Nghị định 126/2024/NĐ-CP là nghị định ngăn cấm lập hội?

Hôm 8 tháng 10 năm 2024, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 126/2024/ND-CP Quy định về Tổ chức, Hoạt động và Quản lý Hội. Đây được cho là một động thái bất ngờ với những nhà hoạt động dân sự trong và ngoài nước, bởi Luật về hội từng nhiều lần không được Quốc hội thông qua.

Cụ thể, sáng ngày 25 tháng 10 năm 2016, tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội Việt Nam, nhiều đại biểu Quốc hội được cho là “nhất trí cao” với việc ban hành Luật về hội. Đây là điều được quy định từ Hiến pháp 1946 đến nay, nhằm thể chế hoá các quy định của Hiến pháp và pháp luật về hội của công dân Việt Nam. Tuy nhiên, phút chót luật này lại không thể thông qua với lý do được đa số đại biểu đưa ra là nhiều nội dung trong dự thảo luật chưa thật phù hợp với thực tiễn của hoạt động hội, thậm chí có quy định còn hạn chế hơn so với pháp luật hiện hành, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập, nặng về yêu cầu quản lý nhà nước.

Nghị định 126/2024 dùng khái niệm “đăng ký” là chính xác, vì nó phù hợp với bản chấp pháp lý của một quyền tự do. Thế nhưng, bên cạnh đó, cũng Nghị định 126 lại quy định về các thủ tục phê duyệt điều lệ Hội, tham khảo ý kiến các ban ngành có liên quan, xem xét, cho phép, ra quyết định… đã phủ nhận hoàn toàn khái niệm “đăng ký”. – Luật sư Đặng Đình Mạnh

Gần hai năm sau, tại hội thảo đóng góp ý kiến cho dự luật diễn ra hôm 1 tháng 3 năm 2018, Luật về Hội lại không thể thông qua với lý do được nói là vẫn có nhiều nội dung không phù hợp.

Tại Hội nghị thứ nhất triển khai luật và nghị quyết của Quốc hội khóa 14 diễn ra hôm 6 tháng 9 năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định 137 nhiệm vụ lập pháp cho nhiệm kỳ quốc hội 2021-2026 không có Luật về hội.

Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu quan điểm của ông về Nghị định 126/2024/ND-CP về phương diện pháp lý:

Nghị định 126/2024 dùng khái niệm “đăng ký” là chính xác, vì nó phù hợp với bản chấp pháp lý của một quyền tự do. Thế nhưng, bên cạnh đó, cũng Nghị định 126 lại quy định về các thủ tục phê duyệt điều lệ Hội, tham khảo ý kiến các ban ngành có liên quan, xem xét, cho phép, ra quyết định… đã phủ nhận hoàn toàn khái niệm “đăng ký”. Mà thực chất, chính là sự “cho phép” trá hình theo cơ chế xin cho, chứ không còn là “đăng ký” như một quyền nữa. Thực tế tại Việt Nam cần có sự phân biệt về 2 phương diện, hiệu lực pháp lý và thực tế thực hiện.

Về phương diện hiệu lực pháp lý: Kể từ thời điểm bản Hiến pháp có hiệu lực pháp lý, thì quy định việc thành lập Hội là một quyền tự do của công dân cũng sẽ có hiệu lực. Theo đó, về nguyên tắc, công dân có quyền thành lập Hội. Việc chế độ chậm ban hành văn bản để thực hiện, đó là trách nhiệm của chế độ. Nó không phải là trách nhiệm của người dân. Chế độ không thể vin vào sự vô trách nhiệm của mình như là cơ sở để phủ nhận quy định của hiến pháp, hoặc phủ nhận quyền tự do của người dân đã có hiệu lực pháp lý được.

Về phương diện thực tế: Trong thực tế thì chế độ Cộng Sản thường xuyên ngăn cản việc người dân thành lập Hội. Họ cho rằng do chưa có văn bản luật pháp quy định về việc lập Hội, cho nên, lập Hội là bất hợp pháp.”

Luật sư Mạnh nêu ví dụ, trong vụ án xét xử các thành viên Hội Nhà báo Độc lập gồm ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn, tòa án nói công khai rằng Hội Nhà báo Độc lập là một tổ chức bất hợp pháp vì không xin phép chính quyền khi thành lập.

—————

Vì sao nhiều dự luật ở Việt Nam “chết yểu”?
Quốc hội trì hoãn luật biểu tình, lập hội: quyền cơ bản của công dân có suy giảm?
Cơ sở pháp lý nào cho việc lập Hội ở Việt nam?
Nhớ Phạm Chí Dũng, tù nhân lương tâm, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập

—————

Nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung thì cho rằng, Nghị định 126 thực chất là nghị định ngăn cản lập hội. Ông phân tích:

Nghị định 126 theo tôi là nghị định ngăn cản lập hội bởi nó đặt ra rất nhiều rào cản. Trong đó, rào cản lớn nhất là muốn lập hội phải được ĐCS và nhà nước cho phép. Nó rất kỳ lạ và không đúng với tự do lập hội với cơ chế xin-cho.

Một điểm buồn cười nữa trong nghị định là hội do người dân thành lập phải có nghĩa vụ thực hiện nhiệm vụ ĐCS giao cho; phải thực hiện đường lối, chủ trương của ĐCS theo chính sách, pháp luật của nhà nước.  

Người dân và hội chỉ có nghĩa vụ làm đúng pháp luật chứ không thể có nghĩa vụ chấp hành đường lối, chủ trương của ĐCS. Điều đó không thể ghi vào văn bản luật được. Do đó, theo tôi, nghị định 126 là nghị định ngăn cấm lập hội!”

Liên quan tới việc giao nhiệm vụ cho hội, Điều 8 Nghị định nêu rõ: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và cấp có thẩm quyền ở Trung ương giao nhiệm vụ đối với hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh;  Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp có thẩm quyền ở tỉnh giao nhiệm vụ đối với hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, huyện; Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp có thẩm quyền ở huyện giao nhiệm vụ đối với hội hoạt động trong phạm vi huyện, xã; Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và cấp có thẩm quyền ở xã giao nhiệm vụ đối với hội hoạt động trong phạm vi xã.

Người dân và hội chỉ có nghĩa vụ làm đúng pháp luật chứ không thể có nghĩa vụ chấp hành đường lối, chủ trương của ĐCS. Điều đó không thể ghi vào văn bản luật được. Do đó, theo tôi, nghị định 126 là nghị định ngăn cấm lập hội. – Nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung

Nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung nói thêm, Nghị định 126 ban hành vào khi “các nhà hoạt động xã hội dân sự đã bị đàn áp, bắt bớ hoặc phải đi tị nạn. Như vậy trong nước không còn những lãnh đạo xã hội dân sự độc lập không thuộc nhà nước nữa”.

Nhà hoạt động xã hội dân sự Trần Anh Quân cũng cùng ý kiến khi cho rằng:

Việt Nam chỉ cho lập Hội trên văn bản thôi chứ thực tế sẽ không dễ dàng. Có chăng là những hội nhóm vui chơi giải trí, chứ lập hội để bảo vệ quyền con người, bảo vệ môi trường hay xây dựng chính sách thì sẽ là không. Họ chỉ cho lập Hội trên lý thuyết, hoặc nếu cho thành lập hội nhóm thì chính quyền sẽ để những đoàn viên, đảng viên, nói chung là “người nhà” của họ thành lập và quản lý. Mục đích là để báo cáo với thế giới rằng Việt Nam cho lập hội.  

Về thẩm quyền giải quyết các thủ tục về hội, Điều 15 Nghị định 126/2024 quy định rõ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều lệ đối với hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc có đảng đoàn; Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ; đình chỉ hoạt động có thời hạn, cho phép hoạt động trở lại đối với hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh, trừ trường hợp luật, pháp lệnh có quy định khác về thành lập, phê duyệt điều lệ hội; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội; cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ; đình chỉ hoạt động có thời hạn, cho phép hoạt động trở lại đối với hội hoạt động trong phạm vi tỉnh;  Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội; cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ; đình chỉ hoạt động có thời hạn, cho phép hoạt động trở lại đối với hội hoạt động trong phạm vi huyện, xã.

Họ chỉ cho lập Hội trên lý thuyết, hoặc nếu cho thành lập hội nhóm thì chính quyền sẽ để những đoàn viên, đảng viên, nói chung là “người nhà” của họ thành lập và quản lý. Mục đích là để báo cáo với thế giới rằng Việt Nam cho lập hội. – Nhà hoạt động Trần Anh Quân

Thực tế, Quyền lập hội là một trong các quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 và tiếp tục được ghi nhận trong các bản Hiến pháp sau này. Điều 25 của Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

 

Related posts