Thực tể ớ Nhật đối với người Việt!
“Việc đầu tiên là em muốn hít thở cái bầu không khí của xứ tự do”.
Đó là phát biểu của Nguyễn Thế Lộc, một thực tập sinh 27 tuổi sinh sống và làm việc ở tỉnh Ibaraki về phía Bắc thủ đô Tokyo của Nhật, được 1 năm. Quê anh ở tỉnh An Giang và anh đã mong muốn từ lâu được đi qua nước ngoài lao động.
“Em muốn biết cuộc sống ở xứ tự do phát triển như thế nào và em muốn học hỏi thêm cuộc sống ở bên đây”.
Anh nói trước khi qua Nhật làm thực tập sinh cho một công ty đúc kim loại, anh đã nghiên cứu rất kỹ và biết qua Nhật đời sống không dễ và có thể mình sẽ bị bóc lột sức lao động.
“Cuộc thực tập sinh của công ty em so với mặt bằng chung thì có thể cũng tạm ổn. Tại vì khu vực sống của em thì vật giá cũng tương đối thấp nên không phải tốn nhiều chi phí để di chuyển. Nhưng mà số phận thực tập sinh người Việt Nam ở công ty này là bị người Nhật họ không xem trọng Việt Nam mình”.
Anh Nguyễn Thế Lộc chia sẻ, dù tiếng Nhật anh không nhiều nhưng đủ để có thể hiểu sự phân biệt của người Nhật đối với thực tập sinh khác như từ Indonesia và đối với lao động từ Việt Nam – có một sự khinh thường rõ rệt:
“Trong thời gian đầu, em đã tưởng tượng được cái cảnh bị phân biệt nhưng mà nó quá nhiều so với sự tưởng tượng ban đầu, nên em cũng bị stress”.
Anh Lộc là một trong hàng trăm ngàn thực tập sinh qua Nhật theo hợp đồng 3-5 năm. Cộng với con số du học sinh và vài chục ngàn người Việt đã đi tị nạn qua Nhật sau năm 1975, con số người Việt tại Nhật nay lên đến hơn 300.000 người theo thống kê của Bộ Tư pháp Nhật Bản.
Người Việt tại Nhật bị phát hiện trong nhiều vụ tội phạm
Thời gian qua tin tức về người Việt Nam tại Nhật phạm pháp gia tăng và nhiều người cho rằng người Nhật có cái nhìn không tốt về cộng đồng người Việt Nam.
Theo trang Yabai Nihon, truyền thông Nhật đưa tin ngày 13/11 anh Nguyễn Đức Chính, 37 tuổi, đã bị cảnh sát tại Tp Sano bắt vì hái trộm 150 chùm nho. Chính đã khai là nho “Đã chia cho mọi người ăn”. Được biết anh là thực tập sinh trốn lại Nhật sau khi hết hạn visa.
Ngày 10/11 cảnh sát bắt 3 phụ nữ Việt đã hết hạn lưu trú tại Nhật, không về lại nước được và phải đi làm gái mại dâm.
Trước đó vài tuần, cảnh sát tỉnh Gunma bắt giữ 4 thực tập sinh vì nghi giết mổ lợn tại căn hộ. Một trong 4 thanh niên này từng bị bắt tại một trang trại vì tình nghi ăn trộm quả bầu.
“Hành vi tội phạm xảy ra nhiều quá. Chẳng hạn giết người thì rất ít, nhưng trộm cắp thì nhiều, ví dụ như trộm cắp heo, bò, gà nhiều vì có vẻ như nó dễ. Và táo, lê, hoa quả của nông dân Nhật, họ không có canh. Người Việt mình một số người thấy dễ lấy quá. Số lượng không nhiều nhưng bị lên tin tức ngay”.
Anh Nguyễn Huy, quản trị viên một nghiệp đoàn lao động của Nhật, đã làm tư vấn cho lao động Việt Nam ở nước ngoài từ chục năm nay tại Osaka, khẳng định so với tổng số thực tập sinh hơn cả trăm ngàn người thi thì những tội phạm 20-30 vụ không nhiều. Nhưng họ đã gây tai tiếng cho người Việt Nam tại Nhật vì nước Nhật và văn hóa Nhật vốn trật tự, kỹ lưỡng và tôn trọng luật pháp.
“Khi em vào công ty Nhật, người Nhật dậy em là lấy một yên cũng là ăn trộm”.
Đó là phát biểu của anh Nguyễn Huy ở Tokyo, qua Nhật với visa kỹ sư lao động được hơn 3 năm. Anh cũng là một Facebooker theo sát tình hình người Việt tại Nhật. Anh giải thích về tình trạng tội phạm do bàn tay người Việt ngày càng gia tăng:
“Tình trạng trộm cắp của người Việt Nam ở Nhật đã có lâu rồi. Đó là một vấn nạn mà tụi em ở đây rất đau đầu vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến tụi em khi xin visa và cách người Nhật họ nhìn tụi em. Những tin tức đó thường hay đăng vào lúc buổi trưa hay buổi sáng khi vào công ty thấy rất xấu hổ. Em nghĩ nguyên nhân là do ở Việt Nam người ta bỏ rất nhiều tiền để đi sang đây, 200-300 triệu để qua đây lao động. Và tiền vay như vậy họ phải tìm cách gửi trả về quê. Đối với công ty tăng ca nhiều và công ty đó quan tâm đến thực tập sinh thì mọi việc bình thường. Nhưng nếu công ty đó ăn hiếp, gây khó khăn với thực tập sinh thì họ có xu hướng muốn trốn ra ngoài, sống bất hợp pháp”.
Tình trạng nợ nần ở quê nhà do các công ty môi giới thu phí quá cao, thêm vào đó, thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát đã tạo thêm áp lực nặng nề lên đời sống của các thực tập sinh, dụ học sinh.
Anh Nguyễn Thế Lộc, thực tập sinh ở công ty đúc kim loại nhận định:
“Riêng đối với thực tập sinh, đầu tiên là những người Việt bị kẹt lại bên này đa phần là họ hết hạn hợp đồng và công ty không thể nào tiếp nhận họ được. Thành ra công việc không có mà họ bắt buộc phải ở lại. Thời điểm mà con virus bùng phát đầu tiên thì nhiều công ty phá sản dẫn tới việc là thực tập sinh không có công việc và kéo theo những công ty khác cũng không có việc để có thể tiếp nhận thực tập sinh nên họ không thể về, cứ vòng vòng ở đây, không có việc, làm ảnh hưởng rất nhiều lên đời sống thực tập sinh. Họ về nước không được và ở lại cũng không sống được”.
“Cái này là chính sách từ bên Việt Nam. Họ không muốn nhận con số người về đông như vậy sợ dịch lan tràn không thể kiểm soát. Chính vì vậy họ rất là hạn chế. Ngay cả Thủ tướng Suga khi đi Việt Nam cũng đặt vấn đề rằng Nhật sẵn sàng đón nhận lượng lao động mới và họ đã thực hiện cho vào (Nhật) bình thường, và ngược lại Việt Nam phải nhận lại các em đã hết hạn, không có việc, hoặc không còn đi học, về lại nước. Nhưng mà Việt Nam cho đến bây giờ mình không thấy họ có một cái nỗ lực nào đâm ra tình trạng phạm tội ngày càng nhiều ở Nhật”. -Ông Nguyễn Huy
Ông Nguyễn Huy nói tại Osaka ông đã thành lập nhóm tư vấn cho những người lao động này. Một số hội đoàn, nhà thờ và nhà chùa cũng có nỗ lực giúp những người bị kẹt lại về lương thực, chỗ cư ngụ. Tuy nhiên, điều họ cần nhất không được giải quyết. Ông Huy cho biết:
“20-30.000 thực tập sinh, con số do chính Đại sứ quán đưa ra, là thực tập sinh chờ về nước và du học sinh không còn đi học nữa. Nhưng mà từ tháng 6 có một, hai chuyến bay giải cứu và một chuyến bay chỉ có 600 người thôi, thì một tháng chỉ có 600-1000 người về nước. hư vậy cho đến bây giờ theo tôi biết là khoảng 5-6.000 người (được về) còn lại đến 25.000 người đang chờ”.
Đài Á Châu Tự Do đã liên lạc với Cơ quan Lãnh sự Việt Nam ở Tokyo để hỏi về tình trạng người Việt bị kẹt lại ở Nhật nhưng không được hồi âm.
Các bạn thực tập sinh chúng tôi tiếp xúc được đều cho biết quan niệm của họ tương tự như nhận định của anh Nguyễn Phương:
“Lãnh sự quán của Việt Nam thì không hỗ trợ gì hết. Nhật Bản thì họ hỗ trợ 100.000 yên bằng với 1000 USD cho một người trong thời gian công ty không có công việc làm thì vẫn được hưởng lương… Đó là hỗ trợ của người Nhật. Chưa có trường hợp nào mà cầu cứu Lãnh sự quán được. Em chưa có thấy một hành động nào quan tâm đến thực tập sinh… Em có rất nhiều bạn lên Lãnh sự quán mà họ còn tìm cách lấy thêm tiền chứ làm gì mà họ giúp đỡ.”
Anh Huy cũng đồng quan điểm, cho đây là hiện tượng “đem con bỏ chợ” từ phía chính quyền Việt Nam:
“Cái này là chính sách từ bên Việt Nam. Họ không muốn nhận con số người về đông như vậy sợ dịch lan tràn không thể kiểm soát. Chính vì vậy họ rất là hạn chế. Ngay cả Thủ tướng Suga khi đi Việt Nam cũng đặt vấn đề rằng Nhật sẵn sàng đón nhận lượng lao động mới và họ đã thực hiện cho vào (Nhật) bình thường, và ngược lại Việt Nam phải nhận lại các em đã hết hạn, không có việc, hoặc không còn đi học, về lại nước. Nhưng mà Việt Nam cho đến bây giờ mình không thấy họ có một cái nỗ lực nào đâm ra tình trạng phạm tội ngày càng nhiều ở Nhật”.
Thực tập sinh Nguyễn Thế Lộc xác nhận tình trạng này có lẽ sẽ tiếp diễn. Cá nhân anh cũng gặp khó khăn khi chỉ vài tháng sau khi đến Nhật, ở nhà có tin buồn:
“Thời điểm em vừa qua đây thì ba em mất. Đến khoảng tháng tư công ty cho phép em về giỗ 100 ngày của ba em. Lúc đó em đặt vé khứ hồi trong một tuần. Nhưng mà hãng Vietnam Airlines dời lịch bay từ tháng tư cho đến bây giờ. Em nghe tin là họ hủy đến tháng 2 năm 2021 luôn. Em đặt vé nó không hoàn tiền lại cho em nên em cũng không có cách nào để về được”.
Những người mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc như thực tập sinh Nguyễn Thế Lộc, Facebooker Nguyễn Phương, và chuyên gia tư vấn Nguyễn Huy đều nói việc phạm tội của người Việt tại Nhật không thể chấp nhận được, và có lẽ nếu hiện tượng này tiếp tục gia tăng, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chương trình tiếp nhận lao động từ nước Việt Nam. Lúc đó đời sống của người dân muốn vượt khó, thoát nghèo lại sẽ càng khó hơn.