Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ cố gắng có hai triệu doanh nghiệp. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương – Trần Tuấn Anh cho biết thông tin vừa nêu khi làm việc với cộng đồng doanh nghiệp về việc ‘xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế’ hôm 15/9/2022.
Dù mục tiêu có một triệu doanh nghiệp vào năm 2020 của Việt Nam chưa đạt được… nhưng Ban Kinh tế Trung ương vẫn đề ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ cố gắng có hai triệu doanh nghiệp.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 16/9 cho rằng:
“Nếu đến năm 2030 thì theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn khoảng 18% đến 20 %, với tỷ lệ này kinh tế Việt Nam chưa thích ứng với yêu cầu của một nền kinh tế công nghiệp phát triển. Theo đó, tỷ lệ nông nghiệp phải giảm dưới 10 %, có nghĩa là nông nghiệp Việt Nam mỗi năm tăng trưởng 1,6 đến đến 1,8% thì công nghiệp và dịch vụ phải tăng trưởng với tốc độ khoảng 16 cho đến 19 % mới có thể giảm tương đối tỷ lệ nông nghiệp xuống dưới mức 10 % để Việt Nam có thể được thế giới công nhận là một nước công nghiệp hóa.”
Cũng tại buổi làm việc với cộng đồng doanh nghiệp hôm 15/9, ông Phạm Tấn Công – chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết Việt Nam hiện có 860.000 doanh nghiệp, tạo việc làm cho 14,7 triệu lao động, đóng góp trên 60% GDP. Con số này vẫn còn cách xa mục tiêu của Việt Nam có một triệu doanh nghiệp vào năm 2020… thì liệu năm 2030 có thể có hai triệu doanh nghiệp?
Con số đó khá cao nhưng không phải là không thể. Cái quan trọng hơn đó là chất lượng của doanh nghiệp. Chất lượng của doanh nghiệp nó quyết định vị thế của nền kinh tế và mức sống của người dân.
-Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ ở Na Uy hôm 16/9 thì cho rằng mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp của Việt Nam là khá cao:
“Đến năm 2030, dân số Việt Nam khoảng 100 triệu và số người trong độ tuổi lao động khoảng 50 triệu. Với mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp, điều đó đồng nghĩa với trung bình một doanh nghiệp cho 25 người dân trong độ tuổi lao động. Con số đó khá cao nhưng không phải là không thể. Cái quan trọng hơn đó là chất lượng của doanh nghiệp. Chất lượng của doanh nghiệp nó quyết định vị thế của nền kinh tế và mức sống của người dân.”
Nhưng muốn nâng cao chất lượng của doanh nghiệp thì theo Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, chính quyền cần phải đầu tư và cải cách rất nhiều thứ, từ giáo dục, dạy nghề, khoa học và công nghệ, cơ sở hạ tầng, hệ thống tài chính và thị trường vốn. Dựa vào đó doanh nghiệp sẽ tối ưu hoạt động và nâng cao chất lượng. Ông Vũ nói tiếp:
“Tất cả những cải cách này nó đòi hỏi khả năng điều hành nền kinh tế. Nhưng những gì đã diễn ra trong mấy chục năm qua nó chứng tỏ một điều rằng giới cầm quyền Đảng Cộng sản không có khả năng thực thi những cải cách này, và vì vậy mà mục tiêu về số lượng doanh nghiệp cũng như chất lượng doanh nghiệp cũng sẽ là những lời hứa với các con số trên giấy.”
Còn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì cho rằng, tỷ lệ số doanh nghiệp trên 1.000 dân của Việt Nam hiện đang quá thấp, rất khó để đạt mục tiêu vào năm 2030. Ông dẫn chứng:
“Nếu một nước muốn có trình độ thu nhập cao thì phải có khoảng 24 doanh nghiệp / 1.000 dân. Nếu so sánh với Hồng Kông thì ở đó một người 18 tuổi có thể tham gia từ 1,4 cho đến 2,8 doanh nghiệp. Vì vậy Việt Nam cần có sự cải thiện và giúp đỡ để số doanh nghiệp phát triển cao hơn. Hiện nay Việt Nam có khoảng 5 triệu hộ kinh tế gia đình và những hộ này được coi là phi hình thức (informal economy), tức không phải tuân thủ luật về kế toán thống kê, về biên lai chứng từ và nộp thuế khoán, tức là nộp thuế trên cơ sở chủ doanh nghiệp thương lượng với cán bộ thuế. Người ta sẽ dễ dàng thương lượng với nhau để hai bên được lợi, chỉ có ngân sách nhà nước là sẽ chịu thiệt. Vì vậy Việt Nam cần phải nâng cấp 5 triệu hộ kinh tế gia đình trở thành các doanh nghiệp để có thể thu hút được nhiều lao động hơn và có thể đóng góp nhiều hơn cho xã hội.”
Ngoài ra, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, không chỉ số lượng, chất lượng doanh nghiệp cũng rất là quan trọng. Bởi hiện doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, thậm chí rất nhỏ tức là thuộc loại micro economy, những doanh nghiệp như vậy rất khó tham gia vào hội nhập. Ông Doanh nói tiếp:
“Tôi xin nhấn mạnh, Việt Nam đã có chủ trương rất đúng đắn là đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ kinh tế quốc tế để không phụ thuộc vào bất kỳ một đối tác nào. Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do và tham gia vào nhiều khối thương mại trong khu vực và trên thế giới, vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam có thể thu lợi rất nhiều. Tuy vậy những hộ gia đình không có năng lực để có thể tham gia ký kết hợp đồng với các đối tác quốc tế, không có năng lực để tham gia vào chuỗi giá trị quốc tế.
Vì vậy ông Doanh cho rằng, cần phải nhanh chóng nâng cấp liên kết các hộ kinh doanh gia đình trở thành các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp quá nhỏ cũng phải liên kết với nhau… để có đủ năng lực hội nhập quốc tế.
Việt Nam cần phải nâng cấp 5 triệu hộ kinh tế gia đình trở thành các doanh nghiệp để có thể thu hút được nhiều lao động hơn và có thể đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Nguyễn Chí Dũng vào tháng 3 năm 2021 từng cho rằng doanh nghiệp Nhà nước phải chứng tỏ vai trò thành phần kinh tế chủ đạo và then chốt. Trong khi đó, hiện có đến 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ thuộc Bộ Công thương điển hình như: Nhà máy DAP số 1-Hải Phòng; DAP số 2-Lào Cai; Đạm Ninh Bình; Đạm Hà Bắc; Công nghiệp tàu thủy Dung Quất; Nhà máy thép Việt-Trung; Nhà máy Đình Vũ; Công ty Gang thép Thái Nguyên… Tất cả có 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính đang cấp tín dụng cho 12 dự án này, với tổng số dư nợ là gần 21 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, các ngân hàng còn cấp tín dụng đối với các chủ đầu tư có liên quan là gần 23 ngàn tỷ đồng.
Dù còn nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước hoạt động không hiệu quả, nhưng Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, Việt Nam đã giảm bớt được tình trạng độc quyền trong khối doanh nghiệp nhà nước:
“Hiện nay số doanh nghiệp nhà nước độc quyền đã giảm nhiều, ví dụ đã có các công ty hàng không tư nhân như VietJet và Bamboo Airway, một số lĩnh vực khác cũng được mở ra. Tuy vậy, việc kiểm soát các công ty hoặc các tập đoàn độc quyền của Việt Nam chưa được quy định pháp luật đầy đủ và cơ quan giám sát cũng chưa đẩy mạnh như mong muốn.”
Vì vậy theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, để thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân, giúp cho doanh nghiệp nhà nước phát triển cao hơn và kiểm soát độc quyền… thì cần phải có khung pháp luật, có sự giám sát để kiểm soát độc quyền, thực hiện cạnh tranh bình đẳng… trên cơ sở đó mới có thể nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp tại Việt Nam.