Viện Năng lượng Việt Nam mới đây cho rằng, chưa thể từ bỏ nhiệt điện than, thậm chí cần xây thêm để bảo đảm an ninh năng lượng.
Theo Viện Năng lượng Việt Nam – đơn vị xây dựng Quy hoạch điện VIII, mặc dù nhiệt điện than đang mang lại những lo ngại, song việc phát triển nguồn năng lượng này vẫn cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam ngày càng tăng cao.
Trong khi đó, thời gian gần đây, trong hàng loạt hội thảo liên quan đến phát triển năng lượng, đa số các chuyên gia đều cho rằng nhiệt điện than là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường cần phải loại bỏ. Thế nhưng, trong Quy hoạch Phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn 2045, hay còn được gọi là Quy hoạch Điện VIII, nhiệt điện than vẫn chiếm khoảng 27% đến năm 2030 và 18% vào năm 2045.
Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, khi trao đổi với RFA hôm 16/6, nói:
“Nhiệt điện than thì quan điểm của tôi cái nào đã xây dựng rồi, cụ thể là 17 nghìn MW thì cứ để nó vận hành. Còn những cái từ giờ đến 2025 mà đang xây dựng, hoặc đã ký kết địa điểm, thì vẫn phải để thôi. Nhưng sau 2025 thì phải có xem xét, vì tiềm năng năng lượng gió Việt Nam rất nhiều, mà tỷ lệ sử dụng gió và mặt trời có thể đưa lên nữa. Bởi vì nguồn vốn tư nhân vào điện gió và mặt trời đã đăng ký nhiều, không sử dụng thì lãng phí. Cái thứ hai là khí ở Việt Nam thì từ trước 2020 rất khó khăn, nhưng sau 2020 thì tiềm năng năng lượng khí do cơ quan dầu khí công bố là tiềm năng lớn và có thật, khả năng tới năm 2030 là 14 tỷ m3 khí để phát điện. Một quốc gia có tiềm năng năng lượng lớn như vậy thì không nên xây dựng thêm nhiệt điện than ở những năm sau.”
Nếu không xây dựng nhiệt điện than thì nên xây dựng nhiệt điện khí, vì khí có thể đảm bảo an ninh năng lượng hơn than. Hơn nữa khí hiện có trong nước, không phải nhập khẩu. Thế nên sau năm 2030 mà vẫn phát triển nhiệt điện than thì cái đó theo tôi là không chuẩn.
-Tiến sĩ Ngô Đức Lâm
Đối với lý giải của Viện Năng lượng Việt Nam – đơn vị xây dựng Quy hoạch điện VIII, rằng nếu không xây dựng nhiệt điện than thì an ninh năng lượng không được đảm bảo… Tiến sĩ Ngô Đức Lâm cho rằng:
“Nếu không xây dựng nhiệt điện than thì nên xây dựng nhiệt điện khí, vì khí có thể đảm bảo an ninh năng lượng hơn than. Hơn nữa khí hiện có trong nước, không phải nhập khẩu. Thế nên sau năm 2030 mà vẫn phát triển nhiệt điện than thì cái đó theo tôi là không chuẩn.”
Tại buổi tọa đàm trực tuyến về Quy hoạch điện VIII mới đây, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh – GreenID, kiêm Chủ tịch Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam – VSEA cho rằng, tiếp tục phát triển điện than theo Quy hoạch điện VIII là rất khó khả thi để triển khai trong bối cảnh nguồn tài chính cho nhiệt điện than ngày càng thắt chặt. Ngoài ra, phát triển điện than đến năm 2045 là trái với xu thế mới của khu vực và toàn cầu.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, thuộc Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên Đại học Cần Thơ, khi trả lời RFA mới đây cho rằng:
“Có nhiều bài học ở Việt Nam cho thấy chỗ nào có xây dựng nhà máy nhiệt điện, dù cho là có áp dụng công nghệ mới thì ô nhiễm vẫn xảy ra. Đó là lý do tại sao nhiều tỉnh bây giờ nhận thấy khi mà đem nhiệt điện than vào địa phương thì họ gặp rất nhiều khó khăn, người dân sản xuất không được, bệnh tật gia tăng… Nên họ đề nghị đổi qua những dạng khác ít ô nhiễm hơn.”
Theo lý luận của Viện Năng lượng Việt Nam được truyền thông nhà nước đăng tải, hệ thống điện quốc gia vẫn cần phải xây dựng các nhà máy nhiệt điện than nhằm đáp ứng nhu cầu phụ tải điện với chi phí không quá cao. Còn nếu chọn năng lượng tái tạo sẽ có nhiều rủi ro, vì đây là nguồn năng lượng thiếu ổn định do phụ thuộc vào thời tiết, và khó khăn trong truyền tải điện.
Tiến sĩ Ngô Đức Lâm cũng đồng ý khó khăn của năng lượng tái tạo là có, bởi vì đưa năng lượng tái tạo vào lưới khi hệ thống truyền tải chưa đảm bảo vận hành đầy đủ, lưới điện thông minh chưa tốt mà đưa điện tái tạo vào thì không tốt cho hệ thống lưới. Trong khi việc tích trữ năng lượng điện mặt trời thì chưa có, cho nên phát triển điện mặt trời mà điều kiện kỹ thuật và truyền tải chưa có thì chỉ nên phát triển ở mức nhất định. Tuy nhiên Tiến sĩ Lâm nói tiếp:
“Nhưng không có nghĩa là để hệ thống truyền tải như thế này mãi mãi, mà bây giờ đang trong giai đoạn quá độ, phải đổi mới rất nhiều trong hệ thống truyền tải. Thì sau này mới có thể đáp ứng việc đưa năng lượng gió và mặt trời vào nhiều.”
Tổng sơ đồ VIII hiện nay vẫn cứ tập trung vào hệ thống truyền tải cũ, với cái gốc là nhiệt điện than, thì theo tôi phải xem xét.
-Tiến sĩ Ngô Đức Lâm
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên -Môi trường, khi trả lời RFA cũng cho rằng nếu là nhiệt điện khí thì hoàn toàn phù hợp. Theo ông, xu hướng hiện nay là chuyển sang nhiệt điện khí. Ông Võ cũng ủng hộ năng lượng tái tạo, nhưng cũng còn vài lo ngại về nguồn năng lượng này:
“Tôi cũng cho rằng xu hướng hiện nay trên thế giới cũng như Việt Nam là phát triển năng lượng tái tạo, tận dụng năng lượng tái tạo từ biển. Đây cũng là chủ trương của nhà nước, chỉ có một trục trặc ở Việt Nam dù Thủ tướng đã ra lệnh tăng giá mua điện từ điện năng lượng mặt trời…. nhưng cũng còn vướng vấn đề chưa giải quyết được ô nhiễm từ những tấm pin mặt trời khi hết niên hạn.”
Dù nhiều chuyên gia ủng hộ nhiệt điện khí, nhưng Viện Năng lượng Việt Nam còn cho rằng, còn phát triển nhiệt điện khí hóa lỏng thì chi phí sẽ khá lớn và giá điện theo đó sẽ tăng cao hơn nhiều.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Ngô Đức Lâm không đồng tình, và cho rằng, nếu nhiệt điện than mà tính cả thuế carbon, tính cả tiền ô nhiễm vào giá thành thì sẽ không còn rẻ mà lại gây ô nhiễm:
“Tổng sơ đồ VIII hiện nay vẫn cứ tập trung vào hệ thống truyền tải cũ, với cái gốc là nhiệt điện than, thì theo tôi phải xem xét. Tôi có nhất trí từ giờ tới năm 2025 thôi, chứ sau năm 2030 tới năm 2040 mà vẫn cứ tiếp tục thì cái đó không nên. Khí ta có, khí tốt hơn nhiệt điện than rất nhiều, môi trường tốt hơn rất nhiều. Còn nhiệt điện than hiện chưa tính tiền ô nhiễm vào giá thành nên rẻ, chứ tính luôn thuế carbon vào thì đắt chứ.
Vừa qua 40 nước trong Hội nghị chống biến đổi khí hậu đã đồng ý đến năm 2050 là phát thải CO2 bằng không. Có nghĩa cái hướng của thế giới là không phát triển nhiệt điện than.”
Theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, để đảm bảo tiến tới phát thải CO2 bằng không, có nghĩa là người ta sẽ tăng thuế carbon rất cao, nên cần xem xét lại. Vì vậy quan điểm của Tổng sơ đồ VIII mà vẫn dựa vào nhiệt điện than quá lâu, theo ông Lâm là không nên, mà phải giảm dần nhiệt điện than đi.