Mua bán dao dài trên 20 cm phải khai báo có hợp lý?

“Dao sắc nhọn dài trên 20 cm là vũ khí thô sơ và phải được khai báo với cơ quan chức năng khi sản xuất, mua bán.”

Đó là một trong những nội dung trong dự án sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ… được Bộ Công an thay mặt Chính phủ trình Quốc hội hôm 20/5/2024.

Theo dự thảo này, ‘dao có tính sát thương cao’ bị cho vào nhóm vũ khí thô sơ. Vũ khí này được định nghĩa là dao sắc hoặc nhọn có chiều dài lưỡi dao từ 20 cm…

Ông Hiếu Chí, một thợ rèn chuyên làm dao bếp bán, khi trao đổi với RFA qua tin nhắn hôm 21/5/2024 cho biết, nếu quy định như vậy sẽ rất khó khăn cho người làm dao như ông:

“Vậy thợ rèn như tôi làm gì ăn…? Chẳng lẽ chỉ làm dao bổ cau…?”

Việc Bộ Công an đưa ra quy định yêu cầu gia đình, cá nhân khi mua dao trên 20cm phải có giấy phép, thì đó là quy định hết sức bất hợp lý.
-Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài

Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ Đức Quốc hôm 21/5/2024, nhận định với RFA:

“Những con dao có độ dài trên 20cm là những con giao hết sức bình thường ở trong tất cả mọi gia đình ở Việt Nam, cũng như trên thế giới. Còn những con dao dưới 20cm là những con dao rất nhỏ, không thể sử dụng cho những mục đích trong công việc gia đình. Cho nên việc Bộ Công an đưa ra quy định yêu cầu gia đình, cá nhân khi mua dao trên 20cm phải có giấy phép, thì đó là quy định hết sức bất hợp lý.”

Theo luật sư Nguyễn Văn Đài, chưa có một nước nào trên thế giới quy định bán dao trên 20cm phải đăng ký cả. Ông Đài nói tiếp:

“Quy định mới của Bộ Công an là một trong những hình thức do họ quá lo sợ đến quyền lực chính trị của họ, mà họ phải đưa ra quy định nhằm gây khó khăn cho đời sống người dân. Bởi vì như những gì tôi biết, một năm ở Việt Nam người ta tiêu thụ đến khoảng 10 triệu con dao có độ dài trên 20cm, thế bây giờ mỗi lần mua 10 triệu con dao phải xin 10 triệu giấy phép… thì cuộc sống người dân vô cùng khó khăn.”

bc6207e5-2b63-40a7-8541-ad535d1c1fa2.jpeg
Ảnh minh họa: một cửa hàng bán dao ở Nhật hôm 24/11/2022. AFP.

Giải thích tại cuộc họp hôm 20/5/2024, Bộ Công an cho rằng, đề xuất này nhằm quản lý chặt chẽ, không để tội phạm lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Theo đó, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao phải khai báo về số lượng, chủng loại, nhãn hiệu, tên cơ sở sản xuất với công an xã, phường, thị trấn sở tại…

Cựu trung tá quân đội Vũ Minh Trí từ Hà Nội hôm 21/5/2024, cho RFA biết ý kiến:

“Tôi thấy quy định này rất không phù hợp. Bởi vì trong từng gia đình dù là gia đình nhỏ 3,4 người thì có lẽ cũng có đến hàng chục con dao. Như nhà tôi nếu mỗi lần mua rồi để đấy tiếc không vứt, thì hiện nay trong nhà phải có đến 20 con dao với kích thước trên 20cm, đấy là cái thứ nhất. Thứ hai tôi nghĩ quy định như vậy không khả thi, nó chỉ khiến cho việc kiểm soát của các cơ quan chức năng trở nên nặng nề hơn mà thôi. Chứ nó không có tác dụng làm giảm tội phạm trong xã hội.”

Tôi thấy quy định này rất không phù hợp. Bởi vì trong từng gia đình dù là gia đình nhỏ 3,4 người thì có lẽ cũng có đến hàng chục con dao.
-Trung tá Vũ Minh Trí

Theo ông Trí, có sự nhất quán của những người Cộng sản, tức là họ luôn luôn biết tìm ra những cái cùng là một sự vật hiện tượng, nhưng họ lợi dụng được sao cho có lợi nhất cho họ. Ông Trí nêu ví dụ:

“Ví dụ như ngày 19 tháng 12 năm 1946, trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ông Hồ Chí Minh có nói ‘ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có súng gươm thì dùng cuốc xẻng’… Có nghĩa dù không có súng gươm mà chỉ là cuốc xẻng, thì họ cũng hô hào để mà đánh đuổi thực dân Pháp và tay sai theo sự lãnh đạo của họ, có lợi cho họ. Bây giờ họ là người lãnh đạo thì họ lại coi những thứ đấy là những cái hung khí có thể gây nên tội phạm và hạn chế người ta dùng.”

Ông Trí cho rằng, nhìn thì có vẻ như là chính quyền Việt Nam nhất quán, trước coi là hung khí, bây giờ cũng coi là hung khí… nhưng thật ra hai thời điểm và đối tượng quản lý là hoàn toàn khác nhau. Ông Trí nói tiếp:

“Trước kia để đánh đuổi thực dân xâm lược, nhưng bây giờ là để hạn chế quyền tối thiểu của những người công dân. Tại sao một số nước tự do dân chủ, nhân quyền hơn Việt Nam, công dân có quyền sử dụng súng, miễn là có giấy phép. Tại thời điểm này, người dân Việt Nam đến một con dao, như trong nhà tôi có đến hai ba chục con dao có kích thước 20cm hoặc nhiều hơn… thì không biết họ sẽ quản lý và bắt khai báo kiểu gì?”

Trong thực tế, dao là công cụ được mọi người dân sử dụng trong đời sống hằng ngày. Quy định dao là vũ khí thô sơ theo nhiều người trên mạng xã hội, sẽ phát sinh nhiều bất cập trong việc quản lý và kiểm soát.

Cũng theo luật sư Nguyễn Văn Đài, một xã hội giữ gìn được ổn định văn minh trong việc sử dụng vũ khí quân dụng hay vũ khí thô sơ phụ thuộc rất lớn vào nền chính trị của quốc gia đó. Ông Đài nêu dẫn chứng:

“Chúng ta đã biết, những nước dân chủ văn minh hàng đầu thế giới như Mỹ và một số nước Châu Âu, cho phép người dân sử dụng vũ khí quân dụng tự do thoải mái, nhưng vẫn không gây ra bất ổn xã hội. Trong khi đó ở Việt Nam được cho là một nhà nước cảnh sát, với cứ khoảng độ 500 người dân thì có một cảnh sát khu vực, chưa kể những cảnh sát khác… mà lại sợ người dân sử dụng các loại vũ khí thô sơ hay những công cụ gia đình để gây nguy hiểm cho xã hội hay gây nguy hiểm cho chế độ… thì đây là một điều cực kỳ bất hợp lý.”

Ông Đài cho rằng, yêu cầu bán dao trên 20cm phải đăng ký, cho thấy bước tiến của một xã hội đã đi thụt lùi, chứ không hề tiến bộ văn minh:

“Đáng lẽ từ một xã hội bình thường, tiến lên văn minh, thì người dân dần dần được sử dụng các loại vũ khí theo sở thích của người ta… Nhưng càng ngày nó càng đi thụt lùi trở lại đến mức độ một dụng cụ sử dụng trong gia đình, cũng bị quy định như vậy.”

Do đó Luật sư Đài cho biết, ông thấy chế độ Cộng sản Việt Nam thụt lùi một cách nghiêm trọng về mức độ văn minh của con người.

Related posts