Mực nước cuối tuần qua tại các trạm trên sông Mekong như Chiang Saen ở Thái Lan, Kratie và Biển Hồ ở Kampuchia, đều ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.
Dòng chảy bình quân về Đồng Bằng Sông Cửu Long do đó cao hơn mức trung bình nhiều năm, giúp giảm thiểu tình trạng nhập mặn vào các tháng tư và tháng năm nếu không có gì bất thường từ vận hành xả nước ở các đập thủy điện.
Theo ghi nhận của Viện Khoa Học Thủy Lợi miền Nam, dòng chảy về châu thổ Cửu Long phụ thuộc vào điều tiết thủy điện. Hai yếu tố tác động đến diễn biến nguồn nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL là trữ lượng nước ở Tonle Sap tức Biển Hồ và dòng chảy đến vùng Kratie của Campuchia.
Số liệu cho thấy cuối tuần qua, mực nước tại Kratie ở mức 8,10m, cao hơn mức trung bình nhiều năm 1,82m, cao hơn những mùa khô 2015-2016, 2017-2018, 2019-2020, 2020-2021 lần lượt từ 0,78m, 0,4m, 1,01m và 0,6m.
Còn tại Biển Hồ, dung tích nước hiện còn lại khoảng 2,21 tỷ mét khối, cao hơn dung tích trung bình nhiều năm là 0,32 tỷ m3, chưa kể cao hơn các mùa khô nhiều năm trước theo thứ tự lần lượt là 0,79 tỷ m3, 0,23 tỷ m3, 0,79 tỷ m3 và 0,47 tỷ m3.
Tại trạm Chiang Saen ở Thái Lan cũng vậy, mực nước đạt 2,74m, cao hơn mức trung bình nhiều năm là 1,21 mét.
Tại Việt Nam, mực nước ở trạm Tân Châu thuộc sông Tiền đạt 1,16m, cao hơn mức trung bình nhiều năm 0,06m và cao hơn cùng kỳ những năm gần đây.
Ngay trạm Châu Đốc thuộc sông Hậu, mực nước đạt 1,36m, cao hơn mức trung bình nhiều năm là 0,12m cũng như cao hơn cùng kỳ mấy năm gần đây, dẫn đến dự báo mực nước đầu nguồn ĐBSCL sẽ tăng trong thời gian tới.
Và nếu không có gì bất thường từ vận hành xả nước ở các đập thủy điện trên thượng nguồn, mực nước cao hơn mức trung bình nhiều năm từ Mekong đổ vào ĐBSCL có thể giảm thiểu sự xâm nhập mặn tại một số vùng của đồng bằng ở các tháng tư và tháng năm.
Ông Wittoon Permsacharoen, chuyên gia của Mekong Energy and Ecology Network Mạng Lưới Năng Lượng Và Sinh Thái Sông Mekong, văn phòng tại Thái Lan, giải thích với RFA:
“Mùa này thực sự đang là mùa khô ở lưu vực Mekong. Ngay thời điểm này mực nước sông Mekong cạn hơn bình thường rất nhiều, chúng ta luôn phải đối mặt với vấn đề nước thấp trước khi mưa tới. Đương nhiên mùa khô thì những chuỗi đập thủy điện trên sông Mekong cũng không đủ nước để vận hành làm ra điện”.
“Thế nhưng có vẻ như mùa mưa năm nay đến sớm, Thái Lan đã có những cơn mưa đầu mùa khiến mực nước hiện tại trên các chi lưu Mekong tương đối cao trong hai tuần qua. Không rõ hiện tượng mưa về sớm có diễn ra ở Trung Quốc không. Lượng nước cao từ sông Mekong mà đổ về sông Cửu Long của Việt Nam sẽ giúp đẩy dòng nhập mặn ra khỏi ĐBSCL, đó là hiện tượng hiển nhiên.”
“Đến lúc này chưa thể khẳng định chắc chắn do mưa sớm, do biến đổi khí hậu hay do điều bất thường nào đó từ các đập thủy điện thượng nguồn Mekong sẽ tác động tích cực đến việc giảm thiểu tình trạng xâm nhập mặn tại ĐBSCL, nhưng đó là những yếu tố không thể bỏ qua. Hơn nữa, tôi muốn trình bày thêm một thực tế là nhiều đập thủy điện ở hạ lưu Mekong, đặc biệt ở Lào, sẽ nâng năng suất vận hành trong mùa nóng nhằm đáp úng nhu cầu phát điện. Điều này có thể góp phần vào dòng chảy Mekong về Việt Nam trong thời gian tới”.
Viện Khoa Học Thủy Lợi miền Nam cho hay hiện tại các hồ chứa trên lưu vực sông Mekong còn dung tích điều tiết bình quân vào khoảng 43,8%, tương đương với tổng dung tích còn khoảng 28,7 tỷ m3.
Dự báo dòng chảy bình quân về ĐBSCL từ tháng tư đến cuối mùa khô ở mức cao hơn trung bình nhiều năm do ảnh hưởng việc xả nước gia tăng từ thủy điện Trung Quốc và hạ lưu vực Mekong.
Theo Giáo sư Tiến sĩ Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy Lợi VN, mùa này đang là mùa khô nên thủy điện hầu như phải tích nước:
“Bởi như tôi phân tích bây giờ là mùa thủy điện đang tích nước, bao nhiêu năm khô hạn nó vẫn tích, chỉ mùa lũ mới xả nhiều thôi. Bây giờ có trời mưa không thì tôi cho rằng nó phải theo chu kỳ El Nino và La Nina. Nếu vào El Nino tức mùa khô hạn thì không thể có nước lên được nhiều. Chỉ La Nina tức là mùa có nhiều mưa thì mới có nhiều nước.”
“Cái này theo tôi là Viện Khoa Học Thủy Lợi miền Nam phải đi tìm xem có phải chu kỳ của La Nina tức là chu kỳ của mưa hay không. Hiện các nước trên sông Mekong cũng không thực hiện qui ước thông báo cho nhau về mực nước, vì thế Viện Khoa Học Thủy Lợi phải tra xem có đúng chu kỳ La Nina mưa ở thượng nguồn thì dưới này mới có nhiều nước.”
Quan trọng là cần phải xem rằng hiện nay chu kỳ trên sông Mekong đến Việt Nam nằm ở thời kỳ của La Nina mưa lũ nhiều hay của El Nino là thời kỳ hạn, GSTS Vũ Trọng Hồng nhấn mạnh:
“Cái này phải được các chuyên gia khí tượng thủy văn của các trạm đánh giá mới được, vì El Nino và La Nina thường cách nhau 10 năm. ĐBSCL 2016-2020 nước cạn nhiều nên mặn xâm nhập vào. Bây giờ đến 2022, mới có sáu năm thôi, thì chưa phải sang chu kỳ La Nina. Phải xem lại có đúng không, nếu không thì có thể do hiện tượng nào đó trên thượng nguồn. Phải xem suốt thời gian mấy tháng mới được.”
“Tôi vẫn phân vân là cái thông báo từ Viện Khoa Học Thủy Lợi miền Nam dựa trên căn cứ nào hay chỉ thấy mực nước rồi nói đề người dân đồng bằng phấn khởi. Đó là điều tôi muốn hỏi”.
Ông Nguyễn Hữu Thiện, nhà nghiên cứu độc lập về sông Mekong, giải thích về việc tích và xả nước ở các đập thuỷ điện và ảnh hưởng đến vùng hạ nguồn sông Mekong:
“Việc tích xả này phải nói là nó vì lợi ích của các nhà đầu tư đập chứ không phải là vì lợi ích phục vụ cho ngươi dân ở trong vùng. Tác động tiêu cực thì rất nhiều, ảnh hưởng lâu dài và khó thấy hơn. Trong mùa khô năm nay người ta dễ lầm tưởng rằng thủy điện tốt cho ĐBSCL, trong khi thực tế về lâu dài thì nó tác hại nghiêm trọng. Cho nên cần phải thấy hết bức tranh cho đầy đủ”.
Ông nêu ra nêu bốn điểm quan trọng:
“Thứ nhất, việc tích nước trong mùa lũ như vậy làm cho dòng chảy lũ bị yếu đi không còn đủ sức mạnh để tải vật liệu phù sa, bùn cát về ĐBSCL. Thiếu phù sa, thiếu cát thì sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL sẽ ngày càng gia tăng không gì có thể khắc phục được. Trước mắt, cát sẽ ngày càng khan hiếm, không đáp ứng được nhu cầu xây dựng nhà cửa, đường xá. Tổn thất về sạt lở mất nhà cửa, tài sản, tính mạng người dân sẽ ngày càng trầm trọng. Về lâu dài, sạt lở sẽ làm tan rã đồng bằng, đe dọa sự tồn tại của ĐBSCL.”
“Thứ hai, sự tích nước mùa lũ như vậy làm biến mất mùa lũ, làm cho đất đai bạc màu, làm biến mất nguồn thủy sản tự nhiên mùa lũ.”
“Thứ ba, việc xả nước trong mùa lũ như vậy làm mực nước biến động bất thường, tạo ra những tín hiệu giả của dòng sông, làm cho hệ sinh thái bị rối loạn. Giữa mùa khô mà nước dâng lên bất ngờ, cá tôm tưởng mùa nước đã tới nên bắt đầu bơi ngược dòng, sinh sản. Đến khi mùa nước đến thật thì không còn sinh sản được nữa”.
Sau cùng, dù có mặt tích cực là nước xả ra giúp đẩy hạn mặn cho ĐBSCL, nhưng chỉ nhìn khía cạnh đó thôi thì khá là nguy hiểm. Việc tích nước xả nước trên sông Mekong khi chập chờn khi bất thường, lúc xả lúc không khiến đời sống người dân đồng bằng không yên ổn.
Trong tình huống những năm có đủ nước thì không nói, còn những năm khô hạn cực đoan thì các đập thủy điện phải đóng đập tích nước trong mùa khô, phát điện gián đoạn càng làm cho tình hình hạn-mặn ở ĐBSCL nghiêm trọng thêm lên, ông Nguyễn Hữu Thiện kết luận.