Một ngày mới, một vụ lừa đảo mới ở Việt Nam

Một vụ gian lận doanh nghiệp lớn khác đã được đưa ra xét xử tại Hà Nội  trong tuần lễ Việt Nam chính thức tổ chức quốc tang tưởng nhớ Tổng bí thư Đảng Cộng sản (ĐCS) Nguyễn Phú Trọng – người trong suốt thời gian cầm quyền đã dành tâm huyết cho chiến dịch “Đốt lò”  – một chiến dịch chống tham nhũng đã hạ bệ được một số quan chức cấp cao hàng đầu.

Mặc dù quy mô và phạm vi không thấm vào đâu so với đại án Vạn Thịnh Phát do nữ doanh nhân Trương Mỹ Lan – người đã bị kết án tử hình vào tháng 4 năm nay dàn dựng, vụ bê bối FLC (tên viết tắt của các từ Tài chính, Đất đai và Thương mại) đã thu hút sự chú ý đáng kể của giới báo chí, truyền thông.

Trịnh Văn Quyết là một tỉ phú trẻ, táo bạo, thành đạt và từng là người giàu nhất Việt Nam trong một khoảng thời gian ngắn trong năm 2021.

Thành lập năm 2010, công ty bất động sản FLC của ông này nhanh chóng trở thành một tập đoàn đa ngành lớn với 17 công ty con và công ty liên kết trong lĩnh vực bất động sản, khu nghỉ dưỡng, sân gôn cùng hãng Bambo Airways – hãng hàng không tư nhân, một thời, đã từng lớn thứ hai ở Việt Nam.

Ông Quyết, 49 tuổi, bị bắt vào tháng 3/2022 cùng với hai em gái về tội thao túng thị trường chứng khoán, chiếm đoạt tài sản và lừa đảo. Các nhà chức trách cũng đã bắt giữ 47 người khác, bao gồm cả các giám đốc điều hành FLC và một số nhà quản lý. Tổng cộng, 15 người là họ hàng đang bị xét xử và ít nhất một giám đốc điều hành của FLC vẫn chưa bị bắt.

2a.jpg
Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cầm mô hình máy bay chở khách Boeing Dreamliner tại văn phòng ở Hà Nội. Ảnh chụp ngày 30/7/2018 bởi Nhac Nguyen/AFP  

Có lẽ quan trọng hơn, công an đã bắt cựu Chủ tịch Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM Trần Đắc Sinh và Phó Tổng Giám đốc thường trực Lê Hải Trà cùng hai giám đốc điều hành khác. Cả bốn người đã bị buộc tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ông Quyết bị buộc tội thực hiện hành vi gian lận 156 triệu đô la bằng cách “bơm giá cổ phiếu rồi bán ra” trong khoảng thời gian từ tháng 5/2017 đến tháng 1/2022. Hai em gái và 43 người họ hàng khác đã giúp ông lập khoảng 500 tài khoản môi giới khác nhau.

Tài liệu giả mạo

Ông Quyết và các thành viên trong gia đình đã giao dịch cổ phiếu FLC với tốc độ điên cuồng, tạo cảm giác về nhu cầu gia tăng và khiến giá cổ phiếu này tăng vọt. Trong nhiều trường hợp, em gái ông này đã hủy lệnh mua cổ phiếu vào phút chót sau khi tạo được ấn tượng rằng nhu cầu mua cổ phiếu này đang tăng cao.

Trong một kế hoạch gian lận khác, từ năm 2014-2016, ông Quyết đã chỉ đạo người trong gia đình và nhân viên tại công ty FLC Faros Construction – một công ty con của FLC – làm giả các tài liệu để tạo ấn tượng rằng công ty này đang tiến hành đầu tư và tăng vốn điều lệ từ 1,5 tỷ đồng (59.000 đô la) lên 4,3 nghìn tỷ đồng (169 triệu đô la).

Vì vậy khi công ty tư nhân một thời thua lỗ này được niêm yết công khai trên thị trường – điều chỉ có thể xảy ra nhờ sự hỗ trợ/can thiệp của các quan chức phụ trách chứng khoán tham nhũng – nó dường như đã có giá trị lớn hơn thực tế một cách đáng kể.

3a.jpg
Công an áp giải Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết ra tòa vào ngày 22/7/2024 tại Hà Nội để xét xử tội danh lừa đảo. Nguồn ảnh: Anh Tuc/AFP  

Ông Quyết và các bị cáo khác đã nhanh chóng bán ra 391 triệu trong số 430 triệu cổ phiếu mà họ kiểm soát, thu về 142 triệu đô la và làm sập giá cổ phiếu của các nhà đầu tư khác.

Tổng cộng, các kế hoạch gian lận khác nhau đã khiến giá trị cổ phiếu của sáu công ty đã niêm yết của FLC đã tăng từ 70% đến 1.700%.

Cùng với những gian lận này, ông Quyết đã bán một lượng cổ phiếu lớn mà ông đang nắm giữ nhưng không thông báo cho giới chức quản lý tài chính – đây là một yêu cầu đối với lãnh đạo điều hành doanh nghiệp khi muốn bán cổ phiếu. Tháng 1/2022, ông này đã bán gần 75 triệu cổ phiếu FLC, làm giá cổ phiếu này xuống rất thấp và khiến cho Bộ Công an phải tiến hành điều tra.

Thiết hụt quy định

Vụ FLC quan trọng vì ba lý do.

Đầu tiên, điều đó chỉ có thể xảy ra vì các quan chức quản lý chứng khoán nói trên đã tham gia vào gian lận. Như trong vụ lừa đảo quy mô lớn của bà Trương Mỹ Lan tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), kế hoạch của bà đã được tiếp tay bởi các quan chức quản lý được trả lương thấp.

Điều này một lần nữa làm dấy lên câu hỏi: “Ai kiểm soát các nhà quản lý?”

Nếu Việt Nam không thể xây dựng được một hệ thống quản lý tài chính cơ bản, điều này sẽ tác động tiêu cực đến các thị trường vốn trong nước, đến quản trị doanh nghiệp và cản trở đầu tư nước ngoài.

Mặc dù Bộ Công an đã làm tốt việc điều tra vụ bê bối này cũng như vụ Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB của bà Lan, nhưng nếu như đã có sự giám sát quản lý đúng đắn thì mọi việc đã không xảy ra với mức độ tồi tệ như vậy.

Thứ hai, mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam không lớn nhưng nó là một trong số ít kênh đầu tư của người dân Việt Nam.

Thiếu niềm tin vào đồng nội tệ, người Việt có xu hướng mua vàng. Trên thực tế, trong một nửa năm qua, vàng ở Việt Nam đã được giao dịch với mức giá cao hơn giá quốc tế. Chính phủ đã phải đấu giá một số lượng vàng dự trữ chỉ nhằm mục đích hạ nhiệt thị trường.

4a.jpg
Một người phụ nữ trưng bày vàng tại một cửa hàng ở Hà Nội, 11/10/2009. Nguồn ảnh: Kham/Reuters  

Người Việt cũng mua bất động sản nhưng đây không phải lúc nào cũng là một hình thức đầu tư an toàn. Thị trường bất động sản của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với thị trường bất động Trung Quốc. Rất nhiều công ty bất động sản phải đương đầu với gánh nặng nợ nần và không thể trả được nợ, đặc biệt là các trái phiếu huy động bằng đồng đô la.

Cuộc khủng hoảng tín dụng trong nước do vụ Vạn Thịnh Phát cuối năm 2022 gây ra đã dẫn đến nhiều khoản vỡ nợ và nhiều dự án bất động sản bị đình trệ hơn nữa. Nhiều người Việt phải trả tiền vay thế chấp cho các bất động sản còn dang dở mà họ không thể ở hoặc cho thuê.

Nơi thứ ba mà người Việt đầu tư các khoản tiền tiết kiệm của mình là thị trường chứng khoán. Phần lớn cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam là do các nhà đầu tư tư nhân sở hữu chứ không phải các tổ chức. Vì thế khi một vụ lừa đảo, gian lận lớn xảy ra, nó thực sự làm tổn thương tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng ở Việt Nam.

Vụ gian lận của ông Quyết khá đơn giản nhưng tác động của nó lại rộng khắp vì có tới khoảng gần 100.000 nạn nhân. Mặc dù ông này đã trả khoảng 8,3 triệu đô la tiền bồi thường nhưng đó chỉ là hạt muối bỏ bể.  

Cái giá phải trả đối với người đóng thuế

Thứ 3, việc xét xử  những gian lận của FLC có ảnh hưởng tới nền kinh tế ở phạm vi lớn hơn. Công ty này – một trong những công ty tư nhân lớn nhất ở Việt Nam – vẫn còn đang hoạt động nhưng rất ít.

Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh đã dừng việc niêm yết công ty này vì vụ gian lận. Các giao dịch ở sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội cũng đã bị dừng. Các quyền giám đốc điều hành đã không thể làm giảm tác động tiêu cực của vụ gian lận hay tái cơ cấu công ty. Tính đến tháng 2/2024, FLC đã cắt giảm 60% lực lượng lao động.

Hãng hàng không Bamboo Airways đã trải qua quá trình tái cấu trúc đau đớn vào cuối năm 2023, sa thải 60% lực lượng lao động, đóng cửa 10 đường bay quốc tế, trả lại ba máy bay Boeing cho bên cho thuê và ngưng sử dụng các máy bay khác.

5a.jpg
Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Ảnh chụp ngày 26/1/2028 bởi Kham/Reuteurs  

Ngay cả khi tái cơ cấu mạnh mẽ, tháng 12/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã phải thuyết phục các bộ Tài chính và Giao thông giúp Chính phủ cứu trợ hãng hàng không này.

Thêm vào đó, FLC vẫn còn nợ chính phủ hơn 31 triệu đô la tiền thuế. Điều đó có nghĩa là những người đóng thuế đang phải thanh toán cái hóa đơn này. Trong năm nay, Chính phủ Việt Nam đã phải bơm 24 tỷ đô la để giải cứu Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài gòn (SCB).

Trong nửa đầu năm 2024, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán 2 tỷ đô la tiền cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam – một điều không bao giờ có thể xem là dấu hiệu của sự tin tưởng.

Những sai phạm của doanh nghiệp đã và đang gây thiệt hại cho người dân Việt Nam đồng thời làm nảy sinh những câu hỏi rất chính đáng về năng lực quản lý nền kinh tế trị giá $430 tỷ đô la – một nền kinh tế vốn đang tăng trưởng nhanh chóng và phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài.

 

*Zachary Abuza là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown. Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là của riêng tác giả và không phản ánh quan điểm của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trường Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, Đại học Georgetown hay RFA.

Related posts