Lấy đạo đức, lối sống làm thước đo đánh giá cán bộ: phi thực tế!

Bộ Nội vụ Việt Nam, khi phản hồi với truyền thông về việc cán bộ vừa giữ chức vụ mới lại phát hiện sai phạm, hôm 30/7 nhấn mạnh cần lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, hiệu quả công tác và uy tín của cán bộ làm thước đo đánh giá.

Trao đổi với RFA từ Hà Nội liên quan vấn đề này hôm 31/7/2024, Cựu Trung tá Vũ Minh Trí, cho rằng:

“Người ta chỉ nhìn thấy từng cán bộ sai phạm và những sai phạm cụ thể của cán bộ đó tham ô tham nhũng bao nhiêu tiền, vi phạm điểm nọ, điểm kia… cho nên những quy định, hay kế hoạch, phương án tiêu chuẩn đánh giá mà Bộ Nội vụ hay một cơ quan nào khác đưa ra để xử lý cán bộ thì đều không có tác dụng thực tế.”

Ví dụ pháp luật quy định tham ô tham nhũng hay nhận hối lộ từ 5 tỷ trở lên là 20 năm tù, thì phải bị xử tù theo đúng quy định pháp luật, chứ không thể xử lý nội bộ cho hạ cánh an toàn như vậy.
-Cựu Trung tá Vũ Minh Trí

Liên quan việc xử lý cán bộ vi phạm lại cho giữ chức vụ mới, vị trí mới… ông Vũ Minh Trí nhận định:

“Tôi thấy xử lý như vậy là không nghiêm, ví dụ trường hợp Đinh La Thăng rõ ràng khi phát hiện vi phạm lại điều từ TPHCM ra Hà Nội giữ chức Phó Ban Kinh tế Trung ương… rồi sau đấy mới bắt bỏ tù. Tôi thấy như vậy pháp luật không nghiêm, trong khi Việt Nam tuyên truyền mọi công dân bình đẳng trước pháp luật và xử lý không có vùng cấm, nhưng rõ ràng ở đây đã có sự thiên vị.”

Là một công dân cựu Trung tá Vũ Minh Trí nói với RFA rằng, ông rất muốn biết những Chủ tịch nước như Nguyễn Xuân Phúc hay Võ Văn Thưởng vừa mới lên xong đã bị kỷ luật đến mức vi phạm phải cho nghỉ, hay một loại trường hợp khác như Đinh Tiến Dũng – Bí thư Thành ủy Hà Nội, hay những Ủy viên Bộ chính trị bị cho nghỉ… đã vi phạm gì? Ông Trí nói tiếp:

“Chúng ta chỉ nghe những câu từ sáo rỗng trong những kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là họ vi phạm cái này, vi phạm cái kia… đến mức phải xử lý cho nghỉ… Việc nội bộ của đảng thì đảng tự giải quyết, dân không quan tâm, thế nhưng những sai phạm của họ dưới góc độ pháp luật cần được xử lý theo đúng pháp luật. Ví dụ pháp luật quy định tham ô tham nhũng hay nhận hối lộ từ 5 tỷ trở lên là 20 năm tù, thì phải bị xử tù theo đúng quy định pháp luật, chứ không thể xử lý nội bộ cho hạ cánh an toàn như vậy.”

Cho nên Theo cựu Trung tá Vũ Minh Trí, với những trường hợp xử lý mập mờ để được hạ cánh an toàn, thì rõ ràng pháp luật đã bị chà đạp, đã bị bỏ qua…

a3022a52-310f-4a71-ae91-713e2d1d1ade.jpeg
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. Reuters.

Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Đoàn Hồng Phong, khi báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng trước Quốc hội từng cho biết đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, luân chuyển cán bộ các cấp, các ngành… nhằm phòng ngừa tham nhũng cho 45.192 lượt cán bộ, công chức, viên chức.

Bây giờ Bộ Nội vụ lại nhắc lấy đạo đức, lối sống của cán bộ làm thước đo đánh giá ; liệu cách thức này có hiệu quả trong việc phòng ngừa tham nhũng? Ông Trần Anh Quân, một người trẻ hoạt động xã hội ở Sài Gòn, khi trao đổi với RFA cho rằng những quy định về đạo đức cán bộ chỉ là mị dân:

“Những quy định về đạo đức đảng viên này được đặt ra là để người dân nhìn vào thì thấy đảng cũng cố gắng chống tiêu cực. Nhưng thực tế đó là mị dân. Ngoài ra thì cũng là một cách để chiêu dụ người trẻ, người thiếu hiểu biết, thiếu trải nghiệm kết nạp vào đảng cộng sản. Hiện nay Đảng Cộng sản đang rất tập trung vào giới trẻ để củng cố sức mạnh của Đảng. Nên họ muốn đưa ra những quy định để thanh niên nhìn vào thì tưởng là tốt, rồi tham gia vào đảng, đoàn. Chứ người từng trải, thậm chí đảng viên lâu năm chẳng ai tin vào cái gọi là ‘đạo đức cách mạng’ này.”

Những quy định về đạo đức đảng viên này được đặt ra là để người dân nhìn vào thì thấy đảng cũng cố gắng chống tiêu cực. Nhưng thực tế đó là mị dân.
-Ông Trần Anh Quân

Theo ông Quân, những quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên đã có từ lâu, nhưng không hề được họ coi trọng:

“Thực ra thì những quy định này không mới, và đã được các lãnh đạo cộng sản thường xuyên nói đi nói lại từ thời ông Hồ Chí Minh tới giờ. Dù nói đi nói lại thường xuyên và ra quy định rõ ràng như vậy mà mỗi năm vẫn có hàng chục ngàn đảng viên vi phạm điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật. Ví dụ năm 2023 có hơn 24 ngàn đảng viên bị kỷ luật, gần 10 ngàn đảng viên bị khởi tố do tham nhũng. Thì rõ ràng là đảng viên họ chẳng hề coi những quy định này ra gì.”

Truyền thông Nhà nước hôm 10/7/2024 dẫn kết quả báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, trong vòng sáu tháng đầu năm 2024, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thi hành kỷ luật 7.858 đảng viên bao gồm các biện pháp khiển trách, cảnh cáo, cách chức, và khai trừ. Những sai phạm được Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cho biết bao gồm suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm…

Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy khi trả lời RFA liên quan vấn đề này cho rằng, việc luân chuyển cán bộ thường xuyên không giúp làm giảm tham nhũng, mà ngược lại nó có thể sẽ khiến tăng mạnh tình trạng tham nhũng. Ông lý giải:

“Đó là vì một cán bộ muốn vào được một cái ghế, anh ta phải bỏ tiền ra lo lót để được ngồi vào cái ghế đó. Khi ngồi vào đó rồi, anh ta sẽ tìm cách thu hồi vốn qua các hoạt động tham nhũng. Khi có chính sách từ cấp trên muốn luân chuyển, anh sẽ tìm cách đút lót cấp trên để khỏi luân chuyển hoặc luân chuyển sang các vị trí tương tự nhằm giữ được thu nhập. Cuối cùng thì chính sách này chỉ làm giàu cho những cấp trên, những người tổ chức cán bộ vốn đưa ra quyết định về việc luân chuyển cán bộ.”

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, trong cơ chế chính trị độc đoán như hiện nay, những người cầm quyền lo ngại chế độ sẽ bị lung lay dẫn đến sụp đổ, vì vậy mà họ cứ loay hoay đưa ra những chính sách nhằm khoe mẽ và mị dân nhưng thực chất nó chẳng thể nào giải quyết được vấn đề.

Related posts