Việt Nam có thể gặp nhiều thách thức trong việc nhận gói hỗ trợ trị giá 15,5 tỷ đô la để chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch khi gần đây hàng loạt các tổ chức xã hội dân sự lên tiếng kêu gọi các nhà tài trợ buộc Hà Nội phải cải thiện nhân quyền, giảm bắt bớ các nhà hoạt động môi trường.
Cam kết và thực tiễn
Cuối năm 2022, Việt Nam đã ký thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với một nhóm các nước giàu và các ngân hàng phát triển, trị giá 15,5 tỷ đô la, để đạt mục tiêu phát thải bằng không vào năm 2050.
Với thỏa thuận trên, Việt Nam cam kết tăng năng lượng tái tạo, giảm nhiệt điện than và phát thải để thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng kinh tế và tạo ra cơ hội cho người dân Việt Nam đồng thời đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu toàn cầu.
Tuy nhiên, trái ngược với cam kết của mình, qua thông tin từ truyền thông chính thống, chính phủ Việt Nam vẫn cho xây dựng các nhà máy nhiệt điện than đã được phê duyệt giai đoạn 2021-2023, bao gồm Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Na Dương II, NMNĐ An Khánh – Bắc Giang, NMNĐ Vũng Áng II, NMNĐ Quảng Trạch I, NMNĐ Vân Phong I, NMNĐ Long Phú I…
Bên cạnh đó, Chính phủ quốc gia độc đảng này gia tăng “đàn áp”, bắt bớ các nhà hoạt động môi trường. Trường hợp mới nhất là việc bắt giam nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng với cáo buộc với tội danh “Trốn thuế”.
Bà Guneet Kaur, điều phối viên chiến dịch của tổ chức International Rivers bình luận với RFA qua email rằng, Chính phủ Việt Nam đang sử dụng điều luật trốn thuế như một vũ khí chống lại những nhà hoạt động đấu tranh cho môi trường:
“Các luật thuế dùng để buộc tội tổ chức xã hội dân sự được diễn đạt rất mơ hồ. Một khuôn mẫu có sẵn được tạo ra để áp dụng luật này một cách tùy tiện nhằm bịt miệng các nhà lãnh đạo đấu tranh cho công lý khí hậu và những người bảo vệ môi trường.”
Đánh giá những gì đang xảy ra ở Việt Nam là nghiêm trọng và kinh hoàng, bà Kimiko Hirata, khôi nguyên giải thưởng Goldman Prize năm 2021, trả lời RFA qua email:
“Đó là một sự vi phạm nhân quyền. Các nhà hoạt động môi trường làm việc về biến đổi khí hậu nhằm mục đích bảo vệ người dân Việt Nam khỏi những tác động tàn khốc của biến đổi khí hậu và đảm bảo sự thịnh vượng, bền vững của đất nước. Quyền được thực hiện một nhiệm vụ quan trọng như vậy cần phải được đảm bảo đầy đủ.”
VN đã sai khi gia tăng bắt bớ các nhà hoạt động môi trường
Để chống lại hành động được cho là “lạm dụng luật pháp” của chính quyền Hà Nội, Theo NPR, một liên minh gồm 36 tổ chức nhân quyền hoạt động về môi trường hồi đầu tháng năm đã gởi thư cho Tổng thống Hoa Kỳ và các nước JETP, kêu gọi lãnh đạo các nước này gây áp lực để Việt Nam trả tự do cho các nhà hoạt động đã bị bỏ tù oan; đồng thời dỡ bỏ các hạn chế đối với xã hội dân sự.
Liên minh này cũng đã gửi những bức thư tương tự tới Tập đoàn Tài chính Quốc tế của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á, những tổ chức được cho là sẽ cho các thỏa thuận tài trợ cho các dự án môi trường tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác.
Nội dung bức thư có đoạn yêu cầu “các quốc gia G7 phải đảm bảo rằng xã hội dân sự và những người bảo vệ môi trường ở Việt Nam có thể tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng sạch một cách có ý nghĩa mà không bị trừng phạt.”
Bà Guneet cho biết International Rivers cũng là một tổ chức tham gia vào liên minh này. Bà cho rằng, chính nhờ các hoạt động đấu tranh của những nhà hoạt động bảo vệ môi trường, mới khiến chính phủ Việt Nam đưa ra cam kết đưa chỉ số phát thải CO2 về 0 (net zero) vào năm 2050. Bà nói tiếp:
“Tuy nhiên, việc đàn áp những người này đã nêu bật sự trái ngược giữa cam kết chuyển đổi năng lượng mà chính Việt Nam đã công bố, với việc chính phủ Việt Nam tiếp tục đầu tư vào điện than như được dự kiến trong Quy hoạch Phát triển Điện lực (Điện VIII-PV).”
Bà Guneet, đồng thời cho rằng, những cam kết về môi trường của Việt Nam đã mở đường cho việc hình thành JETP và gói tài trợ 15,5 tỷ đô-la. Vì thế, Chính phủ Việt Nam phải nhận ra rằng các nhà hoạt động môi trường như ông Đặng Đình Bách, Ngụy Thị Khanh, Hoàng Minh Hồng và những người khác là những đối tác không thể thiếu trong cuộc đấu tranh cho công lý khí hậu. Bà kết luận:
“Xã hội dân sự, bao gồm cả những nhà hoạt động bảo vệ môi trường là những chủ thể quan trọng trong chiến lược hành động về khí hậu dựa trên các quyền cơ bản.
Các quốc gia và các thể chế đa phương có nhiệm vụ đảm bảo rằng không có sự cô lập nào đối với các chủ thể trong xã hội dân sự, điển hình như các vụ bắt giữ sai trái hay các hình thức khác.
Sự chính nghĩa của quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng là sự tích hợp các tiêu chuẩn nhân quyền vào quá trình chuyển đổi năng lượng và khử cacbon. Một quá trình chuyển đổi công bằng không còn là chính nghĩa nếu những người bảo vệ môi trường bị bỏ tù một cách bất công.”
Đồng tình với ý kiến của bà Guneet, bà Kimiko Hirata nói thêm rằng, các nhà hoạt động môi trường thực sự đang đấu tranh cho môi trường chứ không phải chống lại chính phủ:
“Chính phủ Việt Nam đã đối xử sai lầm với những nhà hoạt động, những người có thể đóng góp và giúp chính phủ giải quyết những thách thức sau này. Việc bắt giữ họ là hoàn toàn sai trái. Chính phủ Việt Nam nên chủ động mời và hợp tác với họ với tư cách là đối tác như các quốc gia khác đang làm.”