Ông Nguyễn Thanh Nhã đưa một tay lên vẫy trong khi hai tay vẫn bị còng, đi kế bên là nhà báo Trương Châu Hữu Danh với sự áp giải của số đông công an trước khi bước vào phòng xét xử của một tòa án ở thành phố Cần Thơ.
Đây là ảnh bìa của Báo cáo Nhân quyền Việt Nam trong năm 2021-2022 mà Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam (MLNQVN) vừa công bố hôm 24/6, để miêu tả thực tế ở Việt Nam mà tổ chức có trụ sở tại Hoa Kỳ nói là “tình trạng bắt bớ và cầm tù những người sử dụng quyền tự do ngôn luận để bày tỏ chính kiến lên đến tột đỉnh.“
Trong phiên tòa diễn ra hồi tháng 10/2021, ông Trương Châu Hữu Danh và bốn đồng nghiệp trong nhóm Báo Sạch bị tuyên tổng cộng 14 năm 6 tháng tù giam, vì chỉ “tập trung đưa tin điều tra về tham nhũng” – như tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra sau phiên tòa.
Nhóm Báo Sạch không phải là trường hợp cá biệt, theo báo cáo từ đầu năm 2021 đến 31 tháng 5 năm nay, có ít nhất có 48 người bị bắt và truy tố và 72 người bị đưa ra xét xử với những bản án nặng nề, so với 46 người bị bắt của báo cáo năm 2020.
“Trong số đó, hầu hết bị kết án với các tội danh liên hệ đến việc sử dụng các phương tiện truyền thông để phát biểu những suy nghĩ và khát vọng khác với chủ trương của đảng cầm quyền.
Hiện nay, theo ghi nhận của chúng tôi, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang giam cầm ít nhất 290 tù nhân chính trị và tôn giáo với những bản án nhiều năm,” báo cáo nêu rõ.
Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, Trưởng ban Điều hợp MLNQVN cho rằng, báo cáo song ngữ Anh-Việt dài 107 trang cho thấy tình hình nhân quyền ở quốc gia độc đảng không có chuyển biến tích cực, trái lại trong khoảng thời gian qua mọi thứ tồi tệ hơn trước trong các lĩnh vực từ các quyền dân sự và chính trị đến các quyền kinh tế-văn hoá-xã hội.
“Tôi xin đơn cử về quyền tự do ngôn luận, chính quyền gia tăng việc kiểm soát và bắt bớ những người sử dụng phương tiện truyền thông để bày tỏ chính kiến của họ và tuyên những bản án nặng nề hơn trước.
Trong các quyền kinh tế-văn hoá-xã hội, ví dụ như quyền lao động, mặc dù đã có Luật Lao động ban hành năm 2019 có quy định về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở nhưng thực chất đến nay chỉ là bánh vẽ mà thôi.
Về quyền tự do tôn giáo, chính quyền gia tăng kiểm soát và lũng đoạn các tổ chức tôn giáo và loại các tổ chức tôn giáo không thuộc chính quyền.”
Ngày 31/3 năm nay, Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức buổi công bố Báo cáo tự nguyện giữa kỳ của Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ thứ ba và thông báo việc Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Phát biểu trong buổi họp, Ông Đỗ Hùng Việt, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao khẳng định rằng “báo cáo giữa kỳ cung cấp một hình ảnh tốt về mức độ nghiêm túc thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với quy trình UPR” và “cũng cho thấy một bức tranh tốt đẹp về nhân quyền của tất cả người Việt Nam đã được cải thiện như thế nào và những thách thức vẫn còn nằm ở đâu.”
Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, một tổ chức nhân quyền được thành lập từ năm 1997 nói, báo cáo nêu trên của Bộ Ngoại giao Việt Nam liệt kê những mục tiêu, những công tác hứa hẹn sẽ thực hiện, và một số sửa đổi về luật lệ chỉ có giá trị lý thuyết và không hề được áp dụng trong thực tế.
Chẳng hạn như, khi nói đến quyền tự do báo chí và ngôn luận, báo cáo của Bộ Ngoại giao viết:
“Tại Việt Nam, các nhà báo và phóng viên tin tức được bảo vệ khỏi mọi hình thức phân biệt đối xử và bạo lực. Nó được đảm bảo trong các luật và quy định khác nhau.”
Tuy nhiên, bản án đối với nhóm Báo Sạch không cho thấy điều đó, họ bị cấm hành nghề báo chí thêm ba năm sau khi chấp hành xong án phạt tù.
Báo cáo của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam được thực hiện với sự cộng tác của một số người hoạt động nhân quyền trong nước và sử dụng nguồn mở từ báo chí nêu lên tình trạng bạo hành gia tăng của lực lượng công an, với hồ sơ của 13 vụ trong đó nghi phạm bị đánh đập đến chết hoặc bị thương tích nặng.
Trong khi đó trước Liên Hiệp Quốc, đại diện Chính phủ Việt Nam phủ nhận tình trạng bạo hành của công an là nguyên nhân gây tử vong cho những nạn nhân trong thời gian bị tạm giam tại đồn.
Quan chức đó còn cho hay, các nạn nhân đã tử vong vì đã mang trọng bệnh trước khi bị bắt, hoặc có thể là do “phạm nhân day dứt, dằn vặt về hành vi phạm tội của mình dẫn đến bi quan mà tự tử.”
Báo cáo vừa công bố của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam là một sự bổ túc cho các văn bản ghi nhận tình hình quyền con người ở quốc gia Đông Nam Á của các tổ chức quốc tế, ví dụ như nạn kỳ thị vẫn phổ biến, bao gồm kỳ thị đối với những người thuộc chế độ Việt Nam Cộng hòa, kỳ thị đối với người ngoài Đảng, kỳ thị nhóm dân tộc thiểu số, kỳ thị người có tôn giáo, và kỳ thị phụ nữ.
Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng nói thêm:
“Chúng tôi nêu vấn đề trẻ em bị nhồi sọ ở học đường cũng như trong các đoàn thể như Cháu ngoan Bác Hồ – đó là vấn đề mà chưa có báo cáo quốc tế nào nêu lên về vấn đề quyền của trẻ em.
Tiếp đến là tình trạng kỳ thị trong xã hội, ví dụ không cơ quan nghiên cứu quốc tế nào đề cập đến kỳ thị người ngoài đảng, kỳ thị cá nhân và gia đình những người từng phục vụ chế độ Việt Nam Cộng hoà trước đây.
Có ai đó nêu lên chuyện sỹ quan quân đội phải là đảng viên, điều đó vi phạm quyền căn bản của người dân trong lĩnh vực chính trị và ngay cả với tư cách một công dân trong việc bảo vệ tổ quốc của mình.”
Báo cáo của MLNQVN không những muốn báo động dư luận thế giới về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, mà còn đưa ra những đề nghị cụ thể và khả thi để chính quyền chấm dứt những vi phạm tồn tại trong nhiều năm qua đồng thời yêu cầu bồi thường xứng đáng những thiệt hại gây ra cho các nạn nhân và các tập thể quần chúng.
Tổ chức này cũng mong các chính quyền dân chủ cùng với các tổ chức nhân quyền quốc tế có thái độ thích đáng đối với Việt Nam vì hồ sơ tệ hại về nhân quyền, đặc biệt các quốc gia thành viên Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc không bỏ phiếu thuận cho Việt Nam gia nhập Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.
Trước khi muốn ngồi vào ghế này, chính quyền Việt Nam phải cải thiện hồ sơ nhân quyền, thực thi nghiêm túc các công ước quốc tế về nhân quyền, góp phần cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một thế giới hòa bình và thịnh vượng, báo cáo nêu rõ.