Một lãnh đạo Việt Nam mới đây thừa nhận, cả thế giới chỉ có Việt Nam ‘liên doanh, liên kết’ trong bệnh viện công… Và cho rằng khó quản lý, dễ nảy sinh tiêu cực, móc ngoặc. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khi báo cáo trước Quốc hội về Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi hôm 13/6/2022 cho biết như vừa nêu và cho rằng cần có quy định rõ ràng, minh bạch trong luật về vấn đề này.
Trả lời RFA hôm 14/6 từ Hà Nội, Bác sĩ Phạm Ngọc Thắng cho biết ý kiến của mình:
“Phó Thủ tướng nói đúng, vì sự thật bây giờ đã đề huề ra rồi, khe hở đó có hai mâu thuẫn. Mâu thuẫn thứ nhất là thu nhập của người Việt Nam mình quá thấp so với mặt mặt bằng của thế giới… dẫn đến việc người nông dân, công nhân… giai cấp đáng lẽ phải được quan tâm thì lại bị bần cùng hóa. Tất cả những liên doanh- liên kết nếu làm nghiêm túc thì đây là việc làm tốt, nhưng họ tăng giá bóc lột người dân. Tất cả hệ thống y tế tốt trên thế giới thì đều là tư nhân, nhưng ở Việt Nam họ cổ phần hóa một cách ăn cướp. Trong một xã hội đang man dã như thế này, 10 năm nay xác định kinh tế thị trường như vậy thì không còn là cái cũ nữa. Mình phải chấp nhận cái của ngày hôm nay, chứ không lấy cái cũ ra để áp dụng cho sự đổi thay. Điều đó tạo tội phạm như vậy.”
Tuy nhiên theo Bác sĩ Phạm Ngọc Thắng, nếu không có dịch vụ, không có liên doanh- liên kết thì bệnh nhân cũng không có điều kiện được chữa bệnh với thiết bị y tế tốt hơn. Ông giải thích:
“Vì đầu tư y tế công mấy chục năm qua kể từ năm 1945 thành lập nước, năm 1954 chiến thắng Điện Biên Phủ, rồi năm 1975, 1990 thì gần như mỗi tỉnh chỉ có một bệnh viện. Đầu tư công cho y tế cực kỳ thấp, nên chuyện liên doanh- liên kết giữa bệnh viện đối với các đối tác xã hội là điều tốt. Nó chỉ không tốt nếu giả dối tiêu cực, giá một đằng, bóc lột một nẻo. Đây cũng là nổi khổ của những người làm ngành y như chúng tôi, không làm thì bệnh nhân không có gì dùng, nhưng làm gì thì chỉ cần tham lam một tí là bước sang tà đạo.”
Tất cả những liên doanh- liên kết nếu làm nghiêm túc thì đây là việc làm tốt, nhưng họ tăng giá bóc lột người dân.
-Bác sĩ Phạm Ngọc Thắng
Thời gian qua, nhiều bệnh viện công bị phát hiện thu vượt, thu sai cơ cấu giá, liên doanh liên kết thu nhiều dịch vụ, bệnh nhân không sử dụng vẫn phải trả tiền. Mới nhất là trường hợp tại Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội bị Bộ Công an phát hiện khi hợp đồng liên doanh, liên kết với Công ty Công nghệ y tế BMS và Công ty Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội VFS đã nâng khống lên nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế, nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của người bệnh.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc bệnh viện Bạch Mai khi đó và bảy đồng phạm trong vụ án này đã phải lãnh án tù từ ba năm tù treo đến năm năm tù giam.
Ngoài ra theo truyền thông trong nước, kiểm toán nhà nước cũng phát hiện một số bệnh viện khác xây dựng cơ sở giá dịch vụ y tế khi liên kết chậm, chưa đầy đủ, dẫn đến thu vượt, thu sai các khoản trong cơ cấu giá các dịch vụ, khám, chữa bệnh.
Bác Võ Xuân Sơn, từng công tác tại khoa Ngoại Thần Kinh – Bệnh viện Chợ Rẫy nhiều năm, khi trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 14/6, nhận định:
“Tôi thấy có một cái bất công giữa tư nhân với nhau tư nhân. Khi họ liên doanh- liên kết với bệnh viện nhà nước thì họ tận dụng được những ưu thế của nhà nước như là mặt bằng, cơ sở, thương hiệu của nhà nước có sẵn, họ tận dụng được điều đó. Chứ còn tư nhân mà tự lập như tụi tôi thì phải tự làm ra những cái đó. Những cái khác thì tôi không rành, còn chuyện có bỏ được liên doanh liên kết hay không, hay là phải làm cách khác, thì còn phải tùy vào ý của các cấp lãnh đạo mong muốn thì mới được. Họ mà không muốn thì dù tôi có muốn đến đâu chăng nữa cũng chỉ là chuyện chỉ để vui thế thôi, nói với nhau cho vui.”
Cũng theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, ở các nước thì công là công, tư là tư. Do đó khi đã liên doanh, liên kết với tư nhân thì phải hạch toán theo tư nhân. Luật pháp Việt Nam cần quy định rõ hơn về việc này.
Để tìm hiểu thực tế, RFA hôm 14/6 liên lạc ông Thiệu, một người dân ở Sài Gòn, và được ông cho biết về chuyện liên doanh trong bệnh viện hiện nay:
“Hiện giờ y tế và giáo dục chuyển sang xu hướng kinh doanh chứ không phải phục vụ cho người dân nữa. Tức là mỗi bệnh viện phải tự hạch toán làm sao có lãi để nộp về ngân sách, trả lương cho nhân viên… Hầu hết các bệnh viện đều kinh doanh, cho nên càng kinh doanh thì càng liên kết với bên ngoài, đưa các dịch vụ từ bên ngoài vô. Giá dịch vụ tăng cao thì chỉ có dân nghèo khổ thôi, người nghèo sẽ lao đao vì những dịch vụ y tế giá cao đó. Kiểu như là xã hội hóa, mà họ dùng từ xã hội hóa nhưng thực chất là liên kết kinh doanh để mà kiếm thêm lợi nhuận. Lẽ ra y tế là một cái ngành phải mang được phúc lợi cho xã hội, được an sinh xã hội, thì đó mới là một xã hội tốt đẹp. Còn y tế mà cứ nhăm nhe túi tiền của người bệnh thì là một xã hội rất là tệ.”
Một số người cho rằng, nếu Chính quyền Việt Nam đã nhìn nhận khó quản lý vấn đề liên doanh, liên kết trong bệnh viện công, dẫn đến dễ nảy sinh tiêu cực, móc ngoặc… vậy vì sao không bỏ hẳn hình thức này?
Lẽ ra y tế là một cái ngành phải mang được phúc lợi cho xã hội, được an sinh xã hội, thì đó mới là một xã hội tốt đẹp. Còn y tế mà cứ nhăm nhe túi tiền của người bệnh thì là một xã hội rất là tệ.
-Anh Thiệu
Bác sĩ Phạm Ngọc Thắng nhận định thêm:
“Thật ra ở xã hội cao cấp thì việc liên doanh liên kết phải bỏ. Nhưng Việt Nam thì bắt buộc phải có chế tài như thế nào, để người bệnh có công cụ mà được phục vụ. Nói gì thì nói xã hội Việt Nam chỉ mới bắt đầu đi vào kinh tế thị trường năm 2011, vì vậy nó cực kỳ non trẻ trong nền kinh tế thị trường. Và khi nó non trẻ thì cái gọi là man rợ, tranh không có pháp luật, không có chế tài, không có giáo dục… nó bình thường. Và bắt buộc phải trải qua giai đoạn khốn khổ, khốn nạn này. Nói thật lòng việc này làm đau đầu với các lãnh đạo ngành y kinh khủng, trừ những người lãnh đạo ngu dốt như bộ trưởng y tế vừa bị bắt thì quá tham.”
Cũng hôm 13/6, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết, tổ chức quốc tế khuyến nghị Việt Nam nếu muốn giải quyết việc này thì chỉ có một cách là công khai, minh bạch tất cả các khoản thu từ các khám, chữa bệnh theo yêu cầu, thu bao nhiêu và chi bao nhiêu.
Trở lại với câu hỏi liệu các bệnh viện công có thể bỏ hình thức liên doanh, liên kết với bên ngoài không? Ông Thiệu nói:
“Họ có thể bỏ được chứ. Nhưng họ bỏ hay không bỏ là tùy họ, quyền họ nắm trong tay mà. Trước đây rất lâu, bệnh viện vẫn phục vụ bệnh nhân bình thường, đâu cần liên kết gì đâu, vẫn có bác sĩ chăm sóc với mức giá hợp lý, người dân nghèo có thể vào bệnh viện được. Nhưng bây giờ, những người dân bị mắc bệnh hiểm nghèo thì coi như bó tay, vì giá dịch vụ bên y tế cao quá, người ta không chịu nổi, tiền đâu mà chữa. Dân nghèo nhiều khi vô khám thì phải có đủ tiền họ mới khám, người ta không kham nổi phải bỏ về, rồi tới đâu hay tới đó, rồi chết thôi.”
Nạn tham nhũng trong ngành y tế Việt Nam bị cho là trầm trọng với nhiều vụ việc như nhập thuốc giả, thổi giá trang thiết bị, sử dụng sai mục đích quỹ bảo hiểm y tế… Đặc biệt trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, tệ nạn lũng đoạn và tham nhũng của giới chức y tế cấp cao bị cho là trắng trợn, bất chấp sinh mạng người dân.