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh là “độc đoán,” vi phạm các công ước quốc tế về nhân quyền mà Hà Nội đã ký kết và phê chuẩn.
Trong khi chồng bị cầm tù, vợ ông, bà Nguyễn Thị Châu cũng bị chính quyền địa phương hạch sách và đàn áp vì đưa tin chồng bị đối xử vô nhân đạo lên mạng xã hội. Bà bị buộc lên đồn công an làm việc và yêu cầu không được chia sẻ thông tin, bình luận trên Facebook.
Tháng 3 vừa qua, Công an tỉnh Bến Tre xử phạt hành chính bà Châu số tiền 7,5 triệu đồng vì đã đăng một tấm ảnh ông Nguyễn Ngọc Ánh đang đứng trước tòa với dòng chữ trên ảnh “bọn dốt nát xử người vô tội” lên mạng xã hội.