Khuyến khích cán bộ, công chức mặc áo dài
Cổng thông tin điện tử của Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế, vào đầu tháng 9, loan tin nam nữ nhân viên của cơ quan này bắt đầu mặc trang phục áo dài truyền thống dự lễ chào cờ hàng tháng. Song song đó, toàn thể cán bộ, công chức khối văn phòng thuộc Sở Văn hóa-Thể Thao được khuyến khích mặc áo dài trong ngày thứ Hai đầu tiên của tháng, tức là ngày tổ chức lễ chào cờ.
Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế, còn cho biết thêm hiện tại một số đơn vị, ngành ở Thừa Thiên-Huế đã phục hồi phong trào mặc áo dài truyền thống đối với cán bộ công chức, viên chức và người lao động. Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế nhận định rằng “Đây là những tín hiệu đáng mừng đánh dấu sự trở lại của chiếc áo dài truyền thống, đặc biệt là áo Ngũ thân, chiếc áo sản sinh ra từ Huế và đã trở thành quốc phục của người Việt trong hàng trăm năm qua”.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, hồi đầu tháng 8 vừa qua, loan tải thông tin về Hội thảo khoa học quốc gia, với chủ đề “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc”, đã có một số tham luận đề cập đến lịch sử của chiếc áo dài nam Ngũ thân, là áo dài truyền thống của đàn ông Việt Nam. Tại Hội thảo, chiếc áo dài Ngũ thân được cho là “một di sản bị bỏ quên”. Tham gia trong Hội thảo, họa sĩ Nguyễn Đức Bình đã nêu ý kiến với một số giải pháp chọ áo dài Ngũ thân là lễ phục nhà nước, trước nguy cơ trang phục này có thể bị biến mất.
Tôi xin nói ngay là tôi tán thành với ý kiến chọn áo dài làm quốc phục cho nam giới ở Việt Nam. Tôi có một kinh nghiệm trong thời gian gần đây kể từ khi tôi đứng ra bảo vệ chữ quốc ngữ thì tôi thường xuất hiện với áo dài. Tôi mặc áo dài trong ngày khánh thành bia tri ân bên mộ của Ngài Alexandre de Rhodes và mỗi dịp tôi tham dự các buổi chiếu phim về sự kiện đó, tôi đều mặc áo dài. Tôi không hề thấy có một sự bất tiện nào cả. Ngay cả khí hậu của Việt Nam là khí hậu tương đối nóng, nhưng tôi mặc áo dài cũng không thấy nóng. Điều này có nghĩa sự bất tiện là không đáng kể. Nếu như bây giờ mặc Âu phục như vest, sơ-mi và mặc áo dài thì tôi thấy nhiều khi mặc áo dài còn mát hơn
-Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng
Sau sự kiện nam cán bộ và công chức Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế mặc áo dài đi làm việc, một số nhà thiết kế áo dài tại Việt Nam lên tiếng về đề xuất nam giới nên mặc áo dài ở công sở.
Nhà thiết kế áo dài Sĩ Hoàng, được Báo mạng Zing.vn dẫn lời rằng việc nam giới mặc áo dài đi làm giúp tạo sự nhận diện cho bộ quốc phục Việt trước bạn bè quốc tế. Ông Sĩ Hoàng nói với Zing rằng việc phục hồi tà áo dài cho phụ nữ và đàn ông mang ý nghĩa rất tốt. Đồng thời, ông ủng hộ việc các nhà lãnh đạo ban hành quyết định để nam cán bộ đi làm trong chiếc áo dài Ngũ thân, mang đậm giá trị truyền thống của người Việt. Nhà thiết kể áo dài Sĩ Hoàng nhấn mạnh “chê nam công chức mặc áo dài là kém hiểu biết”.
Báo mạng Zing.vn cũng trích dẫn ý kiến của hai nhà thiết kế thời trang Hoàng Vũ và Phạm Hữu Sang cho rằng việc mặc áo dài đi làm nên được hoan nghênh vì áo dài thể hiện rõ ràng nhất vẻ đẹp văn hóa của Việt Nam. Và theo thiển ý của họ, trong môi trường công sở hiện đại thì áo dài công sở cần được chọn lựa chất liệu phù hợp với thời tiết, cũng như cần được cách tân để giúp cử động được dễ dàng, thuận tiện.
Nhiều ý kiến trái chiều
Đài RFA ghi nhận có rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh đề xuất nam giới mặc áo dài ở công sở qua các trang fanpage của báo chí Nhà nước lẫn trên mạng xã hội ở Việt Nam.
Vào tối ngày 15/9, giáo sư Nguyễn Đăng Hưng chia sẻ với RFA quan điểm của ông liên quan ý tưởng này.
“Tôi xin nói ngay là tôi tán thành với ý kiến chọn áo dài làm quốc phục cho nam giới ở Việt Nam. Tôi có một kinh nghiệm trong thời gian gần đây kể từ khi tôi đứng ra bảo vệ chữ quốc ngữ thì tôi thường xuất hiện với áo dài. Tôi mặc áo dài trong ngày khánh thành bia tri ân bên mộ của Ngài Alexandre de Rhodes và mỗi dịp tôi tham dự các buổi chiếu phim về sự kiện đó, tôi đều mặc áo dài. Tôi không hề thấy có một sự bất tiện nào cả. Ngay cả khí hậu của Việt Nam là khí hậu tương đối nóng, nhưng tôi mặc áo dài cũng không thấy nóng. Điều này có nghĩa sự bất tiện là không đáng kể. Nếu như bây giờ mặc Âu phục như vest, sơ-mi và mặc áo dài thì tôi thấy nhiều khi mặc áo dài còn mát hơn.”
Vị giáo sư nhiều năm làm việc ở Bỉ và đang cống hiến cho nền giáo dục tại Việt Nam nói với RFA rằng ông lấy làm hãnh diện khi được đồng nghiệp và bạn bè ở nước ngoài khen tặng qua những bức hình ông mặc áo dài, cũng như ông được nhiều người quý mến chụp ảnh chung tại các buổi hội đàm.
Đồng quan điểm với giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, ông Hồ Thành Giang, một người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật văn hóa ở Sài Gòn bày tỏ rằng chiếc áo dài truyền thống của Việt Nam rất cần được bảo tồn.
“Trước tiên phải xác định rằng tỉnh Thừa Thiên-Huế gọi là thử nghiệm công chức mặc áo dài truyền thống đi làm vào sáng thứ Hai đầu tháng. Tức là mỗi tháng chỉ mặc áo dài một ngày thôi. Đây là một thử nghiệm của những người có ý thức về bảo vệ giá trị truyền thống của Việt Nam. Tôi rất ủng hộ cho việc đẩy mạnh, quảng bá hình ảnh của tà áo dài truyền thống tại một tỉnh du lịch. Tuy nhiên việc này chỉ phù hợp cho những đối tượng phục vụ cho ngành du lịch và những đối tượng có nhiều cơ hội và điều kiện tiếp xúc với khách du lịch nhằm để quảng bá hình ảnh thôi. Còn những người làm các công việc cụ thể thì cái gì tiện dụng nên được sử dụng. Theo tôi, không phải cái gì của truyền thống tốt đẹp cũng tiện dụng và phù hợp trong cuộc sống hôm nay nữa.”
Ông Hồ Thành Giang nói thêm rằng việc mặc áo dài công sở chỉ nên dành cho những người làm việc ở khâu lễ tân là phù hợp nhất.
Về quan điểm không đồng thuận, chúng tôi ghi nhận ý kiến của một tiến sĩ, chuyên ngành quản trị giáo dục, làm việc tại Đại học Mở TP.HCM khẳng định rằng việc nam giới mặc áo dài nơi công sở là không phù hợp với đời sống thực tế. Vị tiến sĩ ẩn danh tiếp lời:
“Việc này tất nhiên là được, nhưng chỉ trong các dịp lễ hội hay các sự kiện văn hóa thôi. Còn cuộc sống hàng ngày thì không thể mặc áo dài đi làm được. Hiện nay, áo dài không phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết trong miền Nam. Với lại, đi làm hàng ngày mà mặc áo dài thì không thoải mái.”
Tôi rất ủng hộ cho việc đẩy mạnh, quảng bá hình ảnh của tà áo dài truyền thống tại một tỉnh du lịch. Tuy nhiên việc này chỉ phù hợp cho những đối tượng phục vụ cho ngành du lịch và những đối tượng có nhiều cơ hội và điều kiện tiếp xúc với khách du lịch nhằm để quảng bá hình ảnh thôi. Còn những người làm các công việc cụ thể thì cái gì tiện dụng nên được sử dụng. Theo tôi, không phải cái gì của truyền thống tốt đẹp cũng tiện dụng và phù hợp trong cuộc sống hôm nay nữa
-Ông Hồ Thành Giang
Một phi công, không muốn nêu tên, thuộc Hãng Hàng không Vietnam Airlines giải thích vì sao không thể áp dụng đại trà việc nam giới mặc áo dài đi làm việc.
“Theo ý kiến của tôi thì thấy không phù hợp đối với phi công là người ngồi trong buồng lái để điều khiển máy bay. Nói chung là bất tiện. Tại vì, áo dài có hai tà trước và sau dài xuống nên ở trong buồng lái với nhiều thiết bị xung quanh thì sẽ bị vướng víu. Việc mặc áo dài thì phù hợp với tiếp viên hơn.”
Mặc dù cho rằng tiếp viên hàng không mặc áo dài sẽ rất phù hợp trong việc bảo tồn và quảng bá vẻ đẹp văn hóa của Việt Nam, nhưng vị phi công của Vietnam Airlines kể lại chia sẻ của hầu hết nam tiếp viên hàng không mà ông cùng làm việc chung đều cho rằng đồng phục Âu phục như hiện tại là phù hợp nhất, chứ không phải áo dài.
Trong khi đó, cũng có một số ý kiến cho rằng trang phục công sở quan trọng nhất là gọn gàng và tinh tươm, không nên quá câu nệ về mặt hình thức mà cần phải chú trọng vào chất lượng công việc và cung cấp dịch vụ tốt cho khách hàng.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 14/9, dẫn lời Chánh Văn phòng Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội, ông Trần Tuấn Anh cho biết cơ quan này không có chủ trương cho nam cán bộ mặc áo dài ở nơi làm việc. Ông Trần Tuấn Anh nói rằng “Trang phục đi làm cần năng động. Quần áo phải gọn gàng, lịch sự”.
Hồi tháng 6/2019, một scandal xôn xao tại Việt Nam liên quan những bộ áo dài của bà Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân. Bà Ngân sở hữu đến 300 bộ áo dài và được đánh giá cao trong hình ảnh của một nữ chính khách với trang phục áo dài quý phái, sang trọng. Tuy nhiên, dư luận thắc mắc với đồng lương của một công chức nhà nước, bà Chủ tịch Quốc Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân lấy đâu ra tiền để tiêu tốn cho hàng trăm bộ áo dài như thế?