Đài Quan sát Bảo vệ Người Hoạt động Nhân quyền (Đài Quan sát), một liên minh của Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) và Tổ chức Thế giới Chống Tra tấn (OMCT) lên án Chính phủ Việt Nam trong việc đánh đập và trừng phạt nhà hoạt động Trịnh Bá Phương cũng như đối xử vô nhân đạo đối với mẹ và em trai cùng bị bắt giam tùy tiện từ năm 2020.
Trong thỉnh nguyện thư công bố ngày 25/10, Đài Quan sát yêu cầu Chính phủ Việt Nam chấm dứt mọi biện pháp trừng phạt đối với ba nhà hoạt động bảo vệ quyền đất đai, trả tự do cho họ ngay lập tức và vô điều kiện.
Đài Quan sát đưa ra lời kêu gọi hơn một tháng sau khi ông Trịnh Bá Phương, người đang thi hành án tù mười năm về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” tại Trại giam An Điềm (tỉnh Quảng Nam), bị đánh đập và sau đó bị biệt giam cùm chân trong mười ngày, từ ngày 09/9 đến ngày 19/9.
Như Đài Á Châu Tự Do (RFA) đã đưa tin, trong ngày 09/9, ông Phương cùng hai bạn tù khác là Trương Văn Dũng và Phan Công Hải biểu tình phản đối việc bị đối xử vô nhân đạo trong trại giam. Sau đó, họ bị quản giáo trại giam đánh đập, ông Phương và ông Hải còn bị đưa đi kỷ luật cùm chân trong mười ngày.
Trong thỉnh nguyện thư, Đài Quan sát lên án mạnh mẽ hình phạt kỷ luật đối với ông Phương và hai bạn tù của ông, đồng thời nhắc lại rằng đây không phải là lần đầu tiên ông Phương bị ngược đãi và tra tấn. Hơn nữa, em trai ông là Trịnh Bá Tư cũng đã nhiều lần bị kỷ luật biệt giam, đánh đập, cùm chân và lao động khổ sai trong khi thi hành án tù tám năm về cùng tội danh tại Trại giam số 6 ở Nghệ An.
Đài Quan sát nhắc lại việc ông Phương cùng mẹ là bà Cấn Thị Thêu và em trai bị bắt giữ một cách tùy tiện tại Hà Nội vào ngày 24/6/2020 sau khi họ lên tiếng bảo vệ người dân Đồng Tâm sau cuộc tấn công của cảnh sát cơ động vào làng Hoành đầu tháng 1 năm đó.
Đài Quan sát bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước việc bị tra tấn và ngược đãi mà cả ba người trong một gia đình phải đối mặt trong trại giam.
Đài quan sát bày tỏ mối lo ngại hơn nữa về sự toàn vẹn về thể chất và sức khỏe tâm lý của gia đình ba người bảo vệ nhân quyền, những người đã bị đe dọa và câu lưu nhằm trấn áp họ và ngăn cản họ tham dự các phiên tòa xét xử ba mẹ con.
Trong tin nhắn gửi RFA ngày 26/10, ông Andrea Giorgetta, Giám đốc Văn phòng Châu Á của Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) khẳng định:
“Hình thức tra tấn rõ ràng mà Trịnh Bá Phương phải chịu trong thời gian bị giam giữ là minh chứng cho điều kiện hà khắc của các nhà tù trên khắp Việt Nam.
Trong khi điều kiện tồi tệ ảnh hưởng đến tất cả tù nhân, chính quyền lại áp đặt những điều kiện đặc biệt hà khắc đối với tù nhân chính trị, những người thường là mục tiêu của những hình phạt không cần thiết.
Các tiêu chuẩn quốc tế về đối xử với tù nhân nghiêm cấm việc sử dụng các công cụ kiềm chế, ngoại trừ trong một số trường hợp đặc biệt và dưới những biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt. Việc bị cùm kéo dài đối với Trịnh Bá Phương không thuộc những trường hợp ngoại lệ này và thể hiện sự vi phạm nghiêm trọng quyền được đối xử nhân đạo và tôn trọng nhân phẩm của ông.”
Đài Quan sát còn lưu ý thêm rằng ông Phương vẫn bị giam giữ cách nhà 850 km, còn ông Tư và bà Thêu bị giam giữ ở khoảng cách lần lượt là 300 km và 120 km từ nhà của họ ở Hà Đông, Hà Nội.
Tổ chức này nói việc giam giữ những người bảo vệ nhân quyền nói trên ở các nhà tù xa xôi là sự trừng phạt đối với bản thân và gia đình họ, vì mỗi lần thăm gặp đòi hỏi chi phí đi lại cao và hành trình vất vả, và do đó không thể diễn ra thường xuyên.
Đài Quan sát kêu gọi nhà chức trách Việt Nam bảo vệ và tôn trọng quyền không bị tra tấn và các hình thức ngược đãi khác của bà Thêu cùng hai con, đồng thời tiến hành một cuộc điều tra ngay lập tức, nghiêm túc và khách quan về các hành vi tra tấn và ngược đãi cũng như buộc những người đã thực hiện phải chịu trách nhiệm.
Liên minh này lên án việc giam giữ tùy tiện đang diễn ra ở Việt Nam và kêu gọi Hà Nội hủy bỏ các tội danh, trả tự do cho họ ngay lập tức và vô điều kiện.
Tổ chức này thúc giục Việt Nam ngừng lạm dụng Điều 117 của Bộ luật Hình sự để truy tố những người bảo vệ nhân quyền và bịt miệng những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam, đồng thời nhắc lại rằng một số Thủ tục Đặc biệt của Liên Hiệp quốc đã tuyên bố rằng điều khoản này “quá rộng và dường như nhằm mục đích bịt miệng những người thực thi quyền con người của mình trong việc tự do bày tỏ quan điểm và chia sẻ thông tin với người khác.”
Đài Quan sát cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế viết thư cho ban lãnh đạo và các cơ quan chức năng của Việt Nam, trong đó có Chính phủ, Bộ Ngoại giao, các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài với yêu cầu Hà Nội tôn trọng phẩm giá và quyền của ba nhà hoạt động và các tù nhân lương tâm khác, và trả tự do cho họ.
Theo đó, Hà Nội cần bãi bỏ hoặc sửa đổi đáng kể Điều 117 của Bộ luật Hình sự để phù hợp với các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của Việt Nam, đồng thời tuân thủ Quy tắc Nelson Mandela trong giam giữ tù nhân.
Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về lời kêu gọi của Đài Quan sát, nhưng chưa nhận được ngay phản hồi. Bộ Ngoại giao Việt Nam thường phớt lờ các đề nghị bình luận của chúng tôi.