“Ngậm miệng…” đâu phải là sự lựa chọn
Các mối liên hệ quốc tế phức tạp và tế nhị nhưng thiết yếu đối với Việt Nam lại xuất hiện cùng một lúc trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao (BNG) hôm 21/10/2021. Các câu hỏi của báo chí trong và ngoài nước liên quan đến Biển Đông và Trung Quốc đặt ra cho người phát ngôn BNG Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đều được trả lời một cách chung chung và không hề hàm chứa bất kỳ một “bít” thông tin nào cả. Bà Thu Hằng tỏ ra rất “thuộc bài” nhưng lại né tránh một cách hết sức vụng về các câu hỏi về Biển Đông và Trung Quốc. Theo đó, hãng Thông tấn xã Đức DPA đề cập đến việc, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ ngày 19/10 vừa qua thông qua dự luật S.1657 trừng phạt các cá nhân, tổ chức Trung Quốc nào có liên quan đến những hoạt động tranh chấp lãnh thổ do Trung Quốc gây ra ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Thế mà người phát ngôn BNG cứ làm như chuyện ấy xẩy ra đâu tận châu Phi xa xôi! [1].
Đây không phải là lần đầu, cách “ngậm miệng ăn tiền” ấy khiến các nhà báo quốc nội lẫn quốc tế bức xúc, bởi kiểu trả lời rất đúng mốt, “à la mode Ngoại giao Việt Nam (NGVN)”. Đấy là kiểu “ông hỏi gà bà trả lời vịt”, cách phát ngôn không những không tôn trọng người hỏi đã đành, mà còn coi thường đông đảo khối độc giả của quốc gia mà người hỏi đại diện. Trả lời như thế trong họp báo là hoàn toàn thiếu tính tự tôn dân tộc. Dân tộc Việt Nam đâu hèn đến mức cái gì cũng phải chờ Bắc Kinh bật đèn xanh từ Trung Nam Hải thì Hà Nội mới dám ngo ngoe. Tuần qua có bao nhiêu chuyện thiết yếu liên quan đến bang giao Trung – Việt và quan hệ Mỹ – Việt mà tại sao NGVN lại trở nên yếm thế một cách kỳ cục như thế? Thế giới luôn muốn biết bản lĩnh của nền chính trị đối ngoại từ một đất nước suýt soát cả trăm triệu dân. Tuy nhiên, cũng phải khách quan, không nên vội trách người phát ngôn BNG. Bà Hằng cũng chỉ thực thi chức năng “mõ làng”, chứ đâu ở cấp chịu trách nhiệm hoạch định đường lối.
Mạng báo Thanh Niên và VnExpress đề nghị bà Lê Thị Thu Hằng cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc đài truyền hình Trung Quốc (CGTN) thông báo, lực lượng không quân và hải quân nước này vừa tổ chức các đội máy bay tiêm kích ném bom tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông cùng với thông tin tàu ngầm hạt nhân Hoa Kỳ va chạm ở vùng biển này. Hỏi vậy mà bà Lê Thị Thu Hằng chỉ “được” khẳng định: “Việt Nam nhất quán chủ trương mong muốn Biển Đông là khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên cơ sở luật pháp quốc tế”. Rồi như “tua” vội lại đoạn băng ghi sẵn, bà trình bày tiếp: “Việc các hoạt động trên biển phải tuân thủ UNCLOS 1982 và duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn ở Biển Đông”. Khi cướp không chỉ trong sân nhà, mà đã mang dao búa nhảy vào tận buồng ngủ rồi mà vẫn “ngậm miệng” thì hiệu ứng “bóng đè” của Trung Quốc quả là quá lớn.
Trong khi đó, ASEAN lần đầu tiên trong lịch sử đã dũng cảm thắng được sức ỳ do nguyên tắc “đồng thuận” tạo nên. Tại Hội nghị Cấp cao cuối tháng, cả khối quyết định không mời đại diện tập đoàn quân sự tiến hành cuộc đảo chính hôm 1/2 đã bóp chết nền dân chủ non trẻ ở Myanmar, đến dự Thượng đỉnh. Ngày 24/10, những kẻ ngoan cố, kiêu ngạo và phản dân chủ Myanmar lại hứa hão sẽ “cam kết hợp tác với kế hoạch hòa bình của ASEAN” (VOA 24/10). Mong sao Việt Nam hành động đúng theo hướng dẫn chung cho tất cả các thành viên ASEAN, đừng “cầm đèn Trung Quốc” chạy trước ô tô, “sẩy miệng” tuyên bố ủng hộ cánh quân phiệt! Bắc Kinh đang bắn ầm ầm trước nhà mà vẫn im thin thít, thì hãy lo chuyện của mình trước đã. Đối với bọn bành trướng Đại Hán, được đằng chân chúng sẽ lân đằng đầu. Càng xuống nước, Trung Quốc càng lấn tới. Nhưng đất liền và biển đảo tổ tiên đâu phải là của hồi môn của ĐCSVN mà đem biếu tặng Trung quốc! Hà cớ gì khi bị kẻ cướp nhảy vào nhà trấn lột, dù khiếp đảm đến mấy, cũng phải la làng một tiếng chứ! [2].
“Theo voi hít bã mía” càng nguy hiểm
Chính phủ Việt Nam lâu nay vẫn tuyên bố, chính trị đối ngoại Việt Nam trong kỷ nguyên tới sẽ là một nền ngoại giao hiện đại, dẫn dắt trong khu vực. Trời ơi, định “dẫn dắt ai” khi mà bản thân mình lại thực thi chính sách “khấu đầu” (kowtow) trước một Trung Quốc tham lam và tàn độc. Hãy nhìn quanh để xem các quốc gia trong khu vực đã kết nối với nhau như thế nào. Nhật Bản sau khi có được “mái nhà chung” FOIP, tuyên bố của tân Bộ trưởng Quốc phòng Motegi về Đài Loan đánh dấu quan điểm khác biệt hoàn toàn của nội các mới so với nội các cũ, bằng cách nói rõ về khả năng can dự của Nhật Bản. Không học được con cháu của đất nước “Mặt Trời Mọc” thì hãy nhìn dân Miệt vườn Úc châu mà hành động. Sau khi bị Bắc Kinh ra “tối hậu thư 14 điểm”, Úc đã vứt hẳn các yêu sách ấy vào sọt rác, làm một cú “pivot” (xoay trục) ngoạn mục, cùng Vương quốc Anh và Hoa Kỳ dựng lên một “lá chắn hạt nhân” AUKUS ngay trước “cổng nhà”. Vừa ra đời, tiếng vọng AUKUS đã lan toả khắp thế giới.
Cung cách đối xử của Trung Quốc đối với Úc là trường hợp điển hình mà Bộ Ngoại giao Việt Nam có thể nhìn vào đấy để rút ra bài học. Trung Quốc đã trừng phạt Úc về mặt thương mại trong hai năm qua, vì Úc đã dám đụng đến các vấn đề nhạy cảm (như chủ quyền/thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ tại Hồng Kông hay Đài Loan, Biển Đông, nhân quyền, Tây Tạng, Tân Cương, Thiên An Môn, nguồn gốc COVID-19…) đối với Bắc Kinh. Thật ra cung cách của Trung Quốc ở mọi nơi đều thế, kể cả đối với Việt Nam. Nhưng trong khi chính quyền Hà Nội chủ trương bưng bít không cho người dân biết, mà có khi còn cấm cản xã hội thảo luận công khai về các vấn đề tế nhị ấy. Việc cấm đoán ấy tại Úc hay các nền dân chủ khác là điều bất khả. [3].
Trở lại hoạt động của phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, người có tinh thần dân chủ không khỏi bất bình khi hay tin Việt Nam phản đối những câu chữ mạnh mẽ trong nghị quyết của LHQ lên án đảo chính ở Myanmar. Hùa theo Trung Quốc, Việt Nam phản đối dùng chữ “đảo chính” và không đồng ý có những biện pháp tiếp theo đối với chính quyền quân sự Napyidaw trong dự thảo tuyên bố chung do Anh soạn thảo. Năm ngoái, Việt Nam cũng cùng với Trung Quốc cản một tuyên bố chung của HĐBA/Liên Hiệp Quốc (LHQ) về ngăn chặn nạn diệt chủng người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar. Rõ ràng, Việt Nam có gánh nặng trách nhiệm của mình ở LHQ, đã hai lần đảm đương cương vị Chủ tịch HĐBA, ấy vậy mà lẩn tránh những sự thật hiển nhiên ai cũng biết. Sau quyết định lịch sử của ASEAN tẩy chay kẻ cầm đầu đảo chỉnh đến dự Thượng đỉnh 38 và 39, Việt Nam không thể “ngậm miệng ăn tiền”, “theo voi hít bã mía”, hay “đi hàng đôi” với Trung Quốc mãi được, nhất là khi “quyền lực mềm” của Trung Quốc đang đi xuống [4]
Trong khi đó, có một số chuyển động đáng chú ý trong quan hệ Mỹ – Việt. Hoa Kỳ và Việt Nam gặp nhau trong khuôn khổ kỳ họp ĐHĐ/LHQ. Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman hôm 22/9 và Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn đã tiếp xúc và thảo luận về nhiều vấn đề. Bà Sherman viết trên Twitter: “Tại Kỳ họp ĐHĐ/LHQ khóa 76, tôi và Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn đã thảo luận tầm nhìn chiến lược chung về an ninh khu vực, vai trò trung tâm của ASEAN và việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp ở Biển Đông và khu vực Mekong”. Cùng ngày, Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Samantha Power có cuộc gặp với Thứ trưởng Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến tại trụ sở USAID ở thủ đô Washington. Hai bên đã thảo luận về mối quan hệ đối tác USAID – Việt Nam, bao gồm cả giải quyết các vấn đề di sản chiến tranh. Như thường lệ, truyền thông Việt Nam đã không đưa nội dung này lên mặt báo. Phải chăng đấy là chiêu mới của ngoại giao “áo gấm đi đêm”? (VOA, 23/10).
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.