Đợt dịch COVID-19 lần thứ tư tái bùng phát tại Việt Nam kể từ ngày 27/4/2021 được các chuyên gia y tế Việt Nam (VN) đánh giá là nghiêm trọng do sự lây lan nhanh với nhiều biến chủng phức tạp và nguy hiểm.
Cầm cự qua ngày
Cùng với con số người nhiễm ngày một tăng và các địa phương bị phong tỏa ngày một nhiều khiến các chuyên gia kinh tế dự đoán, đợt dịch lần này sẽ gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế đất nước hình chữ S, đặc biệt vì hai nguồn lây mạnh nhất là cơ quan y tế và các khu công nghiệp.
Trao đổi với RFA vào tối 7/6, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định:
“Vấn đề dịch COVID lần này sẽ gây tác động đến kinh tế một cách tiêu cực. Một là số bệnh nhân tăng gây sức ép đối với ngành y tế. Thứ hai là chính phủ ra quyết định có giãn cách nhưng có cải tiến so với giãn cách kỳ trước, tức là không giãn cách đồng loạt trên cả nước mà ở một thành phố thì cũng chỉ thực hiện giãn cách ở một khu phố, ở một góc, hẻm nào diễn ra dịch chứ không phải áp đặt một cách rộng và đồng loạt như trước đây.
Chính phủ cố gắng thực hiện mục tiêu vừa soát dịch vừa bảo đảm tăng trưởng kinh tế. Đấy là một nhiệm vụ khó khăn nhưng tôi hy vọng chính phủ có thể thực hiện được.”
Tuy nhiên, trong thực tế, khi có nhiều ca nhiễm trong cộng đồng được ghi nhận là biến chủng mới của SARS-CoV-2, nhiều tỉnh, thành đã phải áp dụng biện pháp phong toả như Bắc Giang, Bắc Ninh và TPHCM.
Do đó, không chỉ với con số 60 ngàn doanh nghiệp đóng cửa trong năm tháng đầu năm 2020 (theo báo cáo của Tổng Cục thống kê) mà người dân làm các công việc tự do cũng không tránh khỏi thiệt hại. Như lời một người bán rau ở Đà Nẵng chia sẻ:
“Buôn bán ế ẩm, phần thì đồ hư, bán ế, hễ dịch là bán không được, ở nhà đâu buôn bán gì được. “
Một người bán chè ở vỉa hè thành phố đáng sống nhất Việt Nam cũng cùng quan điểm:
“Thiệt hại, không có tiền mà ăn. Họ đi làm nhà nước họ có ăn chứ giống như tụi cô lang thang ngoài đường sống nhờ vỉa hè mà COVID này là chết, khốn khổ. Buôn bán không bằng một phần ngày xưa. Trời nắng nôi nhưng ngồi từ sáng đến tối mà không bán được gì hết.
Cô cũng không biết sao nữa. Cầm cự một, hai ngày thôi chứ bây giờ mà nói thì không biết sao mà tính.”
Họ đi làm nhà nước họ có ăn chứ giống như tụi cô lang thang ngoài đường sống nhờ vỉa hè mà COVID này là chết, khốn khổ. Buôn bán không bằng một phần ngày xưa. Trời nắng nôi nhưng ngồi từ sáng đến tối mà không bán được gì hết. – người bán chè
Cùng chung cảnh ngộ, một người lao động tự do ở thành phố này cho hay:
“Nói cho đúng cuộc sống làm cũng không ra ăn nếu thực ra mà nói. Trước mắt mình không có tiền mà sống. Hồi xưa mình một ngày lao động kiếm được vài trăm ngàn cảm thấy mừng. Ngày hôm nay có ngày 15 ngàn, có ngày chẳng có đồng nào nhưng phải chấp nhận ngồi.”
Khi kế sinh nhai bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nguồn thu nhập giảm, cuộc sống của người dân tại thành phố Đà Nẵng cũng chịu nhiều thay đổi.
Một chị làm lao động tự do nói với chúng tôi:
“Ảnh hưởng nhiều. Nói chung làm không ra, tiền trọ, tiền đồ họ không bớt cho mình. Mình làm không ra thì con cái học hành, tiền nhà cửa, tiền ăn uống, chi tiêu đủ thứ nên cũng buồn lắm.”
Theo lời cô bán hàng rong, trước đây cô bán đồ ăn nhưng do dịch bệnh nên phải đổi mặt hàng:
“Bán ế quá cô nghỉ, đồ ăn mà không có người ra đường sao bán? Ăn họ cũng sợ. Nên đổi qua trái cây bán cũng được, nhiều khi không hết cũng có hư, thúi, bỏ, được buổi sáng, buổi chiều là bán lỗ vốn.
Mình có ít, ví dụ như ngày lời 200-300 ngàn, giờ không có thì lời 100-150 ngàn, xài trong vòng đó thôi. Có ít xài ít, có nhiều xài nhiều, buồn chứ sao không có, dịch mà ai buôn bán được.”
Tình hình khó khăn là vậy, nhưng vẫn còn không ít người chọn cách sống lạc quan hơn, như lời cô lao động tự do:
“Còn có cái mình sướng là ở Đà Nẵng an toàn nên mình cũng đỡ lo, chứ nếu cái thế giờ chấp nhận ra mà COVID thì phải ở nhà, mọi người cũng phải như thế thôi. Mình vì mọi người, mọi người cũng vì mình chứ không phải vì mình kêu mình đói mà lăn ra, không dám.”
Không có trợ giúp kịp thời
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, những nguyên nhân chính khiến cho người lao động tự do bị ảnh hưởng nặng trong đợt dịch COVID-19 này là do:
“Đối với người lao động tự do thì tình hình đúng là thực sự khó khăn vì người lao động tự do không có dự trữ, làm ngày nào tiêu xài ngày ấy, nếu không có nguồn thu nhập trong khi bị giãn cách thế này thì người lao động tự do sẽ bị thiếu hụt và vì họ không dự trữ nên tình hình của họ cũng rất khó khăn.”
Tại nhiều tỉnh thành, dù lãnh đạo địa phương không ban hành lệnh giãn cách xã hội nhưng người dân cũng ngại ra đường nhằm tránh bị lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Điều này gây ảnh hưởng khá nhiều đến những người làm nghề vận chuyển như xe ôm công nghệ.
Một anh tài xế hãng Grab tại Hà Nội nói rõ hơn về những ảnh hưởng do dịch bệnh mà coronavirus gây ra:
“Nếu dịch thế này khách hàng hạn chế ra đường nhiều. Phương diện của mình cũng thế, nếu không vì công việc, không vì cuộc sống thì mình cũng không muốn ra đường làm gì. Mình muốn ở trong nhà tránh dịch chứ ra ngoài đường chẳng may bi lây nhiễm vào người thì cũng không biết thế nào mà lần.
Thu nhập cũng ảnh hưởng tương đối. Không thể nào thu nhập như lúc không bị dịch được. Mình vẫn đang phải thuê nhà, mức độ chạy xe như của mình chỉ đủ để ăn uống và chi phí tiền thuê nhà coi như là hết.”
Dù không cùng thành phố, nhưng chú xe ôm công nghệ ở Đà Nẵng cũng cho hay tình hình không mấy khá khẩm:
“Rất khó làm ăn, không có khách, ít khách lắm mà xe thồ nhiều nữa nên làm ăn rất khó khăn. Cuộc sống bị ảnh hưởng là thiếu thốn, vất vả hơn bình thường. Khách khứa không đi xe ôm. Làm ăn ngày kiếm trăm mấy mà giờ là vài chục, có khi không có đồng nào.”
Đại dịch COVID-19 bùng phát từ năm 2020 và cũng là lúc dịch vụ chuyển hàng nở rộ do người dân chọn loại hình mua online nhiều hơn, thay vì đến tận nơi.
Tuy vậy, nhiều tài xế công nghệ tại Hà Nội tâm sự, việc giao hàng tăng trong mùa dịch vừa là niềm vui cũng là nỗi lo và bất an đối với họ.
Một tài xế giao hàng cho Now Food cho hay:
“Khối lượng công việc khi mùa nóng thì cũng nhiều việc hơn, nhưng tính về mọi cái thì bất đắc dĩ, không ai muốn.
Bây giờ quán xá cấm không đi ăn uống, các khu vui chơi không được thì nhu cầu đặt (thức ăn) sẽ cao hơn. Thường thì mình làm tới 7 giờ tối là kết thúc.”
Trước đó, chính phủ Hà Nội đã có những gói cứu trợ người dân và doanh nghiệp trong đợt dịch thứ nhất và thứ nhì. Tuy nhiên, theo thống kê được báo chí nhà nước đăng tải cho hay thì số tiền cho những gói cứu trợ này vẫn chưa được sử dụng hết.
Trước diễn biến phức tạp trong đợt dịch thứ tư, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vào ngày 19/5 vừa qua đã ra Quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, từ 500 ngàn đến tối đa 1,5 triệu đồng/người.
Thu nhập cũng ảnh hưởng tương đối. Không thể nào thu nhập như lúc không bị dịch được. Mình vẫn đang phải thuê nhà, mức độ chạy xe như của mình chỉ đủ để ăn uống và chi phí tiền thuê nhà coi như là hết. – tài xế Grab
Dù vậy, nhiều người lao động cho biết chưa nghe thông tin này, như lời chú tài xế tại Đà Nẵng cho hay:
“Hai lần trước có nhận được hỗ trợ, đợt này chưa nghe nói gì hết.”
Hay như lời chị lao động tự do từ quê vào Đà Nẵng mưu sinh:
“Đâu thấy gì đâu. Mình vô đây ở trọ đi làm, bán buôn ngày nào được ngày nấy. Nếu bán ế thì lỗ vốn.”
Cô bán chè cũng xác nhận:
“Hai lần giãn cách xã hội thì một lần được một triệu còn bây giờ họ cho buôn bán bình thường thế này là không có gì hết. Mình bán được hay không là quyền của mình, thích nghỉ hay thích bán, họ cho mình đi bán mà. Nói hỗ trợ của nhà nước buôn bán vỉa hè là không có gì đâu.
Mình không thuộc chế độ nhà nước, không thuộc cái gì hết nên mình không có gì hết.”
Theo số liệu thống kê từ Bộ Y tế thông báo có tổng cộng 5832 ca nhiễm trong cộng đồng vào đợt dịch thứ tư bùng phát từ ngày 27/4 đến nay. Riêng trong ngày 7/6 ghi nhận có thêm 236 ca nhiễm mới.
Trước tình hình dịch bệnh lây lan rộng rãi như vừa nêu, nhiều người dân bày tỏ mong muốn với RFA như sau:
“Mong muốn mau hết dịch để làm ăn trở lại bình thường,” chú tài xế tại Đà Nẵng cho hay.
Còn theo cô bán chè, mong muốn với người lao động tự do bây giờ lại là chuyện xa vời:
“Mong muốn giờ nói thì chịu. Giờ này người dân mình sống vỉa hè, không có gì đâu mà phải đòi hỏi mong muốn. Có đòi hỏi cũng không có, không đòi hỏi gì được.”