Lại đổi mẫu thẻ căn cước!

Bộ Công an mới đây công bố dự thảo thông tư quy định về mẫu thẻ căn cước, đề xuất sử dụng mẫu thẻ mới sẽ có tên là ‘căn cước’, thay vì ‘căn cước công dân’ như hiện nay để phù hợp với quy định tại Luật căn cước.

Vì sao Công an “ôm” hết dịch vụ?

Luật sư Nguyễn Văn Đài nêu quan điểm của ông với RFA:

“Ở các nước văn minh thì Bộ công an không được phép làm các dịch vụ cho người dân. Ví dụ như thẻ chứng minh thư hay căn cước công dân hoặc là hộ chiếu. Những việc đó thuộc Bộ Ngoại giao hoặc các cơ quan hành chính khác nhưng mà Việt Nam họ đã giao việc đó cho Bộ công an. Vì sao Bộ công an lại cứ đòi phải nhận công việc đó, là bởi vì nó đem lại lợi ích rất nhiều cho ngành công an. Tất cả những công việc liên quan đến dịch vụ người dân thì đều đem lại lợi ích cho các bộ ngành.

Luật Căn cước Công dân trước đây hay bây giờ là Luật Căn cước thì đều là do Bộ Công an soạn thảo đề nghị vào Quốc hội phải làm cho họ, chứ đó không phải là ý chí của Quốc hội. Dùng từ căn cước công dân có ảnh hưởng gì đâu. Có thể sử dụng 5-10 năm không sao cả, không làm thay đổi bản chất. Cho nên việc thay đổi là không cần thiết!”

Thẻ căn cước công dân đã được thay đổi nhiều lần từ sau năm 1954 ở miền Bắc và sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 trên toàn cõi Việt Nam.

Cụ thể, ở miền Bắc, Chứng minh thư nhân dân lần đầu tiên được cấp năm 1957 cho các công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên. Giấy chứng minh thư nhân dân đầu tiên là chín số, thời hạn năm năm. Năm 1964, Chính phủ ban hành Nghị định mới về cấp giấy chứng minh, bổ sung các trường hợp không nằm trong diện cấp trước đó như những người bị mất trí, những người đang bị giam giữ, đang bị quản chế…

Luật Căn cước Công dân trước đây hay bây giờ là Luật Căn cước thì đều là do Bộ Công an soạn thảo đề nghị vào Quốc hội phải làm cho họ, chứ đó không phải là ý chí của Quốc hội. Dùng từ căn cước công dân có ảnh hưởng gì đâu. Có thể sử dụng 5-10 năm không sao cả, không làm thay đổi bản chất. Cho nên việc thay đổi là không cần thiết! – Luật sư Nguyễn Văn Đài

Năm 1976, toàn bộ công dân Việt Nam từ 15 tuổi trở lên được cấp thẻ căn cước. Năm 1999, thẻ căn cước đổi thành Chứng minh nhân dân. Năm 2016, Chứng minh nhân dân lại đổi thành thẻ Căn cước công dân. Năm 2021, thẻ Căn cước công dân lại đổi sang Căn cước công dân gắn chip. Nếu dự luật của Bộ công an lần này được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm nay thì thẻ Căn cước công dân tiếp tục đổi thành thẻ Căn cước.

Việc thay đổi thẻ, thay đổi tên thẻ nhiều lần trong thời gian ngắn như vậy khiến công luận mất niềm tin với nhà nước nhất là trong việc xây dựng pháp luật cũng như trình độ quản lý của các cơ quan chức năng.

Ông Liêu Thái ở Đà Nẵng bày tỏ suy nghĩ của mình với RFA:

“Mỗi lần thay đổi là một lần khó cho dân. Nội việc đi lại đổi thẻ là cả một vấn đề. Nó tốn thời gian lắm. Chắc chắn việc đổi như vậy nó thiếu tính khoa học. Câu trả lời cho có tính khoa học là nhìn vào cái công dụng của nó. Ai cũng cần một sự ổn định. Mà cái gì cứ liên tục thay đổi thì chắc chắn là nó không ổn định và cái tính xác tín của nó cũng rất thấp.

Cái thẻ căn cước cũng vậy. Nó là cái quyền cơ bản của tất cả mọi người. Nếu cứ thay đổi hoài thì nó làm cho mình cảm thấy bất an chứ không chỉ mất niềm tin. Cho đến thời điểm này, khi mấy ổng thay đổi nhiều lần như vậy thì câu hỏi tôi đặt ra là liệu cái tri thức về thời đại internet của mấy ổng nó đến đâu. Nói thì như chẻ tre mà thành quả nhiều khi chỉ như que tăm xỉa răng mà thôi.”

image.gif
Mẫu thẻ căn cước mới được Bộ Công an đề xuất. Photo: Bộ công an

Thay đổi để tốt hơn hay….?

Cựu trung tá Vũ Minh Trí cho rằng, việc thay đổi liên tục như thế thể hiện một sự kém cỏi, vô trách nhiệm và cẩu thả của những cơ quan soạn thảo ra luật cũng như những cơ quan ban hành pháp luật. Ông nói:

“Tôi nghĩ việc đổi liên tục đấy nó thể hiện sự yếu kém về việc thực thi công việc, bởi vì làm chưa tốt mới phải làm lại. Ví dụ nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, sau này là nước CHXHCN Việt Nam, mới chỉ tồn tại từ năm 1945, tức là chưa được 100 năm nhưng đã năm lần thay đổi hiến pháp. Nếu làm cẩn thận, kỹ càng, lựa chọn tốt thì sẽ không phải có những thay đổi như vậy. Đặc biệt là những vấn đề quan trọng liên quan đến quốc gia, dân tộc.

Ở Việt Nam thì Quốc hội suốt ngày họp bàn về luật. Đưa ra luật mới thì ít mà chủ yếu là sửa đổi, bổ sung dự thảo; sửa đổi, bổ sung một số điều của luật này, một số điều của luật kia. Có những luật rất quan trọng mà cả thế giới người ta đã làm tốt, đã có thông lệ thì mình chỉ việc học theo và tiếp thu mà thôi, chẳng hạn như Luật Lao động.”

Không chỉ thay đổi tên gọi, chứng minh thư còn thay đổi một số chi tiết mà nhiều người dân cho là không cần thiết, chỉ gây phiền toái cho dân. Chẳng hạn như tháng 9 năm 2012, Bộ Công an áp dụng cấp Chứng minh thư theo công nghệ mới với kích thước nhỏ gọn với 12 chữ số (thay vì 9 số như mẫu cũ), ảnh của công dân được in trực tiếp trên thẻ, có mã vạch hai chiều. Thông tin tên cha, mẹ đẻ được in ở mặt sau.

Nếu người ta có trình độ thì người ta phải nhìn xa trông rộng hơn để mỗi quyết định đưa ra phải nghiên cứu tất cả những dữ kiện, những tình huống có thể diễn ra. Từ đó đề ra cái mẫu thẻ căn cước mà trong đó có những nội dung không bị lỗi thời theo thời gian. – Ông Quang

Điều này bị cho là trái với Bộ luật Dân sự và Công ước Quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã ký tham gia từ năm 1989. Đầu tháng 4 năm 2013, do phản đối của dư luận và kiến nghị của Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an bỏ quy định ghi tên cha mẹ trên chứng minh nhân dân.

Ông Quang, một công dân Việt Nam nhận xét về mẫu thẻ căn cước mới nhất được Bộ công an đề xuất:

“Mẫu mới họ đề xuất chỉ có chữ “căn cước” mà không có chữ thẻ. Phần tiếng Anh ở dưới thì có. Cái căn cước công dân nó gắn liền với nhiều loại giấy tờ khác nữa, nói chung là tất cả các giao dịch dân sự. Mỗi lần thay đổi nó rất phiền toái cho dân. Mà cũng qua cái này mới thấy trình độ của những người làm công việc này rất hạn chế. Nếu người ta có trình độ thì người ta phải nhìn xa trông rộng hơn để mỗi quyết định đưa ra phải nghiên cứu tất cả những dữ kiện, những tình huống có thể diễn ra. Từ đó đề ra cái mẫu thẻ căn cước mà trong đó có những nội dung không bị lỗi thời theo thời gian.”

Một số người dân mà RFA trò chuyện đều cho rằng, cơ quan chức năng – mà cụ thể là Bộ Công an – phải nghiên cứu thật kỹ trước khi thực hiện bất cứ một sự thay đổi nào về tấm thẻ chứng minh nhân thân để tránh gây phiền hà cho dân. Bây giờ trên thẻ chỉ ghi “căn cước”; liệu vài tháng nữa có đổi thành “thẻ căn cước” hay không, là điều người dân tự hỏi!

Related posts