“Nếu lãnh đạo cộng sản thực sự có đức, có tài, Việt Nam đã phú cường từ lâu” – TS Nguyễn Huy Vũ

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam – Nguyễn Phú Trọng tại buổi gặp mặt các cơ quan Trung ương hôm 7/2/2024 yêu cầu làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIV nhiệm kỳ 2026 – 2031.

Yêu cầu của ông Tổng Bí thư không gây ngạc nhiên khi chỉ trong năm 2023, đã có 19 cán bộ đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật.

Mới nhất là trường hợp ông Trần Tuấn Anh- Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cựu Bộ trưởng Công thương và Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường bị Bộ Chính trị kỷ luật và đồng ý cho thôi các chức vụ đang công tác.

Bởi vì đây là vấn đề đấu đá, tranh giành, dàn xếp giữa các vùng miền với nhau, rồi giữa những nhóm lợi ích… Cho nên ông ấy không có toàn quyền quyết định về nhân sự.
-Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài

Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ Đức quốc hôm 9/2/2024 nhận định với RFA:

“Đây không phải lần đầu tiên ông Nguyễn Phú Trọng nói về quy hoạch Ban chấp hành Trung ương đảng, Ban Bí thư hay Bộ Chính trị, ngay từ khi nhiệm kỳ trước đại hội lần thứ 12, ông đã đề cập như vậy. Trước đại hội 13 lại đề cập như vậy… Nhưng cuối cùng như chúng ta thấy, mỗi một nhiệm kỳ dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng đều có cả hàng chục Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ chính trị bị vi phạm pháp luật đến mức kỷ luật, hoặc nặng hơn thì bị xử lý về vấn đề hình sự.”

Theo Luật sư Đài, trong chế độ cộng sản, bản thân ông Tổng Bí thư mặc dù trên danh nghĩa là người có quyền lớn nhất, nhưng ở trong một số lĩnh vực, còn trong vấn để sắp xếp nhân sự thì bản thân ông Trọng không thể nào quán xuyến tất cả mọi thứ. Ông Đài giải thích:

“Bởi vì đây là vấn đề đấu đá, tranh giành, dàn xếp giữa các vùng miền với nhau, rồi giữa những nhóm lợi ích… Cho nên ông ấy không có toàn quyền quyết định về nhân sự. Thậm chí những người được ông Trọng chọn thì cũng chưa hẳn ông biết rõ về những con người đấy.”

Ông Đài cho biết thêm, ở các nước dân chủ thì cử tri là người giám sát một cách chặt chẽ các ứng cử viên, họ đánh giá ứng cử viên một cách rõ nhất… So sánh với Việt Nam, ông Đài nói:

“Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ dựa trên một số người như ông Tổng bí thư là Trưởng ban nhân sự, Trưởng ban Tổ chức Trung ương và một số Ban Nội chính… Cho nên xem xét nhân sự thì chắc chắn không thể nào khách quan để đảm bảo chọn đúng người tài năng, có đạo đức nhất để lãnh đạo trong đảng cũng như xã hội. Vì những người họ chọn là những người đã trải qua một quá trình tha hóa biến chất từ dưới lên trên. Ông Trọng không có sự lựa chọn nào khác, ông Trọng chỉ có thể chọn người này đỡ hơn một chút, người kia đỡ hơn một chút, nhưng tất cả đều giống nhau cả.”.

Những năm trước đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần đưa ra yêu cầu làm tốt công tác quy hoạch cán bộ cấp cao… Tuy nhiên những năm trước đây đơn cử như từ đầu nhiệm kỳ XIII đến ngày 18/11/2022, có đến 67 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị kỷ luật với các mức từ khiển trách đến khai trừ Đảng.

Trong đó gây chú ý là trường hợp ông Nguyễn Thanh Long – cựu bộ trưởng Bộ Y tế và ông Chu Ngọc Anh – cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội, cựu bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ, bị khai trừ Đảng. Và ông Nguyễn Thành Phong – phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên chủ tịch UBND TP.HCM, ông Huỳnh Tấn Việt – bí thư Đảng ủy khối các cơ quan trung ương, nguyên bí thư Tỉnh ủy Phú Yên – bị kỷ luật cảnh cáo.

dcedee6c-84d3-40f8-b306-1958eb58600f.jpeg
Ông Trần Tuấn Anh p hát biểu tại một họp báo sau cuộc gặp TPP bên lề Thượng đỉnh APEC ở Hà Nội hôm 21/3/2017 (minh họa). AFP.

Cựu Trung tá Vũ Minh Trí từ Hà Nội hôm 9/2/2024 khi nói với RFA cho rằng đa phần những trường hợp bị kỷ luật là do tham nhũng:

“Như vấn đề tham nhũng tôi từng nêu, về mặt định lượng thì sự tham nhũng ngày càng lớn hơn, mức độ càng ngày càng trầm trọng hơn… Trước là 1 tỷ chẳng hạn, bây giờ sau 10 năm nó lên hai ba chục tỷ, có những vụ 5 triệu đô… Nó cho thấy một thực trạng rất rõ ràng là phẩm chất chính trị, đạo đức của cán bộ đảng viên đảng CSVN càng ngày càng suy giảm và đây là xu thế tôi nghĩ không thể nào vãn hồi được. Vì quy hoạch hay lựa chọn cán bộ đều từ cái đống đấy mà ra.”

Cho nên theo ông Trí, dù có quy hoạch hay có lựa chọn kiểu gì, thì nhân sự đảng cũng vẫn là càng ngày càng kém đi và không thể hy vọng gì được. Ông Trí nêu ý kiến:

“Tôi nghĩ suy cho cùng là vẫn phải có tự do dân chủ, tự do bầu cử, đề cử, dân chủ trong các mặt hoạt động của xã hội cũng như của tổ chức chính quyền. Như đã thấy rất rõ, trong xã hội không có dân chủ, không có tự do… thì trong đảng cũng phản ánh bức tranh như vậy. Ví dụ như việc bản thân Trọng làm đến nhiệm kỳ thứ ba là đã không tuân thủ quy định của điều lệ đảng. Hay ví dụ như trước kia, các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy đều do đại hội bầu lên, còn bây giờ chủ yếu Bí thư ở các tỉnh thành do ở trên bổ nhiệm về.”

Việc này theo ông Trí đã phản ánh một tình trạng là uy tín của đảng không thể tốt vì một Bí thư Tỉnh ủy lại không phải do các đảng viên trong tỉnh bầu lên. Ông Trí cho rằng, nếu mà vẫn cứ duy trì như hiện nay, thì cũng không có tương lai nào cho việc thay đổi hoặc tiến bộ hơn về mặt thể chế.

Như đã thấy rất rõ, trong xã hội không có dân chủ, không có tự do… thì trong đảng cũng phản ánh bức tranh như vậy.
Cựu Trung tá Vũ Minh Trí

Còn Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ ở Na Uy, khi trả lời RFA hôm 9/2 thì cho rằng, Đảng trưởng luôn muốn đảng của mình ngày một tốt hơn là một nhu cầu hợp lý. Theo ông Vũ, nếu Đảng Cộng sản có nhiều lãnh đạo có đức, có tài thì đó quả thật là hồng phúc cho dân tộc, và Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một quốc gia phú cường từ rất lâu. Thực tế theo ông Vũ, đã chứng minh ngược lại. Đảng Cộng sản đã đưa Việt Nam đi từ thất bại này đến khủng hoảng khác và hậu quả là khoảng cách về mức sống trung bình giữa người dân Việt Nam và các nước phát triển trong khu vực vẫn còn ở mức rất xa. Tiến sĩ Vũ cho biết tiếp:

“Các chính sách đánh đổ công thương nghiệp, quốc hữu hoá, hợp tác xã, ngăn sông cấm chợ, kinh tế tập trung sau năm 1975 cho đến chính sách phát triển các tập đoàn, chính sách lấy doanh nghiệp nhà nước làm chủ đạo, và gần đây là chính sách xử lý đại dịch COVID đã cho thấy những thất bại đến từ tư duy quản lý kinh tế và xã hội duy ý chí và thiếu năng lực của giới lãnh đạo. Điều đó góp phần củng cố nhận định rằng đảng Cộng sản đã thất bại hoàn toàn trong công tác nhân sự của mình.”

Cán bộ cần qua thực tiễn để chứng tỏ năng lực và sau đó cán bộ có năng lực cần được cất nhắc, xiển dương, và tưởng thưởng để thúc đẩy tinh thần phụng sự vì quốc gia. Có như vậy theo ông Vũ, một đảng chính trị mới khuyến khích và lựa chọn được người giỏi lên lãnh đạo. Ông Vũ dẫn chứng thực tế:

“Thực tế cho thấy Đảng Cộng sản cất nhắc người không phải vì năng lực mà vì lòng trung thành với Đảng Cộng sản, với lý tưởng cách mạng và chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong suốt một thời gian dài, người ta đánh giá “hồng” hơn “chuyên”, trung thành tốt hơn năng lực, vì giới lãnh đạo đảng Cộng sản sợ “đi chệch hướng”, sợ cái gọi là “diễn biến hoà bình”, đi khỏi đường lối “xã hội chủ nghĩa”. Vì những lý do này, những người được cất nhắc lên lãnh đạo đa phần không có năng lực chuyên môn để quản trị quốc gia hay khả năng đưa ra chính sách.”

Một vấn đề thứ hai khiến đảng Cộng sản không thể tự sửa mình theo ông Vũ, đó là xã hội không có phản biện. Khi không có phản biện, giới lãnh đạo đảng Cộng sản không biết liệu một chính sách là đúng hay không. Chỉ khi nào áp dụng một chính sách và nó đem lại một sự tàn phá xã hội thì lúc đó đảng Cộng sản mới “rút kinh nghiệm”. Vô số chính sách sai lầm như vậy đã diễn ra từ cải cách ruộng đất cho tới chính sách Covid gần đây. Ông Vũ nhận định thêm:

“Hơn nữa, khi không có phản biện, vạch ra những cái sai hay cái đúng của chính sách, giới lãnh đạo đảng Cộng sản cũng không thể biết được ở cấp dưới những ai thực sự có năng lực và những ai không có năng lực. Một xã hội mà mọi người ngậm miệng vì sợ trấn áp, cuối cùng nó sẽ làm đảng Cộng sản tự thối hoá và mục rữa.”

Khi giới lãnh đạo ở cấp cao không biết ở bên dưới những ai có năng lực thực sự, thì theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, hệ thống tiến cử cuối cùng sẽ chạy dựa theo đồng tiền và quan hệ, những ai trả tiền nhiều để vận động cho chiếc ghế của mình và có quan hệ tốt sẽ nhảy dần lên nấc thang quyền lực. Ông Vũ cho rằng, hậu quả là nó làm cho chính đảng Cộng sản mục ruỗng từ bên trong, tới các quan chức cao nhất cả trong Bộ Chính trị.

Related posts