Ủy Hội Sông Mekong (MRC) vào ngày 22 tháng 2 thông báo mực nước Sông Mekong có tăng chút ít và cho biết sẽ xem xét lý do vì sao có sự khác biệt giữa dữ liệu nước xả từ thượng nguồn con sông ở Trung Quốc với dữ liệu mà Bắc Kinh chia sẻ sau đó.
Reuters loan tin, dẫn thông báo của MRC rằng nước Sông Mekong xả từ phía Trung Quốc xuống phía các nước Đông Nam Á tăng từ 768 mét khối/giây hồi đầu tháng này lên 1.020 mét khối/giây vào ngày 22 tháng 2.
Bộ Tài nguyên Nước của Trung Quốc cho biết nước xả từ Đập Cảnh Hồng, đập thủy điện trên dòng chính Mekong tại Hoa Lục gần nhất với khu vực Đông Nam Á, luôn ở mức trên 1.000 mét khối/giây kể từ cuối tháng một năm 2021.
Vào tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc đồng ý chia sẻ dữ liệu mực nước với MRC.
Theo MRC tình trạng khô hạn tại các nước Đông Nam Á cùng chia sẻ dòng Mê Kong là do một phần nguồn nước của con sông này bị các đập của Trung Quốc giữ lại. Bắc Kinh phản bác kết luận đó. Ngoài ra dữ liệu mà Trung Quốc đưa ra về lượng nước xả khác với dữ liệu của MRC.
Thông báo của MRC cho rằng có thể ước tính về lượng nước xả khác nhau như thế là do phương pháp tính toán của hai phía khác nhau.
Theo MRC, hiện chuyên gia của Ủy hội và của Trung Quốc đang phối hợp làm việc để có thể cung cấp thông tin lượng nước xả thống nhất hơn.
Reuters yêu cầu phía cơ quan chức năng Trung Quốc bình luận về thông báo của MRC nhưng chưa nhận được trả lời.
Vấn đề 11 đập thủy điện trên dòng chính Sông Mekong chảy qua địa phận Hoa Lục giữ nước gây hại cho những quốc gia hạ nguồn trở nên một vấn đề địa chính trị. Hoa Kỳ tham gia thúc giục các chính phủ ở hạ nguồn Mekong yêu cầu Trung Quốc có câu trả lời cho điều đó.
Bắc Kinh thì cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến mực nước Sông Mekong xuống thấp trong những năm gần đây, trong đó có lý do lượng mưa thấp cũng như đập thủy điện trên các nhánh của con sông này.
Tại Lào, Thái Lan, Việt Nam và Campuchia, mực nước Sông Mekong trong tháng một vừa qua xuống thấp. Có những nơi nước sông trở thành xanh thay vì màu đục thông thường chứng tỏ tình trạng mất phù sa vốn đem lại sự phì nhiêu cho đất đai nơi gần 70 triệu người dân ven hạ lưu Sông Mekong sinh sống.