Mất tích cưỡng bức diễn ra ‘gần như thường xuyên’ và ‘ngày càng nghiêm trọng’ ở Việt Nam

“Gia đình rất hoang mang vì bản thân tôi bị họ cưỡng bức cũng như cách ly, gia đình không biết tình trạng sức khỏe của tôi như thế nào, bởi vì chắc chắn gia đình cũng đoán là tôi sẽ bị đánh đập, cũng như là bị ép cung, gia đình lúc đó chỉ biết gửi đồ thăm nuôi mà không biết là có tới hay không, thực sự gia đình có gửi đồ đạc cho tôi, nhưng lúc ấy ở trong trại giam, tôi không nhận được đồ của người nhà gửi, và khi mà tôi về rồi, tôi nói lại, thì gia đình mới hiểu được tình trạng của tôi nguy hiểm thế nào, và tôi đã không nhận được đồ của người nhà gửi và tình trạng sức khỏe của tôi ra sao.” – Ông Y Quynh Buôn Đáp, một nhà hoạt động về nhân quyền người Thượng từng bị ‘mất tích cưỡng bức’ ở Việt Nam vài năm về trước chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do hôm 29/8/2023 trên quan điểm riêng, nhân dịp quốc tế sắp đánh dấu ngày nạn nhân ‘mất tích cưỡng bức’ (30/8/2023).

Ngoài việc hoang mang không biết tình trạng sức khỏe của người thân mình ra sao, vẫn theo lời ông Y Quynh, gia đình ông lúc bấy giờ chỉ biết đợi tin từ chính quyền địa phương trong vô vọng vì những người ở cấp xã trả lời “ ‘chúng tôi không biết, việc này là cấp trên làm”.

Ông Y Quynh kể với RFA, người đã cưỡng bức áp giải ông là ông H.Th. S. Ông này, hồi đó, làm cho PA90, cơ quan an ninh ở Tây Nguyên. Ông, sau đó, bị giam giữ ở Công an huyện Krông Pắk trong ba ngày đầu điều tra, và rồi họ chuyển ông lên trại giam của công an tỉnh Đắk Lắk.

‘Từ mất tích cưỡng bức’

Nhân chứng Y Quynh Buôn Đáp, nhà hoạt động nhân quyền người Thượng sinh năm 1992, từng có trú quán tại buôn Cuê, xã Băng Adrênh, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, kể tiếp với RFA Tiếng Việt những gì diễn ra trong thời gian ông bị ‘mất tích cưỡng bức’ tại Việt Nam và những ngày đầu ông bị điều tra, xét hỏi:

Lúc đó, tới đó, họ chỉ hỏi một câu là ‘mày có biết bọn tao bắt mày vì tội gì không?’, lúc đó tôi trả lời rằng ‘tôi không biết các anh bắt tôi vì vấn đề gì’, họ bảo: ‘mày không biết việc mày làm là gì thì ai biết?’, họ chưa hỏi câu nào khác mà chỉ hỏi đúng câu đó thôi, sau đó họ dùng tay, dùng chân đập vào đầu, tát vào miệng, rồi dùng mấy tờ báo đập vào đầu tôi. Sau đó họ phân ra ban điều tra, bắt đầu mới đưa ra những ‘bằng chứng’, hoặc những ‘dẫn chứng’ hoặc những lời khai mà họ cho rằng liên quan tới tôi. Sau khi họ lấy lời khai, thì họ đưa tôi lên Công an tỉnh, sau đó họ lại đe dọa, ép cung, đánh đập. Về đánh đập thì cơ quan điều tra đánh đập cũng ít thôi, nhưng họ đưa vào trại giam, mà trong trại giam, họ giam tôi trong buồng giam có từ 15 – 19 người. Ở đó, họ đe dọa, dùng những tù nhân, người giữ tay, người giữ chân, họ cho ngồi ‘sa-lông’ (một hình thức tra tấn), rồi dùng chân đá vào ngực, và họ nhờ những người đó khai thác những thông tin của tôi để báo lại cho chính những người điều tra thụ lý án của tôi.”

Giải thích quyết định đào thoát khỏi Việt Nam sang Thái Lan cách đây tròn năm năm, ông Y Quynh Buôn Đáp, một trong những sáng lập viên của tổ chức vận động cho nhân quyền có tên gọi ‘Người Thượng Vì Công Lý’, nói tiếp với RFA Tiếng Việt:

“Lúc đó họ cứ cáo buộc tôi là ‘ly khai’, ‘đòi ly khai’, rồi ‘thành lập quân đội’, rồi ‘thành lập nhà nước’ riêng, tôi nói rằng bản thân tôi không tham gia vào tổ chức ly khai, tôi chỉ đấu tranh trong vấn đề tự do tôn giáo, nhân quyền cho người Thượng ở Tây Nguyên thôi. Do việc họ lúc nào cũng cáo buộc tôi về vấn đề ‘ly khai’ và đe dọa tôi, lúc đó tôi bị mời rất nhiều lần, tôi thấy bản thân tôi bị đe dọa như vậy rất nhiều lần, tôi thấy không an toàn và phải chạy sang Thái Lan và tôi tìm đường chạy thoát sang Thái Lan cho bản thân của mình; tôi chạy sang Thái Lan vào tháng 8/2018.”

‘Đến giam giữ mất tích’

Từ California, Hoa Kỳ, cũng hôm 29/8, nhà báo tự do, blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, cựu tù nhân lương tâm từng trải qua gần bảy năm ở trong nhà tù, bị chuyển trại giam 20 lần, qua 11 nhà tù khác nhau ở Việt Nam, từ mũi Cà Mau, tới Vinh, tỉnh Nghệ An, bình luận trên quan điểm cá nhân với RFA Tiếng Việt trong dịp này về vấn nạn ‘mất tích cưỡng bức’, ông nói:

Tình hình này rất nghiêm trọng, tôi bị xử hai lần, và cả hai lần trong quá trình điều tra cũng bị giam giữ mất tích, lần thứ nhất là mất một năm và lần thứ hai là mất hai năm, còn các anh em khác, hầu hết các anh em đấu tranh dân chủ đều bị như thế hết, nói chung là không có luật sư tham gia trong quá trình điều tra, và trong quá trình bị giam giữ, tôi phát hiện ra là tất cả những tù hình sự đều như vậy. Và nói chung, cơ quan điều tra như là vua ở trong trại giam, họ ra lệnh gì thì trại giam làm cái đó, cấm thăm gặp là trại giam không cho thăm gặp”.

Cho nên hầu hết họ sử dụng cách đó là giam giữ mất tích, không cho gia đình, luật sư hay bác sĩ gì tham gia trong quá trình điều tra, đẩy người bị giam giữ ra khỏi sự bảo vệ của pháp luật là điều thứ nhất, và điều thứ hai là không cho thăm nuôi, làm cho cuộc sống rất là khổ, rất thiếu thốn. Tại vì chúng ta biết tiêu chuẩn của tù rồi, họ phải sống nhờ vào tiêu chuẩn những thăm nuôi của gia đình gửi vào, hầu hết những người trong quá trình điều tra, kể cả tù hình sự hay tù chính trị đều bị ngăn chặn sự thăm nuôi đó. Thí dụ như khi tôi bị bắt, gia đình đi gửi cho tôi cái mền, phải đến ba lần mới gửi được. Khi bị bắt vào tôi trụi lụi, không có gì cả, họ để mình nằm một mình trên sàn bê-tông lạnh đến sưng phổi luôn.”

AP38246903028.jpg
Blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải. AP

Theo nhà báo tự do, blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, đó là một trong những hình thức của mất tích cưỡng bức thông qua cách giam giữ mất tích thực hiện bởi chính quyền mà sau này càng ngày càng nghiêm trọng hơn, ông nói tiếp với RFA:

“Gần đây có anh Nhật Huỳnh, tức blogger Nhật Huỳnh, hiện nay đã mất tích tới 3-4 tháng rồi, không thấy gì cả, anh em cũng tìm cách đi tìm, mà tìm kiếm không ra, không biết nơi nào bắt và bắt bao giờ, mất tích mấy tháng nay rồi. Tình trạng giam giữ mất tích như thế, ví dụ như trường hợp Nguyễn Văn Hóa là cũng bị bắt, bắt mất tích luôn, xong họ vu cho Nguyễn Văn Hóa ‘buôn ma túy’, rồi sau đó mới đưa ra truy tố theo Điều 258 Bộ luật Hình sự, sau đó họ đổi sang Điều 88 và họ xử tù bảy năm. Và lúc xử, hoàn toàn không có luật sư tham gia vào phiên xử đó. Tình trạng giam giữ thậm chí gia đình hoàn toàn không biết, bị bắt, bị truy tố rồi, đến lúc truy tố cũng không có luật sư tham gia, nhiều hoàn cảnh éo le như thế”.

Blogger Điếu Cày kể thêm trường hợp của Phan Kim Khánh. Sau khi xử sơ thẩm, Phan Kim Khánh có kháng cáo, nhưng trại giam không chuyển đơn kháng cáo đi, và cuối cùng họ bỏ luôn phúc thẩm, không xét xử phúc thẩm.

Cần làm gì để giải quyết vấn nạn?

Trong cùng ngày 29/8, từ thành phố Hanau, CHLB Đức, Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài đưa ra bình luận với Đài Á Châu Tự Do về việc cần làm gì để giải quyết vấn nạn này tại Việt Nam:

“Trước hết về Công ước Quốc tế chống mọi hình thức của mất tích cưỡng bức, vào năm 2006, Đại hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Công ước này và nó có hiệu lực vào tháng 12/2010 khi có 20 quốc gia phê chuẩn. Về tình trạng ‘mất tích cưỡng bức’, chúng ta cần giải thích tình trạng này như thế nào, đây không phải là tình trạng mất tích hoàn toàn, mà nó chỉ là tình trạng mất tích cưỡng bức trong vòng một vài ngày, hoặc một vài tuần, hay một vài tháng do các cơ quan có thẩm quyền ở các quốc gia bắt, giam giữ người một cách trái pháp luật, hoặc họ giam giữ người nhưng họ không thông báo cho gia đình người bị bắt biết trong một khoảng thời gian rất dài để họ thực hiện những mục tiêu về chính trị của họ, hay là ‘sử dụng’ những ‘nghiệp vụ’ điều tra. Những trường hợp như vậy được coi là tình trạng mất tích cưỡng bức”.

Vẫn theo Luật sư Đài, ở Việt Nam, những năm trở lại đây, tình trạng mất tích cưỡng bức diễn ra rất phổ biến.

Ông nêu vài ví dụ điển hình, trong đó có trường hợp gần nhất là vào tháng 4/2023, ông Đường Văn Thái bị ‘bắt cóc’ từ Thái Lan, sau đó trong những ngày đầu tiên, báo chí của Việt Nam có thông báo có một người tên như vậy, địa chỉ ở huyện Đông Anh, Hà Nội, nhưng trong suốt một thời gian dài, từ tháng 4 cho tới tháng 7/2023, gia đình của Đường Văn Thái tại Việt Nam hoàn toàn không nhận được bất kỳ một thông tin nào về ông.

Luật sư Đài kết luận: “Trường hợp đó được coi là tình trạng mất tích cưỡng bức, và một trường hợp khác mà vẫn đang xảy ra, đó là trường hợp của anh Huỳnh Hoàng Nhật, anh là một Facebooker rất nổi tiếng trên mạng xã hội Việt Nam mà ai cũng biết. Anh bị mất tích cũng từ tháng 4/2023, cho đến tận giờ phút này khi tôi đang trả lời phỏng vấn, gia đình của anh chưa biết anh ở đâu, làm gì, nhưng những người bạn bè của anh cho biết rằng khả năng là cơ quan an ninh đã bắt và giam giữ ở đâu thì không biết.”

Luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng tình trạng mất tích cưỡng bức này diễn ra rất nhiều trong những năm gần đây ở Việt Nam, ông nói tiếp:

“Theo quan điểm của tôi là một Luật sư nhân quyền, những trường hợp khi cơ quan an ninh, cơ quan cảnh sát điều tra của Việt Nam bắt bất kỳ một nhà hoạt động nào ở Việt Nam, và họ dựa vào một luật hết sức bất công và phi lý là trong thời gian điều tra, không được trao đổi thông tin, không được gặp thân nhân, không được gặp luật sư, với quan điểm của một nhà hoạt động nhân quyền, tôi coi đó là một hình thức mất tích cưỡng bức. Bởi vì trong suốt thời gian đó, bản thân gia đình và luật sư của người bị bắt hoàn toàn không biết bất kỳ một thông tin nào về tình trạng sức khỏe, rồi tất cả mọi thứ hoàn toàn không biết. Và ở chiều ngược lại, bản thân người bị bắt, không biết được thông tin của gia đình và bên ngoài như thế nào, tình trạng đó theo quan điểm của tôi là mất tích cưỡng bức, và nếu như vậy thì điều này xảy gần như thường xuyên và ngày càng nghiêm trọng ở Việt Nam.”

Để đối phó với vấn nạn này, theo Luật sư Nguyễn Văn Đài, một số việc cần phải được quan tâm thực hiện:

“Việc này phải xuất phát từ hai phía, bản thân những gia đình nạn nhân khi thấy người nhà của mình bị mất tích và các cơ quan chức năng của phía Việt Nam không trả lời, cần phải phối hợp với luật sư gửi đơn khiếu nại lên tất cả những cấp của Việt Nam, sử dụng tối đa những phương tiện trên mạng xã hội, để lên tiếng gây áp lực, buộc những cơ quan mà đang giam giữ, cưỡng bức người mất tích như vậy phải lên tiếng, phải cung cấp thông tin.

Đồng thời, phải phối hợp với những tổ chức đấu tranh bảo vệ nhân quyền quốc tế, chính phủ của các quốc gia mà quan tâm tình trạng nhân quyền của Việt Nam. Chỉ có sự phối hợp mạnh mẽ từ phía gia đình của nạn nhân, giới luật sư ở trong nước cùng với các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước thì nó mới giảm thiểu tình trạng này ở Việt Nam.”

‘Hoàn toàn sai trái, cần phải cấm hoàn toàn’

Vẫn với đề tài liên quan đến “mất tích cưỡng bức”, từ Hà Nội, luật sư Ngô Anh Tuấn đưa ra bình luận với RFA:

“Đương nhiên nếu việc trên xảy ra, đó là một việc làm sai trái, rõ ràng luật pháp của Việt Nam không cho phép điều đó. Luật pháp của Việt Nam và luật pháp quốc tế, các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoàn toàn không cho phép những hành vi tương tự như vậy. Đối với Luật sư hay đối với người nhà, thì đều không có quyền ngăn cản quyền thăm gặp, hay tiếp xúc đó, hay ít nhất là việc thông tin về tình trạng sức khỏe hay tình trạng pháp lý của họ. Những việc tương tự như tôi nói, ở Việt Nam hay ở nước ngoài là hoàn toàn không được phép và cấm!”

Theo Liên Hiệp Quốc, mất tích cưỡng bức là sự vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền, trong đó, sau khi bị loại khỏi khu vực bảo vệ của pháp luật và “biến mất” khỏi xã hội, những nạn nhân của việc cưỡng bức mất tích trên thực tế bị tước bỏ mọi quyền lợi và phải chịu sự thương xót của những kẻ bắt giữ họ.

Related posts