Một luật sư gốc Việt cảnh báo Chính phủ Canada có thể xem xét đánh thuế hàng dệt may của Việt Nam lên mức 18% nếu nước này tiếp tục không cho phép thành lập công đoàn độc lập- trái với hiệp định thương mại tự do.
Canada cần công khai kết quả điều tra đơn tố cáo Chính phủ Việt Nam
Ông Vũ Đức Khanh, một nhà hoạt động nhân quyền và quyền lao động cho Việt Nam, ngày 21/8 đã viết thư gửi Thủ tướng Justin Trudeau để bày tỏ sự lo ngại về việc Việt Nam dù đang hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhưng vẫn không tuân thủ Chương 19 về Lao động của hiệp định này.
Trong thư, luật sư Khanh nhắc lại việc Chính phủ Canada ngày 21/3/2023 đồng ý xét đơn của Liên hội Người Việt Canada (VCF) tố cáo Chính phủ Việt Nam vi phạm Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) và quyền của người lao động theo CPTPP.
Như Đài Á Châu Tự Do (RFA) đã đưa tin, Ottawa đưa ra quyết định xét đơn chỉ một tuần sau khi nhận được một bản đệ trình dưới dạng “Thông tin Công cộng” theo Chương 19 (Lao động) của CPTPP từ VCF.
Trong bản đệ trình này, VCF cáo buộc Bộ luật Lao động của Việt Nam không tuân thủ các nghĩa vụ trong Chương 19 (Lao động) của CPTPP liên quan đến “quyền tự do lập hội và thương lượng tập thể” theo Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về Các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc.
Cụ thể, VCF tố cáo chính quyền cộng sản ở Việt Nam không cho phép người lao động được tự do thành lập công đoàn độc lập với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam- một tổ chức ngoại vi của đảng cầm quyền.
VCF cũng đề nghị Văn phòng Hành chánh Quốc gia Canada (NAO) thuộc Bộ Lao động và Phát triển Xã hội Canada thực hiện một số hành động, bao gồm cả việc xem xét việc Việt Nam tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ ở Chương 19 của CPTPP.
Khi đồng ý xét đơn tố cáo, Chính phủ Canada nói NAO sẽ kiểm tra nội dung bản đệ trình và báo cáo về các vấn đề được nêu ra trong vòng 180 ngày (6 tháng) kể từ ngày nội dung “Thông tin Công cộng” được chấp nhận để xem xét.
Tuy nhiên, đã 17 tháng trôi qua mà Chính phủ Canada vẫn chưa công bố kết quả điều tra liệu Việt Nam có vi phạm như cáo buộc của VCF hay không và đây là lý do luật sư Vũ Đức Khanh viết thư cho người đứng đầu chính phủ trong vai trò của một công dân.
Trong thư, luật sư Vũ Đức Khanh, người cũng là Phó Chủ tịch của VCF, đề nghị thủ tướng can thiệp nhằm bảo đảm rằng Bộ Ngoại giao và Bộ Lao động và Phát triển Xã hội của Canada chỉ thị cho NAO liên lạc với VCF kịp thời về tình trạng của hồ sơ về Việt Nam.
Ông cũng đề nghị người đứng đầu chính phủ làm rõ lập trường nếu NAO xác nhận Việt Nam không tuân thủ Chương 19 của CPTPP. Chính phủ cần thông báo về những biện pháp cụ thể nếu xác định rằng Việt Nam vi phạm nghĩa vụ lao động theo hiệp định thương mại đa phương này.
Trao đổi với phóng viên của RFA, ông cho biết lý do chính mà ông gửi thư cho Thủ tướng Canada là vì Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm quyền của người lao động. Ông nói trong ngày 21/8:
“Tôi mong muốn rằng người dân Việt Nam phải thực sự có quyền thành lập nghiệp đoàn, công đoàn độc lập tự do với nhà nước, không bị nhà nước chèn ép và họ có quyền thương lượng tập thể, khi đó họ tập hợp lại và thương lượng tập thể với giới chủ tại Việt Nam.
Tôi hy vọng Chính phủ Canada qua vấn đề này sẽ tác động lên Chính phủ Việt Nam, thúc đẩy quyền của người lao động Việt Nam và hy vọng Việt Nam sẽ có những sự thay đổi tốt đẹp cho người lao động.”
Canada có thể dùng đòn bẫy kinh tế để buộc Việt Nam tuân thủ quy định
Luật sư Khanh nhận định, Canada có quyền đơn phương đình chỉ các khoản giảm thuế đối với hàng hóa Việt Nam vì không tôn trọng quyền thành lập công đoàn độc lập của người lao động, ví dụ như hàng dệt may hiện đang được hưởng thuế suất 0% thay vì 18%, mức thuế áp dụng nếu Việt Nam không là thành viên của CPTPP.
Dẫn số liệu của báo Đầu tư Online, hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang Canada trị giá hơn 1,09 tỷ đô la Mỹ trong năm 2023 (giảm 17,1% so với năm 2022), ông cho rằng nếu Việt Nam bị đánh thuế 18% thay vì không phải trả đồng nào như hiện nay, Việt Nam sẽ bị thiệt hại đến 182 triệu đô la.
Theo ông, đây là đòn bẩy kinh tế mà Canada có thể sử dụng để buộc Việt Nam phải tôn trọng quyền của người lao động quy định bởi CPTPP và các hiệp định thương mại khác như Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam.
Ôn Trương Minh Trí, chủ tịch của VCF tái khẳng định NAO và Chính phủ Canada hoàn toàn không phản hồi VCF về kết quả điều tra các cáo buộc đối với Việt Nam. Cách đây hai tuần, VCF cũng gửi thư cho NAO để nhắc lại vấn đề nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Ông nói với RFA trong tối 21/8:
“Theo những nguồn tin không chính thức thì tôi biết là (Chính phủ) Canada đồng ý với lập trường của Liên hội người Việt tại Canada là Việt Nam trong tình trạng vi phạm các điều khoản đó của Hiệp định CPTPP. Điều mà chúng tôi ngạc nhiên là Canada không chịu công khai công bố với dư luận rằng đó là vấn đề mà CPTPP phải giải quyết đối với Việt Nam.”
Ông cho biết kể từ khi Chính phủ Canada quyết định điều tra theo cáo buộc của VCF, Việt Nam vẫn không thay đổi và Hà Nội vẫn không chấp nhận bất kỳ quyền tự do nào, kể cả quyền tự do lập hội, và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức công đoàn duy nhất được phép hoạt động hợp pháp lại do nhà nước điều hành và kiểm soát.
Điều này vi phạm trắng trợn quyền tự do lập hội và thương lượng tập thể theo Tuyên bố của ILO, hạn chế khả năng của người lao động trong việc thành lập các công đoàn độc lập và đàm phán với người sử dụng lao động theo các điều khoản của riêng họ.
VCF cho rằng việc cải thiện quyền tự do lập hội của người lao động Việt Nam chắc chắn sẽ nâng cao mức sống của họ, tuy nhiên, những người lao động có ý định thành lập tổ chức công đoàn độc lập có thể bị trả thù, bao gồm sa thải hoặc quấy rối.
Tổ chức này cũng cho rằng khi một quốc gia trong CPTPP không tôn trọng quyền lao động có thể tác động tiêu cực đến sân chơi bình đẳng trong quan hệ thương mại giữa các quốc gia thành viên của hiệp định.
Lấy minh chứng về việc Việt Nam tăng xuất khẩu sang Canada và giảm nhập khẩu từ quốc gia này sau khi tham dự hiệp định thương mại tự do năm 2019, VCF cho rằng Việt Nam hưởng lợi nhiều từ hiệp định trên, tuy nhiên, Việt Nam lại không không đưa Luật Lao động và thông lệ của mình tuân thủ các nghĩa vụ tại Chương Lao động của hiệp định.
Theo Bộ Xúc tiến Xuất khẩu, Thương mại Quốc tế và Phát triển Kinh tế Canada, kim ngạch thương mại Việt Nam-Canada năm 2023 đạt 14 tỷ đô la Mỹ, trong đó giá trị xuất khẩu của Canada sang Việt Nam chỉ là 776 triệu.
Phóng viên gửi email cho NAO và Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về thư của luật sư Vũ Đức Khanh gửi Thủ tướng Canada, nhưng không nhận được ngay phản hồi.
CPTPP là hiệp định thương mại tự do giữa 11 quốc gia, trong đó Canada tham gia từ năm 2018 và Việt Nam tham gia một năm sau đó. Đây là hiệp định thay thế Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Chính phủ Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump rút ra khỏi hiệp định này.
Tháng 3 vừa qua, tổ chức nhân quyền Dự án 88 công bố báo cáo nói rằng trong tháng 7 năm ngoái, Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Chỉ thị 24 xác định việc thành lập các công đoàn độc lập là một vấn đề an ninh quốc gia cần phải được giải quyết, quán triệt không để thành lập tổ chức của người lao động dưới hình thức dân tộc, tôn giáo.
Gần đây, Việt Nam lại bắt giữ hai quan chức ủng hộ cho quyền của công nhân là ông Vũ Minh Tiến- Trưởng Ban Chính sách-Pháp luật của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và ông Nguyễn Văn Bình – Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng với cáo buộc “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” theo Điều 337 của Bộ luật Hình sự. Cả hai vận động cho việc Việt Nam ký Công ước 87 của ILO về “quyền tự do lập hội và bảo vệ quyền tổ chức” của người lao động.