Thông tin về việc Tổng công ty Viễn thông MobiFone sẽ chuyển về Bộ Công an quản lý khiến một số người dùng đứng trước lựa chọn tiếp tục, hay chuyển qua mạng khác do ngại nguy cơ bị ngành công an trực tiếp quản lý thông tin.
Báo Tuổi trẻ online ngày 13/1 đưa tin cho biết, phương án chuyển mạng di động lớn thứ ba của Việt Nam về Bộ Công an nằm trong văn bản bổ sung, hoàn thiện phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ do Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình ký.
MobiFone được thành lập từ hơn 30 năm trước (1993) với tên gọi ban đầu là Công ty thông tin di động. Đến năm 2014, công ty được chuyển đổi thành Tổng công ty Viễn thông MobiFone, trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện chiếm gần 20% thị phần trong ngành viễn thông.
Người muốn tiếp tục nói gì?
Trả lời câu hỏi liên quan đến thông tin MobiFone đổi chủ, một số bạn đọc RFA bày tỏ trên Fanpage cho biết sẽ tiếp tục sử dụng.
Facebook T.V. viết: “Bình thường thôi, không phạm pháp, sống đúng thì sợ gì không xài”.
Danh khoản X.L. nói: “Mạng nào cũng vậy thôi vì giờ chủ thuê bao nào cũng đăng ký chính chủ, chụp hình ảnh, chụp CCCD, CMND đều được quản lý hết cả.”
Một người chạy xe ôm công nghệ ở TPHCM nói với RFA cho rằng, từ năm ngoái Chính phủ đã ra nghị định liên quan đến việc đăng ký SIM chính chủ để người dùng chịu trách nhiệm hơn về các phát ngôn trên mạng.
Tuy nhiên, khi hỏi về lo ngại liên quan đến việc Bộ Công an nắm trực tiếp thông tin về viễn thông, người này chặc lưỡi: “Sao chuyển được, số này làm ăn lâu rồi sao đổi được?! Giờ chỉ có Viettel, Vina, Mobi nắm trùm, thằng nào cũng vậy cũng phải xài thôi.”
——————-
Tại sao Bộ Công an muốn quản lý MobiFone?
Cựu bộ trưởng Son khai vụ Mobifone mua AVG là làm theo tinh thần chỉ đạo của thủ tướng
——————-
Người cân nhắc chuyển mạng nói gì?
Một luật gia ở Hà Nội là khách hàng của MobiFone, tiết lộ lý do sử dụng mạng này từ hơn 5 năm qua do có gói cước tiết kiệm, phổ biến và chất lượng ổn định.
Ông cho rằng sẽ cân nhắc chuyển đổi sang mạng khác tốt hơn để sử dụng do sóng MobiFone có nhiều lúc chập chờn và việc giữ số, đổi mạng di động hiện nay khá dễ dàng. Tuy nhiên, lý do lớn nhất theo ông là “việc Bộ công an quản lý có thể ảnh hưởng đến mức độ riêng tư, bảo mật dữ liệu cá nhân của khách hàng.”
Nói rõ hơn, vị luật gia không nêu danh tính vì lý do an ninh viết: “Ảnh hưởng ở chỗ Bộ Công an có thể trực tiếp tiếp cận cơ sở dữ liệu của người dùng (khi quản lý MobiFone-PV). Có thể giám sát người dùng mà họ không thể biết được.”
Ông Lê Hồng Phong, một nhân viên bảo vệ ở Hà Nội, cho hay đã sử dụng mạng di động này từ hơn 20 năm qua và chỉ một lần gặp chuyện không vui do bị trừ gói cước internet một cách nhanh chóng.
Ông Phong, người từng tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc, phản đối chặt hạ cây xanh… khẳng định sẽ lập tức chuyển mạng khác khi MobiFone chính thức về tay của Bộ Công an, do ông không muốn bị ngành anh ninh kiểm soát dùng chính thông tin của người dùng để chống người dùng.
“Đằng nào mình cũng là cá ở trong chậu thôi nhưng cái kia (mạng MobiFone) nó muốn nghe cuộc gọi của mình hay nó muốn nghe trộm mình thì chỉ có thời hạn thôi chứ không phải theo dõi mình 24/24 và suốt đời được.”
Dựa theo kinh nghiệm của mình ông cho rằng, nếu phía cơ quan an ninh muốn nghe trộm cuộc gọi của những nhà hoạt động nhân quyền phải xin phép của nhà mạng di động và chỉ có thời hạn nhất định, còn như chuyển trực tiếp về Bộ Công an thì những nhà bất đồng chính kiến tiếp tục dùng mạng này sẽ như “cá nằm trên thớt”.
Phóng viên đã gửi email cho Bộ Công an để hỏi về lo ngại sử dụng thông tin của người dùng để chống lại họ khi Bộ này quản lý trực tiếp MobiFone, nhưng chưa lập tức nhận được phản hồi.
Mạng MobiFone từng dính bê bối khi thâu tóm Công ty Nghe nhìn toàn cầu (AVG) hồi năm 2012, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 7.000 tỷ đồng.
Vụ án đã khiến hai đời Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn lãnh án tù chung thân và 14 năm tù vì tội nhận hối lộ, trong khi, Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ (em trai tỷ phú Phạm Nhật Vượng) lãnh án 3 năm tù do đưa hối lộ.