Vào đúng ngay dịp Giáng sinh cuối năm, công chúng tham gia mạng xã hội đã xôn xao về việc Nghị định 147 của chính phủ chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, nghị định này đã được xem là biện pháp pháp lý siết chặt hơn của chế độ Cộng sản trong nước đối với người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam. Không ngoa khi có người đã từng ví Nghị định 147 như một “vòng kim cô” đối với họ vậy.
Tên chính thức đầy đủ của Nghị định 147/2024/NĐ-CP là “Nghị định về việc Quản lý, Cung cấp, Sử dụng Dịch vụ Internet và Thông tin trên Mạng” do Chính phủ trong nước ban hành vào ngày 09/11/2024, có hiệu lực thi hành vào ngày 25/12/2024.
Ngay phần thượng dẫn về những tham chiếu pháp lý cho Nghị định số 147, chúng ta sẽ dễ dàng đoán ra mục đích chính yếu của chế độ qua liệt kê các đạo luật như Luật An ninh Quốc gia và Luật An ninh Mạng là nhắm vào đối tượng những người sử dụng mạng xã hội. Ít nhất sẽ bao gồm các trang mạng phổ biến trên nền tảng internet hiện nay, như Facebook, X, Instagram, Threads, YouTube, TikTok…
Không chỉ mục đích, mà cả về phạm vi nêu tại điều 2 của nghị định cũng đã cho thấy tham vọng rất lớn của chế độ khi muốn áp dụng sự khống chế mạng xã hội của mình vượt ra khỏi biên giới lãnh thổ quốc gia, có thể vươn đến cả Bắc Mỹ, Châu Âu, Châu Á hoặc Châu Úc… nơi có các cộng đồng người Việt đang sinh sống, nếu họ có tham gia sử dụng mạng xã hội.
Theo đó, các danh khoản tham gia mạng xã hội có hoạt động tại Việt Nam sẽ phải thực hiện việc xác thực bằng danh tính thật, kèm theo số điện thoại di động hoặc mã định danh cá nhân (trong trường hợp người chủ danh khoản không có số di động tại Việt Nam) để được phép hoạt động, đăng tải nội dung (bài viết, bình luận, chia sẻ thông tin…) hay tham gia phát sóng trực tiếp (livestream).
Theo nghị định, người dùng mạng xã hội có thời hạn 90 ngày kể từ ngày 25/12/2024, để thực hiện yêu cầu xác thực danh khoản đang hoạt động.
———————————————
Người dân sắp mất cả tiền lẫn tự do vì nghị định 147
HRW: Nghị định 147 của Việt Nam xiết chặt thêm quyền tiếp cận thông tin và quyền tự do biểu đạt
Chính phủ ra Nghị định quản lý mạng xã hội buộc người dùng định danh mới được livestream
————————————————
Các động thái mới này được truyền thông trong nước tuyên truyền cho rằng nhằm siết chặt tình trạng lan truyền thông tin giả mạo, đồng thời góp phần làm giảm, hạn chế các kịch bản lừa đảo trên mạng đang lợi dụng sự dễ dãi trong quản lý, đăng ký tài khoản mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Đáng nói nhất là biện pháp chế tài theo nghị định này, trong đó, danh khoản mạng xã hội sẽ bị khóa vĩnh viễn nếu đăng nội dung xâm phạm an ninh quốc gia. Cụ thể, khi danh khoản của một người dùng mạng xã hội đăng tải nội dung xâm phạm an ninh quốc gia và có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền thì tổ chức cung cấp mạng xã hội phải khóa vĩnh viễn và không cho người sử dụng tại Việt Nam truy cập vào danh khoản mạng xã hội đó.
Các hành vi được liệt kê bị xem là sử dụng không gian mạng để xâm phạm an ninh quốc gia có thể kể đến như: Xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, lãnh tụ, anh hùng dân tộc; xuyên tạc chính quyền nhân dân; chia rẽ các dân tộc… Bên cạnh việc bị khóa danh khoản, người dùng mạng xã hội còn có thể đối diện với việc bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trước khi có Nghị định 147, thì không gian biểu đạt chính kiến cho người sử dụng mạng xã hội ở trong nước đã thu hẹp đến mức không còn mấy người dám lên tiếng chỉ trích, phê phán về các vấn đề chính trị, pháp luật, xã hội trong nước. Trừ phi đối tượng mà họ đề cặp là cá nhân không liên đến chế độ (đảng Cộng sản hoặc chính quyền).
Thế nhưng nay, với Nghị định 147, chế độ trong nước đã được “chắp thêm cánh” để không chỉ đàn áp trong nước, mà còn có thể mạnh dạn vươn dài cánh tay ra khỏi biên giới để đàn áp, khống chế mạng xã hội, nhằm dập tắt mọi tiếng nói, dù chỉ là phản biện từ ngoài nước.
Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế, Human Rights Watch (HRW) đã có bài viết phản ứng, kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ Nghị định 147 với nhan đề “Hãy hủy bỏ các điều luật tai hại về mạng internet”.
Lý do chính khiến tổ chức này chỉ trích Nghị định 147 là sự mơ hồ của những thuật ngữ như “an ninh quốc gia,” “trật tự xã hội,” và ngăn ngừa vi phạm “đạo đức, thuần phong mỹ tục”. Theo họ, chính quyền Việt Nam liên tục sử dụng những mục đích kiểu này để đàn áp bất đồng chính kiến.
Bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc châu Á của HRW, phát biểu trong bài viết: “Nghị định 147 mới và các luật an ninh mạng khác của Việt Nam không bảo vệ công chúng khỏi bất kỳ mối lo ngại an ninh thực sự nào cũng như không tôn trọng các quyền con người cơ bản.”
“Do công an Việt Nam coi bất kỳ lời chỉ trích nào đối với Đảng Cộng sản Việt Nam là một vấn đề an ninh quốc gia, nghị định này sẽ cung cấp cho họ thêm một công cụ để đàn áp bất đồng chính kiến.”
Không chỉ phản ứng từ tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế, mà đánh giá về phương diện pháp lý, thì nghị Định 147 hoàn toàn là một văn bản lập quy vi hiến. Vì lẽ, các nội dung của nghị định này hoàn toàn vi phạm Hiến pháp khi cấm đoán quyền tự do ngôn luận trên mạng xã hội, mà điều 25 của Hiến pháp đã quy định bảo hộ.
Đây cũng là lý do khi Nghị định 147 ghi lời dẫn tham chiếu đến 10 đạo luật làm cơ sở pháp lý, nhưng lại hề không tham chiếu Hiến pháp.
Ngoài ra, sự chế tài quy định theo nghị định cũng là sự tùy tiện vô pháp. Vì theo nguyên tắc lập pháp, một nghị định không có quyền quy định về sự chế tài công dân nếu không tham chiếu trên một đạo luật cho phép quy định chế tài.
Nhìn ra thế giới bên ngoài, nơi các quốc gia văn minh sở hữu các trang mạng xã hội Facebook, X, Instagram, Threads, YouTube, TikTok… nơi có đến hàng tỷ người đang tham gia, thì không có quốc gia nào đòi hỏi người dùng phải khai báo thông tin về danh tính, số điện thoại… cả.
Chỉ có Việt Nam, với ông Tô Lâm, lãnh đạo xuất thân từ lực lượng an ninh mới áp đặt quy định như vậy. Mặc cho cách nay không lâu, chỉ tròn 60 ngày trước, khi phát biểu trước Quốc hội thì chính ông Tô Lâm đã tuyên bố hết sức mạnh miệng cho rằng “cần từ bỏ tư duy không quản lý được thì cấm”.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của RFA.