Năm 2023, Việt Nam có án oan hay không?

Chánh án Tòa án Nhân dân (TAND) tối cao Nguyễn Hòa Bình hôm giữa tháng 10 khẳng định ‘Năm 2023, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người vô tội’.

“Làm láo, báo cáo hay”!

Ông Hòa Bình còn cho biết tính đến thời điểm báo cáo, các vụ án hình sự đã được xét xử bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Một Luật sư từ Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an ninh, hôm 16/10 nhận định với RFA về báo cáo trên:

“Có ba vấn đề, thứ nhất là ‘làm láo báo cáo hay’ đó là một thành ngữ mô tả các quan chức của xã hội này. Còn vấn đề thứ hai là người ta nói không phát hiện án oan, nhưng không nói án oan cũ. Ví dụ ông Võ Tê ở Bình Thuận mới được bồi thường hơn 1 tỷ đồng, là người bị hàm oan nhưng đã chết. Con ông Tê không lập gia đình để đi kêu oan cho cha mình, đồng thời đòi bắt hung thủ thật sự. Nhưng hung thủ thật sự bây giờ không bị khởi tố, ông Võ Tê đã được minh oan… nhưng có lẽ ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng đây là án oan của thời xưa.”

Thứ nhất là ‘làm láo báo cáo hay’ đó là một thành ngữ mô tả các quan chức của xã hội này. Còn vấn đề thứ hai là người ta nói không phát hiện án oan, nhưng không nói án oan cũ.
-Luật sư không muốn nêu tên

Vấn đề thứ ba theo Luật sư này, ông Bình nói “không phát hiện án oan” bởi vì có những người kêu oan không thành công ở giai đoạn phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm. Ông nêu ví dụ:

“Ví dụ như Hồ Duy Hải, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tối cao vạch ra những vấn đề bị oan cần phải giám đốc thẩm lại, thì Hội đồng thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao dưới thời ông Nguyễn Hòa Bình đã giữ nguyên bản án. 17 thành viên của Hội đồng thẩm phán đã biểu quyết là không oan. Như vậy, mặc dù Hồ Duy Hải không phải thời ông Hòa Bình, nhưng cách phân xử thì hầu như không có chấp nhận kêu oan, dù có oan hay không oan. Do đó theo ba vấn đề vừa nêu, ông Nguyễn Hòa Bình nói không phát hiện án oan bởi vì có sự chỉ đạo từ trên xuống dưới.”

Đây không phải lần đầu tiên Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo không có án oan sai trong nhiệm kỳ của ông. Vào ngày 12/1/2021, khi báo cáo về công tác của các Toà án trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng từng khẳng định “Trong nhiệm kỳ không xảy ra án oan hình sự”. (!?)

Trước đó vào ngày 6/11/2020, khi báo cáo trước Quốc hội, ông cũng khẳng định các vụ án hình sự được xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người không có tội.

b4c6e729-4ac6-4e17-b7c0-f206deec62c0.jpeg
Ông Nguyễn Trường Chinh và gia đình ra Hà Nội kêu oan cho tử tù Nguyễn Văn Chưởng. Hình do ông Nguyễn Trường Chinh cung cấp.

Làm sao mà không có án oan?

Với báo cáo mới nhất của ông Chánh án Nguyễn Hòa Bình, ông Nguyễn Trường Chinh, bố của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, hôm 16/10 cho RFA biết câu chuyện đi kêu oan của gia đình ông:

“Ông Nguyễn Hòa Bình nói như vậy, nhưng họ nói một đường làm một nẻo, nói năm vừa qua hay năm năm vừa qua không có án oan là không đúng, họ nói xạo. Ba gia đình tử tù vẫn kêu oan là tử tù Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh và Hồ Duy Hải chúng tôi vẫn kêu oan liên tục. Bản thân gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng còn gửi bốn cái đơn mỗi tháng đến Chủ tịch nước, Ủy ban tư pháp Quốc hội, Chánh án tòa án tối cao, Vụ bảy Viện kiểm sát tối cao… chúng tôi gởi liên tục không ngừng nghỉ, thế thì tại sao không có án oan… Án oan ở Việt Nam rất nhiều, đến khu tiếp dân của Trung ương đảng nhà nước ở Hà Đông mà xem, hàng ngàn người đi khiếu kiện, nhưng họ dập đi thôi, làm sao mà không có án oan.”

Gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng đã nhiều năm ròng làm đơn kêu oan, đề nghị các cơ quan chức năng xem xét lại bản án của con em họ.  

Ông Nguyễn Văn Chưởng, 40 tuổi, bị kết án tử hình năm 2008 vì bị cho là thủ phạm trong vụ giết một sỹ quan công an ở Hải Phòng vào giữa tháng 7 năm 2007 trong khi tử tù này liên tục kêu oan, nói bị tra tấn ép cung và các cơ quan tố tụng tảng lờ nhiều bằng chứng ngoại phạm của tử tù Nguyễn Văn Chưởng.

Ông Nguyễn Hòa Bình nói như vậy, nhưng họ nói một đường làm một nẻo, nói năm vừa qua hay năm năm vừa qua không có án oan là không đúng, họ nói xạo.
-Ông Nguyễn Trường Chinh

Mới đây (hôm 11/10), ông Phil Robertson, Phó giám đốc Phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) về tử tù này:

“Hoạt động điều tra của công an Việt Nam trong các vụ án hình sự thường dựa vào tra tấn và ép cung, và điều này dẫn đến nhiều oan sai trong xét xử. Trong trường hợp này, thảm kịch càng trở nên trầm trọng hơn khi Việt Nam sử dụng hình phạt tử hình, một hình phạt tàn nhẫn, bất thường và hoàn toàn không thể đảo ngược, vi phạm trắng trợn luật nhân quyền quốc tế.”

Ngoài vụ Nguyễn Văn Chưởng, dư luận trong nước và quốc tế cũng thường xuyên lên tiếng về vụ án oan đối với Hồ Duy Hải, đặc biệt khi mẹ của Hồ Duy Hải đã ra tận Hà Nội kêu oan cho con mình ròng rã hàng chục năm qua, nhưng vẫn chưa có hồi đáp.

Nói về những án oan ở Việt Nam cũng như nhận định về hệ thống tư pháp của Việt Nam, Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ Đức quốc hôm 16/10, nói với RFA:

“Ở Việt Nam, hệ thống từ cơ quan điều tra, cơ quan truy tố, cho đến cơ quan xét xử… thì hoàn toàn không có độc lập trong quá trình tiến hành tố tụng. Cho nên án oan ở Việt Nam xảy ra thường xuyên ở hầu hết các địa phương của Việt Nam. Chúng ta đã biết một số các vụ án oan người bị án tử hình, hay những vụ khiếu nại giám đốc thẩm, thì ở Việt Nam hằng năm có đến hàng chục ngàn trường hợp. Bởi vì khi họ khiếu nại giám đốc thẩm, tức là họ cho rằng họ bị oan thì họ mới khiếu nại lên đó sau khi kết thúc sơ thẩm và phúc thẩm.”

Theo Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài, trên thực tế, hầu như các vụ án như khiếu nại lên giám đốc thẩm, thì ngành tư pháp Việt Nam giải quyết không chu đáo. Ông cho rằng, thường cơ quan tòa án cấp trên bảo vệ cho thẩm phán, cũng như cơ quan tòa án cấp dưới, do đó thường thì phiên Giám đốc thẩm sẽ giữ nguyên bản án sơ thẩm và phúc thẩm.

Related posts