Trung tâm Con người và Thiên nhiên – PanNature lại có kiến nghị đóng cửa Mỏ sắt Thạch Khê ở tỉnh Hà Tĩnh. Lý do vì hàng loạt rủi ro của dự án.
Kiến nghị của Trung tâm Con người và Thiên nhiên – PanNature gửi đến Văn phòng Chính phủ hôm 17/6/2022. Bản Kiến nghị chỉ ra hàng loạt rủi ro của Mỏ sắt Thạch Khê như ổn định bờ mỏ, chống ngập, rủi ro gặp hang động ngầm, nguy cơ gây thảm họa môi trường do đổ thải ra biển, rủi ro thị trường tiêu thụ quặng sắt, nhiễm mặn vùng ven biển và nguy cơ hoang mạc hóa vùng cồn cát ven biển…
Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường, ông Đặng Hùng Võ nói với RFA hôm 22/6 về việc này:
“Ý kiến ở Việt Nam về Mỏ sắt Thạch Khê đã có từ lâu, không tán thành việc khai thác ở đây chủ yếu là lý do môi trường. Chính vì vậy đến bây giờ, Trung tâm Thiên nhiên và Con người có kiến nghị chính thức với chính phủ thì tôi cho là hợp lý, vì địa thế khai thác sẽ tạo ra ảnh hưởng rất lớn đến môi trường tại khu vực này, rồi hiệu quả cũng khai thác về mặt kinh tế không cao. Vì vậy tôi cho rằng đây là một kiến nghị phù hợp.”
Dự án Mỏ sắt Thạch Khê vào năm 2017 đã bị dừng khai thác. Tuy nhiên, vào ngày 11/6/2022 Tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam TKV đã có đề xuất với Chính phủ về việc tái khởi động dự án này.
Mỏ sắt Thạch Khê nằm sát mép nước biển, chưa đầy một cây số, nếu làm thêm thì chỉ còn cách biển 600-700m. Nếu tiếp tục khai thác xuống sâu 500m thì áp lực nước biển rất lớn, phải làm sao ngăn chặn được dòng nước biển ngấm vào mỏ, chuyện đấy là rất lớn.
-GS. TS. Đặng Trung Thuận
Trả lời RFA hôm 22/6, GS. TS. Đặng Trung Thuận, Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam, người có tham dự Hội thảo ‘Đánh giá và cân nhắc về khai thác Mỏ sắt Thạch Khê’ do PanNature tổ chức tại Hà Nội, giải thích về kiến nghị này:
“Về Mỏ sắt Thạch Khê, tôi đã trình bày rất rõ, phương án thứ nhất là tiếp tục khai thác vì đã bỏ một khoản tiền tương đối lớn, bây giờ nếu bỏ đi thì phí. Nhưng nếu tiếp tục khai thác thì gặp những rủi ro gì? Phương án thứ hai là tạm dừng, để chủ đầu tư mỏ nghiên cứu kỹ hơn ý kiến các chuyên gia tư vấn về những vấn đề liên quan đến môi trường, vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và những tác động của biển. Bởi vì Mỏ sắt Thạch Khê nằm sát mép nước biển, chưa đầy một cây số, nếu làm thêm thì chỉ còn cách biển 600-700m. Nếu tiếp tục khai thác xuống sâu 500m thì áp lực nước biển rất lớn, phải làm sao ngăn chặn được dòng nước biển ngấm vào mỏ, chuyện đấy là rất lớn.”
Còn nếu tiếp tục khai thác Mỏ sắt Thạch Khê thì theo GS. Đặng Trung Thuận, sản lượng khai thác hàng năm rất lớn. Trong khi tại Việt Nam chưa có chỗ nào chuẩn bị nhà máy để làm giàu quặng từ mỏ sắt Thạch Khê. Ông Thuận nói tiếp:
“Các công đoạn tiếp theo cũng chưa có như luyện gang, sau đó phải có một xí nghiệp nữa luyện gang thành thép và sau đó một xí nghiệp nữa để luyện thép thành hợp kim. Những cơ sở vật chất như thế chưa có thì quặng sắt đó đi đâu? Nếu đưa cho Formosa thì từ đầu họ đã tuyên bố không sử dụng quặng của Mỏ sắt Thạch Khê, họ đã có những mỏ sắt của Brazil và Úc rất chất lượng và phù hợp dây chuyền của họ. Còn quặng Thạch Khê thật ra có nhiều kẽm, không phù hợp dây chuyền của Formosa. Tập đoàn Hòa Phát trước cũng đề nghị tham gia Mỏ Thạch Khê, nhưng bây giờ lại không, vì họ đã mua một mỏ sắt ngon lành của nước Úc.”
GS. Đặng Trung Thuận cho rằng, kinh tế thị trường thì chỗ nào quặng chất lượng cao, dễ xử lý thì người ta mua. Còn Mỏ Thạch Khê hàm lượng kẽm rất lớn, phải cần một dây chuyền khác.
Mỏ sắt Thạch Khê nằm cách thành phố Hà Tĩnh 18 km về hướng Đông Bắc, cách bờ biển 1,6 km và cách cảng Vũng Áng 66 km. Đây là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á với trữ lượng nửa tỷ tấn và trữ lượng của mỏ sắt Thạch Khê chiếm đến phân nửa trữ lượng quặng sắt Việt nam.
Với ý khiến cho rằng, quặng khai thác từ Mỏ sắt Thạch Khê nếu không sử dụng được thì có thể bán… Ông Thuận giải thích về vấn đề này:
“Khai thác lên không có nơi chế biến, thì bắt buộc phải bán ra thị trường thế giới. Chưa cần biết ai sẽ mua, dĩ nhiên ông bạn láng giềng Trung Quốc gần nhất có thể sẽ mua, nhưng như vậy là phạm luật của Đảng và Nhà nước đã quy định. Đối với Việt Nam trong thời buổi hiện nay, không được phép xuất bản quặng sắt ở dạng thô, cái đấy có trong thông tư của Bộ Chính trị. Quyền quyết định phải là Nhà nước Trung ương và nhà nước Hà Tĩnh. Tục ngữ có câu, một công việc gì muốn cho thành đạt thì phải thỏa mãn ba điều kiện ‘thuận thiên, địa lợi, nhân hòa’. Địa gần biển nên cũng không lợi, nhân hòa thì Đảng và Chính quyền tỉnh Hà Tĩnh nhất trí không được khai thác Mỏ sắt Thạch Khê, người ta sợ những tai họa kiểu như Formosa trước đây. Còn nói thiên thời thì biển ở Thạch Khê là vùng nhiều bão, không ai biết trước rủi ro do biến đổi khí hậu, phải dè chừng.”
Tóm lại theo GS. Đặng Trung Thuận, ba điều kiện tiên quyết ‘thiên thời, địa lợi, nhân hòa’ đều không có… thì rõ ràng không nên tiếp tục khai thác, vì có thể xảy ra nhiều rủi ro.
Khai thác lên không có nơi chế biến, thì bắt buộc phải bán ra thị trường thế giới. Chưa cần biết ai sẽ mua, dĩ nhiên ông bạn láng giềng Trung Quốc gần nhất có thể sẽ mua, nhưng như vậy là phạm luật của Đảng và Nhà nước đã quy định.
-GS. Đặng Trung Thuận
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định với RFA hôm 22/6:
“Mỏ sắt Thạch Khê là mỏ sắt có nồng độ quặng cao và có hàm lượng lớn. Nhưng mà mỏ sắt lại nằm sát cạnh biển, vì vậy cho nên việc khai thác mỏ này sẽ đòi hỏi có những biện pháp ngăn chặn được biển xâm lấn. Khai thác trong điều kiện mỏ sắt ở vùng có nước biển là một vấn đề kỹ thuật, mà từ lâu Việt Nam có đưa ra để bàn cãi, thảo luận và cũng có đưa ra nhiều phương án.”
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, hiện nay các phương án khai thác Mỏ sắt Thạch Khê là chưa đủ thuyết phục. Vì vậy ông Doanh cho rằng có lẽ phải tạm hoãn, để đến khi nào có một phương án đủ an toàn, thì lúc bây giờ lại có thể khai thác mỏ sắt có hàm lượng rất cao, rất tốt này.