Trung Quốc đã và đang cho xây dựng các bức tường biên giới với hai nước láng giềng là Việt Nam và Myanmar với mục đích được Chính phủ nước này giải thích trên tờ Global Times vào cuối tháng 1/2021 là cần thiết để ngăn chặn những người vượt biên trái phép trong đại dịch COVID-19.
Chương trình quốc gia?
Bức tường phía biên giới với Việt Nam là một hàng rào sắt cao 4,5 mét, dài 12 km, trên đầu là hàng rào thép gai, dọc theo sông Bắc Luân (Beilun) mà phía Việt Nam gọi là Ka Long. Được xây dựng từ năm 2012 đến năm 2017, trị giá 29 triệu đô la. Đến năm 2018, Bắc Kinh có điều chỉnh dự án và được dự kiến sẽ sớm hoàn tất với chiều dài 200 km dọc biên giới với hai tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn.
Trong khi đó, bức tường phía biên giới với Myanmar dài 659 km được cho là đã hoàn thành dọc theo biên giới dài 2.000 km của Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái. Bức tường này nằm giữa tỉnh Vân Nam của Trung Quốc và bang Shan phía bắc của Myanmar.
Năm 2018, khi hàng rào biên giới với Việt Nam được tăng tốc xây dựng, Trung Quốc đồng thời đưa ra chủ trương tăng cường quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu, đẩy mạnh phòng chống buôn lậu và đưa các hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới vào nề nếp.
Giáo sư Carl Thayer, đại học New South Wales (Úc) từng nhận định, Việt Nam có lợi ích ngang ngửa với Trung Quốc trong việc đóng cửa buôn lậu xuyên biên giới, đặc biệt là vì nước này có thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhiều nước đóng cửa biên giới để ngăn chặn sự lây lan nhưng việc Trung Quốc xây dựng các bức tường biên giới với các quốc gia láng giềng Đông Nam Á mà mục đích chính theo phía Bắc Kinh giải thích là để ngăn chặn vượt biên trái phép trong đại dịch COVID-19, hoàn toàn không thuyết phục. Giáo sư Carl Thayer đã từng nêu ý kiến của mình trên ABC News rằng việc xây dựng này dường như là một chương trình quốc gia.
Trang tin Global Times cũng từng dẫn phân tích sâu hơn về động thái của Bắc Kinh của Giáo sư Carl Thayer rằng, Bắc Kinh xây tường biên giới còn nhằm ngăn chặn những nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc.
Đối đầu không cần thiết
Phía Hà Nội đến thời điểm này không lên tiếng về động thái trên của Bắc Kinh, tuy nhiên RFA đã ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia xung quanh vấn đề này. Trong đó, Trung tá quân đội Đinh Đức Long hôm 11/2 phân tích:
“Mọi việc đều có thể xảy ra vì trên thực tế là người Bắc hàn từng vượt biên sang Việt Nam. Họ vượt biên qua Trung Quốc trước rồi sang Việt Nam. Cách đây ít năm chính quyền Việt Nam đã làm ngơ để Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại Việt Nam thuê nguyên một chiếc máy bay không biết của nước nào chở 400 người Bắc Hàn tị nạn từ TP.HCM về thẳng Seoul. Bắc Hàn lên tiếng phản đối nhưng Việt Nam lờ đi.
Thật ra họ muốn vào Việt Nam thì có nhiều đường để vào. Hàng rào xây có mấy chục cây số thì ăn thua gì vì biên giới Việt Nam – Trung Quốc cả nghìn cây cơ mà. Nghĩa là không thiếu gì con đường đi, nhưng trên thực tế là người Duy Ngô Nhĩ đã từng vào Việt Nam qua biên giới phía Bắc và đã xảy ra chuyện cướp súng của biên phòng Việt Nam. Sau đó Việt Nam không xét xử mà giao về Trung Quốc hết.
Tóm lại, việc xây hàng rào như thế chả có hại gì cho Việt Nam. Thứ nhất là nó xây trên nước nó. Thứ hai là ngăn chặn vậy thì tốt cho Việt Nam. Mình đỡ phải đối đầu với những chuyện không cần thiết.”
Theo thông tin từ báo chí Nhà nước Việt Nam, vào tháng 4 năm 2014, 16 người Duy Ngô Nhĩ vượt biên vào Việt Nam bất hợp pháp. Nhóm người này đã bị lực lượng biên phòng Việt Nam bắt đưa về đồn, chuẩn bị thủ tục trao trả cho Trung Quốc. Tuy nhiên, trong khi đang chờ làm thủ tục thì bất ngờ vài người đàn ông trong nhóm trên cướp súng của một chiến sĩ biên phòng xả đạn vào lực lượng biên phòng Việt Nam.
Hậu quả cuộc ‘đấu súng’ làm bảy người thiệt mạng, gồm hai sĩ quan Biên phòng Việt Nam và năm người đàn ông Trung Quốc. Tất cả năm thi hài và 11 người còn sống đều được giao trả cho phía Trung Quốc ngay trong ngày.
Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định:
“Nó vẫn có những người Duy Ngô Nhĩ chạy sang Việt Nam và từ Việt Nam chạy sang một nước khác nhưng khoảng một năm trở lại đây thì gần như không có nhóm nào cả. Nếu có thì Việt Nam sẽ bắt giao trả về Trung Quốc luôn theo thỏa thuận hai nước.
Lý do vì những người Duy Ngô Nhĩ này từng có hai lần cướp súng của biên phòng Việt Nam và bắn chết cả lính biên phòng Việt Nam. Rõ ràng giữa Bộ Công an Trung Quốc và Bộ Công an Việt Nam có thỏa thuận rằng nếu có người nào bên Trung Quốc vượt biên trái phép vào Việt nam trái phép thì Việt Nam sẽ bắt và giao ngược lại bất kể đấy là ai.
Ngoài ra, có những người từ Bắc Hàn chạy qua miền Bắc Việt Nam rồi xuống Tây Ninh, qua Campuchia rồi qua các nước khác nhưng công an Việt Nam không ngăn cản.”
Tại cuộc họp diễn ra ngày 21 tháng 12 năm 2020 ở Đà Nẵng về sơ kết công tác phòng chống dịch COVID-19, Bộ Công an cảnh báo trong năm 2020 có hơn 900 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Phần lớn trong số này là người Trung Quốc.
Ngoài ra, số người Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam trong năm 2020 tiếp tục tăng với 25.000.