Làn sóng doanh nghiệp đến Việt Nam: Hà Nội có đủ khả năng tiếp nhận?

Tờ Nikkei Asia vào ngày 11/11 đăng tải bài viết với tựa đề tạm dịch “Làn sóng doanh nghiệp đến Việt Nam: Hà Nội có đủ khả năng tiếp nhận?”

Theo tác giả Lien Hoang viết cho Nikkei, Việt Nam đang tận hưởng làn sóng các nhà sản xuất nước ngoài dịch chuyển từ Trung Quốc. Đây là một xu hướng đã bắt đầu sau năm 2007 khi các nhà máy may mặc và giày cấp thấp bắt đầu rời khỏi Trung Quốc vì chi phí gia tăng.

Đối với tất cả các nhà sản xuất toàn cầu, việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc ngày càng trở nên bấp bênh sau cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch COVID-19 và chi phí cao hơn. Vì vậy, việc tái định cư của họ sang đất nước láng giềng bên dưới Bắc Kinh đã giúp thúc đẩy lĩnh vực sản xuất của Việt Nam. Theo The New York Times đăng tải ngày 13/10, Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng năm gần 20% trong ba thập kỷ. Ngay cả khi thương mại toàn cầu sụt giảm trong những năm 2010, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 16%/năm, cho đến nay là tốc độ nhanh nhất trên thế giới.

Trao đổi với RFA tối 20/11, chuyên gia tài chính-ngân hàng độc lập, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đang ở Hà Nội cho rằng Việt Nam có nhiều thuận lợi, có thể nói là đang tìm cách tỏa sáng trong nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, ông nhận định:

“Có một câu là xây tổ đón đại bàng nhưng tôi không thấy những làn sóng đó. Những công ty Tây phương hoặc Mỹ dịch chuyển cơ sở sản xuất của họ sang Việt Nam thì tôi chưa thấy có làn sóng đó. Thành ra việc Việt Nam xây tổ đón đại bàng là cần thiết nhưng liệu đại bàng có đến hay không lại là vấn đề. Nhất là qua cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ cho thấy ông Biden có khả năng rất lớn sẽ trở thành Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Nếu ông Joe Biden lên nắm quyền ở Mỹ, chính sách Mỹ đối với Trung Quốc sẽ mang tính cách hòa giải, từ đó sẽ không đẩy những công ty Mỹ ra khỏi Trung Quốc và đi tìm những tổ (khác) ở vùng Châu Á.”

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng nêu lên tình hình thực tế những thuận lợi và khó khăn nếu có sự dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam:

“Tôi chưa thấy đại bàng vỗ cánh, cũng chưa thấy xây tổ bên này có những tổ đáp ứng về pháp lý, chính sách đầu tư, hạ tầng cơ sở, lực lượng lao động. Ngoại trừ việc địa lý thuận lợi, văn hóa doanh nghiệp tương đồng, Việt Nam cũng đang nổi lên trên thế giới như một địa điểm đáng đầu tư vì Việt Nam đang kiểm soát được dịch bệnh tốt, năm nay GDP của Việt Nam có thể ở mức +3% trong khi các nước chung quanh là âm.”

Trước đó, vào tháng 9/2020, Oxford Economics, công ty hàng đầu trong lĩnh vực phân tích định lượng và dự báo toàn cầu, đưa ra báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” dự đoán GDP của Việt Nam sẽ tăng khoảng 2,3% trong năm 2020 và Việt Nam sẽ là nền kinh tế duy nhất tại Đông Nam Á tăng trưởng trong năm nay.

Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương lại có góc nhìn khác:

“Hiện nay có một làn sóng các doanh nghiệp chuyển từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Ấn Độ, Việt Nam, Myanmar. Tôi nghĩ rằng Việt Nam nếu cải thiện được môi trường kinh doanh sẽ đón nhận được một lực lượng đầu tư nước ngoài đáng kể trong làn sóng này.”

Nói rõ hơn về những thay đổi cần thực hiện để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết:

2015-12-18T120000Z_1924446905_GF10000268598_RTRMADP_3_VIETNAM-LOGISTICS.JPG
Xe tải và container di chuyển trên Quốc lộ 5 ở Hà Nội nối với cảng Hải Phòng.
REUTERS / Kham

“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh cần phải cải cách thể chế. Theo tôi trong thời đại ngày nay thì Việt Nam có thể tận dụng kinh tế số, thực hiện rộng rãi chính phủ điện tử cấp 4, áp dụng thương mại điện tử và thực hiện công khai minh bạch. Tôi nghĩ kinh tế số cho phép công khai minh bạch tất cả các dự thảo cho đến các quyết định. Điều thứ hai Việt Nam cần làm là nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng, đặc biệt logistic – dịch vụ bốc xếp và kho bãi ở cảng giảm chi phí. Quan trọng nhất, Việt Nam hiện nay có một nguồn nhân lực trẻ, dồi dào và khéo tay nhưng chưa được đào tạo tốt và kỷ luật công nghiệp chưa cao. Việt Nam cần đào tạo cả về kiến thức, kỹ năng cũng như tác phong để có thể thu hút đầu tư nước ngoài và phát huy chất lượng cao hơn của nguồn nhân lực này.”

Tác giả Lien Hoang trong bài viết trên Nikkei cũng cho biết vấn đề về lực lượng lao động Việt Nam đang căng thẳng trước áp lực có nhiều nhà đầu tư đến đất nước hình chữ S.

Navigos Group, công ty sở hữu trang web việc làm lớn nhất Việt Nam, cho biết 71% công ty công nghệ cho biết khan hiếm nhân tài công nghệ thông tin là thách thức lớn nhất của họ. Con số đó vượt xa chi phí lương, các vấn đề pháp lý và các thách thức khác được trích dẫn trong cuộc khảo sát được Navigos công bố vào tháng Tư. Tương tự, các nhà tuyển dụng cho biết họ gặp khó khăn khi thực hiện các vai trò quản lý cấp trung trong nhiều ngành khác nhau.

Ông Thịnh Nguyễn, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn phần mềm Zien Solutions, cho biết: “Nguồn lao động có tay nghề cao ở Việt Nam không đủ để đáp ứng nhu cầu.”

Bên cạnh đó, bài viết trên Nikkei chỉ ra một thách thức khác là sự khan hiếm các nhà cung cấp trong nước, khiến Việt Nam phải vận chuyển nguyên liệu từ Trung Quốc, nguồn nhập khẩu lớn nhất của đất nước.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đánh giá về tình hình vừa nêu như sau;

“Từ trước đến nay thì chúng ta chỉ có gia công một số công đoạn cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, còn lại chúng ta phải nhập nguyên vật liệu rất nhiều từ Trung Quốc. Thế thì chúng ta hãy cố gắng đầu tư nhiều hơn nữa vào việc tạo ra nguyên vật liệu cũng như đầu tư nhiều hơn nữa vào việc thiết kế và nghiên cứu, triển khai các kết quả nghiên cứu đó. Các doanh nghiệp trong nước phải tự nâng cao mình lên, áp dụng công nghệ hiện địa, chuyển nhanh sang kinh tế số và phải gia nhập chuỗi giá trị của các công ty nước ngoài. Đấy là nhiệm vụ hoàn toàn không dễ dàng nhưng Việt Nam cần đặt ra để có thể tận dụng những cơ hội hiện nay.”

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, dù tình trạng các nhà cung cấp trong nước tại Việt Nam còn yếu và thiếu, nhưng:

“Cái đó cũng không cản trở Việt Nam trong vấn đề đón nhận đầu tư vì Việt Nam có thể tiếp tục tăng cường hỗ trợ. Những con đại bàng vào Việt Nam thì doanh nghiệp, Chính phủ Việt Nam sẽ có những giải pháp để tăng cường productivity – năng lực sản xuất của lãnh vực các ngành hỗ trợ. Đặc biệt nữa đó là cơ hội cho Việt Nam nếu thật sự các con đại bàng đến đây và cần trang thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào cũng là cơ hội Việt Nam phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.”

Vào ngày 16/10 vừa qua, tin từ tờ Nikkei cho biết nhà khai thác kho hàng lớn nhất châu Á GLP của Singapore  đang ra mắt liên doanh trị giá 1,5 tỷ USD, kéo dài trong ba năm tại Việt Nam.

Theo người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành GLP, Ming Mei, Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á với sự năng động về dân số, nền kinh tế đang phát triển và tầng lớp trung lưu hỗ trợ tiêu dùng trong nước.

Trong bài viết trên The New York Times vào ngày 13/10, tác giả Ruchir Sharma, một nhà đầu tư và nhà văn, có bài viết nói về nền kinh tế của đất nước hình chữ S với tiêu đề tạm dịch “Việt Nam có phải là ‘Kỳ tích châu Á’ tiếp theo?”. Ông cho rằng việc kiềm chế đại dịch cho phép Việt Nam nhanh chóng mở cửa trở lại các doanh nghiệp và hiện được dự đoán là nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong năm nay.

Related posts