Nguy cơ bị trở thành nạn nhân buôn người của những thành viên các cộng đồng vốn dễ bị tổn thương nhất trong xã hội Việt Nam gia tăng vào khi đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế khu vực và kế sinh nhai của người dân.
Báo cáo về tình trạng buôn người thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố vào tháng đầu 7/2021 ghi nhận “đại dịch COVID-19 là một khủng hoảng y tế với những hậu quả chưa từng có cho nhân quyền, phát triển kinh tế toàn cầu, kể cả nạn buôn người. Đại dịch đã tạo ra các điều kiện làm tăng số người dễ bị tổn thương và dễ bị buôn bán, đồng thời làm gián đoạn các hoạt động can thiệp chống buôn người hiện có và đã lên kế hoạch”.
Tại Việt Nam, theo dữ liệu của Bộ Ngoại giao và Bộ Công An, năm 2020 có 136 người trong 84 trường hợp bị kết tội buôn người. Trong đó, 71 trường hợp, tức 84% là những vụ bóc lột tình dục.
Số lượng phụ nữ và trẻ em bị cưỡng bán qua Trung Quốc lao động, làm nô lệ tình dục hoặc làm dâu người Hoa vẫn tiếp diễn và Việt Nam vừa là nơi cung ứng nguồn cung cũng như chặng quá cảnh cho nước láng giềng phía Bắc.
Cô Mimi Vũ, một Việt Kiều từng làm việc trong lĩnh vực buôn người suốt 15 năm qua tại Việt Nam, cho biết, bất chấp những biện pháp đóng cửa biên giới để ngăn chặn dịch COVID-19 của chính quyền, việc ngăn chặn đường dây buôn người tại đây là một điều hầu như không thể. Cô giải thích:
“Chắc chắn Chính phủ Việt Nam đã tăng cường tuần tra biên giới. Nhưng nếu bạn đã từng đến biên giới Việt-Trung thì bạn cũng biết rất khó để tuần tra vì núi rừng, sông, suối nên dù bạn có lực lượng tuần tra biên giới lớn nhất thế giới thì vẫn cực kỳ khó kiểm soát các điểm đầu vào. Đó là một biên giới rất dài và rất khó tuần tra. Chính quyền Việt Nam đang cố gắng hết sức, không chỉ để ngăn chặn việc buôn lậu và buôn người mà còn để ngăn chặn các biến thể mới của COVID qua biên giới”.
Hồi đầu tháng bảy vừa qua, Rồng Xanh- một tổ chức cứu hộ trẻ em có trụ sở tại Hà Nội – công bố báo cáo cho thấy trong số 199 nạn nhân mà tổ chức này đã giúp giải cứu từ nạn buôn người, hơn 60% là người dân tộc thiểu số bao gồm người H’mong, Thái và Khơ Mú. Cô Mimi cho biết trong nhiều năm làm việc chống nạn buôn người ở các vùng biên giới giáp Trung Quốc, cô ghi nhận nhiều nạn nhân xuất thân từ cộng đồng dân tộc thiểu số. Cô cho biết nguyên nhân:
“Những khu vực này có cộng đồng dân tộc thiểu số lớn như H’mong, Dao đỏ, Tày, trải dài trên biên giới hai bên. Ngoài vị trí địa lý của họ, bất bình đẳng giới cũng tồn tại trong các nhóm dân tộc thiểu số này, vốn đã chịu nhiều thiệt thòi hơn so với dân tộc Kinh về trình độ học vấn, vị thế kinh tế và khả năng tiếp cận các cơ hội. Điều đó có nghĩa là phụ nữ và trẻ em gái người dân tộc sẽ dễ bị tổn thương bởi nạn buôn người để đáp ứng nhu cầu về phụ nữ trong độ tuổi kết hôn của Trung Quốc.”
Theo những chuyên gia về nạn buôn người, có một số yếu tố chính đưa đến nguy cơ một cá nhân bị rơi vào vòng xoáy buôn người: Trình độ học vấn, vị thế kinh tế, giới tính và biện pháp kiểm soát biên giới. Những phụ nữ và trẻ em gái ở miền Bắc Việt Nam phụ thuộc vào các thành phần có nguy cơ cao trong tất cả những yếu tố đó nên nguy cơ bị mua bán cao.
Cô PhươngThảo Lê, một nhà nghiên cứu khoa học tại Đại học New York, Trường Y tế Công cộng, đã thực hiện khảo sát về tình trạng sức khỏe và tâm lý của những nạn nhân buôn người được giải cứu và đưa trở về lại Việt Nam trong những năm qua.
Cô cho biết, phụ nữ bị cưỡng chế làm dâu người Trung Quốc tuy trong một số trường hợp được gia đình chồng đón nhận tử tế, nhưng họ phải đổi đầu với những thách thức khác hẳn với phụ nữ bị bán vào đường mại dâm khiến việc giải cứu họ cực kỳ khó khăn hơn.
“Một trong những điểm khác biệt lớn nhất mà tôi thấy là nếu một thiếu nữ bị bán vào ngành mại dâm ở những khu phố đèn đỏ, điều đó thường có nghĩa là họ ở gần biên giới, và gần với các nạn nhân khác. Rõ ràng cả hai dạng nạn nhân đều bị lạm dụng tình dục và lạm dụng thể chất rất nhiều, nhưng tại thời điểm tôi thực hiện nghiên cứu (năm 2015), nạn buôn bán tình dục được chú ý nhiều. Vì vậy, những nạn nhân dạng bị cưỡng bức này có cơ hội được giải cứu, được trao trả hoặc trốn thoát, trở lại Việt Nam cao hơn. Trong khi đó, đối với những phụ nữ gọi là “được” (trong ngoặc kép) chọn làm vợ bán cho những gia đình Trung Quốc thì cơ hội trốn thoát và được giải cứu của họ thực sự giảm đi đáng kể”.
Nhà nghiên cứu khoa học Phương Thảo cho biết, trong những năm gần đây, chuyên gia về tệ nạn buôn người cũng đã bắt đầu nhận thấy một phần lớn của nạn buôn người là thành phần lao động qua nước ngoài. Cô nhận định:
“Trong những năm gần đây nhất, lĩnh vực buôn người đã chuyển từ tập trung vào lãnh vực mại dâm sang những hình thức buôn người khác, trong đó có buôn bán lao động. Và tôi nghĩ rằng đặc biệt ở Việt Nam với xu hướng di cư lao động, có những hợp đồng lao động được Chính phủ tạo điều kiện, đã xảy ra tình trạng lạm dụng. Vì vậy, tôi cho rằng con số trường hợp buôn người lao động và lạm dụng lao động Việt Nam trong khu vực và trên toàn cầu thực sự bị bỏ qua”.
Báo cáo về tình trạng buôn người mới nhất của Hoa Kỳ có nhận định rằng chính phủ Hà Nội chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn tối thiểu về xoá bỏ tình trạng buôn người dù đã có những nỗ lực đáng kể như tập trung truy tố kẻ buôn người.
Số trường hợp buôn người bị phát hiện và số người bị kết tội tại Việt Nam đã sụt giảm trong bốn năm liên tiếp, theo thống kê của Hà Nội. Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tình trạng buôn người ghi nhận vì Hà Nội đã dồn nguồn lực vào việc xây dựng một kế hoạch chống nạn buôn người bằng văn bản chuẩn mực nên Việt Nam đã được miễn trừ, không bị xếp vào cấp độ 3 (tier 3), tức hạng tồi tệ nhất dành cho các chính quyền bị đánh giá “không tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu và không có những nỗ lực đáng kể” chống nạn buôn người. Trong báo cáo năm 2021, Hoa Kỳ xếp Việt Nam ở cấp độ 2 danh sách các quốc gia “cần phải theo dõi về buôn người.”