Muôn vàn khó khăn
“Hiện tại ở Algeria công nhân (Việt) mắc kẹt rất nhiều vì ở đây rất nhiều công ty Việt Nam làm việc, cỡ 30-50 người, rất nhiều. Sa mạc nóng toàn cầu, hiện đang bị giam giữ tại đây không đi đâu được, hiện tại không có hộ chiếu, hộ chiếu do công ty Trung Quốc nắm giữ nhưng cách xa ở đây. Họ đóng quân ở thủ đô nhưng làm việc ở đây, đi máy bay hết hai tiếng. Hộ chiếu thì họ không trao trả để mình được đi lại, hiện tại là bảy tháng rồi.”
Vừa rồi là lời anh Hoàng Chí Thanh nói với RFA từ sa mạc Sahara, thuộc địa phận nước Algeria vào tối 10/11.
Trước đó, trao đổi với RFA vào ngày 2/9, anh Nguyễn Văn Hiệp, một công nhân khác tại Algeria cũng cho hay về tình trạng nguy cấp của những công nhân Việt Nam khi họ không được công ty trả giấy tờ để làm thị thực. Anh Hiệp nói:
“Giờ hai bên không gia hạn visa cho tụi tôi, tụi tôi như người bất hợp pháp. Đang ở trong công ty, đúng chủ sử dụng nhưng giờ đúng người bất hợp pháp, không visa, không giấy tờ, có thể nguy cơ sẽ bị công an bắt. Hôm qua có công an vào kiểm tra nhưng chủ đóng cửa bắt chạy đi khắp nơi trốn.
Hai, ba năm trời tụi tôi không được đi lăn vân tay, hay ký visa gì, kể cả các thiết bị y tế, khám sức khỏe, không có sự can thiệp gì từ công ty. Tụi tôi cũng gửi đơn phản ánh về công ty ở Việt Nam nhiều rồi nhưng công ty ở Việt Nam không có trách nhiệm gì, cứ bơ như vậy, không làm gì cho tụi tôi. Điện về thích thì nghe máy, không thích thì thôi.”
Theo những chia sẻ của các công nhân tại Algeria mà RFA có cơ hội trò chuyện, hầu hết họ đều được đưa sang đây lao động thông qua một công ty môi giới tại Việt Nam có tên là Công ty cổ phần đầu tư & hợp tác quốc tế Thăng Long (THANG LONG OSC), trụ sở văn phòng đặt tại Hà Nội.
Ở đây anh em đi làm bình thường nhưng từ tháng 4 tới giờ người ta không trả lương cho mình. Ở đây có một số anh em hết hạn hợp đồng nhưng chủ không đóng tiền visa để đi về. – Đào Văn Pha
Tuy nhiên đến tháng 4 vừa qua, phía công ty sử dụng lao động đã ngưng trả lương cho công nhân, dù phía công nhân đã nhiều lần liên lạc với cả công ty sử dụng lao động lẫn công ty môi giới lao động, nhưng không ai giải quyết. Anh Đào Văn Pha, một trong số những công nhân đang “kẹt” trong tình huống đó cho biết:
“Ở đây anh em đi làm bình thường nhưng từ tháng 4 tới giờ người ta không trả lương cho mình.
Ở đây có một số anh em hết hạn hợp đồng nhưng chủ không đóng tiền visa để đi về.
Điện về cho công ty thì công ty trả lời nhờ anh em bên đây đình công để giải quyết cái này cái khác, nhưng đình công tháng này tháng khác họ cũng không giải quyết, bắt buộc phải đi làm, nhưng làm thì người ta không trả lương.”
Dù thường xuyên liên lạc với công ty yêu cầu trợ giúp nhưng hầu hết các lao động VN đang ở tại Algeria vẫn không nhận được bất kỳ hỗ trợ nào. Nhiều người trong số họ cho biết đã phải cầu cứu đến các cơ quan, ban ngành khác.
Anh Hoàng Chí Thanh cho hay:
“Giờ điện thoại người ta chẳng bao giờ bắt máy, nghe máy. Tôi đã gửi email cho ông Tống Hải Nam – Cục Quản lý Lao động ngoài nước và một số ông Phó trưởng cục nữa nhưng chẳng bao giờ họ trả lời. Tôi gửi tới Đại sứ quán ở Algeria nhưng cũng vậy thôi. Tại vì sao họ lại thờ ơ với những lao động Việt Nam ở nước ngoài như vậy?”
Đối mặt với nhiều khó khăn từ môi trường làm việc nắng nóng khắc nghiệt nhưng lại bị chủ nợ lương và không cung cấp đủ thực phẩm hàng ngày, đã khiến nhiều công nhân chỉ cầu mong mau chóng được về nhà đoàn tụ với gia đình.
Tuy vậy, con đường trở về của họ chưa thấy đâu nhất là trong thời kỳ dịch bệnh đang lan tràn như hiện nay.
Anh Nguyễn Văn Hiệp cho hay anh cùng nhiều lao động khác đã liên lạc với cơ quan đại diện chính phủ Hà Nội tại nước sở tại, nhưng cũng không nhận được sự giúp đỡ nào:
“Đại sứ quán bên này có trách nhiệm gì với công dân bên này tụi tôi không biết chứ tụi tôi cũng có liên lạc nhưng người ta nói sơ qua về thủ tục về nước và bảo không có trách nhiệm xử lý những tình huống thế này, người ta bảo tụi tôi như vậy.
Thứ hai là điện lên người ta bảo nói gì nói nhanh lên, người ta không muốn lắng nghe tụi tôi giải thích, không nghe tụi tôi cầu cứu.”
Theo như chia sẻ của các lao động Việt với RFA, nhiều người cho biết trong tháng 9, Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria cho hay việc quay trở về VN hiện nay là vô phương:
“Vấn đề các em nói xin về Việt Nam thì về Việt Nam rất khó, phải có chuyến, và có chuyến thì lại phải chia đều tất cả các nước, các địa bàn, không phải mình Algeria. Thành ra vấn đề trước tiên là đảm bảo tiền lương cho các em và thứ hai là đảm bảo vấn đề các em có visa hợp pháp.
Tôi có trao đổi với công ty và công ty okie (đồng ý). Hôm qua tôi trao đổi qua Như Ý thì Như Ý bảo là để nói chuyện công ty và sáng nay có gửi một đoạn thì tôi có gửi cho Thanh bảo là tôi nắm thông tin rồi, Đại sứ quán đã biết.
Công ty hứa như thế thì để công ty giải quyết, nếu công ty không giải quyết được, hoặc không làm tốt như lời của mình thì sang tuần sau, tôi sẽ có lời chính thức về chỗ Cục Quản lý lao động để Cục gõ đầu các công ty này.”
Đại sứ quán bên đấy không có sự can thiệp, ưu tiên đến quyền lợi lao động, công nhân. Mình cần gì gọi lên người ta chỉ trả lời đôi ba câu chứ không can thiệp như vấn đề lương, hiện giờ tụi tôi về Việt Nam gần sang tháng thứ hai nhưng lương từ tháng tư vẫn chưa được trả gì cả. – Nguyễn Văn Hiệp
Tuy vậy, rất may mắn, vào cuối tháng 9 vừa qua, có một số công nhân tại Algeria cuối cùng cũng được trở về nước. Tuy nhiên họ cho biết, không phải ai cũng được về vì tiền đâu mà về…
Anh Nguyễn Văn Hiệp là một trong số những người may mắn đó, vào sáng 11/11 kể lại hành trình về nước của anh:
“Khi đi có ký hợp đồng với công ty là khi hết hợp đồng công ty có trách nhiệm đem công nhân về nước, chủ sử dụng phải lo tất cả chi phí từ Việt Nam sang bên này và từ bên này về Việt Nam.
Khi hết hợp đồng lao động thì công ty phải có trách nhiệm đem công nhân về nước, nhưng bây giờ thời dịch bệnh thì cả ba bên công ty ở Việt Nam, công ty ở Algeria, chủ sử dụng, người môi giới lao động và người lao động có trách nhiệm ba phần đáng lẽ phải chia ra nhưng bây giờ bắt buộc, đè đầu đè cổ công nhân hết.
Tổng chi phí từ Algeria về đây hết gần 70 triệu, riêng ở công ty Việt Nam thu mua vé là 58 triệu, rồi tiền xe từ sân bay về khu cách ly, tiền test COVID, tiền ăn, sinh hoạt, nói chung tất cả.
Người nào không có tiền đóng về phải nằm lại, còn người nào không bỏ tiền ra người ta không cho về.”
Xác nhận thực tế anh Hiệp vừa nêu, anh Hoàng Chí Thanh cho hay trong thời kỳ còn đang bị công ty nợ lương bảy tháng như hiện nay, tiền ăn còn không có, công nhân lấy đâu số tiền hàng chục triệu đồng để về nước?
Không ai có trách nhiệm, lên tiếng
Đài RFA có liên lạc với Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước Tống Hải Nam nhưng sau khi được chuyển máy đến số văn phòng của ông, không ai trả lời cuộc gọi. Chúng tôi cũng đã gửi email đến Đại sứ quán VN tại Algeria trong khoảng giữa tháng 9/2021, lúc RFA nhận được thư cầu cứu của những lao động VN, nhưng mãi đến hôm nay vẫn không nhận được hồi âm.
Trong khi đó, trao đổi với báo Lao động ngày 13/10, ông Nguyễn Trần Thăng – Phó Tổng Giám đốc Công ty OSC Thăng Long cho hay công ty đã làm việc với đối tác bên Algeria và yêu cầu họ có những thay đổi theo những yêu cầu hợp lý mà công nhân tại đó đưa ra như chuyển họ về thủ đô để dễ về nước, đăng ký visa cho công nhân và thanh toán tiền lương từ tháng 4.
Lãnh đạo Công ty OSC Thăng Long cũng cho hay vẫn thường xuyên liên lạc, báo cáo tình hình và nhờ sự can thiệp giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam nhằm hỗ trợ người lao động.
Tuy vậy, theo lời kể của những công nhân tại Algeria, dường như nỗ lực theo lời người đại diện Công ty OSC Thăng Long nói vẫn chưa đem đến những tác động tích cực gì cho phía công nhân.
Thêm vào đó trách nhiệm của Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria trong vụ việc này cũng không thấy đâu, khiến nhiều công nhân thất vọng, như lời anh Nguyễn Văn Hiệp:
“Nói chung Đại sứ quán bên đấy không có sự can thiệp, ưu tiên đến quyền lợi lao động, công nhân. Mình cần gì gọi lên người ta chỉ trả lời đôi ba câu chứ không can thiệp như vấn đề lương, hiện giờ tụi tôi về Việt Nam gần sang tháng thứ hai nhưng lương từ tháng tư vẫn chưa được trả gì cả.”
Tại Algeria, sau khi nhiều lần cầu cứu các cơ quan chức năng nhưng vẫn không nhận được hỗ trợ, giải quyết, anh Hoàng Chí Thanh cùng nhiều lao động khác đã gửi thông tin đến nhiều báo, đài trực thuộc nhà nước Việt Nam như VTV chuyển động 24h, báo Lao động… nhưng chỉ mỗi báo Lao động đưa tin. Do đó, anh Thanh đã dùng thêm nhiều kênh thông tin xã hội khác như YouTube, Facebook để nêu những khó khăn của các công nhân Việt tại Algeria gặp phải. Anh giải thích mục đích của mình:
“Để Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội nhìn thấy, Cục Quản lý lao động ngoài nước nhìn thấy để họ hiểu được người Việt Nam ở nước ngoài cũng được có quyền công dân. Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của Đại sứ quán, Lãnh sự quán đại diện hợp pháp cho những người Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm làm việc. Nếu họ không có thì dẹp Đại sứ quán, nếu họ không làm chúng tôi sẵn sàng không liên lạc với họ nữa. Nếu họ cứ rườm rà, rắc rối như vậy thì chúng tôi đến bao giờ mới về được Việt Nam?”