Nền kinh tế Việt Nam tăng 8% nhờ dòng vốn FDI mới nhưng thị trường chứng khoán sụp đổ 30%, báo hiệu sự chậm lại hoặc tồi tệ hơn vào năm 2023. Đó là nhận định của tác giả Suiwah Leung trong bài viết đăng trên tờ Asia Times hôm 30/1/2023.
Cũng theo bài viết, tác giả Leung phân tích rằng, vào năm 2022, căng thẳng địa chính trị do chiến tranh ở Ukraine gây ra, cộng với nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, giá năng lượng, lương thực tăng mạnh đã dẫn đến lạm phát cao đáng kể trên toàn cầu. Yếu tố này cộng với nhận định ở trên, theo tác giả Suiwah Leung, đã làm tăng thêm những rủi ro mà Việt Nam phải đối mặt khi nền kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi sau thời gian phong tỏa kéo dài vì COVID-19.
Khó khăn bủa vây
Hệ thống ngân hàng kết nối quá chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp bất động sản, và khi các doanh nghiệp bất động sản rơi vào vòng xoáy khó khăn tài chính, nó buộc các ngân hàng phải hứng chịu hàng loạt nợ xấu.
-Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 1 tháng 2 đưa ra những phân tích trong năm 2023 cho nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, tiến sĩ Vũ, cũng đề cập Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với một loạt vấn đề khó khăn về vĩ mô, mà theo ông Vũ, cho đến thời điểm hiện nay, ông vẫn chưa thấy chính quyền Việt Nam có bất cứ chính sách giải quyết hiệu quả nào. Tiến sĩ Vũ đưa ra sáu khó khăn trước mắt mà VN sẽ phải đối diện trong năm 2023:
“Thứ nhất đó là sự khó khăn của lĩnh vực bất động sản. Các doanh nghiệp bất động sản đang đối diện với nợ xấu, thiếu vốn, hàng bán không được.
Thứ hai là lãi suất ngân hàng cao. Ngân hàng Nhà nước buộc duy trì lãi suất cơ bản cao để giữ giá tiền Đồng. Hệ lụy là lãi suất ở các ngân hàng thương mại cũng sẽ cao theo. Các doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn rẻ để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Thứ ba là ngành du lịch chưa hồi phục được. Kinh tế Trung Quốc rất khó khăn, còn kinh tế Nga đang khủng hoảng vì cô lập trong chiến tranh. Khách du lịch từ Nga và Trung Quốc đóng góp một lượng đáng kể cho ngành du lịch. Thiếu lượng khách từ hai thị trường này trong khi các thị trường còn lại tình hình kinh tế cũng chưa sáng sủa, điều đó sẽ tiếp tục gây khó khăn cho ngành du lịch.”
Thứ tư theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, là các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Hoa Kỳ và châu Âu hiện vẫn đang rất khó khăn, điều đó cũng gây ảnh hưởng lớn đến lượng hàng nhập từ Việt Nam. Ông Vũ nói tiếp:
“Thứ năm đó là nhu cầu tiêu dùng trong nước quá yếu sau đại dịch nên nó khó mà giúp hỗ trợ ngành công nghiệp tiêu dùng trong nước.
Thứ sáu đó là hệ thống ngân hàng kết nối quá chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp bất động sản, và khi các doanh nghiệp bất động sản rơi vào vòng xoáy khó khăn tài chính, nó buộc các ngân hàng phải hứng chịu hàng loạt nợ xấu.”
Cú sốc COVID-19 vẫn còn và đó cũng là cái khó mà theo tác giả Suiwah Leung đã tác động không nhỏ đến thu nhập của từng hộ gia đình thành thị ở Việt Nam trong các năm 2021 và 2022 vừa qua. Điều đó có thể hiểu dù muốn hay không việc cải thiện kinh tế cho các hộ dân tại Việt Nam trong năm 2023 không thể “một sớm một chiều”.
Bất ổn và bình ổn hậu COVID
Nhìn nhận thêm về tình hình kinh tế của Việt Nam trong năm 2023, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, hôm 01/02/2023 nói với RFA:
“Nền kinh tế Việt Nam có sự đóng góp đáng kể của đầu tư nước ngoài, bởi vì đầu tư nước ngoài hiện đóng góp trên 50% sản lượng công nghiệp, đóng góp 72 % xuất khẩu và như vậy việc nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc đáng kể và đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực là đúng. Tuy vậy các lĩnh vực như viễn thông, điện, kết cấu hạ tầng thì Việt Nam vẫn đang là do các doanh nghiệp trong nước quản lý.”
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, trong tương lai, Việt Nam sẽ phải có điều chỉnh để phát huy tốt hơn nữa các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nhiều lĩnh vực trọng yếu hơn. Tuy vậy, ông Doanh vẫn đưa ra dự đoán trong năm 2023 cho kinh tế của VN:
“Năm 2023 là một năm đầy biến động và khó khăn đối với kinh tế thế giới và đối với kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam là một ngành kinh tế rất mở, tổng giá trị xuất và nhập khẩu của Việt Nam vượt 230 % GDP của quốc gia này. Trong khi biến động của kinh tế thế giới rất khó dự báo, không ai biết cuộc chiến Nga Ukraine sẽ diễn biến như thế nào, kết thúc ra sao? Cũng rất khó dự báo là triển vọng của các ngành kinh tế có phát triển được không? Tuy vậy cũng có các diễn biến tích cực là Trung Quốc đã mở cửa và thôi không áp dụng chính sách zero COVID-19, qua đó thúc đẩy quá trình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc, đóng góp đáng kể cho kinh tế Việt Nam. Giúp VN phát huy được thế mạnh của mình để xuất khẩu các mặt hàng sang thị trường lớn là thị trường Trung Quốc, cũng như tiếp tục xuất khẩu mạnh sang thị trường Hoa Kỳ, là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.”
Cũng theo bài viết của tác giả Suiwah Leung, bà cho rằng COVID-19 đã gây ra sự phân tâm nghiêm trọng trong ba năm qua. Đã đến lúc các cơ quan chức năng của Việt Nam cần tập trung vào ổn định tài chính trong ngắn hạn và thúc đẩy tăng trưởng trong trung và dài hạn.
Thế nhưng trong sự tăng trưởng đó mình nhìn thấy tất cả vấn đề của một ngành kinh tế, đó là thị trường chứng khoán mất hơn 30 %, rồi những tháng cuối năm thị trường trái phiếu doanh nghiệp đóng băng, thị trường bất động sản đóng băng.
-Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu
Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng độc lập, với hơn 30 năm kinh nghiệm làm trong ngành tài chính ngân hàng tại Mỹ, Đức và Việt Nam, hôm 1/2/2023 cho rằng:
“GDP của Việt Nam tăng 8,02% trong năm 2022 là hiện tượng rất đáng quan tâm, bởi vì đó là mức độ tăng cao nhất trong vòng 12 năm, nhất là trong thời gian trong năm 2022 vẫn ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng Việt Nam đã có mức tăng trưởng rất khả quan. Thế nhưng trong sự tăng trưởng đó mình nhìn thấy tất cả vấn đề của một ngành kinh tế, đó là thị trường chứng khoán mất hơn 30 %, rồi những tháng cuối năm thị trường trái phiếu doanh nghiệp đóng băng, thị trường bất động sản đóng băng. Thêm vào đó từ đầu năm đã có những vụ đại án như vụ Tân Hoàng Minh, rồi vụ FLC, đến cuối năm là vụ Vạn Thịnh Phát…”
Với những “bất ổn” trên, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, dự đoán rằng để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng mạnh trong năm 2023, các nhà làm chính sách ở Việt Nam sẽ phải cùng với đó “giải quyết” những khó khăn đi kèm như ông vừa nêu ở trên.
Tuy vậy, ông Hiếu, nói thêm rằng nếu chỉ lạc quan nhìn vào những con số, thì có thể sẽ có cái nhìn phiến diện và nếu nhìn, thẩm định phiến diện thì một kế hoạch kinh tế khó mà có thể được xem là khả thi. Ông nói tiếp:
“Đối với Việt Nam, năm 2023 là năm rất quan trọng để Việt Nam nhìn lại chính mình. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng khả quan như vậy, bên cạnh đó là mức lạm phát dưới 4 % chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam có sự phát triển mạnh.”