Số liệu thống kê của Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho thấy hiện Việt Nam có khoảng 2.790 làng nghề, riêng ở Hà Nội có 1.160 làng nghề. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển kinh tế làng nghề, người dân sinh sống gần các làng nghề đang phải chịu những ảnh hưởng về môi trường như tiếng ồn, mùi sơn, khói thải độc hại, nguồn nước thải ô nhiễm… do việc sản xuất của các làng nghề đa số nằm trong khu dân cư.
Ông Tôn Gia Hóa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, khi trả lời RFA từ Hà Nội hôm 23/4/2021, nhận định:
“Chính phủ bắt đầu có những biện pháp đồng bộ từ năm 2001-2002… và bắt đầu có những quyết định riêng cho phát triển làng nghề nông thôn, sau này là nghị định 66, bây giờ là nghị định 52… Trong đó vấn đề hay được nhắc đến nhất là vấn đề về môi trường. Vì chính phủ đã quan tâm nên tất cả các bộ ngành đều phải hướng vào, Bộ Khoa học- Công nghệ, Bộ Tài nguyên- Môi trường, Bộ Công thương… đều có dự án để xử lý. Nhưng theo tôi hiệu quả chưa được cao, vì vốn đầu tư của mình cho làng nghề còn ít. Nếu là các khu công nghiệp tập trung thì có thể đầu tư, mà ngay cả các khu công nghiệp tập trung thì cũng còn có vấn đề môi trường… nói chi các làng nghề rải rác phân tán như thế, rồi nơi sản xuất là trong nhà dân, vấn đề tập trung các nguồn thải, vấn đề xử lý chung cho cả cộng đồng rất là khó.”
Ngay cả các khu công nghiệp tập trung thì cũng còn có vấn đề môi trường… nói chi các làng nghề rải rác phân tán như thế, rồi nơi sản xuất là trong nhà dân, vấn đề tập trung các nguồn thải, vấn đề xử lý chung cho cả cộng đồng rất là khó.
-Ông Tôn Gia Hóa
Theo Bộ Tài nguyên- Môi trường, tình trạng ô nhiễm do các làng nghề gây nên đã được các địa phương thừa nhận, vì quá chạy theo lợi nhuận của các gia đình làm nghề, mà quên đi trách nhiệm xử lý những chất thải ra trong quá trình sản xuất.
Cơ quan chức năng cho rằng các làng nghề tái chế mỗi năm sản xuất từ 900 đến 1.000 tỷ đồng, nên người dân đã sản xuất với bất kỳ giá nào, không chú ý gì đến ô nhiễm môi trường. Các làng nghề này phần lớn tập trung ở những tỉnh như Bắc Ninh. Tại đó có làng nghề tái chế sản phẩm nhôm Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong; làng tái chế sắt thép Đa Hội, giấy Phong Khê… Còn Hà Nội có những làng nghề gây ô nhiễm tập trung tại khu vực Hoài Đức chuyên chế biến sắn, hay làng sản xuất tương Cự Đà…
Anh Tô Thanh Sơn, một nghệ nhân làm gốm tại làng Bát Tràng – Hà Nội, thành viên hội nghệ nhân thành phố cho RFA biết về thực tế làng nghề của anh hôm 23/4/2021:
“Làng nghề gốm Bát Tràng nổi tiếng với viên gạch Bát Tràng là đốt bằng củi và rơm. ‘Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng, vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông’… Gạch gốm Bát Tràng đã đi vào thơ ca huyền thoại và đi theo với thương hiệu làng nghề gốm Bát Tràng. Sau một thời gian lò củi lò rơm, đến một giai đoạn chuyển sang lò ga. Từ đó đến nay có thể nói cái lò ga đã đem lại môi trường rất tốt cho làng nghề. Lò ga có hai môi trường, một môi trường lửa ôxy, một môi trường lửa hàn nguyên, thế giới gọi là lửa khử, và lửa rút… thì đã cho kết quả mặt men rất ưu việt.”
Ở một chừng mực nào đấy theo anh Tô Thanh Sơn, có thể nói là Làng nghề gốm Bát Tràng đã khởi sắc. Trước kia thì da của người làng gốm bị đổi màu do ô nhiễm, cây cối không thể mọc xanh tốt. Anh giải thích thêm:
“Trước kia màu da của người sản xuất gốm thì hay bị xám, da bị xám là do đốt than, do nhiều lưu huỳnh, do carbon… thải trong khí độc từ lò củi lò than ra, nghi ngút khói đen, cho nên cây cối cũng không tốt. Nhưng sau này thì có thể nói cây cối đã tốt tươi, và da dẻ của người sản xuất gốm, người lao động đã rất là đẹp.”
Nhưng không phải nơi nào cũng có thể cải thiện môi trường như nơi anh Tô Thanh Sơn làm việc. Đơn cử như làng Mẫn Xá ở xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh nổi tiếng ở Việt Nam bởi được nhắc đến như một điển hình về ô nhiễm môi trường làng nghề.
Ở làng Mẫn Xá có tới 400 lò luyện thủ công, hàng trăm ống khói cứ hàng ngày nhả khói lên trời cùng với những bãi xỉ than, xỉ nhôm… Theo mô tả của người dân địa phương, ở làng khét lẹt mùi khói bụi, mùi nhôm nấu…
Trả lời RFA TV mới đây, một người dân ở làng Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, cho biết về tình trạng ô nhiễm làng nghề ở đây:
“Chúng tôi chỉ muốn chuyển đi nơi khác chứ không muốn ở nữa… khói nhiều lắm… nó làm cả đêm đến sáng khói cuộn lên lắm hôm đi không nhìn thấy, sương mù kín. Chính quyền nhắc mà ăn thua gì, chúng tôi không mong gì cái làng nghề ấy. Người ta mua sỉ nhôm các nhà máy vứt thải về nó sàng lọc ra, nó cô lại làm… thế rồi cái loại đồ trong khu công nghiệp dầu mỡ lung tung dính vào. Mỗi ngày phải khoảng 60 tấn về, 60 tấn phế liệu mà chỉ lấy được khoảng một hai tấn thôi.”
Còn tại Hà Nội, có làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng – một làng cổ thuộc huyện Hoài Đức, có tới hơn 4.000 lao động, với khoảng 500 hộ chuyên làm sản phẩm mỹ nghệ truyền thống, sản phẩm tượng, đồ thờ điêu khắc – thếp vàng, bạc… Tuy nhiên đi cùng với sự phát triển kinh tế, làng nghề Sơn Đồng đang chịu những ảnh hưởng về môi trường như tiếng ồn, mùi sơn… vì việc sản xuất nằm trong khu dân cư.
Trong khảo sát do Sở Tài nguyên- Môi trường Hà Nội thực hiện theo Đề án “Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, Hà Nội có 57 làng nghề ô nhiễm môi trường nước, 22 làng nghề ô nhiễm môi trường không khí, về môi trường đất chỉ kiểm tra 37 làng nghề và có 5 làng nghề ô nhiễm.
Chúng tôi chỉ muốn chuyển đi nơi khác chứ không muốn ở nữa… khói nhiều lắm… nó làm cả đêm đến sáng khói cuộn lên lắm hôm đi không nhìn thấy, sương mù kín. Chính quyền nhắc mà ăn thua gì, chúng tôi không mong gì cái làng nghề ấy.
-Người dân ở làng Mẫn Xá
Tuy nhiên một số địa phương cho rằng không phải tất cả các làng nghề đều gây ô nhiễm, mà chỉ có những làng nghề tái chế nhựa, gạch ngói, sắt thép với lợi nhuận cao nên họ bất chấp môi trường.
Ông Tôn Gia Hóa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, không đồng tình việc chỉ có làng nghề tái chế gây ô nhiễm:
“Những làng nghề tái chế thì nó gây ảnh hưởng nhiều, nhưng nhìn tổng thể nói chung vì làng nghề xuất phát từ sản xuất thủ công, tự phát, từ quy mô rất nhỏ và bây giờ tự nhiên phát triển quy mô lớn… cho nên nói chung làng nghề đều có vấn đề gây ô nhiễm. Số lượng làng nghề tái chế trên cả nước không nhiều, nhưng ô nhiễm của nó có tính chất độc hại và nguy hiểm hơn. Nhưng nếu nói chỉ làng nghề tái chế gây ô nhiễm thì không đúng. Thật ra nếu chỉ có làng nghề tái chế gây ô nhiễm thì lại dễ giải quyết, mình sẽ hạn chế cái đấy.”
Nhưng vấn đề là theo ông Tôn Gia Hóa, có những làng nghề mà Việt Nam rất muốn phát triển, ví dụ như làng nghề thực phẩm, hay thủ công mỹ nghệ… chính những làng ấy khi phát triển sẽ nảy sinh vấn đề môi trường nghiêm trọng như làng nghề làm bánh, bún… Ông Tôn Gia Hóa cho biết, những làng nghề này hồi xưa làm với sản lượng nhỏ thì không có vấn đề gì lắm. Nhưng bây giờ làm số lượng lớn thì gây độc hại như thủ công mỹ nghệ, gốm sứ, tẩm sấy mây tre bằng hóa chất cũng gây vấn đề môi trường. Đây là vấn đề khó nhất theo ông Hóa, nếu muốn phát triển làng ngành nghề nông thôn. Ông nói tiếp:
“Thực ra chính phủ đã có những chính sách, nhưng thực thi các chính sách ấy còn nhiều vấn đề, vì đối với địa phương thì nhiều vấn đề còn nan giải hơn… cho nên thứ tự ưu tiên chưa được quan tâm một cách thật sự, và chưa đúng tầm của nó để giải quyết. Bây giờ chính phủ đã thấy là đầu tư cho làng nghề rất ít, nhưng hiệu quả rất lớn, nên đã tập trung rất nhiều chương trình như mỗi xã một sản phẩm, nông thôn mới… Trong nông thôn mới, các làng nghề cũng được hưởng lợi, và khi hạ tầng nông thôn tốt thì vấn đề môi trường sẽ được giải quyết.”
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam – Tôn Gia Hóa, chính phủ Việt Nam đã có nhiều cố gắng giải quyết những thách thức ô nhiễm môi trường trong việc phát triển làng nghề. Nhưng ông Hóa cho rằng những cố gắng này chưa được như mong đợi.