Đón nhận lời thăm hỏi của Tổng Trọng như thế nào?
“Tôi cho rằng lời thăm hỏi của ông Nguyễn Phú Trọng trong tư cách Tổng Bí thư, tức là người đứng đầu của Đảng CSVN, trong tình hình dịch bệnh hiện nay chỉ là chiêu bài mị dân, vô tác dụng, mất hiệu quả và đầy tính đạo đức giả.”
Trên đây là chia sẻ của nhà báo Nguyễn Ngọc Già, với tư cách là một cư dân ở TP.HCM, sau khi nghe được lời thăm hỏi và động viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi đến người dân thành phố hôm 17/8.
Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Văn Nên cho báo giới quốc nội biết ông Nguyễn Phú Trọng, qua điện thoại, nói rằng nhân dân TP.HCM hai tháng qua kiên cường với đại dịch COVID-19.
Đương kim Tổng Bí thư Đảng CSVN gửi lời thăm hỏi và động viên nhân dân TP.HCM nỗ lực chống dịch bệnh. Đồng thời, yêu cầu phải xem cuộc chiến chống dịch là một thử thách bản lĩnh, năng lực của toàn hệ thống chính trị cùng nhân dân thành phố và dứt khoát phải vượt qua khó khăn, đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, cùng cả nước thực hiện và đạt được mục tiêu mà Đại hội Đảng XIII đề ra.
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, cựu phóng viên Tạp chí Cộng sản, vào tối ngày 18/8, lên tiếng với RFA về cuộc điện thoại thăm hỏi người dân ở TP.HCM của ông Nguyễn Phú Trọng:
“Như chúng ta đã biết, những điều tuyên trruyền trên báo chí của Việt Nam thì rất hay. Nhưng những điều thực sự làm được trong giải quyết chống dịch và những gì đạt được thì rất hạn chế. Kết quả thì ngược lại với lời nói. Cho nên chống theo ‘quyết tâm chính trị’ là đúng đấy.”
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình lý giải mục tiêu chống dịch COVID-19 trong đợt dịch lần thứ tư bùng phát nghiêm trọng, đặc biệt ở khu vực miền Nam-Việt Nam theo “quyết tâm chính trị” qua những chủ trương tuyên truyền nhưng trong thực tế thì không như thế, thậm chí tình hình ngày càng bi đát hơn.
“Vấn đề là xuất phát từ ban đầu, chiến lược chống dịch là không chuẩn và không thực sự có hiệu quả. Quá trình diễn ra chứng minh cho chiến lược chống dịch là sai, không phù hợp. Cho nên dẫn đến số lượng người bị nhiễm tăng, người dân bị rơi vào thảm họa không có tiền và không được giúp đỡ rồi còn đi ra ngoài bị phạt…Người ta dùng từ dân giã, gọi là ‘bung’ với ‘toang’ là do chiến lược từ đầu đã không đúng.”
Tôi cho rằng lời thăm hỏi của ông Nguyễn Phú Trọng trong tư cách Tổng Bí thư, tức là người đứng đầu của Đảng CSVN, trong tình hình dịch bệnh hiện nay chỉ là chiêu bài mị dân, vô tác dụng, mất hiệu quả và đầy tính đạo đức giả-Nhà báo Nguyễn Ngọc Già
“Quyết tâm chính trị” chống dịch và cuộc tháo chạy của người dân
Dư luận trong và ngoài nước cho rằng Đảng CSVN, Chính phủ Hà Nội và Chính quyền TP.HCM đã “ngủ quên trong chiến thắng” khi cứ loan tải trên hệ thống truyền thông chính thống rằng Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chống dịch COVID-19 với thế giới. Công luận trách cứ Đảng và Nhà nước Việt Nam hoàn toàn thất bại qua chiến lược chống dịch COVID-19 trong đợt thứ tư, qua hai lần di tản của hàng chục ngàn người lao động rời khỏi thành phố về quê lánh dịch bệnh, hồi cuối tháng bảy và vào giữa tháng tám.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh ghi nhận trong một bài viết của ông trên trang Blog RFA rằng:
“Trên các trang mạng xã hội, thậm chí là báo chí nhà nước, có không ít hình ảnh mô tả về cuộc di tản lạ lùng này…Những gương mặt vô danh ấy quá đỗi nhọc nhằn trên cung đường chạy đến vô cùng. Trong số ấy, chắc cũng không ít người đã đóng góp cho những con số bội thu của Hồ Chí Minh hàng năm, vẫn được đọc lên trong những tràng vỗ tay của giới quan chức mừng tổng kết thu ngân sách thắng lợi”.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nhận xét “Lời thăm hỏi của ông Trọng càng đáng chê trách trước tình hình điêu linh và bi thảm của người dân Việt Nam hiện nay”.
Theo quan điểm của cựu tù nhân nhân quyền Nguyễn Ngọc Già, ông cho rằng cuộc tháo chạy của hàng chục ngàn người dân khỏi TP.HCM cho thấy năm biểu tượng thất bại trong công tác chống dịch như “chống giặc” của Nhà nước Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Già nêu lên biểu tượng thứ nhất là sự thất bại về những gì trong cương lĩnh của Đảng CSVN và trong Hiến pháp Việt Nam đã ghi. Đặc biệt Điều 4 Hiến pháp quy định rất rõ rằng Đảng CSVN gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.
“Thứ hai, cuộc tháo chạy như vậy là biểu tượng của sự phá sản về mô hình của nhà nước độc đảng, toàn trị của bộ máy cai trị hiện nay của nhà cầm quyền CSVN. Thứ ba, là biểu tượng của sự sụp đổ về nhân cách của tất cả đảng viên Đảng CSVN. Thứ tư, là biểu tượng của sự thất bác về nhân phẩm làm người trong tư cách công bộc đối với công dân. Thứ năm, sự tháo chạy đó là biểu tượng của sự cáo chung về một chút niềm tin còn sót lại trong người dân.”
Sẽ kiểm soát dịch bệnh thành công trong vòng một tháng nữa?
Trong cuộc họp báo vào trưa ngày 13/8, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Dương Anh Đức cho biết Chính quyền TP.HCM lên kế hoạch tăng cường chống dịch đến ngày 15/9, với quyết tâm sẽ kiểm soát được dịch bệnh.
Chính quyền TP.HCM, vào ngày 15/8 ban hành lệnh tiếp tục giãn cách xã hội, theo Chỉ thị 16, cho đến hết ngày 15/9, với nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”.
Trước thông báo này, một lần nữa hàng ngàn người lao động nhập cư lại lũ lượt di tản về quê bằng xe gắn máy vì họ không còn khả năng chịu đựng để chống lại “giặc đói”, nếu như kéo dài thêm một tháng mà không có việc làm lẫn thu nhập.
Gặp khi có nhà trọ có lương tâm thì họ cho ở lại, thiếu tiền trọ. Nhưng cũng có nhà trọ đâu cho thiếu đâu. Tại vì đã hai tháng rồi, chủ nhà trọ đuổi ra. Hồi nãy, tôi không dám quay video lại, chứ người ta bức xúc đòi bỏ nhà trọ và đi bộ về quê. Công an phải giải quyết nãy giờ đó. Nhiều người, trong trận dịch bệnh này, đói dữ lắm. Thê thảm lắm-Một người dân ở Bình Dương
Báo giới quốc nội loan tin đến 14 giờ chiều ngày 15/8, người dân tháo chạy về quê bị buộc phải quay đầu tại các chốt kiểm soát ở cửa ngỏ ra vào TP.HCM.
Một người dân tạm trú ở khu vực giáp ranh TP.HCM và tỉnh Bình Dương cho RFA biết có nhiều người phải nương náu ở các ống cống vì không còn tiền để thuê phòng trọ.
“Nhiều lắm. Tại vì không có tiền. Gặp khi có nhà trọ có lương tâm thì họ cho ở lại, thiếu tiền trọ. Nhưng cũng có nhà trọ đâu cho thiếu đâu. Tại vì đã hai tháng rồi, chủ nhà trọ đuổi ra. Hồi nãy, tôi không dám quay video lại, chứ người ta bức xúc đòi bỏ nhà trọ và đi bộ về quê. Công an phải giải quyết nãy giờ đó. Nhiều người, trong trận dịch bệnh này, đói dữ lắm. Thê thảm lắm!”
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già chia sẻ với RFA rằng ông và dân chúng ở các vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt dịch COVID-19 lần thứ tư đều mong muốn dịch bệnh mau chóng được ngăn chặn và kiểm soát. Tuy nhiên:
“Qua đại dịch này thì có thể nói là trăm năm mới có một. Tôi vẫn không tin rằng tới ngày 15/9, với sự phá sản của mô hình nhà nước độc đảng, toàn trị, với cách làm việc phản khoa học và mang đầy tính ‘chiến trường’ thực tế mà đối với một dịch bệnh như vầy thì tôi không có niềm tin là họ có thể kiểm soát được.”
Đồng quan điểm, nhà báo Nguyễn Vũ Bình cho rằng tình hình dịch bệnh diễn biến còn rất phức tạp, phong tỏa nghiêm ngặt suốt hai tháng mà số lượng người nhiễm và người chết cứ tăng lên; vì thế rất khó có thể giải quyết được vấn đề dịch bệnh trong vòng một tháng nữa.