Mỗi 5 năm một lần, Đảng Cộng sản Việt Nam triệu tập hàng ngàn đại biểu Quốc Hội tại Đại Hội Đảng, để bầu ra lãnh đạo mới cho đất nước. Trong nhiệm kỳ tới, phân nửa ủy viên Bộ Chính trị sẽ quá tuổi 65 và do đó sẽ nghỉ hưu.
Đại Hội Đảng cũng sẽ thông qua chiến lược phát triển kinh tế xã hội cho giai đoạn 2021-2030.
Đây là hai vấn đề Giáo sư Tiến sĩ Vũ Tường, Khoa chính trị học tại Đại học Oregon, Hoa Kỳ, và nhà nghiên cứu Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak (ISEAS) bàn đến trong buổi hội thảo trực tuyến ngày 4/9 về Đại Hội 13 của ĐCSVN.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp phân tích rằng,“10 năm trước mắt sẽ rất quan trọng cho phát triển kinh tế của Việt Nam. Gần đây chúng ta được biết là Đảng đã đạt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hoá. Để thực hiện chiến lược này, câu hỏi lãnh đạo là ai rất quan trọng, vì người lãnh đạo đất nước sẽ quyết định sự thành công của chiến lược”.
Hôm 1/7 Chánh Văn phòng Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế xã hội chuẩn bị Đại hội 13, ông Bùi Tất Thắng, đã nói về chiến lược phát triển kinh tế – xã hội trong 10 năm tới rằng “Trong chiến lược phát triển mới, mục tiêu tổng quát đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập cao”.
Đảng đã đạt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hoá. Để thực hiện chiến lược này, câu hỏi lãnh đạo là ai rất quan trọng, vì người lãnh đạo đất nước sẽ quyết định sự thành công của chiến lược. – TS. Lê Hồng Hiệp
Theo TS. Lê Hồng Hiệp, danh sách ứng viên Ủy ban Trung Ương được đưa ra tại Hội nghị Trung Ương thứ 13 sắp đến, tuy nhiên chỉ khoảng phân nửa Ủy viên Ủy ban Trung Ương sẽ là nhân sự mới, vì từ 85 – 90 ủy viên đương nhiệm sẽ tái ứng cử.
Bộ phận này sẽ chọn ra Bộ Chính trị, và theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhận định, Bộ Chính trị sẽ duy trì 19 ghế, trong đó hiện nay ông Trần Đại Quang đã mất, ông Đinh Thế Huynh bị bệnh, và ông Đinh La Thăng bị loại.
Còn lại 8 nhân sự đáng lý phải nghỉ hưu vì quá tuổi 65, trong đó có Trương Hòa Bình, Ngô Xuân Lịch, Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Thiện Nhân, Tòng Thị Phóng, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Phú Trọng, và Trần Quốc Vượng. Tuy nhiên, Ts. Hiệp nói, câu hỏi lớn là sẽ có bao nhiêu trường hợp được miễn giới hạn tuổi?
“Có những trường hợp ngoại lệ, câu hỏi là bao nhiêu? Nhiều người tin rằng Trần Quốc Vượng sẽ được miễn giới hạn độ tuổi, vì có khả năng ông sẽ được bầu làm Tổng Bí thư. Theo truyền thống, thường chỉ có Tổng Bí thư mới được miễn, nhưng đã có tin đồn Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ tìm cách được miễn giới hạn tuổi. Ông Phúc mới chỉ làm Thủ tướng được một nhiệm kỳ, và ông có sự ủng hộ để tiếp tục ở lại. Theo quy tắc thì nên có ít trường hợp ngoại lệ nhất có thể, để việc miễn giới hạn tuổi cho vài trường hợp mới có ý nghĩa. Vì vậy chúng ta sẽ phải chờ đợi xem liệu ông Phúc có thành công trong việc tìm kiếm thêm một nhiệm kỳ nữa hay không”.
Theo Ts. Hiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thể được lên chức làm Chủ tịch nước, nếu không thì khả năng cao vai trò đó được trao cho Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Ông Vượng năm nay đã 66 tuổi, nhưng theo Ts. Hiệp nhận định, khả năng làm Tổng Bí thư tiếp theo cao, vì trong vai trò Ủy ban Kiểm tra trung ương ông đã đẩy mạnh chiến dịch “đốt lò” của ông Nguyễn Phú Trọng.
“Sự ủng hộ từ ông Trọng là thiết yếu. Bất kỳ ai được sự ủng hộ của ông Trọng sẽ có khả năng cao được bầu chọn”.
Theo Giáo sư Ts. Vũ Tường, sau một thập niên trong vai trò Tổng bí thư, và Chủ tịch nước từ năm 2018, ông Nguyễn Phú Trọng đã củng cố được Đảng CSVN, qua chiến dịch đốt lò, xây dựng hệ thống công an trị và nâng cấp vai trò Đảng trên sân chơi quốc tế.
“Ông Trọng đã viếng thăm hơn 20 quốc gia cho đến năm 2019. Và ông có lẽ là người đứng đầu Đảng, đi nước ngoài nhiều nhất trong lịch sử của Đảng sau Hồ Chí Minh.”
Ts. Tường lập luận rằng ông Trọng đã dùng chiến thuật ngoại giao “đảng với đảng” đối với các nước láng giềng, nhưng không thành công hoàn toàn.
“Vì các nước láng giềng của Việt Nam đều là nước Cộng sản, nên dùng chiến thuật “đảng với đảng” hiệu quả để phát triển quan hệ. Và Việt Nam có lợi thế vì đảng CS Lào và Campuchia là đàn em và họ nổi lên cũng là nhờ Việt Nam. Nhưng khi nói đến Trung Quốc, thì Đảng CSVN lại là đàn em, và có nợ với Trung Quốc vì sự hỗ trợ trong chiến tranh. Chính sách này bất lợi cho Việt Nam và đã thất bại không ngăn chặn được Trung Quốc ở Biển Đông. Đây là di sản lớn mà ông Trọng đề lại và người kế vị phải đương đầu giải quyết”.
Tuy nhiên cả hai diễn giả đều nói, chú trọng trước mắt là cải cách nền kinh tế, và sẽ không có nhiều kỳ vọng cho những thay đổi chính trị.
Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp cũng nói thêm, sau nhiệm kỳ của ông Trọng, Việt Nam sẽ trở lại với cơ cấu “Tứ Trụ”. Từ năm 2018 ông Trọng nắm hai vị trí hàng đầu của Bộ Chính trị, là Chủ tịch nước và Tổng bí thư, sau khi Trần Đại Quang từ trần. Theo Ts. Hiệp, ĐCSVN muốn giữ cân bằng quyền lực trong Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, ông nhận định sự cân bằng sẽ không có trong cơ chế của chính quyền và trong chính sách của họ.
“Những nhà lãnh đạo vẫn ưu tiên cải cách và phát triển nền kinh tế. Tôi nghĩ Đảng vẫn biết có những giới hạn trong cơ chế và hệ thống đảng. Có thể sẽ có những nỗ lực để cải cách (chính trị) trong 5 năm trước mắt. Nhất là nếu cần để đảm bảo hệ thống chính trị không ngăn cản tiềm lực kinh tế của đất nước”.
Vào cuối những năm 1990, Đảng đã đưa ra mục tiêu trở thành nước phát triển trong năm 2020. Bây giờ chúng ta đã trong năm 2020 và Việt Nam đã thừa nhận không đạt được mục tiêu đó, và họ đặt ra mục tiêu mới trong năm 2035 hoặc 2045. GS. Vũ Tường
Từ khi Đảng CSVN tiến hành đổi mới sau Đại Hội 6 năm 1986, kinh tế Việt Nam đã tăng vọt, góp phần đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. Theo Ngân hàng Thế giới, từ 2002 đến 2018, GDP đầu người tăng 2,7 lần, từ dưới 500 Mỹ kim năm 1986, đạt trên 2.700 Mỹ kim trong năm 2019.
Tuy nhiên những biến đổi trong tình hình kinh tế thế giới và hạn chế trong nước gần đây đã khiến GDP trong nước chậm lại. Nhiều kinh tế gia cho rằng Nhà nước còn can thiệp quá nhiều vào thị trường, và theo Ngân hàng Quốc tế, dịch bệnh COVID-19 khiến tăng trưởng kinh tế năm 2020 dự báo sẽ giảm xuống 3-4% so với tỉ lệ 6,5% được dự báo trước khủng hoảng.
Theo Gs. Vũ Tường: “Vào cuối những năm 1990, Đảng đã đưa ra mục tiêu trở thành nước phát triển trong năm 2020. Bây giờ chúng ta đã trong năm 2020 và Việt Nam đã thừa nhận không đạt được mục tiêu đó, và họ đặt ra mục tiêu mới trong năm 2035 hoặc 2045. Nhưng do thất bại trong việc tái cấu trúc nền kinh tế, rất tiếc là có vẻ như Việt Nam sẽ thất bại một lần nữa”.
Cũng theo Gs. Vũ Tường, lãnh đạo Đảng cần đặt trọng tâm vào việc tái cấu trúc nền kinh tế để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và nâng vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu thì mới có thể đạt được mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, trở thành quốc gia phát triển, công nghiệp hiện đại, thu nhập cao trong năm 2045.