Bản án 6 năm tù giam và 2 năm quản chế mà nhà cầm quyền Việt Nam tại phiên tòa xét xử kín cấp sơ thẩm ở Hà Nội đã tuyên với blogger, kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động dân sự ôn hòa, là một bản án “rất nặng nề” mà dư luận quốc tế, những quốc gia tự nhận đứng hàng đầu về tự do, dân chủ và nhân quyền trên thế giới, cần phải hết sức “lên án”, theo một nhà quan sát và phân tích thời sự chính trị và xã hội dân sự từ Hà Nội.
Hôm thứ Tư, 12/04/2023, ngay sau khi Tòa án Nhân dân TP Hà Nội tuyên án sơ thẩm cáo buộc ông Nguyễn Lân Thắng đã vi phạm điều 117 Bộ Luật hình sự của nhà nước CHXHCN Việt Nam với tội danh “tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước”, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phản biện xã hội (IDS – đã tự giải thể), đưa ra bình luận:
“Tất cả những cáo buộc mà người ta nêu ra thì cũng như những cáo buộc người ta từng đưa ra từ trước đây mà thôi và một mức án tuyên là sáu năm tù giam và hai năm quản chế là một mức tương tự như của những người khác phạm tội danh như thế, đấy là một bản án rất, rất là nặng nề.”
Hệ lụy thế nào sau bản án nặng nề này?
Đánh giá về hậu quả có thể gây ra và hệ lụy của bản án vừa được tuyên này với nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng, người sinh ra trong một gia đình trí thức, khoa bảng, có nhiều người đã đang phục vụ trên các cương vị quan trọng khác nhau cho chế độ, TSKH Nguyễn Quang A nói:
“Tôi nghĩ nó cũng giống như những bản án tương tự như thế, thậm chí còn nặng hơn trong khoảng một vài năm vừa qua, mà có rất là nhiều, thì chắc chắn nó sẽ làm cho dư luận quốc tế thấy tình hình nhân quyền xấu đi một cách khủng khiếp.
“Và chắc chắn người ta nghĩ nó cũng sẽ làm cho nhiều người lo sợ, rồi có thể phong trào dân sự cũng sẽ yếu đi, như là tất cả những cuộc đàn áp sẽ làm ra những cuộc thăng trầm của xã hội dân sự và không gian dân sự bị thu hẹp một cách rất rõ rệt”
Đánh giá về cách thức phiên tòa sơ thẩm xét xử kỹ sư Nguyễn Lân Thắng được tiến hành, mà trong đó có việc tòa quyết định xét xử kín, nhiều báo cáo loan tin về các vụ canh giữ, hạn chế, phong tỏa với giới hoạt động, các nhà bất đồng tiếp cận theo dõi, và thành viên gia đình, thân nhân bị hạn chế ngặt nghèo đến tham dự phiên tòa, TSKH Nguyễn Quang A nói:
“Cái đấy cũng không có gì là lạ, vì tất cả những cuộc xử trong ba bốn năm trở lại đây thì dù có được nói là công khai, nhiều cuộc cũng chẳng cho ai vào cả, và thậm chí gia đình cũng không được vào.
“Chị Lê Bích Vượng, vợ anh Thắng được vào là với tư cách ‘người liên quan’, chứ không phải là ‘người nhà’. Người nhà chưa bao giờ được vào cả. Và điều mà tôi không bao giờ có thể hiểu được là tại sao cuộc này lại là cuộc xử kín?”
Thông điệp gì cho chính quyền và với công luận quốc tế?
Nhân vụ xét xử này với kỹ sư Lân Thắng, TSKH Nguyễn Quang A, người có nhiều năm chủ biên các công trình nghiên cứu, khảo cứu, dịch thuật về xã hội dân sự và cải cách thể chế ở Việt Nam, cũng đưa ra một vài điều được xem là thông điệp của ông với nhà nước, chính quyền cộng sản Việt Nam, cũng như với cộng đồng và giới quan sát, hậu thuẫn dân chủ, nhân quyền quốc tế.
Ông nói: “Tôi chỉ muốn nói với chính quyền Việt Nam rằng vì lợi ích của chính họ và vì lợi ích của dân tộc, thì không thể bỏ tù những người tử tế như vậy được.
“Còn đối với các nước mà gọi là dân chủ, hay mà tự nhận mình là dân chủ, nhưng mà thực sự cũng sa sút rất là nhiều về dân chủ trong một thập niên vừa qua, tôi nghĩ và muốn nói rằng họ hãy hành động làm sao cho hiệu quả.
“Và tôi nghĩ dư luận quốc tế phải rất là lên án những bản án như thế này, nhất là đối với Việt Nam, một thành viên của Hội đồng nhân quyền vừa mới được bầu vào,” nhà quan sát chính trị và xã hội dân sự Việt Nam đưa ra bình luận trên quan điểm riêng của ông từ Hà Nội.
Được biết, theo cáo trạng, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng, một cộng tác viên thường xuyên từ trước của RFA Tiếng Việt, bị bắt vì được cho là “tàng trữ” một số sách vở, tài liệu có nội dung “chống nhà nước,” tham gia và xuất hiện trên nhiều thảo luận của truyền thông quốc tế có sử dụng tiếng Việt, cụ thể là dự nhiều cuộc thảo luận bàn tròn của BBC với nội dung bị cáo buộc là “chống phá”, “bôi xấu” nhà nước Việt Nam, bên cạnh việc đăng tải hơn một chục “video” có nội dung được cho là “xuyên tạc” chế độ của nhà nước cộng sản Việt Nam.
Phiên xử kín đối với ông Nguyễn Lân Thắng diễn ra trong bối cảnh ngay trước đó đã có nhiều tổ chức giám sát nhân quyền, dân chủ quốc tế lên án việc bắt giữ ông, bày tỏ quan ngại về việc xét xử không công khai và yêu cầu chính quyền Việt Nam trao trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện với ông, cùng lúc cũng có một số thống kê, tài liệu từ tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế cho thấy chiều hướng rõ ràng về gia tăng bắt bớ, trấn áp với giới hoạt động dân chủ và nhân quyền ở quốc gia Đông Nam Á này.
Về bối cảnh quan hệ quốc tế và bang giao Mỹ – Việt, phiên tòa cũng diễn ra ngay trước thềm một chuyến thăm chính thức của ngoại trưởng Hoa Kỳ, Antony Blinken, người theo dự kiến sẽ viếng thăm Việt Nam vào cuối tuần này, nhân tròn mười năm hai quốc gia cựu thù thiết lập quan hệ đối tác toàn diện (2013-2023).