Theo truyền thông nhà nước, tính đến chiều 28 tháng 12 có 9/19 trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM ngưng hoạt động; 43 lãnh đạo, cán bộ tại các trung tâm đăng kiểm ở phía Nam bị khởi tố do sai phạm. Nhiều trung tâm đăng kiểm ngưng nhận hồ sơ vì quá tải; nhiều chủ xe chờ xếp hàng gần 24 giờ đồng hồ vẫn bị từ chối đăng kiểm và hẹn lại vào 10 ngày sau.
Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu các đơn vị đăng kiểm bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu kiểm định xe của người dân trong dịp Tết dương lịch. Trong quá trình đăng kiểm phải bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường, đúng quy trình và tiêu chuẩn mà Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải yêu cầu. Những xe hư hỏng không gây mất an toàn trong giao thông vẫn được cấp chứng nhận đăng kiểm. Thực tế ra sao?
Bà Hồng Lan, Phó giám đốc kinh doanh một công ty hóa chất, mới mua xe cho biết:
“Xe mới nhưng phải đi từ 6 giờ sáng lấy số, đến cuối ngày mới xong vì đông quá. Mất nguyên một ngày. Trước đây chỉ mất nửa ngày. Lỗi này đâu phải của dân. Các ông phải linh động cho xe mới trong tình hình hiện nay chứ. Không thể cứ máy móc vì sợ trách nhiệm như thế.”
Ông Minh Đức, chủ một doanh nghiệp vận tải nhỏ ở TP.HCM, nói với RFA sáng 29 tháng 12:
“Từ hôm qua đến nay nó hành tôi ‘lên bờ xuống ruộng’ chỉ vì một cái lỗi rất nhỏ. Đó là cái thắng tay trên xe tôi nó ăn không đều. Một bên ăn nhiều, một bên ăn ít. Mà cái thắng tay xe hơi mục đích của nó là giữ xe khỏi bị trôi khi đậu lên dốc, xuống dốc chứ không phải dùng để thắng trong quá trình xe vận hành.
Bất kể một cái lỗi rất rất nhỏ nào họ cũng bắt. Thậm chí cái đèn LED người ta trang trí thêm ở bên ngoài cho đẹp, không ảnh hưởng gì đến an toàn giao thông hay ô nhiễm môi trường nó cũng bắt người ta gỡ ra. Nói chung nó khó từng ly từng tý, từng chân tơ kẽ tóc.”
Một số người cho rằng, sở dĩ bây giờ họ kiểm định khó như vậy vì ‘ăn không được thì phá cho hôi’ hoặc cố tình làm khó như thế cho ra vẻ ‘đúng quy trình’ nhằm đối phó.
Bất kể một cái lỗi rất rất nhỏ nào họ cũng bắt. Thậm chí cái đèn LED người ta trang trí thêm ở bên ngoài cho đẹp, không ảnh hưởng gì đến an toàn giao thông hay ô nhiễm môi trường nó cũng bắt người ta gỡ ra. Nói chung nó khó từng ly từng tý, từng chân tơ kẽ tóc. – Ông Minh Đức
TP.HCM có tổng số 19 đơn vị đăng kiểm và chi nhánh với 49 dây chuyền phục vụ nhu cầu kiểm định cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, 9 trung tâm của doanh nghiệp, 3 trung tâm thuộc Sở GTVT và 7 trung tâm thuộc Cục Đăng kiểm. Do bị phát hiện vi phạm, hiện nay có 9/19 trung tâm và chi nhánh với 20/49 dây chuyền phải tạm dừng hoạt động.
Từ đầu năm 2020, báo Pháp Luật đã có bài viết “Đăng kiểm làm tiền ở hai trung tâm TP.HCM”. Theo đó, chuyện xe không đủ điều kiện kỹ thuật vẫn được cấp giấy chứng nhận kiểm định xảy ra như cơm bữa, miễn là chủ xe, tài xế chịu chung chi.
Anh Tài, một người chở hàng thuê ở TP.HCM cho biết quy trình để qua cửa đăng kiểm, trước đây:
“Xe mới thì nó cho một năm, còn xe cũ thì sáu tháng phải đi đăng kiểm một lần. Nhưng khi đi đăng kiểm thì phải cho nó một vài trăm uống cà phê thì nó dễ hơn. Xe có lỗi hay không mà cho tiền nó thì nó cho qua luôn, cho qua hết, còn không cho tiền thì nó bắt mấy lỗi nhỏ, đem đi sửa rồi vô đăng kiểm trở lại nữa.
Vô chỗ đăng kiểm thì xếp hàng rồi nó để phiếu thứ tự lên kiếng chỗ cần gạt nước. Vô tới chỗ đăng kiểm thì mình xuống xe, bỏ tiền ‘cà phê’ lên chỗ cần thắng tay. Tự tụi nó sẽ biết rồi lấy. Có tiền thì nếu xe có gì nó cũng cho qua, còn không thì chút xíu gì nó cũng báo lỗi.”
Một số tài xế mà RFA trò chuyện đều cho biết, chuyện chung chi là chuyện ai cũng phải biết khi đi đăng kiểm xe. Bất cứ đăng kiểm viên nào cũng phải vô xe để kiểm tra thắng, nên tài xế cứ để tiền đút lót trong xe. Nếu không để tiền thì xe chắc chắn không qua kiểm định. Điều này từng được báo chí và người dân phản ánh bấy lâu nay. Vấn đề hiện nay là Nhà nước phải có giải pháp cho tình hình ùn tắc tại các trạm đăng kiểm. Không thể đẩy khó khăn về phía người dân.
Blogger Nguyễn Huy Cường viết trên facebook cá nhân đề nghị của ông:
“Hiện nhiều trạm đăng kiểm xe cơ giới tại TP HCM bị đình chỉ hoạt động 03 tháng… Những xe ô tô trước đây đã từng đăng kiểm tại những trạm này, thể hiện trên sổ đăng kiểm cũ được phép chậm đăng kiểm 03 tháng mà không phải chịu trách nhiệm gì”.
Trả lời về việc xe quá hạn đăng kiểm do trung tâm đăng kiểm quá tải thì có bị xử phạt không? Báo Tuổi Trẻ dẫn lời thượng tá Nguyễn Văn Bình, phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt (PC08) Công an TP.HCM hôm 27 tháng 12 rằng: “Xe lưu thông trên đường phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và được cơ quan kiểm định cấp giấy chứng nhận đạt yêu cầu, an toàn kỹ thuật mới được tham gia lưu thông. Nếu cán bộ, chiến sĩ phát hiện xe vi phạm quá hạn đăng kiểm thì sẽ xử phạt theo đúng quy định của pháp luật tại Nghị định 100.”
Nghị định 100/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nghị định 100 được chính phủ ban hành hôm 30 tháng 12 năm 2019, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2020. Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông thuộc Bộ Công an, trong hai ngày đầu tiên thực hiện nghị định mới này, lực lượng Cảnh sát giao thông cả nước đã phát hiện và xử lý 615 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 816 triệu đồng.
Vô chỗ đăng kiểm thì xếp hàng rồi nó để phiếu thứ tự lên kiếng chỗ cần gạt nước. Vô tới chỗ đăng kiểm thì mình xuống xe, bỏ tiền ‘cà phê’ lên chỗ cần thắng tay. Tự tụi nó sẽ biết rồi lấy. Có tiền thì nếu xe có gì nó cũng cho qua, còn không thì chút xíu gì nó cũng báo lỗi. – Anh Tài
Ông Minh Đức nêu quan điểm của ông về phát biểu của thượng tá Nguyễn Văn Bình với truyền thông Nhà nước:
“Tôi cũng đồng ý với cái cách làm đó. Có nghĩa là xe hết hạn đăng kiểm thì phải đi kiểm tra lại định kỳ xem có đạt tiêu chuẩn về môi trường và an toàn kĩ thuật trên đường khi giao thông hay không. Cái đó là đúng. Thế nhưng, vấn đề đặt ra ở đây là anh bắt hàng loạt trung tâm đăng kiểm ngưng hoạt động thì phải có cách nào để giải tỏa tình trạng ùn ứ hiện nay. Đừng gây khó dễ cho dân, đừng làm mất thời gian của dân.
Đến nay đã có 9/19 trạm ngưng hoạt động. Theo cá nhân tôi, hư hỏng là hư hỏng con người; tiêu cực là tiêu cực con người chứ không phải do thiết bị kiểm định. Do đó, nên mở cửa lại các trạm kiểm định và điều thêm nhân viên từ các tỉnh khác không bị sai phạm về làm việc để giải quyết ùn tắc.”
Liên quan đến việc 43 lãnh đạo, cán bộ tại các trung tâm đăng kiểm ở phía Nam bị khởi tố, ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam cho truyền thông Nhà nước hay: “Đây là hoạt động cần thiết của cơ quan chức năng, giúp hoạt động đăng kiểm đi vào nề nếp”.
Trong khi đó, một số tài xế mà RFA trao đổi lại cho rằng, bây giờ rộ lên xử lý như một chiến dịch, rồi mọi chuyện lại trở về như cũ, như chiến dịch dọn dẹp lòng lề đường năm nào mà thôi.