Ông David Vũ Văn, một người Thuỵ Điển gốc Việt, về Việt Nam vào dịp đầu năm mới để thăm hỏi người thân, gia đình. Nhưng ông bị bắt lên công an phường, bị câu lưu, tra hỏi, đe doạ suốt bốn ngày trời vì những hoạt động vì dân chủ, nhân quyền.
Sau khi trốn thoát qua Thái Lan, ông Vũ thuật lại với đài Á châu Tự do vào đêm 9/2 về thực tế xảy ra đối với bản thân ông.
Ông David Vũ Văn cho biết sau khi đáp chuyến bay xuống Phi trường Tân Sơn Nhất hôm 27/1, ông về thẳng nhà người thân ở Trà Vinh và đến sáng 30/1 quay lại Sài Gòn. Khi vừa mướn phòng ở một khách sạn tại phường 14 quận Năm xong thì có hai người mặc thường phục, cùng với năm công an sắc phục ngăn chặn, xốc nách ông Vũ đưa về đồn công an phường 14 ở ngay bên kia đường.
Tại đồn công an, ông Vũ nói ông công an mở khoá điện thoại bằng chức năng nhận diện khuôn mặt. Phía công an truy ra tất cả dữ liệu trong điện thoại, in ra gần 200 trang giấy A4 và yêu cầu ông Vũ ký tên vào:
“Họ lấy được máy tôi, họ tìm khắp các dữ liệu tôi sinh hoạt với cộng đồng, rồi tôi ký tên vào các thỉnh nguyện thư gửi cho Nghị viện Âu châu về vấn đề nhân quyền Việt Nam. Những tin nhắn gửi cho cộng đồng Âu châu họ đều ghi ra hết, những bài thơ của tôi họ in ra hết rồi trong những ngày đó họ bắt tôi ký tên trên 200 tờ giấy A4.”
Trong khi làm việc, công an nhiều lần hỏi ông rằng có biết trường hợp của hai ông Michael Phương Minh Nguyễn và Châu Văn Khảm hay không, theo ông Vũ, những câu hỏi này là ngầm đe doạ rằng ông cũng có khả năng bị bắt nếu không chịu hợp tác; bên cạnh đó là biện pháp đối với gia đình ông:
“Họ đe dọa nếu không làm theo lời họ thì gia đình sẽ không được về Việt Nam.”
Công an phát hiện ông Vũ có hẹn gặp hai người bạn vào ngày 9/2, nên yêu cầu ông Vũ hợp tác, dụ hai người bạn ra gặp mặt và làm theo kế hoạch thì ông sẽ được cho bay thẳng về Thuỵ Điển, nhưng không được đi vòng qua Thái Lan. Lý do được ông Vũ nêu rõ:
“Bởi vì họ nghi ngờ tôi quen ở bên Thái Lan có một nhóm nào đó nhằm chống phá nhà nước Việt Nam.”
Công an còn yêu cầu ông Vũ viết các đơn tố cáo theo mẫu, với nội dung ca ngợi Nhà nước Việt Nam và tố cáo các tổ chức hải ngoại là chống phá. Nếu không làm theo thì có nguy cơ ông cùng với hai người bạn mà ông liên hệ sẽ bị bắt:
“Bởi vì họ mở được điện thoại của tôi. Tôi sợ những anh em của tôi bị bắt cho nên họ yêu cầu gì tôi viết y chang như vậy để ký tên. Họ có viết một văn bản nói rằng đại khái là Việt Nam rất tốt, đừng nghe những lời xúi bậy ở bên ngoài, tuổi trẻ đừng có lầm tưởng mà hãy nhìn về hiện tại. Tôi cũng không nhớ rõ hết.”
Đến chiều ngày 2/2, ông Vũ được thả ra, nhưng bị tịch thu điện thoại mà không có biên bản. Công an đưa cho ông một cái điện thoại, nói là để liên hệ với công an và hẹn gặp hai người bạn của ông. Tuy nhiên, khi ra khỏi đồn công an, ông Vũ bỏ điện thoại, tìm cách cắt đuôi công an rồi vượt biên qua Campuchia.
Khi đó, ông nhanh chóng tìm đường trốn ra khỏi Việt Nam nên chưa liên hệ được với Sứ quán Thuỵ Điển trong nước. Ông cũng chưa tính liệu có nên báo cáo vụ việc này khi về lại Thuỵ Điển hay không.
Khi phóng viên hỏi liệu có bất kỳ hình ảnh hay bằng chứng nào có thể chứng minh rằng ông bị bắt câu lưu, tra hỏi suốt bốn ngày hay không, thì ông Vũ cho biết mình bị bắt ngay tại khách sạn, khi chỉ đi có một mình nên không kịp liên hệ ai, cũng không thể chụp hình hay ghi âm được gì.
Tuy nhiên, sau khi được thả, ông có ghi âm được một đoạn hội thoại với chủ khách sạn nơi ông bị bắt là khách sạn Sao Mai nằm trên đường Nguyễn Trãi.
Nội dung đoạn ghi âm cho thấy ông Vũ nhờ cô chủ khách sạn xác nhận rằng mình đã bị công an cưỡng ép bắt đưa về đồn. Cô chủ đáp rằng nếu cơ quan chức năng hỏi thì sẽ trả lời đúng sự thật, còn nếu báo chí hỏi thì cô từ chối trả lời vì không muốn “hết đường làm ăn”:
“Cái gì là sự thật, nếu là có thì cháu sẽ nói có, thì cái vụ việc đó là có thì cháu sẽ trả lời là có ạ. Mà cháu không trả lời báo nào được đâu vì cháu còn kinh doanh nữa chú ạ!” – trích đoạn ghi âm.
Phóng viên RFA gọi điện tới khách sạn này để xác minh vụ việc nhưng tiếp tân trả lời rằng không biết gì về vụ việc này.
Chúng tôi tiếp tục gọi cho công an phường 14, quận Năm hỏi thêm thông tin, cán bộ công an trực ban nói rằng phóng viên phải mang theo giấy giới thiệu xuống trực tiếp đồn công an thì mới làm việc, vì đây là thông tin mật:
“Chị cầm giấy giới thiệu của chủ toà soạn xuống công an phường 14 trực tiếp làm việc chứ chúng tôi không nói chuyện qua điện thoại không cung cấp thông tin được.”
Tình trạng Việt kiều về Việt Nam rồi bị bắt đã từng xảy ra trước đây. Điển hình trong số đó là ông Michael Phương Minh Nguyễn (56 tuổi), bị kết án 12 năm tù giam vào năm 2019 với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Ông này được trả về Hoa Kỳ vào ngày 22/10/2020.
Một trường hợp khác là ông Châu Văn Khảm, người Úc gốc Việt đã 73 tuổi. Ông bị tuyên 12 năm tù giam hồi năm 2019 về tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”. Hiện ông vẫn đang bị giam giữ tại Việt nam. Ngoại trưởng Úc hồi tháng 6/2022 kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông Khảm, đồng thời cho biết Chính phủ Úc đã hơn 70 lần nêu lên vấn đề này với Việt Nam, nhưng chưa đạt kết quả.