Về quê trước, quay lại… tính sau
Tổng cục Thống kê cho truyền thông Nhà nước biết khoảng 1,3 triệu lao động đã về quê tránh dịch, tính từ tháng 7 đến 15/9. Tuy nhiên con số này chưa bao gồm dòng người ào ạt kéo về quê từ đầu tháng 10 khi TPHCM và một số tỉnh phía Nam dỡ bỏ lệnh giãn cách.
Các chuyên gia kinh tế dự báo nguồn lao động đã về quê, có khả năng chỉ quay lại TP.HCM làm việc sau Tết Nguyên đán. Và đó chính là vấn đề đáng quan ngại trong việc phục hồi kinh tế sau dịch.
Nhiều lao động cho biết, họ không suy tính nhiều, trước mắt chỉ muốn được về quê để bớt gánh nặng chi tiêu tại thành phố đắt đỏ bậc nhất này:
“Tôi là nhân viên, không đi làm được nên không có lương, phải về quê. Ban đầu cũng có tiền tiết kiệm nhưng sau gặp khó khăn về tiền trong khi đó về nhà còn bố mẹ thì bớt được đóng tiền trọ, xem tình hình thế nào có thể kiếm được việc ở quê hay không, sẽ đi tìm cơ hội mới.”
“Tôi vào đây làm cũng lâu rồi. Bây giờ trong này việc của tôi chưa hoạt động lại thì tôi đi về quê bởi vì ở đây dịch cũng còn gay gắt nên về quê mình bao giờ cũng yên bình hơn.”
“Gia đình tôi ở trong này tám người, vừa rồi cũng bị nhiễm COVID nên không ở lại được nữa vì mắc kẹt trong này năm tháng rồi. Tỉnh có chương trình hỗ trợ cho bà con về quê nên gia đình cũng đăng ký cho mọi người cùng nhau về.”
“Giờ dịch nên gia đình muốn về quê tại ở trong này cũng mấy tháng rồi, không kham nổi. Tôi nghỉ bốn tháng rưỡi rồi, không làm được gì hết. Tôi làm trong khách sạn nên từ lúc dịch là nghỉ từ 30/4 tới giờ.”
“Giờ ở thành phố nói là nới lỏng nhưng làm ăn vẫn phải theo phòng chống dịch mà các cháu nhỏ không đi học được, cũng không tiêm phòng chống được nên đành phải cho các cháu về quê tránh dịch.”
“Ở trong này khó chịu quá rồi, kẹt trong này bao nhiêu tháng nay, định đi máy bay nhưng không đủ tiền, bí quá, may lần này đi tàu. Hai hôm mất ăn mất ngủ, hai đêm không ngủ được chỉ mong đến ngày được về.”
“Vợ chồng tôi về vì ba, bốn tháng nay công ăn việc làm trong này chẳng có ăn nên về quê. Về quê vừa không có dịch bệnh, đỡ bệnh tật, ở đây thì không có việc làm, ăn uống tốn kém, vợ đang mang bầu nên tôi cũng không muốn cho ở đây vì trong này dịch bệnh, nhiều bệnh.”
Khó khăn vây quanh
Khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam từ ngày 27/4, TPHCM trở thành tâm dịch với số ca nhiễm và tử vong tăng mỗi ngày.
Nhằm đối phó với sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh, lãnh đạo thành phố đã phải liên tiếp ra lệnh giãn cách xã hội theo mức độ tăng dần, có lúc lên đến giới nghiêm, ‘ai ở đâu ở yên đó’ lên đến 120 ngày.
Truyền thông nhà nước trong thời gian này liên tục đưa tin cho hay chính quyền thành phố lớn nhất nước luôn có những hỗ trợ kịp thời đến người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đặc biệt đối với những người lao động tự do.
Mới đây nhất, Giám đốc Sở Lao Động- Thương Binh & Xã Hội TPHCM Lê Minh Tấn vào ngày 18/10 tại tổ của Hội đồng Nhân dân Thành phố phát biểu “chưa có ai ở thành phố bị đói, hay thiếu mặc, lâm vào cảnh khốn khổ vì đại dịch.”
Phát ngôn vừa nêu của ông Tấn đã bị phản đối mạnh mẽ, do đó trong ngày 20/10 ông Tấn đã phải đưa ra lời xin lỗi người dân. Qua đó, ông Tấn cho biết thêm đến thời điểm hiện nay, TPHCM đã giải quyết cho gần 10 triệu lượt người hưởng chính sách qua ba gói an sinh hỗ trợ cho những đối tượng bị tác động bởi dịch COVID-19. Hai gói hỗ trợ thứ hai và thứ ba không phân biệt đối tượng thường trú hay tạm trú mà cho tất cả ai có mặt trên địa bàn.
Tuy vậy, nhiều người dân từ những vùng miền khác vào Sài Gòn kiếm sống cho hay từ khi giãn cách bắt đầu đến ngày họ ra ga tàu về quê, họ vẫn chưa nhận được bất cứ hỗ trợ gì, như chia sẻ của một phụ nữ quê ở Phú Thọ nói với chúng tôi:
“Mới vào đây mấy tháng đi làm tự do nhưng vào được mấy ngày thì bệnh. Bốn tháng nay khổ lắm, ở nhà trọ không giảm được đồng nào mà tiền cứu trợ tự do thì không nhận được đồng nào, vất vả lắm. Quyết định về quê luôn, không ở nữa, có rau ăn rau, có muối ăn muối chứ giờ ở đây một thân một mình bệnh tật không ai lo, ở trong bốn tháng trời khổ lắm, ăn không có ăn, ăn mì tôm suốt.
Bao nhiêu tiền nhà nước cứ bảo hỗ trợ cho dân tự do lao động nhưng không có ngàn nào. Cũng làm đơn gửi hết Sở Thuơng binh nhưng không được đồng nào, không tài trợ gì, vất vả lắm.”
Trong câu chuyện về quê, nhiều lao động không ngần ngại chia sẻ khó khăn của họ và gia đình suốt nhiều tháng qua tại TPHCM, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội, mất việc làm và thu nhập. Một người (không muốn nêu tên) cho biết:
“Khó khăn thứ nhất là đang ở trọ, tiền phòng trọ, tiền ăn uống, tiền sinh hoạt, tất cả các thứ đều thiếu đâm ra rất khó khăn vì quá nặng tiền để lo cho các cháu. Bây giờ may mắn cái là tỉnh đón về thì tôi về quê có rau ăn rau, có cháo ăn cháo đỡ hơn ở thành phố.
Quê hương mình vẫn là trên hết thế nên tôi đưa các cháu về quê thứ nhất là tránh dịch, thứ hai là các cháu học hành ngoài quê tuy không bằng thành phố nhưng vẫn là môi trường giáo cho các cháu về đấy học yên tâm hơn.”
Được biết, chỉ trong ngày đầu TPHCM nới lỏng giãn cách, có gần 90.000 lao động ngoại tỉnh rời thành phố để về quê.
Nhiều tỉnh, thành sau đó đã phối hợp với cơ quan chức năng thành phố lớn nhất nước cùng ngành đường sắt để vận chuyển người dân đang sinh sống và làm việc tại TPHCM có nguyện vọng về địa phương bằng tàu hỏa như Quảng Bình, Tuyên Quang, Ninh Bình, Phú Thọ…