Mặt trái chống tham nhũng của Đảng

Reuters hôm 28/11/2022 đăng bài phân tích của tác giả Francesco Guarascio cho rằng, cuộc chiến chống tham nhũng rộng khắp của Đảng Cộng sản Việt Nam đang khiến cho nhiều giao dịch kinh tế bị tê liệt, có thể ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp nước ngoài, giảm xuất khẩu.

Chống chưa đủ…

Cuộc chiến chống tham nhũng theo kiểu Trung Quốc được phát động ở Việt Nam từ năm 2016 đến nay theo ông Francesco Guarascio, đã khiến nhiều quan chức cấp cao vào tù hoặc đang bị điều tra. Điều này khiến các quan chức Chính phủ khác lo ngại và không dám bật đèn xanh cho việc mua bán hàng hóa hay các khoản đầu tư vì sợ bị điều tra tham nhũng.

Bài báo cũng cho rằng một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng đầu tiên và rõ nét nhất là lĩnh vực dược phẩm với khoảng 65% các bệnh viện lớn đang lâm vào tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vì lãnh đạo không dám phê duyệt hợp đồng.

Là người có thâm niên trong ngành y, bác sĩ Đinh Đức Long từ Sài Gòn hôm 29/11 cho RFA biết ý kiến của mình:

“Ảnh hưởng bao nhiêu % thì tôi không thể nói được, nhà quản lý có thống kê cụ thể mới biết, nhưng tôi có thể khẳng định ảnh hưởng là chắc chắn. Như việc Bộ trưởng Bộ Y tế bị bắt, một loạt thứ trưởng đi tù, tức là đầu não Bộ Y tế đều vào tù hết. Bây giờ thay bằng một Bộ trưởng mới không có kiến thức y khoa gì cả, về mặt tổ chức chưa từng có trong lịch sử. Xưa nay các bộ trưởng y tế đều là người ngành y, lần đầu tiên bà Đào Hồng Lan không biết gì về ngành y, tốt hay không tốt hơn trước thì phải chờ xem, nhưng ảnh hưởng là có chắc chắn.”

Ảnh hưởng bao nhiêu % thì tôi không thể nói được, nhà quản lý có thống kê cụ thể mới biết, nhưng tôi có thể khẳng định ảnh hưởng là chắc chắn.
-Bác sĩ Đinh Đức Long

Tuy vậy, Bác sĩ Đinh Đức Long thừa nhận cuộc chiến chống tham nhũng của Việt Nam là đúng vì thực tế nhiều lãnh đạo vi phạm đã bị đi tù, ông nói tiếp:

“Họ vào tù là do tham nhũng, còn nếu không làm sai thì sợ gì? Không nhận tiền, không thông thầu, lợi dụng quyền lực thì làm sao mà có có sai lầm được? Nhưng không thể vì thế mà nói chống tham nhũng là sai, cho nên anh nào có tật thì giật mình, chứ còn chủ trương chống tham nhũng là đúng, bắt bỏ tù cũng là đúng người đúng tội thôi, không sai ông nào cả, mà là còn bắt chưa hết…”

Nhìn nhận ở góc độ kinh tế thông qua cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam thời gian qua, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, nhận định với RFA hôm 29/11:

“Cuộc chiến chống tham nhũng có tác dụng tích cực là nâng cao trách nhiệm của các người ra quyết định, bảo đảm họ rất thận trọng để không mắc sai phạm. Vấn đề ở đây là hệ thống luật pháp của Việt Nam đang chồng chéo phức tạp, thí dụ vấn đề đất đai thì có luật đất đai, luật về nhà ở, lại có luật về xây dựng… và có rất nhiều nghị định và thông tư hướng dẫn. Luật pháp chồng chéo như vậy rất có nguy cơ làm việc này đúng luật, nhưng mà người khác viện dẫn các điều luật khác có thể lại là không đúng. Vì vậy có sự dè dặt, điều này cũng thể hiện ở nhiều mặt, trong đó có tỷ lệ thực hiện đầu tư công là chưa cao, cần phải đẩy mạnh hơn.”

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng sắp tới cần phải điều chỉnh sửa đổi luật pháp, bảo đảm các luật tương thích với nhau và thực hiện tốt hơn nữa công khai minh bạch trong các hoạt động của doanh nghiệp, trong các hoạt động của chính quyền các cấp.

cf23d826-a771-4154-b1b2-d547028cfa08.jpeg
Một người dân đi qua một tấm biển cổ động cho Đại hội Đảng Cộng sản VN 13 ở Hà Nội hôm 18/1/2021 (minh họa). Reuters.

Cần cải cách thể chế

Việt Nam bị xếp hạng 87 trong danh sách 180 quốc gia về tham nhũng theo báo cáo của tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) công bố hôm 25/1/2022 .

Theo Reuters, việc chống tham nhũng về dài hạn được nhìn nhận là tích cực nhưng trong ngắn hạn có thể làm tê liệt hoạt động kinh doanh, đặc biệt là nếu việc thực thi pháp luật bị cho là không rõ ràng và có động cơ chính trị.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 29/11 cho rằng, trong một chế độ khi mà mức lương Nhà nước chi trả cho công chức quá thấp, vốn chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu tiêu dùng cơ bản của họ, thì chuyện quan chức tìm cách “kiếm thêm”, hay còn gọi là tham nhũng, nhờ dựa vào chức vụ của họ là chuyện dễ hiểu. Ông Vũ nói tiếp:

“Nền kinh tế chạy được vì quan chức cần những mắc xích dự án chạy để họ nhận được “phí giấy tờ”. 

Ngược lại, khi các quan chức bị soi xét một cách quá chặt chẽ chuyện tham nhũng, họ dần mất đi động lực để thúc đẩy các dự án chạy. Kết quả là mọi thứ sẽ bị ù lỳ. 

Nhưng nếu không chống tham nhũng, tài sản của chính quyền nhanh chóng rơi vào túi của các quan. Trong những trường hợp khác, tham nhũng bẻ cong công lý và luật lệ, làm tổn hại lợi ích quốc gia. Việc tham nhũng tiếp tục sẽ khiến ngân sách trống rỗng và tài nguyên đất nước rơi vào túi một nhóm nhỏ người.”

Nền kinh tế chạy được vì quan chức cần những mắc xích dự án chạy để họ nhận được “phí giấy tờ”. Ngược lại, khi các quan chức bị soi xét một cách quá chặt chẽ chuyện tham nhũng, họ dần mất đi động lực để thúc đẩy các dự án chạy. Kết quả là mọi thứ sẽ bị ù lỳ.
-Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, song song với chống tham nhũng, muốn bộ máy xét duyệt dự án chạy được, chính quyền buộc phải tăng lương cho những quan chức nằm ở những bộ phận này. Để những vị trí đó trở thành một nơi cạnh tranh và hấp dẫn về đãi ngộ một cách lành mạnh, và luôn sẵn sàng để thay thế những người mới. Ông đưa ra giải pháp:

“Nhưng để có thể trả lương một cách hấp dẫn cho các vị trí trong chính quyền, buộc chính quyền trung ương phải sa thải bớt công chức hành chính, sắp xếp lại bộ máy hành chính tinh gọn hơn. Chẳng hạn, bỏ bớt lực lượng công an; bỏ bớt các cơ quan của Đảng, tinh giản bộ máy chính quyền các cấp…

Cuộc cải cách hành chính này do đó phải đi cùng một cuộc cải cách thể chế.” 

Ngược lại, theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, nếu chỉ chống tham nhũng mà không cải cách thể chế thì cuối cùng mọi thứ sẽ trở về chỗ cũ.

Related posts