Nền chính trị cung đình sẽ ra sao nếu ông Nguyễn Xuân Phúc bị xử lý?

Đang có nhiều đồn đoán về việc cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, có thể sẽ không còn trong vòng bất khả xâm phạm, như các “tứ trụ” đã hạ cánh an toàn trước đây.

Vì sao báo chí nhà nước công khai?

Truyền thông Nhà nước vào ngày 2/11 đã đăng tải thông tin ông Mai Tiến Dũng, cựu Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, khai rằng ông được cấp trên giao chỉ thị giải quyết các đơn thư của công ty Sài Gòn Đại Ninh trong vụ án sai phạm về đất đai ở tỉnh Lâm Đồng.

Trong giai đoạn xảy ra vụ án, cấp trên cao nhất của ông Dũng chính là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

“Đây là lần đầu tiên báo chí trong nước công khai việc ông Mai Tiến Dũng – Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ không làm đơn phương một mình, mà có nhận chỉ đạo của cấp trên. Mà cấp trên là ông Nguyễn Xuân Phúc – Thủ tướng thời kỳ đó. Công nhận đây là mặt tiến bộ về sự minh bạch, lần đầu tiên công khai.”– Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn từ Hà Nội nhận định với RFA.

Đây là lần đầu tiên báo chí trong nước công khai việc ông Mai Tiến Dũng – Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ không làm đơn phương một mình, mà có nhận chỉ đạo của cấp trên.
-Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn

Việc công khai thông tin về sự dính líu của quan chức cấp cao thuộc hàng “tứ trụ” tới một vụ án cụ thể, dù theo một cách gián tiếp, rõ ràng có tính hệ trọng. Và minh bạch hóa thông tin không phải là mục đích chính của động thái này.

 Phía công an, cơ quan điều tra đang củng cố bổ sung chứng cứ, để có thể đi đến một bước tiếp theo mạnh tay hơn, là khởi tố, truy tố, bắt giam ông Nguyễn Xuân Phúc.”– Ông Toàn nói thêm.

Ông Mai Tiến Dũng còn khai thêm với cơ quan điều tra và được báo nhà nước đăng tải, về mối quan hệ giữa Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh – Nguyễn Cao Trí với lãnh đạo Chính phủ khi đó, khiến bản thân không còn cách nào khác nên phải ký phê duyệt.

—————

Cựu Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khai được “cấp trên” giao chỉ thị trong vụ Sài Gòn Đại Ninh

Tâm điểm Nguyễn Xuân Phúc

Truy tố cựu Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, cựu bí thư Lâm Đồng, cựu bí thư Thanh Hoá

—————

000_36KF3J9(1).jpg
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm tại Quốc hội ở Hà Nội vào ngày 21 tháng 10 năm 2024. AFP.

Ông Tô Lâm có tất tay với ông Phúc?

Ông Nguyễn Xuân Phúc sau khi giữ chức Thủ tướng được một nhiệm kỳ đã chuyển sang ghế Chủ tịch nước, và cuối cùng, bị buộc phải rời khỏi chiếc ghế này vì liên quan đến nhiều sai phạm, mà nhiều đồn đoán cho rằng chủ yếu là do vợ ông dính đến vụ án Việt Á.

Thế nhưng, ông Phúc cũng chỉ bị mất chức, chứ không bị truy tố. Điều này có nghĩa “tứ trụ” vẫn là vùng cấm, luật pháp không được động tới.

Tuy nhiên, đó là thông lệ dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong khi ông Tô Lâm mới là đương kim Tổng Bí thư.

“Tôi hoàn toàn nghĩ ông Tô Lâm sẽ đem ông Nguyễn Xuân Phúc ra, để mà dằn mặt tất cả những thế lực khác ở trong Đảng. Tức ông ấy thể hiện rằng, ông ấy sẽ không không ngừng tay nếu ai cản trở tiến trình mà ông ấy gọi là kỷ nguyên vườn mình của đất nước. Đó là điều ông đã nhấn mạnh trong bài diễn văn hôm 24/10, tức điểm nghẽn là thể chế. Vì vậy ông ấy cần có sự ra tay rất mạnh mẽ, và ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ là nhân vật đầu tiên phải trả giá đó.”- Luật sư Vũ Đức Khanh, một nhà quan sát chính trị Việt Nam, nhận định với RFA từ Canada.

Tôi hoàn toàn nghĩ ông Tô Lâm sẽ đem ông Nguyễn Xuân Phúc ra, để mà dằn mặt tất cả những thế lực khác ở trong đảng.
-Luật sư Vũ Đức Khanh

Mới đây nhất, vị tân Tổng Bí thư quê Hưng Yên đã tổ chức cuộc gặp mặt với các nguyên lãnh đạo Đảng tại số 1 Hùng Vương. Các cựu thành viên “tứ trụ” góp mặt bao gồm cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, các cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Nguyễn Minh Triết, và cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Nhưng điều đáng chú ý hơn cả là sự vắng mặt của các cựu thành viên “tứ trụ” của khóa 13, trong đó có Nguyễn Xuân Phúc, đây là những người bị bật bãi khỏi bộ tứ quyền lực trong thời gian gần đây, trực tiếp mở đường cho sự lên ngôi của ông Tô Lâm.

Bắt ông Nguyễn Xuân Phúc có ảnh hưởng chế độ?

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần nói chống tham nhũng đòi hỏi khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Tư duy đó được đúc kết qua câu nói kinh điển của ông mà nhiều người hẳn vẫn còn nhớ ‘Diệt chuột đừng để vỡ bình’.

Chính nhờ tư duy “giữ bình” đó mà các quan chức cấp cao được cho phép “thôi chức” về hưu, thay vì bị trừng trị bởi pháp luật.

“Ở các nước người ta còn bắt đến cả thủ tướng, bắt cả tổng thống là chuyện rất bình thường. Chứ không thể làm theo tư duy cũ của ông Nguyễn Phú Trọng, đó là miệng thì nói không có vùng cấm trong đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực, nhưng thực tế đã vạch ra những vùng cấm để bảo vệ những quan chức phe cánh của mình. – Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn chỉ trích đường lối của ông Trọng khi trả lời phỏng vấn của RFA.

Với trường hợp ông Nguyễn Xuân Phúc, cứ mạnh tay mà làm, không thể có chuyện hệ thống chính trị này đổ vỡ, đổ ‘bình quý’ như ông Trọng căn dặn.” – Ông Toàn nói thêm.

Nhận chức Tổng bí thư vào tháng 8 năm nay, ông Tô Lâm được đánh giá là vẫn đang trong quá trình củng cố quyền lực, khẳng định vai trò đảng trưởng của mình.

Nếu giờ đây ông Tô Lâm dám phá vùng cấm mà ông Trọng đặt ra trước đó về việc các thành viên “tứ trụ” không thể bị truy tố, đây có thể là minh chứng hùng hồn nhất chứng tỏ, ông đã vượt qua khỏi cái bóng của ông Nguyễn Phú Trọng.

Dù bắt ông Phúc là một thách thức, nhưng Tổng Bí thư Tô Lâm có lợi thế là gần như đang nắm trong tay Bộ Công an, khi Bộ trưởng Lương Tam Quang, được cho là người thừa hành theo mệnh lệnh của ông Tô Lâm.

Luật sư Vũ Đức Khanh, một luật sư ở Canada chuyên theo dõi tình hình chính trị Việt Nam, nhận định thêm:

“Từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh giành quyền lực tối cao ở Việt Nam, khởi sự từ vụ ông Võ Văn Thưởng hồi tháng ba, thì hầu như ông Tô Lâm không chùn bước bất cứ một vấn đề nào.”

Related posts