Một người dân ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An kháng cự lại đoàn cưỡng chế của chính quyền khi người này bị ép đi chữa trị COVID-19 tập trung tại bệnh viện.
Sự việc xảy ra sáng ngày 13 tháng 2, người liên quan trực tiếp là ông Trần Xuân Quang, 62 tuổi, ngụ tại phường Hưng Phúc, thành phố Vinh.
Trong video được ông Quang đăng tải lên trang Facebook cá nhân cho thấy ông này tranh luận gay gắt với đoàn cưỡng chế của chính quyền, và nhất quyết không chịu đi chữa trị tập trung.
Phóng viên của Đài Á châu Tự do hôm 14 tháng 2 phỏng vấn người này để tìm hiểu thêm về sự việc, ông nói:
“Khi tôi có kết quả dương tính thì tôi lên báo cáo với trạm xá của phường, lên báo cáo họ nghe xong thì họ bảo bác cứ viết tờ khai rồi để vào đấy, tôi cứ nghĩ là mình khai xong rồi thì mình về và họ cũng bảo bác về. Đêm hôm ấy thì cháu tôi nó sốt, lên cao quá thì tôi gọi điện cho bà trạm trưởng thì bà ấy không trả lời.
Rồi sáng hôm qua thì bà trạm trưởng mới gọi cho tôi bảo rằng thành phần của bác theo quy định là phải đưa đi chữa bệnh tập trung. Tôi bảo chị dựa theo quy chế nào để đưa người bệnh đi chữa bệnh tập trung bây giờ, các cô không biết là vừa rồi ở Sài Gòn là cái tình trạng chữa bệnh tập trung là một cái việc làm hết sức cực đoan, làm theo cảm tính cho nên dẫn đến hàng ngàn người phải bỏ mạng.”
Ông Quang – một người hay đăng tải các bài viết bất đồng ý kiến với chính quyền, cho biết ông nhất quyết không chịu đi chữa bệnh tập trung, và còn khẳng định là nếu có quyết định cưỡng chế thì sẽ chấp hành, còn nếu không thì không đi đâu cả. Một vài tiếng đồng hồ sau cuộc nói chuyện này thì đoàn cưỡng chế ập tới nhà ông.
“Khi chính quyền đến thì tôi bức xúc lắm, họ kéo một cái đoàn hai chục người, ba xe ô tô. Tôi đang ở nhà đóng cửa rồi, họ vừa dừng xe chưa kịp nhảy xuống thì đã có người bắc loa lên hô không hợp tác thì (ý của họ là bắc loa lên làm như tội phạm) là sẽ đưa đi cách ly tập trung.
Cách ly tập trung thì anh cũng biết rồi, tình trạng vừa rồi nguy hiểm như thế nào rồi, cho nên là tôi kiên quyết chống lại.”
Cũng theo ông này thì trong lúc đang tranh luận, hai nhân viên dân phòng đã toan xông vào cưỡng chế ông nhưng bị một cán bộ phường ngăn lại.
Tuy không chịu đi chữa bệnh tập trung nhưng ông Quang đóng cửa hàng không buôn bán và đồng ý để nhân viên y tế phường vào nhà tiến hành tẩy trùng.
Ông này cũng cho biết trong quá trình diệt khuẩn thì nhân viên y tế đã gom toàn bộ chăn, chiếu và nệm lại rồi phun thuốc sát khuẩn ướt sũng số đồ dùng này, khiến cho cả nhà ông tối hôm đó không thể ngủ trong thời tiết giá lạnh. Hành động này theo ông là có tính chất trả đũa.
Khi được hỏi liệu gia đình ông có được hỗ trợ gì để tự chữa bệnh tại nhà không, ông Trần Xuân Quang nói:
“Đến tận bây giờ, sáng nay thì mới có một cái hướng dẫn, chứ còn thuốc men thì chẳng có gì, nói thật họ không có cái gì đó để quan tâm người dân cả, kể cả cái hôm mà tôi bị, tôi gọi họ cũng chả có ai quan tâm, còn bây giờ thuốc men cũng chẳng có cái gì.”
Về tình hình sức khoẻ thì người đàn ông này cho biết ông và cháu của mình hiện đã hết sốt, và sẽ tiếp tục việc chữa trị tại nhà. Ông cũng cho biết bản thân chưa tiêm vắc-xin phòng COVID-19.
Phóng viên Đài Á châu Tự do đã nhiều lần gọi điện cho ông Phan Anh Hùng, Chủ tịch phường Hưng Phúc để tìm hiểu sự việc nhưng ông này không bắt máy. Phóng viên sau đó gọi cho bà Nguyễn Thị Bích Hoà, Phó bí thư phường, thì được bà này cho biết là không trả lời qua điện thoại, và nếu muốn tìm hiểu thì đến trụ sở phường làm việc.
Chính quyền Việt Nam nhiều lần thừa nhận, có tình trạng sử dụng biện pháp hành chính cách ly người dân dương tính với vi-rút corona vào các bệnh viện dã chiến ở các tỉnh thành phía Nam trong đợt bùng phát dịch cao điểm năm 2021, nhưng không chữa trị do không có thuốc điều trị và chưa bao phủ vắc-xin.
Việc làm sai lầm này khiến hàng chục ngàn người dân TPHCM và các tỉnh khác không may qua đời mà chưa có cán bộ nào phải chịu trách nhiệm.